Thursday, February 28, 2013

Cây đinh Nguyễn Đắc Kiên

Nguyễn Đắc Kiên là một anh hùng? Không phải. Và anh hoàn toàn cũng không muốn được như vậy. Đơn giản anh chỉ là một con dân nước Việt, đau theo nỗi đau của vận nước nổi trôi.
Cảm kích hành động lên tiếng phản kháng của anh, mấy ngày nay cư dân mạng xôn xao hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên dũng cảm. Và chuyền cho nhau những bài thơ của Nguyễn Đắc Kiên.
Có người ví von rằng, chuyện của anh Kiên như là một cây đinh đóng thêm vào nắp quan tài của chế độ độc đảng toàn trị.

Nguyễn Đắc Kiên đã bước ra ánh sáng. Và đang chờ những người kế tiếp nhích bước theo anh.

Xin giới thiệu đến quý vị hai bài thơ trích trong tập "Những số không" của Nguyễn Đắc Kiên. Thơ của anh Kiên xứng đáng được nằm lòng.

 
Anh Kiên đã nhích bước ra rồi đó. Ai nhích thì nhích theo đi...

1. tường Béc-lin – tường Hà Nội

tường đổ rồi,
Béc-lin còn đó.
đừng nói với tôi,
về hiểu nhầm tai hại.
Béc-lin đã nhầm về chính Béc-lin?

đừng nói với tôi,
về hiểu nhầm tai hại.
hãy nói thật đi,
chúng ta sai.

chúng ta sai.
như lẽ tự nhiên,
như lịch sử ngàn đời có lỗi.
có sao đâu,
đơn giản,
chúng ta sai.

quá khứ chấm hết vào hôm nay,
và ai cũng biết mai chưa là tận thế.

vậy nhận đi,
chúng ta sai.

chúng ta sai.
chúng ta làm lại.
cha ông mình chẳng đã làm lại mãi đấy thôi.
nhân loại ngàn đời cũng sai rồi làm lại.
sao phải nặng nề,
bám víu.
chúng ta sai.

độc đảng là sai,
đa nguyên là tiến bộ,
dân chủ tự do là quyền cơ bản Con người.
phản bội lẽ này,
chúng ta sai.

nhận đi!

đừng nói với tôi,
về Dân chủ Tự do.
khi nói thật,
vẫn phải ngoái đầu nhìn lại.
đất nước mình không có Tự do.

nếu có một bức tường Hà Nội,
như Béc-lin,
ta sẽ xô đổ,
Hà Nội sẽ vẫn còn.
như Béc-lin,
bức tường đã đổ.
họ cũng như mình,
họ cũng đã từng sai.
                 
hà nội, 29.5.2012


2. nghe con thơ tập nói

dưới ngọn giáo
mang tên,
Ý thức hệ,
đất nước bị cầm tù.

Ý thức hệ,
đấu tố cha ông,
bỏ tù mọt gông,
bất cứ trái tim nào dám sống.

Ý thức hệ độc tài,
bội phản lẽ nhân sinh.

Ý thức hệ,
đẻ ra những điêu linh,
biến bệnh hoạn hoá ra lẽ thường tình.
người câm điếc hoá ra người biết sống.
quỳ gối, khom lưng ra kẻ ấy thiên tài.

đất nước tôi,
không còn thấy những hình hài,
nói dõng dạc tiếng Con người,
thuở ấu thơ mẹ dạy.

tội đấy phần ai,
ngoài mi,
Ý thức hệ độc tài.

hà nội, 19.5.2012

Thursday, February 21, 2013

Giáp năm

Hình: Mấy ông anh quỳ lạy dâng sớ trong lễ cúng
Hôm qua, ở nhà làm đám giỗ Mẹ tôi. Anh chị em về đông đủ. Thiếu mỗi mình. Gọi điện thoại về hỏi thăm thì nghe kể bà con, người lối xóm đến đám giỗ đông đúc lắm.

Tuổi thơ của Mẹ gặp điều bất hạnh. Bà ngoại mất khi Mẹ tôi còn bé, ông ngoại ở vậy, gà trống nuôi một đàn con. Mẹ được ông ngoại gửi vào Đà Nẵng nhờ gia đình ông bác trông nuôi và cũng để phụ giúp việc nhà. Nhà bác làm thông phán cho Tây, nên nhờ vậy Mẹ tôi được biết thêm cái chữ và qua đó, có một lần tôi tình cờ phát hiện ra một điều, bà Mẹ quê của tôi có thú vui tao nhã mỗi lúc rảnh rang: đó là đọc sách.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh Mẹ tôi ngồi bên hiên nhà, say sưa lật giở từng trang cuốn tiểu thuyết dày "Trăm năm cô đơn" của Gabriel Garcia Marquez.

