Sunday, May 11, 2014

Về một tấm hình biểu tình

Biểu tình phản đối chính phủ TQ (đợt 3) tại Thăng Bình - Quảng Nam

Biểu tình không phô trương. Nói không ngoa là: đúng chất Quảng Nam.

Tâm tư, tình cảm được thể hiện rõ ràng, chân chất trên những tấm biểu ngữ mộc mạc, nhưng được viết rất nắn nót.

Nhìn tấm hình làm tôi liên tưởng đến phong trào chống sưu cao thuế nặng ở Trung kỳ trong giai đoạn thuộc Pháp, xảy ra đồng thời với phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh. Chính quyền ap bức quá, bất công quá thì người dân nổi lên chống lại. Bắt đầu lẻ tẻ tử một vài phủ, huyện ở Quảng Nam, sau trở thành phong trào khởi nghĩa rộng lớn khắp miền Trung, kéo từ Thừa Thiên, đến Phú Yên.

Thời đó, chắc chắn là không có cờ xí đỏ một góc trời, hoặc vàng một góc phố như ở SG, HN, hoặc Little SG ở Cali như thời hôm nay. Nhưng tính khốc liệt của nó thì hơn hẳn vì chẳng có ai "đồng lòng cùng chính phủ". Như những tấm hình được đăng trên các báo ở trong nước.

Thời đó biểu tình ôn hòa, nhưng nộ khí thì đằng đằng. Không thỏa hiệp.

Yêu và trân trọng một cách nắn nót cái tinh thần này.

Friday, March 14, 2014

R.I.P chú Ánh



Chiều thứ Sáu, ngày 14 tháng Ba. Đang dạo dạo trên FB thì bất ngờ màn hình pop-up lên tấm hình chú Ánh từ FB của anh bạn. Cái gì mà R.I.P? Có hoa mắt không vậy? Gởi tin nhắn qua. Không ai đùa giỡn chuyện như vậy được. Vậy là Chú Vũ Ánh đi thật rồi...

Ông là một nhà báo đáng kính ở quận Cam.
Tôi khẳng định như vậy. Và tôi tin điều tôi nói ở trên là đúng.

Nhớ lại thời kỳ học việc trong tờ NV, ngoài sếp trực tiếp là anh H.N, thì người mà tôi được làm việc rất nhiều là chú Vũ Ánh. Hồi đó, ông làm chủ bút, và thường xuyên trực tòa soạn cuối tuần. Còn tôi, anh học việc, thì tất nhiên cũng luôn luôn được giao việc cuối tuần. Tôi chạy đi lấy tin. Trưa vội về viết bài. Hai chú cháu thường cùng nhau nhai bánh mỳ chợ Cũ hoặc Lee- Sandwiches (vì cuối tuần anh bếp của tòa soạn nghỉ). Phòng biên tập hồi đó vốn đã ít người, cuối tuần chỉ có hai chú cháu. Ông lọc cọc gõ trên bàn phím. Thỉnh thoảng nghe tiếng ông đằng hắng. Ho.

Rồi tôi bỏ việc làm báo. Một hai năm sau thì ông và anh H.N cũng xếp đồ đạc, sách vở bỏ vào thùng ra đi trước sự hớn hở của những người biểu tình ở quận Cam.

Nhưng ông vẫn làm báo. Vẫn đường hoàng, mực thước và chính trực trên những bài viết của mình. Tôi đặc biệt rất thích đọc những bài viết theo lối kể chuyện của ông. Giọng văn ông viết chứa nhiều tình cảm. Rất nhiều lần sau này tôi được gặp ông, và tôi phát hiện ra rằng: mỗi lần bắt tay, tôi luôn nhận được từ ông một luồng ấm áp.

Tôi nhớ không lầm, thì có một lần chú Phan, một biên tập viên của tờ NV, nói với tôi rằng: Nghề báo không phải là ngành thời trang.
Sự so sánh này tất nhiên là không hẳn đúng. Nhưng tôi nghĩ câu nói này cũng có cái lý. Sức trẻ xốc vác có thể hoàn toàn phù hợp với việc lăn lộn săn tin. Nhưng tính mực thước, sự điềm đạm và kinh nghiệm của tuổi nghề khiến cho bài viết có thêm nhân cách.

Chú Vũ Ánh là một nhà báo có nhân cách đáng kính trọng.
Ông mất quá đột ngột, khiến cho những người có quen biết ông đều cảm thấy bàng hoàng.
Thật buồn và cảm thấy tiếc quá!

Xin vĩnh biệt Chú Ánh, một nhà báo chính trực!



Vài hàng sơ lược về tiểu sử của chú Vũ Ánh - một trong số những người đáng kính mà tôi may mắn được gặp ở trong đời.

Nhà báo Vũ Ánh (cũng là tên thật của ông), sinh năm 1941 ở Hải Phòng, còn có bút hiệu khác là Vũ Huy Thục. Trước năm 1975, từ 1964 phục vụ tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia đến sáng ngày 30-4-1975, với các chức vụ: phóng viên mặt trận 7 năm, rồi trưởng phòng Bình Luận, Chánh Sự Vụ Sở Thời sự Quốc tế và Quốc nội cho đến 10 giờ sáng 30-4-1975. Ngoài ra, ông còn cộng tác với các nhật báo Dân Ý, Báo Đen và Sóng Thần vào những năm chiến tranh.

