Saturday, July 30, 2011

Little Saigon Tour

Nói tới người Việt ở California, người ta sẽ nói ngay là khu Little Saigon. Mặc dù thành phố San Jose ở phía Bắc California có số dân cư người Việt đông nhất .

Riêng vùng Little Saigon do nhiều thành phố phụ cận với thành phố Westminster như Garden Grove, Midway City, Fountain Valley, Santa Ana, Hungtinton Beach, và Anaheim nên Little Saigon trở nên là nơi tập trung sầm uất và náo nhiệt nhất.


Vỏn vẹn diện tích khoảng chừng 2 dặm vuông chạy lên chạy xuống, chạy qua chạy về mất khoảng 1-2 phút lái xe, hoặc 5-7 phút nếu có kẹt xe. Nhưng nơi này hội đủ điều kiện đông, vui và bát nháo như không khí đô thị ở VN.


Không có bến xe đò, bãi đậu xe lam, nhưng ở đây cũng nghe được cái âm thanh nháo nhào như đang ở Xa Cảng Miền Tây.


Không có quán cóc, không có vỉa hè, nhưng ở bên này cũng có thể nghe được tiếng ý ới gọi nhau của những khách đi đường, của kẻ hành khất.. làm như có cảm giác đang bước vội trên dọc hành lang của đường Lê Lợi hoặc giữa chợ Bến Thành của Saigon hoa lệ.


Điểm đến đầu tiên, khu vực Phước Lộc Thọ. Khách phương xa tới, hẹn bạn bè hoặc người thân ở đâu cho dễ tìm. Chỉ có ra nơi chỗ ba ông già người Việt gốc Hoa đang đứng. Vô đây mà mua hột xoàn nếu khách tiểu bang xa dành dụm được nhiều tiền. Và cũng vô đây để săn lùng CD, DVD ca nhạc, phim, hài.. khi muốn có món quà Quận Cam - California với giá rẻ rề đem về làm kỷ niệm.

Đi ăn, đi ăn thôi. Qua Cali là chỉ ăn đồ Việt. Bún Cháo Phở Cơm và Đặc sản của các vùng miền. Tha hồ mà chọn lựa món ăn. Thậm chí cái ổ bánh mỳ của Cali không thôi cũng khiến khách thập phương thòm thèm muốn bưng nguyên cả tiệm về bên kia mà nhai cho thỏa thích.

Qua chơi được mấy ngày thì cả chủ lẫn khách cứ move cái ass ra ngoài Bolsa mà cơm hàng cháo chợ cho nó tiện. Nấu làm chi. Bày đặt. Tốn thời gian.

Đi nhà hàng để thấy cái công nghệ lượm tiền. Phần ăn tại chỗ nè, được thử đủ món. Phần thì order to go đem về nhà, rồi phần thì hẹn ngày về, giờ lên máy bay để còn mà đi pick up.


Ăn uống xong thì đến mục đi ngắm phố ngắm phường, ngắm người qua lại . Mấy anh đến thăm thì đã có mấy ẻm take care. Riêng mấy chị thì có chợ Đêm Bolsa nghe đâu là được lắm.


Còn nữa, đến Little Saigon để nói tiếng Việt và được thoải mái.. xả rác như người Việt. Và chẳng mấy chốc Little Saigon trở thành khu ghetto của người Việt ở xứ Hoa Kỳ.

Dặn dò, đến Little Saigon thì nhớ lận theo tiền mặt. Đi bất cứ nơi đâu, mua thứ gì cũng thấy cash only!

Wednesday, July 27, 2011

Chìa khóa

Là nó đây. Trong cái chùm có 4 chìa: room, door, gate và chìa khóa xe. Đặc biệt là có đồ nghề khui nắp keng. Do thằng bạn đi chơi Florida mua về tặng làm quà. Trên đó có dòng chữ tạm dịch là "sinh ra để chơi". Khi biết mình có đồ chơi, thằng nào trong buổi party cũng thường tìm đến nhờ vả. Rồi khen: Hay quá! Có lý quá.
Thôi đi cha nội. Mở xong rồi trả chìa khóa lại đây.

5h30 sáng Thứ Ba hôm qua, sau khi mặc bộ đồ đồ đi làm, xỏ đôi giày, với tay tắt đèn, xoay cái nút lock cái ổ khóa, kéo cánh cửa phòng. Vậy là xong! Nó đang nằm chình ình trên bàn vậy đó.
Chẳng lẽ cuốc bộ đi làm? Mà nghỉ ở nhà thì cũng lết lê đâu đó ngoài đường chứ làm gì được? May mà còn có cái phone để gọi cho anh bạn nhờ đón giùm.
 

Đi làm về sớm như mọi ngày. Chờ đến 6PM cô chủ nhà mới về, gọi anh locksmith ba bốn bận mới trả lời phone. Sốt cả ruột.
40 đồng.
Em có OK không thì anh đến giúp.
Có ai dám nói không khi mà đã 7PM.

Chắc là phải thay cái ổ khóa mới kiểu này để trị cái đểnh đoảng của mình.


Trong mấy tiếng đồng hồ ngồi chờ chủ nhà và locksmith. Vật vạ làm homeless ngoài đường mới thấy những thứ này xung quanh nơi mình sống.
Chợt nhớ đến câu nói của ông già thằng bạn ở VN qua thăm con cháu. Ổng nói với mình trên xe khi  đưa ổng đi chơi Hollywood, và lái vòng vòng thăm thú Orange County. Còn vợ chồng nó thì bận bịu làm ăn. Ổng nói như ri: Hạnh phúc thay cho những người không có của cải. Ông già hóm hỉnh và triết lý phết!


 Tưởng là có một ngày thứ Ba chết tiệt. Sau khi tẩy trần xong thì chuông điện thoại reo lên. Nhậu mày, ở nhà đó, tau tới chở. Vậy là 1-1 on Tuesday!

Monday, July 25, 2011

For ladies

Thứ Hai đầu tuần đi làm bao giờ cũng oải. Ai cũng nói vậy, nhưng ai cũng phải bật dậy khi alarm réo lên. Có anh bạn thường nói vui, đi làm thứ hai mà được lãnh paycheck thì mắt thằng nào thằng nấy sáng lên. Người khỏe liền. Hahaha..

Hôm nay đi làm biết là paycheck không có, nhưng có câu chuyện nghe được từ một người  bạn trong một buổi tiệc. Nay chép ra làm quà cho mấy chị và mọi người buổi sáng thứ Hai.

"Có hai vợ chồng vừa mới cưới nhau. Đêm tân hôn, anh chồng giục chị vợ đi ngủ. Nhưng chị vợ ngồi đếm phong bì, kiểm lại số quan khách và tổng kết số thu được bao nhiêu. Trong lúc đang đếm phong bì, bất ngờ chị vợ bật lên cười khanh khách. Thấy lạ, anh chồng hỏi: 

-Có chuyện chi vậy em? 

-Ai tặng quà cho mình nhiều à?

Chị vợ không trả lời, vẫn cứ đếm phong bì và lần này thì cười càng nhiều hơn. Anh chồng hỏi, chị nói:  Dạ, không có chi. Rồi chị vẫn cứ cười. 

Khi đến nằm bên cạnh chồng, chị vợ vẫn khúc khích cười hoài. Anh chồng gặng hỏi, thì lúc đó chị vợ mới trả lời:  - Dạ, em nhớ tới Mạ em.

Nhớ Mạ thì sao lại cười?

-Dạ, em nhớ Mạ hồi trước mỗi khi la mắng em thì hay nói với em câu ni.

Mạ nói gì? Anh chồng tò mò.

- Mạ nói với em là: Cái mặt của mi sau này lớn lên có chó mà lấy!"

Hihihi..


Sunday, July 24, 2011

Cao lâu thường ăn chực..

Vì món này có bán ở nhà hàng đâu mà dám đi ăn quỵt? Nhìn giống như mỳ Quảng nhưng khác ở chỗ là cái sợi cao lầu.

Nhà anh chị bạn có bà Nội, bà Ngoại ở VN thường qua thăm cháu, nên mang sợi cao lầu qua. Tui là người thường được nhờ đi đón bà Ngoại ở sân bay, đưa bà Nội ra sân bay. Nên trong danh sách thực khách là có tui trong đó. Kể công tí. Hihihi..

Một điều khá thú vị là tối hôm qua có một người khi ăn món này nhận xét: "ăn cái món này làm cho mình nhớ đến một loại mỳ gì đó của Nhật Bản". Hôm nay lục tìm thông tin về món cao lầu Hội an, bất ngờ khi đọc được cái này.

Cách làm ra sao thì chịu. Vì có học cũng không làm được. Không có sợi cao lầu thì lấy đâu mà làm. Nhưng nghe theo lời của chị chủ nhà thì chế biến món này không có khó. Thịt heo ba chỉ hoặc thịt heo nạc mông, ướp ngũ vị hương vài tiếng cho thịt thấm rồi đem chiên. Cứ chiên cứ chiên cho hết mỡ, vớt cái phần cháy, phần mỡ đổ vào nồi súp đang hầm với xương ở bên cạnh.
Trong nồi súp thấy có rất nhiều hành hương xắt nhỏ. Rồi chuẩn bị rau, hành lá chẻ cọng nhỏ, bánh tráng, ớt, chanh...
Xem tạm vài tấm hình chụp hơi dỏm:

Thịt chiên xắt lát mỏng

Nồi súp bên cạnh vừa nấu vừa chiên thịt

Hành lá chẻ mỏng

Cái này không phải là bánh tráng

Nó đây. Chỉ có ta làm nên tất cả

Tô thứ nhất khi mới đến

Tô thứ hai trước khi về
Ăn cao lầu là phụ, gặp gỡ mọi người và cười suốt buổi là chính. Kết quả là sau khi hết hai chai sương mù, một thùng bia thì mình và hai tên nữa phải leo lên xe của người khác nhờ chở về nhà. Hehehe..

Saturday, July 23, 2011

Loay hoay

1. Tôi cảm thấy cái nóng đến rất sát khi tôi nghe Mạ tôi nói qua điện thoại: "Huế 20 chục ngày ni nắng nóng quá trời. Nóng lơ cơm luôn con ơi. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ. Đứa mô đứa nấy lặc lè.." Tôi loay hoay không biết phải làm gì khi nghe như vậy. Thấy tội quá. Không biết phải làm chi đây?

Ai đã từng ở Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị và trải qua mùa nóng ở miền Trung thì sẽ không quên. Nắng bể đầu. Nóng rang người. Nóng đến le lưỡi. Cái nóng của vùng miền Trung là nóng khô. Không có một chút hơi nước.Nắng nóng không một chút gió. Mà nếu có gió thì cái nóng hầm hập đến càng kinh khủng hơn. Gió Lào thổi qua như đem lửa từ trên rừng về thiêu cháy cả vùng Bình Trị Thiên vậy đó. Cái nắng nóng của miền Trung vào mùa này không làm người ta đổ mồ hôi, vì nước trong người gần như là không còn. Người như rốc lại đi. Đất khô nẻ ra, tạo nhiều bụi. Bụi đất khô khốc tự bốc lên mà bay bám đầy người, đầy nhà. Chà tay lên người, lên da là cảm thấy bụi. Trốn cái nóng, chui rúc ở hốc nào cũng thấy bụi bám đầy. Ngứa ngáy, khó chịu. Đã nóng lại càng thấy nóng thêm.
Nóng thì không ngủ được. Cửa nhà mở toang hoang để cho cái nóng đi ra và đón chút dịu của đêm. Nhìn xuyên ra vườn, gặp những tối có trăng, thấy như đang là buổi sáng sớm vậy đó. Cây cối ủ rũ đứng chịu trận mà chết lặng vì cái nóng.
Nhớ câu đồng dao hồi còn nhỏ hay nói. Lạy trời mưa xuống..

2.Tôi loay hoay nghĩ là có nên gửi cái email qua cho một người để hỏi chút chuyện được không? Vẫn còn quá sớm, hay là không được chậm trễ. Không biết sao. Nghĩ là từ từ và cứ để vậy đi. Nhưng vẫn loay hoay.

3.Lâu nay vẫn loay hoay khi nghĩ về một người bạn mà trước đây chúng tôi đã từng quen thân. Theo tôi thì, giữa chúng tôi không có vấn đề gì. Không hiểu sao mà cả hai đã để cho sự lạnh nhạt, dửng dưng chen vào rồi sự khinh khỉnh đã làm cho xa cách. Công việc khác nhau, sở thích có thể có khác nhau. Nhưng mối quan hệ với những người xung quanh là có chung một sợi dây, chung trong một nhóm.Vậy mà..

Thế là tôi nghĩ: việc gì mình phải vậy, mình vẫn hòa đồng, có liên quan gì đến mình đâu mà như vậy?... Mà sự đời là thế. Cả nghĩ làm cho hiểu lầm, sẽ dẫn đến nghĩ lung tung. Rồi đâm ra giận. Tính tôi không giận lâu. Nhưng tôi buồn dai. Tôi đâm ra loay hoay trong chuyện này.

4. Loay hoay là trạng thái khi mình lâm vào một tình thế khó xử. Không làm được gì cho mình và không giúp được gì cho người. Mắc kẹt trong đời sống. Hay là loay hoay là tâm lý của một người chưa trưởng thành?
Lại đặt một câu hỏi thật là loay hoay.

Friday, July 22, 2011

R.I.P Ông Nguyễn Cao Kỳ

Mình có gặp ông Kỳ 3 lần khi ông cùng gia đình, bạn bè của ông đi ăn ở nhà hàng ở vùng Little Saigon. Nhìn thấy ổng rất bình dị, rất nhẹ nhàng. Không có "ngầu" như mình đã từng biết ông qua báo chí hay lời đồn đãi.
Xin chia buồn cùng gia đình ông về sự mất mát này.

Trích dẫn nguồn từ báo Người Việt, dành cho các bác không vào được báo Người Việt online.


WESTMINSTER (NV) - Ít nhất hai nguồn tin trong công ty Thúy Nga Paris, nơi cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên hợp tác trong thời gian dài, cho biết cựu Phó tổng thống VNCH,  tướng Nguyễn Cao Kỳ qua đời tại Malaysia vào khoảng 1 giờ sáng thứ Bảy ngày 23 tháng 7, giờ Việt Nam.


Tướng Nguyễn Cao Kỳ trong tấm hình chụp năm 1971. (Hình: AFP/Getty Images)

Một trong hai nguồn tin này là ca sĩ Thanh Hà, bạn thân của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, nói rằng cô được thông báo trực tiếp từ Kỳ Duyên.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái ông Nguyễn Cao Kỳ, đang trên đường sang Malaysia mang thi hài thân phụ về Việt Nam an táng.

Bản tin của AP, dẫn lời ông Peter Phan, một người cháu của ông Kỳ, viết rằng ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời trong khi được điều trị bệnh liên quan đến đường hô hấp, tại một bệnh viện ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Cựu đại tá không quân, nhà báo Bồ Đại Kỳ, nghe tin này nói với Người Việt: "Tôi cũng rất buồn, ông vừa là cấp trên vừa là bạn của tôi. Nhưng một phần cũng thông cảm cho ông Kỳ là lúc lớn tuổi mà phải chịu tiếng bấc tiếng chì. Đối với người lớn tuổi thì điều đó cũng đau xót lắm nên qua đời cũng là sự giải thoát."

Ông Bồ Đại Kỳ nói thêm, "Cũng may là ông qua đời ở Mã Lai chứ không phải ở Sài Gòn hay Hà Nội. Nếu không, thì 'họ' sẽ còn lợi dụng cái chết của ông để làm nhiều chuyện khác."

Ông Nguyễn Cao Kỳ sinh năm 1930 tại Sơn Tây, nhập ngũ và qua khóa huấn luyện sĩ quan quân đội quốc gia Việt Nam ở khóa Nam Định năm 1952, rồi được tuyển đưa đi học phi công ở Marrakech, Morocco, cho tới năm 1954.

Trong Không quân Việt Nam Cộng Hòa, ông tiến nhanh từ chức vụ phi đoàn  trưởng vận tải lên tới chỉ huy trưởng căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt. Ông được qua Hoa Kỳ một thời gian để theo học trường chỉ huy tham mưu không quân ở Alabama và khi trở về nước đã thăng cấp mau chóng cùng với nhu cầu phát triển của không quân Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1963 ông tham gia cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm và sau đó được thăng cấp Thiếu tướng, giữ chức vụ Tư lệnh Không quân.

Tướng Kỳ nổi bật ở giai đoạn 1964-1965 vì tính cách độc lập của ông và vai trò của không quân trong sự tranh chấp giữa các tướng lãnh đưa tới những cuộc đảo chính liên tiếp.


Từ tư lệnh không quân lên thủ tướng, phó tổng thống


Giữa năm 1965 khi chính phủ dân sự trao quyền lực cho quân đội, tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, tương đương Thủ tướng.

Năm 1967, Thiếu  tướng Nguyễn Cao Kỳ đắc cử Phó Tổng thống trong liên danh tướng Nguyễn Văn Thiệu và phục vụ tới năm 1971.

Năm 1975 khi quân đội Bắc Việt tiến chiếm miền Nam, tướng Nguyễn Cao Kỳ rời khỏi Sài Gòn trước giờ chót bằng trực thăng ra tàu USS Blue Ridge của hạm đội 7 Hoa Kỳ ngoài khơi Vũng Tàu.




Cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ và vợ là bà Lê Kim trong chuyến về Việt Nam năm 2004. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Những năm đầu lưu vong tại Mỹ ông Kỳ ở Westminster, California và có thời gian làm chủ một tiệm liquor.

Năm 2004 ông gây sửng sốt trong dư luận và gặp sự chống đối mạnh mẽ của nhiều giới trong cộng đồng tị nạn khi loan báo trở về thăm Việt Nam, rồi tiếp theo cổ vũ và môi giới cho việc đầu tư của các công ty Hoa Kỳ vào làm ăn ở Việt Nam. Việc làm này khiến ông bị nhiều người chỉ trích là thỏa hiệp với cộng sản.

Từ năm 2005 ông Nguyễn Cao Kỳ chính thức trở về sống tại Việt Nam và chỉ trở lại Hoa Kỳ từng thời gian, không xuất hiện trước công chúng để tránh những sự đối kháng.

Ông Kỳ có ba người vợ. Vợ thứ nhất của ông là một phụ nữ Pháp ông lấy trong thời gian được huấn luyện phi công ở Bắc Phi. Sau cuộc đảo chính năm 1963 ông kết hôn với một nữ tiếp viên Air Vietnam, bà Đặng Tuyết Mai. Người vợ thứ ba là bà Lê Kim hiện còn sống với ông.

Ông có 6 người con, trong đó cô con gái út Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con người vợ thứ nhì là bà Đặng Tuyết Mai, sau này nổi tiếng trong vai trò là người giới thiệu chương trình trong các băng nhạc Thúy Nga Paris. (HNV)

Thursday, July 21, 2011

Thứ Năm, 7/21/2011

1. Trong các ngày làm việc trong tuần, tôi thích ngày thứ Năm. Vì sau ngày thứ Năm là ngày thứ Sáu, tức là chỉ còn cách một ngày làm việc nữa thôi là được nghỉ, được ngơi., nhưng quan trọng nhất là ngày này paycheck coming on the road cho ngày thứ Sáu. Hahaha..
So với ngày thứ Hai thì nhịp làm việc thứ Năm đã quá trơn tru. Thấy khỏe re. Những gì muốn kết thúc trong tuần thì thời gian của thứ Năm sẽ làm cho dứt điểm. Và cái gì muốn thực hiện cho tuần kế tiếp thì Thursday sẽ tiếp nhận và chuẩn bị triển khai.  Có cái new thì sẽ thấy vui.
Giống như mấy bác nhà nước tổ chức các loại đại hội vậy. Làm gì cũng có trù bị. Đại hôi trù bị bao giờ cũng được thích hơn vì sôi nổi, có tiệc có tùng và quan trọng là cái tính nghiêm trang coi như không thấy. Đại hội chính thức nặng về trình diễn, giống như đi coi show Thúy Nga mà được thông báo là ngày có thu hình.
Tóm lại ngày thứ Năm ok hơn ngày thứ Sáu. Thời gian chuẩn bị thích hơn ngày kết thúc diễn ra.

2. Tôi là người ít khi dùng thuốc mỗi khi bị bệnh. Ráng chống chịu cơn đau cho nó trôi, xong thấy êm thì thôi. Ngoại trừ phải uống thuốc khi phải điều trị lâu dài theo toa bác sĩ. Nếu thuốc uống xoa dịu tức thời là tôi hạn chế. Do đó tôi cũng không thích ăn cháo. Tôi nghĩ đơn giản cháo cũng là thứ thuốc, bởi cháo làm cure người bị bệnh cũng như thuốc uống mà thôi. Cháo is drug thì thôi. Khỏi uống.

3. Mới có được cái account bên Google Plus. Phải được invite mới có à nha. Chắc là phải chuyển từ facebook qua G+. Đi từ thời trang facebook chuyển qua google quần đùi cho nó vui.
Tự nguyện làm fan của Google kể từ cái ngày Google rút khỏi thị trường Trung Quốc vì chính phủ này đòi kiểm soát thông tin. Google không đi dây với quân quỷ đỏ. Biết nói không với cái ác mới đáng mặt Google!
Kết anh Google này và chán cái lão Microsoft. Muốn xây dựng đế chế bằng cách đi deal với quỷ sứ.

4. Cuối tuần này được mời đi ăn Cao lầu. Ở Cali xa xôi thế này mà được ăn Cao lầu Hội an chính hiệu mới là số dách! Tất nhiên mình không phải là Quảng nam, không phải là Hội an nên cũng không phải dân đạo Cao lầu. Nhưng được ăn món lạ của xứ người ở cái chốn xa ngái thế này mới thấy mến cái tình quê hương bạn bè chi lạ. Mà Cao lâu của gia đình người tử tế Eagle làm mới đặc biệt nghe. Sẽ giới thiệu em Eagle đến học art, học bơi chị Bánh Xèo nhà Lún. Vì nghe đâu Eagle cũng theo mẹ sắp chuyển lên vùng Seatle.

5. Nhắn là lập blog thì phải viết cho đều đều. Người mình vốn đã lười mà còn Lú liếc cuối ngày thì coi như một entry được treo nguyên cả tháng. Hehehe..

6.Luôn tiện thì nhắn nhe mấy bạn bè ở gầy đây ít lên facebook mà thường vô blog: Phone tui hết text rồi nên give me a call, dont text, please.. Thank you!

Customer service - Bắt đầu tên gọi, ra ngoài lan man..

Cám ơn tất cả mọi người còm. Sau đây gom lại làm cái entry này cho vui.

1. Huế lãng mạn. Bất kỳ người vùng nào khi nói về Huế cũng nói vậy. Và người Huế cũng thừa nhận như vậy, vì cái này nó thuộc về tự nhiên. Của trời cho. Không phải của để dành. Lãng mạn không phải muốn mà được, bởi như vậy sẽ hiện thân của sự giả tạo. Làm cho ra vẻ lãng mạn sẽ nặng tính trình diễn, nếu không nói là khoa trương. Điều này hoàn toàn đi ngược với cái nét e ấp, kín đáo vốn có của Huế. Lãng mạn mà giả tạo thì mang tính lừa đảo. Nhìn rất chướng.



Tuy nhiên, cái lãng mạn ở trên mà lạm dụng quá nhiều thì sẽ sinh ra rất sến. Nếu có người đã từng gặp Huế lãng mạn thì chắc cũng có người gặp Huế sến rện.Với những người Huế có hơi hướm bảo thủ, cực đoan, khi mà sến, sến nhão nhoẹt thì sẽ đưa cái lãng mạn đến điểm cực cùng của lãng xẹt gọi là sến Huế. Gặp ca này chỉ có xin cúi lạy cả tơi lẫn nón. Độn thổ là vừa.

Bạn Lifegoeson mới chỉ đứng ở chùa Thiên Mụ, nhìn xuống sông Hương mà đã nức nở khen. Nếu bạn quá bộ ngược lên phía trên một chút. Đứng ở Đồi Vọng cảnh mà tận hưởng cái vẻ đẹp của sông nước, núi non hòa quyện vào nhau. Thì lời nức nở ở trên sẽ được đáp đền một cách xứng đáng!

2. Chị Ba Đậu, Mikki Hến, Nhà Lan muốn đổi qua Diệu thì phải mua cua và trứng à nhe. Diệu Ba, Diệu Đậu hoặc Diệu Dàng nghe ra chất mặc dù trong máu chỉ chứa một quarter là Huế. Hehehe..
Riêng Diệu Hến thì tự nhận là Nam Kỳ nhưng sống giữa lòng những người con đất Bắc. Nội cái nick name Hến cũng nói lên điều đó phần nào.
Với người Huế thì hoa lá cỏ cây vườn tược lan man, hoặc theo chùa chiền đạo pháp mà làm nên tên gọi. Nhưng người xứ Bắc thì có thói quen đặt tên con, gọi tên ở nhà cứ chiếu theo thủy sản. Như:  Cái Bống, thị Hến, chú Ốc, thằng Ngao, bác Trùm Sò. Hoặc hay chữ hơn thì Hà Giang, Giang Hà hoặc là em Thủy. Ai biết gì thêm thì xin cứ bổ sung.

3. Khi viết bài giòng họ, đặt tên này thì em cũng có những suy nghĩ như chị BeBoanh Diên Hoàng. Yếu tố Phật giáo làm nên một phần cho cách đặt tên này được hình thành. Sư Bà Diệu Không, Sư Bà Diệu Giác, ni sư Diệu Tánh... Đó là những cái tên gắn chặt lịch sử thành Huế một thời. Hình ảnh người phụ nữ Huế vẫn dịu dàng, thanh đạm nhưng đầy tính quả quyết, tính quán xuyến, lòng nhân từ.. luôn nổi bật giữa chốn ngặt nghèo hay lửa đạn đao binh đã làm ảnh hưởng đến các bậc phụ huynh khi đặt tên cho con gái Huế.

4. Không riêng gì Huế mà cả Việt Nam mang họ Nguyễn quá trời nhiều. Tui hay nói đùa vui là họ Nguyễn nhiều như rác! Mong mọi người đừng bực bội vì Nguyễn Rác tui cũng là cọng rác à nha. Hehehe..

Ở xứ Huế, không riêng gì Nguyễn Đăng, hay Nguyễn Duy như chị Lún, hay chị BeBo nói mà bất kỳ họ nào cũng có một hoặc hai người làm quan ở trong triều. Họ là những tự hào và con cháu muốn ghi nhớ những tiền nhân nên cố gắng lưu danh giòng họ của mình cho đời sau hậu duệ làm gương mà noi theo . Vì vậy, những họ này thường dùng chữ đệm, chữ lót để phân biệt, để chia phái, chia nhánh rất nhiều. Vô hình chung, những họ này có cặp chữ đi kèm như Hoàng Trọng, Trần Mậu, Hồ Xuân... đã trở thành một đặc sản của ý thức bảo vệ giòng tộc. Huế vốn nghèo, không có gì giữ lại hồi môn cho con cháu nên chỉ có mỗi giòng họ, gia tộc để lại cho hậu thế mà thôi.

5. Cảm ơn Dã Quỳ, và blog Nhảm HN. Nhiều người Huế cũng có rất nhiều tính xấu đôi khi cũng đặt tên con theo chữ Kim Tiền, Kim Ngân.. với dụng ý là muốn làm cho con giàu có theo ý mình bởi cái thói gia trưởng, độc quyền chứ không màng phía sau chữ nghĩa. Và đôi khi Huế rất chi bảo thủ. Với cái thói tự tôn văn hóa quá đáng đã làm cho Huế quá đạm bạc đến ư là tội nghiệp. Nếu cái chi cũng nhất Huế, Huế là nhất, cái tính ôm đồm, gom quá nhiều vào mình mà Huế trở nên lố bịch không chừng. Huế cực đoan lắm lắm. Người Huế khó lắm lắm. Để rồi tạo nên cái chướng Huế.

6. Trong nhiều cái còm thì đúng Diệu Khanh thật là đặc biệt. Một cái tên rất Huế, nghe rất nice và Huế rất lovely! 

7. Hihihi..

Wednesday, July 20, 2011

Tên của con gái Huế

Hôm bữa người bạn mời đến nhà. Gặp bạn của bạn, rồi giới thiệu: Đây là Diệu Chi, đây là anh Sơn, gia đình ở bên Úc qua chơi... Nghe giới thiệu tên, nghĩ thầm trong bụng: wow! Lâu lắm mới nghe lại cái tên gọi đầy tính nữ Huế như cái tên này.

Nhớ lại hồi đi học, tên các nữ sinh thường được đặt theo như Mai Lan Cúc Trúc, Hạ Đào Phượng Thu... toàn là tên đẹp. Đặc biệt, với người Huế thường dùng thêm chữ lót như Kim, hoặc Diệu để đặt tên cho con gái. Ví dụ như Kim Hoa, Kim Chi, Kim Ngọc, Kim Phượng, Kim Hồng.. Còn Diệu thì có Diệu Thu, Diệu Minh, Diệu Hiền, Diệu Chi, Diệu Thiện...
Không hiểu vì lý do gì mà các bậc phụ huynh ở Huế thường chọn chữ lót đệm như vậy để đặt tên cho con gái. Cũng có thể là vì Huế có hai địa danh nổi tiếng là vùng Kim Long có nhiều gái mỹ miều, và chùa Diệu Đế danh tiếng của riêng xứ Huế (?)

Làm một phép thử so sánh thì chữ lót Kim khá phổ biến, và ở bất cứ vùng nào cũng đều có người có tên mang chữ lót là Kim. Không riêng gì Huế. Nhưng với Diệu, thì tôi nghĩ rằng, chỉ có riêng xứ Huế  mới làm nổi bật cái nét độc đáo của đất kinh kỳ riêng có mà thôi.
Chọn đại một cái tên gọi nào, đặt bên cạnh chữ Diệu thì sẽ thấy cái nét nhẹ nhàng thanh thoát ở cái danh xưng đó. Thử nhé: Diệu Hương, Diệu Quyên, Diệu Hồng... hoặc hãy gọi tên một người là Diệu Đức, Diệu Nam... Vẫn có nét bay bổng và thấy nhẹ tơn ở cái tên gọi.
Thiệt là diệu kỳ, và hết sức dịu dàng khi bất kỳ tên gọi nào được đứng bên cạnh nàng Diệu.

Với người Huế, khi nghe đến hai chữ tôn thất thì hiểu ngay đây là dòng dõi liên quan đến ông vua, bà chúa. Hậu duệ nhiều đời, nhiều hệ của chúa Nguyễn xứ Đàng trong. Và họ chính là Nguyễn Phước (Phúc). Nhưng theo thời gian, hai chữ tôn thất này cũng trở thành họ một cách ngon lành. Vậy, Tôn Thất hay Nguyễn Phước đều có chung là một.

Bên cạnh đó, vua Minh Mạng còn đặt thêm bài thơ : Đế hệ thi  và 10 bài Phiên hệ thi để phân biệt giòng dõi trực tiếp liên quan đến Vua Gia Long. Đây là một sự phân biệt khá phức tạp không chỉ riêng về những người có gốc gác để có thể làm Vương theo huyết thống, mà còn là một sự rắc rối nhức đầu về mặt hành chánh khi khai tên họ giữa cha và con cái. Họ của cha không giống với họ của con. Họ của ông Nội thì hoàn toàn khác với cháu. 20 mươi chữ của bài Đế hệ thi là như vầy: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh, Bảo Qui  Định Long Tường, Hiền Năng Kham Kế Thuật,  Thế Thụy Quốc Gia Xương

Ngoài ra, Huế nổi tiếng với những họ như: Thân Trọng, Hà Thúc, Nguyễn Khoa và Hồ Đắc.. là những giòng họ vốn rạng danh về khoa bảng. Nên dân gian Huế có câu: Họ Thân không nhà, họ Hà không dân với ngụ ý những người thuộc họ này thuộc danh gia vọng tộc.

Nhưng đó là Huế hoàng gia, Huế của vua quan. Với người Huế thường dân thì lối đặt tên chỉ cần chữ lót Diệu là bất kỳ tên gọi nào cũng thấy mềm như bún.

Nếu ra đường gặp ai có tên lót là Diệu như thế này, thử mon men đến hỏi: Nì, o nớ, o có phải là người có gốc gác liên quan đến Huế?
Dạ phải.
Nghe thiệt là diệu vợi phải không hè?

Friday, July 15, 2011

Minnesota, Corona và Biutiful

Lần đầu tiên đến Minnesota cách đây 4 năm. Tháng 12, lạnh khiếp đảm. Nghĩ là sẽ thấy tuyết ngập trời nhưng không phải vậy. Vùng vạn hồ đóng băng, trời âm độ F.
Hồi đó việc làm bị trễ nải vì tháng cuối năm. Được thông báo nghỉ dài hạn. Thằng bạn rủ:  Lên đây đi. Trước là hưởng cái lạnh cho biết, sau nữa thử thời vận, kiếm job khác, xem sao. Hahaha..

Đêm đầu tiên, không phải là cuối tuần. Có một vài người ghé qua chơi vì nghe dân Cali lên. Nháp nháp vài round trù bị dò đường. Tối thứ Bảy, bạn bè của thằng bạn lục đục kéo tới. Party!
Buổi chiều trước tiệc, nhờ thằng bạn chở ra khu chợ người Á đông, vì không dám lái xe xứ tuyết. Nhà chuẩn bị đủ thứ hết rồi còn mua chi?  Mua Corona, pls...
Hình: Mấy đứa nhỏ xé vỏ thùng đốt lửa

Ở bên này, đồ ăn thì quá ê hề không bụng nào mà biết được hết. Còn đồ uống thì vô số kể.
Rượu thì đủ loại, đủ mùi, đủ màu, đủ đô nặng nhẹ khác nhau. Bia thì thấy quá trời quốc tịch. Có thể nói bia là thức uống rất phổ biến cho nhiều tầng lớp. Từ bia Đức, bia Nhật đến bia vàng, bia đen. Từ bia lon, bia chai, bia tươi bán trong quầy bar đến bia két (barrel nhỏ) được bày bán trong các super market.
Trong cái thế giới của thức uống lên men có gas đó, thích nàng Corona, một loại bia Mễ rất bình dân nhưng lại có cách uống cầu kỳ tạo nên một gu thưởng thức rất là riêng biệt.

Tọng miếng chanh lọt vô trong cổ chai, rắc một ít muối lên miệng chai. Chai cụng chai nghe đốp. Ngửa cổ tu một hơi. Thấy miếng chanh lăn lộn xoay vòng trong dung dịch bia vàng sánh. Dứt hơi, cảm được vị mằn mặn của muối ở trên môi. Le lưỡi liếm, ôi thôi. Đã khát!

Hoặc ngầu hơn thì chà chanh và rắc muối lên mu bàn tay. Hớp một ngụm bia. Cuối xuống liếm phần chanh và muối, như hạ mình xuống phần tục lụy, thêm tí gia vị chua mặn cho nó đời.

Buổi party đầu tiên ở Minnesota hôm đó, cũng có nhiều người uống Corona. Cứ hết round, bật nắp keng, đốp chai với ai là mình nói: Biutiful. Biutiful. Vô đi. Hết chai rồi. Quá đẹp!
Ở chơi 7 ngày mà biutiful hết 6 đêm. Mai tới nhà anh nghe. Mai tới nhà mình nghe. Liên tục như vậy nên sau này, thêm một vài lần ghé lại Minnesota, chết luôn cái tên: Biutiful.

Bữa trước thằng bạn nhắc: biutiful chết dưới Cali rồi à? Sao lâu nay ko thấy lên chơi hả mậy?
Hehehe.. Minnesota, đất lạnh tình nồng!

Cũng bất ngờ là biutiful xuất xứ ở Minnesota nay cũng chạy tót qua North Carolina náo loạn nha.

Hình: Google

Từ sinh nhật, họp mặt gia đình, bạn bè bù khú hoặc gặp mặt ốp-nai. Từ lễ mừng ra trường, lễ mừng rửa xe, lễ quốc khánh Mỹ, hoặc chiều thứ bảy, ngày chủ nhật có trận thể thao bóng rổ, football... Cứ bật nắp keng, bất kể bia mang quốc tịch gì cũng đều biutiful là thấy đời thiệt đẹp.

Cuối tuần rồi.
Đốp đốp, ực ực. Biutiful!

Wednesday, July 13, 2011

Bà Nội

Gia đình tôi có hai bà Nội. Bà Nội hiện tại vẫn còn mạnh, đang sống chung với gia đình chú Em. Anh em chúng tôi luôn thường xem đây là bà Nội chính thức của gia đình. Và gọi bà là Mệ. Lúc còn nhỏ chúng tôi rất sợ Mệ la mỗi khi làm điều gì sai. Lớn lên sau này vẫn luôn kính trọng Mệ và vẫn thường vấn an, thăm hỏi Mệ mỗi khi gọi điện thoại, hoặc có dịp về quê đều ghé thăm nhà ông Nội. Cầu Trời Phật phù hộ cho Mệ khỏe, sống lâu với con cháu.

Một bà Nội khác của gia đình chúng tôi, bà là vợ trước của ông Nội. Mẹ ruột của Ba tôi. Người, mà anh chị em chúng tôi không bao giờ biết mặt, nhưng trong tâm khảm chúng tôi vẫn luôn nghĩ về bà. Luôn tưởng gọi về bà một cách thân thiết, và gọi tên bà là bà Nội.

Mặc dù đã có với bà Nội hai đứa con, ông Nội vẫn có thêm bà hai. Vì vậy, bà Nội lặng lẽ ra đi để lại ba tôi và một chú, em-của-ba tôi, cho ông Nội nuôi.  Lúc đó ba tôi được 10 tuổi. Ba tôi và chú ở với ông Nội và Mợ (cách xưng hô của ba tôi với Mệ). Chú sau này cũng mất sớm nên ba tôi chỉ có một mình. Và ba tôi hoàn toàn không có tin tức hay liên lạc gì với bà Nội từ ngày xa cách đó. Chúng tôi chỉ biết về bà Nội bằng những lời sơ lược qua kí ức của ba tôi kể lại: bà Nội là người ở trong thành (thành nội Huế), sau khi ông Nội có bà hai thì bà Nội về lại quê nhà, nghe nói sau này bà Nội tái giá, lấy chồng ở đâu trong tận Bình Định - Quy Nhơn. Chỉ vậy thôi.

Với cuộc sống sau này có vợ, có con, ham lo mưu sinh. Ba tôi càng không biết tin gì về bà Nội nữa. Nhiều lần ba tôi cũng muốn tìm bà Nội nhưng gia đình vợ con nheo nhóc khiến cho ông không có lúc thảnh thơi để nghĩ đến. Rồi khi điều kiện sống thay đổi, đi lại khó khăn hơn, thời gian làm cho lòng người xa cách nhau hơn.
Dù vậy, ba tôi vẫn luôn nghĩ về bà Nội. Sau những năm ông Nội mất, ba tôi đồ chừng bà Nội cũng già và cũng không còn sống nữa. Thời gian về sau này, ba tôi chọn ngày Rằm tháng Bảy (âm lịch) hàng năm để kỵ nhớ ngày của bà Nội.
Rồi ba tôi mất đi, hình ảnh về bà Nội có thể cũng sẽ nhạt nhòa ở trong ông. Và nếu còn, thì có lẽ chỉ là hình ảnh về một bà mẹ buồn, đau rứt ruột khi phải xa lìa con thơ. Hình ảnh về bà Nội của anh chị em chúng tôi chỉ có vậy trong ký ức của một cậu bé 10 tuổi .

Khi biết chuyện về bà Nội chỉ có vậy. Tôi cũng có ý nghĩ sẽ đi tìm bà Nội cho ba tôi nếu có cơ hội và điều kiện. Và một điều lạ ở trong tôi, một cách thực lòng mà nói:  từ chuyện bà Nội, sau này sống xa nhà, mỗi khi quen biết ai, tôi luôn có cảm tình đặc biệt với người nào có quê quán, gốc gác là Quy Nhơn Bình Định.
Vì tôi nghĩ đơn giản rằng: Biết đâu? Biết đâu người đó là con, là cháu của bà Nội (?) Người Bình Định Quy Nhơn đó, nhiều khi là bà con, là có một phần máu thịt với gia đình mình không chừng!

Bây giờ ba tôi mất đi. Nhưng tôi biết trong nỗi lòng của ông vẫn đau đáu một mong mỏi là tìm bà Nội.

Và anh chị em tôi cũng vậy, cũng mong muốn tìm được bà Nội. Được thấy được di ảnh của bà. Được đứng trước mộ của bà, được thắp một nén nhang, thay thế cho ba tôi, để quỳ lạy tạ ơn sinh thành của bà Nội.
Nhờ bà Nội mà có được ba tôi, rồi có được anh chị em chúng tôi hôm nay. Trước là quỳ lạy tạ ơn sinh thành của bà, sau nữa là xin quỳ lạy để sám hối bởi cái sự xa cách ngàn trời mà anh chị em chúng tôi đã để cho thời gian làm cho ray rứt mãi.
Bà Nội với ba tôi, với anh chị em chúng tôi, là những người có duyên khởi sự với nhau, nhưng ngã phận bọt bèo đã làm cho chúng tôi, ba tôi cùng với bà Nội trở nên xa ngái.

Hôm qua, khi tôi gọi điện thoại về thăm bà chị. Bà chị báo cho tôi một tin bất ngờ, ông anh của tôi ở Daklak đã có những thông tin để có thể đi tìm bà Nội.
Theo lời bà chị tôi kể là có người giới thiệu cho ông anh tôi một người Thầy chuyên tìm mộ người đã mất. Không biết trời xui đất khiến thế nào, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên khó lý giải... Chỉ một vài dòng hết sức sơ lược về bà Nội như trên, mà ông Thầy đã cho ông anh tôi những thông tin về bà Nội, đã không còn, nhưng hiện tại có con, có cháu của bà Nội ở Bình Định Quy Nhơn. Mặc dù chưa rõ thực hư nhưng bà chị và ông anh tôi vẫn khấp khởi mừng thầm. Hy vọng thời gian sắp tới đây ông anh tôi sẽ về Bình Định, Quy Nhơn, tìm đến cái địa điểm qua lời mô tả của ông Thầy, để tìm bà Nội và nhận người bà con ruột rà thân thuộc.

Không biết mọi người nghĩ sao, nhưng với tôi, tôi nghĩ rằng có một thế giới khác sống ngoài mình. Đó là thế giới của tâm linh.

Tôi nghĩ rằng, có thể sau khi ba tôi mất đi, ở thế giới hoàn toàn khác với dương thế hiện hành, ông đã tìm gặp được bà Nội và có thể đó là một sự đưa đẩy ông anh tôi tìm được ông Thầy, đặc biệt hơn là đã giúp cho ông Thầy có những thông tin về bà Nội, về người bà con đầy lý thú.

Tôi tưởng tượng rằng, ba tôi và bà Nội gặp nhau chắc là cảm động.  Một sự gặp gỡ của tủi của hờn. Sự giận, sự thương có thể xảy ra nhưng trong đó, niềm mừng rỡ giữa mẹ và con trong hạnh ngộ trùng phùng là điều chắc chắn.

Rồi tôi cũng đang tưởng tượng về sự gặp gỡ giữa anh chị em tôi với những người bà con ở Bình Định Quy Nhơn. Sự gặp gỡ ban đầu có thể có những lạ lẫm, ngại ngùng. Nhưng tôi tin rằng sự thân thiết sẽ dễ dàng xảy ra khi biết rằng "một giọt máu đào hơn ao nước lã".

Hy vọng!