Một bận  ngồi nghe Mẹ kể chuyện xưa: khi còn ở nhà bác thì có lần ông anh lớn đến thăm. Được anh mua cho cây cà-rem, sợ bà bác nên không giám ăn, giấu sau đống củi chờ lúc làm xong việc nhà, canh lúc bác ngủ thì chạy ra kiếm cây cà-rem. Rồi Mẹ tôi đứng khóc hu hu tiếc rẻ cây cà-rem "ai đã ăn mất" mà sót lại cái que chỏng gọng. Cả đám anh em chúng tôi nghe chuyện rồi phá lên cười. Cười chảy nước mắt.
Mẹ cũng là người thích coi tivi. Ngoài phim truyện, cải lương... thì Mẹ tôi đặc biệt thích những chương trình về khoa học đời sống, về thiên nhiên hoặc động vật hoang dã. Mẹ tôi thường bảo: Coi để biết thế giới và mở mang học hỏi.
Mặc dù là ở quê, nhưng có lẽ ảnh hưởng nhận thức thị dân đối với người phụ nữ như Mẹ tôi là do từ hồi bé ở nhà bác và sau này lấy ba tôi và cũng đều có một thời gian sinh sống ở thành phố lớn như Đà Nẵng.

Mẹ tôi là người giỏi tần tảo, và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng vườn. Vườn nhà ngoại rộng 5 sào chỉ một mình, một tay mẹ chăm lo vun quén. Ngày Mẹ mất chúng tôi xé những giải khăn sô ra buộc cho cây. Bây giờ mà đứng ở góc vườn nào, cũng đều nhớ đến hình ảnh của Mẹ tôi lúc nào cũng lăng xăng vườn tược.

Điều đặc biệt nữa là Mẹ tôi là người trọng tình nghĩa. Luôn coi trọng tình bà con thân ruột anh em. Chúng tôi có nhiều anh em cousins con cậu, con dì. Cứ mỗi dịp hè là được gặp nhau. Đà Nẵng hoặc Huế thay phiên nhảy tàu hằng năm, nhờ vậy mà cho đến nay giữa chúng tôi, tuy tuổi đã lớn và đều có cuộc sống riêng, nhưng cảm giác gần gũi vẫn còn như hồi bé.
Gia sản ruột thịt do Mẹ tôi và các Cậu để lại cho anh em chúng tôi quý hóa vô cùng. Sự qua lại thường xuyên từ tấm bé của chúng tôi là sợi dây thắt chặt tình thân mà trở nên bền vững.

Giáp năm. Nỗi buồn rồi sẽ vơi, nhưng chắc chắn niềm nhớ vẫn còn. Và những câu chuyện, những hình ảnh về Mẹ hoặc lẽ sống của đời Mẹ sẽ luôn được nhắc tới năm này, năm sau, năm sau, và nhiều nhiều năm sau nữa.

Cung kính quỳ lạy.



Thursday, February 14, 2013

Câu chuyện tình yêu

"Đám cưới xong. Ông bảo, phải gác việc riêng lại để dành niềm vui cho ngày đất nước thống nhất. Và quyết định không động phòng, ông nói lỡ có bề gì thì bà cũng còn giữ được trinh tiết mà đi lấy chồng khác. Giao phó việc nhà lại, ông tập kết. Đi lút một cái hết mấy chục năm. Bà ở vậy chăm sóc cha mẹ chồng. Mấy lần ông bà già khuyên cứ đi bước nữa, nhưng bà vẫn ở vậy trọn bổn phận dâu con; ngày làm ruộng đêm nhận nhiệm vụ giao liên, canh gác cho cách mạng.

Giải phóng được 10 năm ông mới trở về. Bấy giờ đã là một cán bộ có vợ Hà Nội và 6 đứa con lấp xấp tuổi nhau. Bà nuốt nước mắt bỏ đi, bỏ lại sau lưng 30 năm làm dâu không chồng, không con...Trước lúc chết, ông cho người đi tìm bà. Bên gường bệnh ông đã nói lời xin lỗi. 

Tui gặp người đàn bà 83 tuổi vẫn còn nguyên vẹn trinh tiết này trong căn nhà tình nghĩa xây ọp ẹp, nằm bên mép sông Tiền. Nghe câu chuyện của bà, nó không quá đặc biệt, giống như những câu chuyện li tán khác trong chiến tranh. Cũng tự hỏi, đó có phải là tình yêu; hay đơn thuần chỉ là sự cam chịu, an phận và đức hy sinh căn cố của phụ nữ Việt truyền thống. 

Bà vẫn lặng lẽ sống. Một mình với 180 ngàn/tháng chế độ dành cho người già neo đơn cùng với 180 ngàn/tháng cho người thuộc diện chính sách. Tui ngắm bà ngồi trong căn nhà tình nghĩa vá víu tứ bề. Mặt bà ngước lên nhìn thấy trời xanh lọt qua mái lá, mà không nghe có lời giải đáp nào..."

Câu chuyện trên đây tôi đọc được trên FB của người bạn. Mượn về để chia sẻ với mọi người nhân ngày lễ của hoa hồng và chocolate.

Câu chuyện này có thể không hay và cũng không lạ lẫm gì đối với một số người. Nhưng lại mang đến cái cảm giác như có một vết xước ngang lòng khi đọc nó.

Saturday, February 9, 2013

Chúc Tết :)

"...Hãy chúc ngày mai, sáng trời tự do... "

                              (Phạm Đình Chương)