Sau 30-4-1975, đi tù cải tạo dưới chế độ Cộng sản 13 năm, trong thời gian này bị nằm “chuồng cọp” mất 5 năm liên tiếp vì chống lại chế độ lao tù và ấn hành tờ Hợp Đoàn (báo chui trong trại giam). Được thả về gia đình với 5 năm quản chế, mưu sinh bằng lao động chân tay cho đến khi được định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1992.

Sang Mỹ, chú Vũ Ánh trở lại nghề báo và truyền thông: Nhật báo Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo (TTK), Nhật Báo Người Việt (TTK và Chủ Bút), cộng tác với nhật báo Việt Herald. Đồng sáng lập đài Văn Nghệ Truyền Thanh (VNTT), Việt Nam California Radio (VNCR) và làm việc ở đó 10 năm, cộng tác với Đài Truyền Hình SBTN, hiện cộng tác với Tuần báo Sống, trong vai trò Cố vấn Biên tập.

Chú Ánh mất chiều ngày 14 tháng Ba, năm 2014. Hưởng thọ 73 tuổi.

Sunday, March 2, 2014

Argo - Oscar của năm ngoái (2013)

Trước thềm Oscar lần thứ 86 (2014), có nhiều phim được đề cử (9 phim), chỉ mới xem qua một vài phim, nên không thể đoán già đoán non, và để cảm giác hồi hộp cho đến lúc trao giải vào ngày mai (ngày 2 tháng Ba, 2014). Vì thế, hôm nay nói về phim Argo, phim hay nhất Oscar thứ 85 của năm ngoái (2013), khi qua mặt ngoạn mục của nhiều dự đoán dành cho phim "Lincoln" của đạo diễn Steven Spielberg.

Điện ảnh phản ánh nhiều chủ đề, có thể đề cập đến mọi ngóc ngách của đời sống. Và một trong những biểu hiện dễ thấy trong điện ảnh là tính đề cao, có thể xem đó là điểm tích cực, kể cả khi đụng chạm đến lĩnh vực chính trị. Điện ảnh Mỹ cũng không ngoài khả năng đó, thậm chí nó đề cao chính trị Mỹ đến mức phô trương. Nhưng, điều quan trọng là sự đề cao được các nhà làm phim ở Hollywood lái qua, hay nói một cách khác, là làm sao mang yếu tố thú vị, phim về chính trị nhưng không lên gân mà thực sự cuốn hút người xem theo câu chuyện đến cảnh cuối cùng. Cái tài những người làm phim của nền điện ảnh số 1 thế giới là vậy. Xem phim liên quan đến chính trị mà không thấy khiên cưỡng, hoặc đỏ mặt tía tai vì sến hay vì ngượng. Đó là sự xuất sắc của đạo diễn phim Lincoln. Đó là cái tài của những nhà kể chuyện trong phim Argo, trong đó có anh đạo diễn trẻ Ben Afflect.

Argo là phim của CIA từ đầu đến cuối. Một câu chuyện có thực về vụ giải thoát con tin, tạo nên sự khủng hoảng chính trị giữa Iran và Mỹ ở những năm 80, trong đó những chi tiết của nó được giấu kín cho đến 30 năm sau mới được công bố theo luật bạch hóa hồ sơ từ Nhà Trắng. Nghe đến đây, cũng đủ thấy phim hấp dẫn như thế nào rồi.

Như mọi người đã biết, hiện tượng chống Mỹ trên toàn thế giới vốn âm ỉ qua nhiều thập kỷ, phải nói rằng cho đến những năm 70-80 thì lên đến đỉnh điểm. Thời gian đó, cuộc cách mạng Iran bùng nổ. Những công dân nước Mỹ bị mắc kẹt trong thế giới của người Hồi giáo.Và những thước phim đầy kịch tính mở màn. Không có ai lên tiếng cứu giúp những người Mỹ đang mắc nạn. Chỉ có chính phủ Mỹ ra tay giải thoát công dân của mình. Nước Mỹ - một mình - chống lại thế giới.

Argo là bộ phim thú vị mà không cần đến những kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn khuôn sáo mà chúng ta thường gặp trong những phim gián điệp. Không có màn đấu súng, không có những vụ nổ, những cảnh vật lộn, hoặc đánh nhau bằng tay không. Sự hồi hộp của phim xuất phát từ những gì có thể xảy ra trên màn ảnh khiến khán giả như nín thở từng giây và không thể có một chút phân vân để mà phán đoán. Số phận các nhân vật trong phim luôn được đẩy về phía hiểm nguy khiến người xem luôn ở tình trạng phải lo lắng, dù đang ngồi trong rạp máy lạnh chật kín người xem.

Argo là một bộ phim tạo căng thẳng. Yếu tố chính trị hoàn toàn bị chìm đi bởi những tình tiết hấp dẫn được dựng trong phim. Một phim hay, phù hợp với bối cảnh tình hình của vùng Trung Đông, bán đảo Ả Rập thời bấy giờ, rồi trở thành một best picture của năm 2012 - 2013 là tùy theo lựa chọn của phía người xem hoặc từ hội đồng chấm phim Oscar cũng đều hợp lý.

 Bonus tấm hình không nơi nào có ngoài Las Vegas: