Saturday, June 30, 2012

Ciao Italia

Thời con nít ai cũng thích đá banh. Mình cũng đã từng lăn theo trái banh nhựa, banh độn rơm. Quần nhau ngoài sân ruộng. Đá cho toạc móng chân ra mới thôi.
Lớn lên chút nữa, tập tõm biết đến những trận banh của thế giới vào năm 84 - 86. Cắt dán, sưu tập hình các danh thủ như Maradona, thủ môn Bats, vua Pele, Platini.. trên các tạp chí có in màu. Nghe tường thuật lại câu được câu mất trên sóng radio về đội Pháp đứng thứ tư thế giới, về những bàn luận "bàn tay của Chúa" của Maradona. Hoặc coi ké tivi nhà người ta mỗi khi có trận đá banh và có nhiểu hiểu biết thêm về luật chơi bóng tròn, hiểu tường tận thế nào là "liệt vị"...
Cho đến mùa hè 1990, World Cup diễn ra ở Ý thì mới được tận hưởng một mùa coi đá banh trọn vẹn. Mỗi lần nhắc. Nhớ hoài. 
Phải nói rằng thề giới những năm 90 là thời điểm bùng nổ công nghệ truyền hình. Tivi mở mang đầu óc con người. Có nhờ vậy mà được nhìn ra bên ngoài. Biết về thế giới qua Mondial 90. Ấn tượng về nước Ý. Thế là nước Ý nằm trong fan list. Đơn giản. Ciao Italia!



Với World cup Italia 1990 mình được mở mắt, cho nên cái gì đối với mình cũng hay, cái gì xảy ra cũng là điều đáng nhớ. Nhớ cầu thủ Roger Mila của Cameroon nhảy quanh "cột cầu ne" ghi khi bàn. Hành động này không chỉ mở đầu cho kiểu mừng bàn thắng vui nhộn mà còn tạo nên làn sóng xuất khẩu cầu thủ đá banh cho các giải quốc tế đến từ lục địa đen.
Tại World cup này mình chứng kiến cả thế giới chống lại Maradona. Đội tuyển Đức thắng đội Argentina trong một trận chung kết hết sức nghèo nàn về lối chơi cũng như bàn thắng.
Thêm nữa, ấn tượng khó phai nhất là bài hát khai mạc mùa hè. Bài này cách đây đã 2 chục năm. Nhưng là bài hát về world cup cho đến giờ nghe vẫn còn sướng nên mình đánh giá đây là bài hay nhất. 

Mê cái world cup này mà kết luôn màu xanh đội Ý. Hồi trước ở Saigon xách chiếc xe Vespa 150 đời cũ đi làm đồng. Mình cũng đã iêu cầu anh thợ sơn xe pha cho ra được cái màu Xanh Italy vừa ý. Gọi là Xanh Italy để phân biệt với Bleus Pháp và cũng rất khác với Xanh Navy đội tuyển Mỹ bây giờ.

Cho dù trải qua nhiều lần world cup, giải Euro, cúp các câu lạc bộ của Âu Châu, rồi kênh truyền hình thể thao bây giờ thừa mứa, ê hề.. nhưng cái "mùa hè Italia" này khó mà quên được.
Cho dù có thể bây giờ không còn là fan mặn nồng. Nhưng trong mùa giải Euro lần này, từng người tình trong mộng như Hòa Lan, Bồ Đào Nha, England đã bỏ ta đi. Chỉ còn lại mỗi bà già Italia. Tình cũ không rủ cũng về. Hêhêhê..

Hôm nay Xanh Italy quay lại. Ngồi nhớ lại cái world cup thuở xưa. Nhớ đến bài hát và nghĩ về chiến thắng của đội Ý vào ngày mai. Xanh Italy. Xanh Hy vọng.

Ciao Italia!

Wednesday, June 27, 2012

Mỗi ngày một tấm hình (11)


Đọc cái tựa của bài báo trong tấm hình rồi phá lên cười sằng sặc. Nứt cả ruột.
Bài phỏng vấn đăng trên Sài gòn Giải phóng Thứ Bảy năm 1994. Dự đoán cho tương lai năm 2010. Bây giờ là 2012.

Đúng là Thánh Chém gió. Hehehe..

(Nguồn: Facebookdotcom)

Tuesday, June 26, 2012

Xuân Hạ Thu Đông.. rồi lại Xuân

Bửa hổm, thấy nhà chị Đậu, Mikki Hến và Dã Quỳ bàn về phim Xuân Hạ Thu Đông.. Mình cũng xí xọn vô coi phim Đại Hàn. Coi xong phim. Bật ngửa.

Phim XHTĐ này của đạo diễn Kim Ki Duk nhuốm màu sắc Phật giáo. Rõ ràng là phim giới hạn người xem. Cho dù là những người có chút kiến thức về Phật giáo, coi xong phim cũng ngờ ngợ là không biết mình hiểu phim đã đúng chưa? Huống chi những người nào không phải là tín đồ, hoặc không có chút hiểu biết mô tê gì về tôn giáo này thì coi như chịu chết. Chưa kể, điện ảnh có ngôn ngữ riêng của nó, những người không rành rẽ nghệ thuật thứ bảy như mình và nhiều người khác, có thể mù tịt về những ý đồ nghệ thuật của đạo diễn họ Kim. Đoán mò. Những hình ảnh đầy ẩn dụ trong phim của Kim. Cách nhìn về Phật giáo theo ngôn ngữ điện ảnh của riêng Kim. Kim làm phim. Duk hiểu.

Còn người xem thì tự suy diễn theo cách hiểu của mình.

Chùa nằm trong rừng, lọt thỏm giữa hồ. Đạo và Đời cách nhau bằng minh họa cái cánh cửa của hai bờ Thiện Ác. Chốn Đạo thì đẹp lung linh còn chốn Đời phải lo mà ngầm hiểu là xấu và ác nên đưa lên phim làm chi? Rách việc.

Mùa Xuân là sự khởi đầu. Vạn vật sinh sôi theo mùa xuân nên mọi chuyện theo mùa xuân mà tìm đến. Bài học đầu tiên là tự mình giải thoát. Cái gì mình kỷ bất dục không mong muốn thì đừng thi ư nhân mà đem đến cho người. Phòng ốc trong chùa không có vách ngăn có thể hiểu đó là giới luật trong Phật giáo. Giữa khuya nửa đêm, chú tiểu cứ băng ngang tường vô hình để phạm giới, tư cách nhà tu lén lút thập thò nên Kim Ki Duk cho chú bò lổm ngổm.

Mùa Hạ là mùa của yêu đương, thấy nước dâng lênh láng như tình. Chú tiểu và cô gái, một nam một nữ trốn sư thầy tha hồ lội trong mùa lênh láng. Yêu từ trong chùa, yêu ra ngoài rừng. Tình yêu đem lại cho con người cảm giác bồng bềnh nên cảnh xập xình trên thuyền đưa vào thêm cho lãng mạn. Yêu quá hóa khờ, quên trước quên sau. Sắc dục làm cho con người quờ quạng nên khi đi yêu về đệ tử quên cột thuyền làm cho thầy phải nhắc.

Mùa Thu. Buồn. Lá vàng rơi. Đạo của thầy con vẫn mang theo nhưng mùi Đời hấp dẫn con hơn. Bài kinh Bát nhã khắc trên sân chùa như trút được nỗi uất ức và khai mở con đường tìm ra chân lý của sự giải thoát. Mùa Thu. Cảnh đẹp đến nao lòng. Trò ly biệt. Thầy cô đơn. Mọi ràng buộc đều đến hồi phải đoạn ly. Con vật thân cậy, chú mèo gần gũi iêu thương của thầy cũng ra đi. Chùa trôi. Thầy siêu thoát vào cõi Niết bàn. Chỉ có linh hồn, hoặc tinh thần đạo Pháp của Thầy là vẫn phảng phất trong hình tượng con rắn lột da trường sinh bất tử. Nhạc buồn não ruột.

Phải nói rằng, trong hệ thống giáo lý của Phật giáo, dưới cái nhìn góc độ triết học thì Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh là luận thuyết nói về tánh Không. Để thấu đạt hết những tầng ý nghĩa của luận thuyết này không phải là điều đơn giản. Kim Ki Duk đã dũng cảm trình bày, chú giải luận thuyết này theo cách hiểu của riêng ông, thông qua thứ ngôn ngữ đầy ẩn dụ của điện ảnh. Vì vậy, phim này làm nhức đầu người xem. Khi xem phim cần kẹp thêm "Kim Từ điển" bên mình để có thể trả lời những câu hỏi tại sao? Cái đó là ý gì? Vừa xem phim vừa lò dò tìm hiểu.

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức theo kinh Bát nhã chính là ngũ uẩn. Tạo nên bản ngã con người. Một khi quán chiếu ngũ uẩn giai không. Thì mọi khổ ách đều không nghĩa lý. Không nghĩa lý thì sẽ vô sở đắc tức là không muốn chiếm dụng. Không sở hữu chiếm dụng thì sẽ không bị mắc kẹt hoặc vô quái ngại. Tâm không bị mắc kẹt thì sẽ không sợ hãi. Không sợ hãi thì dễ dàng xa chốn đảo điên. Mục đích là tìm về chốn Niết bàn. Đó là cảnh giới của chư Phật, Bồ tát.
Bát nhã chính là trí tuệ siêu việt thấu thị tánh Không. Trí tuệ của sự biện thông vô phân biệt chính là Bát nhã.

Mùa Đông, khắc nghiệt cả nghĩa đen lẫn bóng, cả ngoài đời cũng như ở trong phim. Toàn bộ những gì Kim Ki Duk muốn giải quyết đều dồn vào cái tội nghiệp mùa Đông này. Đây là đoạn phim dài nhất, và nhiều hình ảnh ẩn dụ mà người xem luôn có nhiều câu hỏi. Tôi cố tìm một kiến giải nào về đoạn kinh Bát nhã nhưng đành bất lực. Mùa Đông, thấy nhà sư chủ yếu luyện công mà ít thấy luyện kinh. Có thể bí kíp, kinh sách chỉ là phương tiện chứng thành giác ngộ. Đưa Phật lên đỉnh núi thì phải cần sức khỏe. Trường đoạn kéo đá lê thê này không biết ý của đạo diễn họ Kim muốn nói đến điểm gì?

Rồi lại mùa Xuân. Con tạo lại xoay vần. Cảnh sắc lại tươi mới và thêm phần đẹp đẽ. Phật ngồi đó, an nhiên tự tại. Trong khi người đời vẫn tiếp tục chơi trò chơi Thiện Ác trong chốn vô minh.

Coi phim này xong cứ lẩn quẩn trong đầu sắc sắc không không. Kim Ki Duk có làm phim hay không có làm phim? Ai hiểu được thì đạt thấu tầng Bát nhã.

Bản phim uncut gồm 12 phần trên youtube: 

Thursday, June 21, 2012

NBA Final 2012



Khi tập tễnh bắt đầu coi NBA - giải bóng rổ nhà nghề Mỹ. Tôi cũng la hét và theo Lakers fans. Vì dân Cali mà. Vì Los Angeles - Lakers là đội bóng rổ nổi tiếng. Nhưng thực sự tôi không có ấn tượng nhiều đến những cầu thủ chơi banh hay, giỏi và giàu có của LA-Lakers bởi nạn kiêu binh của những cầu thủ trong đội bóng này. Và đặc biệt là fans của Lakers cũng mắc bệnh kiêu binh không kém. Khiến tình cảm của tôi phải vọng ngoại. Hehehe..

Mùa rồi, nghe tin đồn đội Sacramento - King có ý định dời về Orange County. Khấp khởi mừng thầm, nhưng không được toại nguyện. Chờ.

Đành phải dõi mắt ra ngoài. Thấy đội bóng Seatle - Sonic tan rã, chuyển về Oklahoma City. Lấy tên là Thunder. Đội mới toanh. Cầu thủ trẻ. Chơi được một vài mùa. Leo được vào vòng play off. Tôi chuyển qua làm quạt cho Oklahoma City - Thunder từ năm ngoái.

Mùa trước, OKC bị Dallas loại ở loạt đấu play off. Tiếc rẻ. Năm nay OKC kiêu hãnh loại Laker nổi tiếng giàu có và hùng mạnh của Cali, hạ gục San Antonio nhiều kinh nghiệm của Texas. Oklahoma City - Thunder vô địch miền Tây đi đấu với vô địch miền Đông Miami - Heat.

Hùn hạp với thằng bạn mua cái tích kê OKC vô địch NBA với tỉ lệ 1 chung 6 khi đi Las Vegas coi football năm ngoái. Mong cho OKC qua được game này.  :)
Tough. Thua.
Cách đây một hai tiếng đồng hồ, Miami - Heat cũng giàu có và nổi tiếng của bang Florida đăng quang ngôi vô địch NBA năm 2012.

OKC, đội bóng rổ không tên tuổi của một tiểu bang cũng không tên tuổi Oklahoma bị khuất phục 4-1 trong loạt đấu 7 trận của vòng chung kết NBA. Sức trẻ vẫn chưa phải là yếu tố quan trọng làm nên tên tuổi cho đội bóng vô địch. Miami Heat có LeBron James càn quét khát khao danh hiệu, Wade dũng mãnh, Chris Bosh hung bạo... đủ làm cho cái nóng đầu hè của Miami càng nóng thêm.

Thể thao Mỹ có một điều khá đặc biệt là ít khi nhắc đến đội về nhì. Đứng đầu là số một. Không có giải an ủi, không cần sự thông cảm dành cho kẻ bại trận mang tính hình thức. Sự cao thượng của thể thao là cái ôm chặt đối thủ, bắt tay chúc tụng hoặc chia buồn. Xong. Chỉ vậy thôi. Kẻ thua lặng lẽ rút lui. Để lại không khí hân hoan của sân chơi cho người chiến thắng. Hưởng trọn.

Chúc mừng Miami-Heat của Florida State. NBA Champion 2012.

Hẹn sang năm kiếm cái tích kê khác. :))))

Monday, June 18, 2012

Nghe nhạc của ông già

Ừ, thì rất sến. Vì Ba xuất thân từ bình dân mà. Ba mê dân ca, thích giọng ca của nữ ca sĩ Thu Hiền. Và tất nhiên Ba cũng khoái cái kiểu hát chải chuốt, cái giọng vuốt vuốt của ca sĩ Ngọc Sơn. Trình độ nghe nhạc của Ba chỉ có vậy. Nhạc giao hưởng, nhạc rock, nhạc pop, nhạc vàng, nhạc đỏ... nhạc của tụi con cái thường nghe Ba cũng có nghe. Nhưng Ba thích nghe loại nhạc này. Hay. Dễ nghe.

           

Father's Day là hôm qua. Hôm nay ngồi nghe nhạc của ông già. Happy!

Thursday, June 14, 2012

Mỗi ngày một tấm hình (10)


Mạt pháp rồi chăng?

Pháp thì chưa mạt. Nhưng một khi những kẻ mạt hạng, đội lốt sư sãi để lừa đảo như thế này thì xã hội ắt sẽ đến thời mạt vận.

(Hình này tag được từ facebook của anh Uyên Vũ)

Monday, June 11, 2012

Làm chi cho hết 2 ngày Thứ Bảy-Chủ Nhật tuần rồi?

Sport. Chứ làm gì nữa.

Thứ Bảy hôm qua. Lịch kín bưng.
9 giờ sáng:
Trận Hòa Lan - và Đan Mạch. Chạy theo kèo trên. Bể mặt. Cơn lốc màu Orange đã không còn ngọt nữa rồi. Bị dẫn trước mà vẫn không ào ạt. Ruben cứ tà tà mặc dù banh đá không vô.

Giữa lúc chờ trận thứ hai cả bọn ngồi thổi tạm bánh mỳ. Phái một thằng tình nguyện vì đi là mất chỗ, mà không giữ chỗ thì không có parking. Mùa game, trúng cuối tuần. Những quán cafe khu vực VN rần rần như hội. Dân tình thì bàn luận ì xèo nhưng phải đợi ra kèo mới biết.

11h45:
Lỡ rồi thì tiếp tục kèo trên luôn đi. Đức chấp nửa trái vì Bồ Đào Nha chỉ có mỗi Ronaldo sáng giá. Banh đá qua đá về nhưng chưa thấy gì nguy hiểm. Đức giữ banh nhiều hơn nhưng chưa hẳn là một trận cầu hay. Có một trái làm vốn. Nhưng hú hồn những phút cuối cùng. Ronaldo vẫn dẻo, vẫn múa chân trong vùng cấm địa. Còi thổi hết trận thì coi như một buổi sáng thua mất hai chục tiền đường. Hehehe..

Chiều 5 giờ
Trận hockey Los Angeles-King và New Jersey-Devil. Tổng cộng loạt đấu là 7 games. King đã thắng 3-1 nhưng xem ra vẫn còn vất vả. Chiều hôm qua King lại bị thua game 5 với tỉ số 1-3.
Mùa game năm nay dân LA chỉ còn hy vọng mỗi ông Vua này. Vua vẫn không ngai khi hôm qua bị Devil gỡ 2-3 và ngậm ngùi bay về LA chờ thêm game 6. Nếu trận sắp tới đây mà LA-King thua nữa thì coi như niềm tuyệt vọng ngấp nghé nơi cửa lớn. Dân LA đang cầu nguyện chờ hên.

5:30PM.
Dồn dập tiếp trận bóng rổ NBA game 7 "Do or Die" giữa Boston và Miami. Vì mình là Oklahoma fan nên theo dõi game này. Để biết ai sẽ là vô địch bóng rổ vùng miền Đông và là đối thủ đáng gờm của Thunder miền Tây vùng lốc xoáy.
Boston - anh già chống gậy Celtic bị phỏng tay dưới trái banh lửa Miami - Heat. Chia buồn với Boston fans. Chúc mừng bà con ở Florida State.
Champion NBA giữa Đông và Tây hứa hẹn sẽ có 7 games hấp dẫn.


Chưa hết. Dân hâm mộ boxing và toàn thể dân Phi Luật Tân chờ trận đấu của người hùng Pacquiao và anh võ sĩ da đen Timothy Bradley quá cỡ.
9h30 thì toàn thể mới được ruummmmmmmmmmmble!
Người ta nói nhả ngọc phun châu không biết có rớt ra tiền không. Còn cái câu  "Let's get ready to rumble" này được đăng ký nhãn hiệu độc quyền của Micheal Buffer. Mỗi lần hét lên là tiền triệu đổ vào đó quý vị. 
Sòng bài MGM ở Las Vegas đăng cai trận này. Vì vậy nhà nào có mua HBO Pay Per View môn boxing mới coi được. Cả mấy thằng hú réo gọi nhau tuôn ra bar Mỹ để coi 12 hiệp đấu. Cỡ chừng hơn 30 phút mà hai võ sĩ kiếm đến tiền triệu chỉ biểu diễn đấm đánh cho thiên hạ thưởng thức mới là kinh.
Biết là lâu nay người ta nói cờ gian bạc lận. Nhưng coi trận đấu tối hôm thứ bảy mới thấy sự lật lọng của cái sòng bài MGM thiệt là tráo trở khôn lường. Điểm chấm cho anh Pacquiao là thắng hoàn toàn. Nhưng quyết định là từ ba ông/bà judge. Một người chấm cho anh Pacquiao thắng, hai người kia thì xử ảnh thua. Dân coi game hết trận đổ ào ra đường. Mặt mũi đỏ bừng lên bực bội rồi hét to: BBBBBBBBBBBBBBBSSSSSSSS!

Sáng Chủ Nhật.
8h phôn reng. Lồm cồm bò dậy. Lẹ lên cha! Ra trước kiếm bàn giữ chỗ giùm đi. Tui chạy đi mua máy cái Mc Donald cho hai đứa nhỏ rồi chạy ra liền đó.
Trận đấu đầu tiên của sáng hôm nay là trận cầu giữa Tây Ban Nha và Italia. Một trận cầu phải nói là kinh điển. Dân pờ rồ chơi banh có khác. Nhịp nhàng chuyền banh, cầu thủ hai bên biết chạy chỗ nên lúc nào cũng có cảm giác ba tuyến trên sân đầy ắp người. Phải nói là một trận cầu hay và đẹp mắt. Tỉ số hòa 1-1 hai ông lớn bắt tay nhau khiến cho dân cá độ bắt kèo under 2 trái thở một cái phào. Huề, ai về nhà nấy. Để dành money mà quết trận thứ hai.

11:45
I love Irish. Nên ủng hộ đội Ái Nhĩ Lan. Green team gặp Croatia trong một đêm trời mưa tầm tã. Cáo già Trapatoni vẫn chưa làm gì nên chuyện. Croatia đè Ái Nhĩ Lan với tỉ số 3-1 khiến cho fan mặc áo xanh cây nức nở theo mưa. Ireland, Ireland.. still loving you. Huhuhu..

Hai ngày cuối tuần trải qua trên màn ảnh TV. Thôi bây giờ đi ngủ, mai đi làm và lại chờ những phút nhộn nhịp nhậu nhẹt banh bóng của hai ngày cuối tuần cũng là Father's day sắp tới.
Hic!

Friday, June 8, 2012

Mỗi ngày một tấm hình (9)

Hôm nay khai mạc Euro Cup 2012. Thứ Sáu còn đi làm. Thằng bạn text vô báo tin: Chú thua rồi. Ặc ặc..
Mở màn. Vạn sự khởi đầu nan.
Post tấm hình này vì thấy nó đẹp. Nó không ăn nhập gì với banh bóng rực lửa của mấy fans nữ trời Âu của mùa hè này. Quý vị chờ đi. Thế nào blog nhà anh Hoàng cũng cập nhật cái vụ này. Hihihi..


Khi mà banh lăn. Mọi quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, đồng giới hay dị giới, già trẻ chí mén chi... cũng đều bị quay tròn. Thế giới, từ đầu năm đến giờ chả có gì vui mà phải đợi cho đến tháng Sáu này. Gọi là môn thể thao Vua cũng đúng lắm!

Enjoy the game responsibility and Good luck to you guys for the whole month! Hehehe..

Thursday, June 7, 2012

Daughter from Danang

Lâu lắm rồi không nói về phim. Đây là bộ phim chị Thu gửi cho cái link từ năm ngoái. Ghé qua blog này coi phim, rồi để đó. Hôm nay mới lôi ra. 



Coi xong phim, thở dài. Rồi buông một câu kết luận: Thảm họa. Một cuộc gặp gỡ thiệt là thảm họa.
Daughter from Danang không phải phim về chiến tranh, không có súng ống, không có cảnh quay của đạn bay máu đổ. Phim tài liệu nói về con lai. Nhưng phim dội bom vào lòng người xem. Đẩy người xem về hai phía đối cực. Thông cảm cho bà Kim. Hoặc chia sẻ với cô Heidi Hiệp.

Heidi Hiệp, một đứa con lai Mỹ, rời xa mẹ lúc 6 tuổi. Hai mươi hai năm sau, từ Mỹ háo hức tìm về Việt Nam để gặp lại mẹ. Rồi ngỡ ngàng trước những gì đã xảy ra không như cô nghĩ. Cay đắng. Hiệp khóc.
Bà Kim, một người mẹ xa con hai mươi hai năm, nay gặp lại núm ruột của mình. Có cảm giác vui mừng như sinh ra Hiệp lần thứ hai. Gặp phải một ca sinh khó. Rồi bị sản hậu. Bà Kim khóc. Xót xa.

Khi xem phim này. Người xem phải chọn cho mình một vị trí ở một phía rõ ràng. Tôi đã mạnh dạn đứng về phía Heidi Hiệp. Mặc dù tôi cũng đã băn khoăn khi chọn góc ngồi cho mình như thế đã đúng chưa? Tôi cũng ước ao là sẽ có giải pháp win-win. Nhưng khi xem phim cũng phải tìm ra cách lý giải cho riêng mình. Tôi lần theo những giọt nước mắt của Hiệp và bà Kim, để nail vào chiếc ghế mà tôi đã chọn.  :)

Hiệp là con lai. Như bao đứa con lai Mỹ khác. Chúng không phải là "loving child". Những đứa con ra đời không theo ý muốn. Bị tai nạn. Bất ngờ. Những đứa trẻ hết sức là trùng nghĩa accident!
Thông qua những gì thấy được trong phim, ta có thể cho Hiệp là có cơ may. May cho cô khi được bốc đi trong chiến dịch Baby lift của Tổng thống Ford. May cho cô không bị tai nạn. May cho Hiệp khi so sánh những đứa trẻ khác cũng lai Mỹ như cô bị mắc kẹt lại không đi được. Bị kỳ thị, bị rẻ rúng, bị đánh đập, thậm chí bị giết đi (như lời mẹ cô giải bày...) Nhưng có thể gọi là may hay không? Khi Hiệp bị đẩy xa mẹ khi mới chỉ vừa 6 tuổi.
22 năm được nuôi dưỡng trong một môi trường no đủ. Và nhận thức được sự lạnh nhạt từ bà mẹ nuôi. Hiệp cần tình cảm. Cái mà rất nhiều người Việt Nam gọi là tình mẫu tử thiêng liêng. Hiệp tìm về quê mẹ Việt Nam. Mong tìm về một nơi gần gụi. Những giọt nước mắt xúc động của mẹ và con ở sân bay. Gặp gỡ có hậu.
Nhưng nó không kéo dài được bao lâu. Ngay từ khi những biểu hiện của bà Kim ở trên xe tôi đã lo sợ và có cảm giác phát ngấy lên khi những hành động của nhân vật trong một cuốn phim tài liệu đã over act! Cái gì quá rồi cũng sẽ. Lố. Lồ. Lộ.
Trong cuốn phim, bà Kim và những người con của bà đã rất thẳng thắn nhưng mà chưa có thật. Cái mà Hiệp cần ở gia đình là cái thật, sự sáng giá ở bên trong.
Heidi Hiệp đang làm mẹ của hai đứa con. Cô cũng có cái tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Bà Kim thì dư sức có nhưng bà đã không ban tặng điều đó cho con gái mình một cách trọn vẹn.
Heidi Hiệp bị tổn thương. Lỗi của ai, tôi không biết. Nhưng lỗi của Heidi Hiệp, tôi nghĩ, chắc chắn là không! Cô khóc, rồi cô cười. Cửa đã đóng, nhưng với cô không bao giờ cửa khóa.

Daughter from Danang làm cho người xem và cả những nhân vật gia đình trong bộ phim hiểu được rằng: Cái giá của lòng ước muốn luôn chứa kèm những điều mất mát. Những giọt nước mắt cuối phim của hai người đàn bà, đặc biệt là giọt nước mắt của bà Kim rất dễ làm mủi lòng người xem. Tội nghiệp, nghẹn ngào vì lòng mẹ khi nào cũng thương và nhớ về con. Bà Kim từ nay sẽ thấy được tình cảm trùi trụi, không phô diễn bao giờ cũng long lanh và sáng giá!

Sunday, June 3, 2012

Hoover Dam

Sau một ngày vật vã với nắng, đất đá, cát mịn ở Death Valley. Về lại khách sạn là mệt nhoài bởi suốt ngày ngắm cảnh chụp hình và bữa tối buffet hết sức là no nê. Rớt vào giấc ngủ mà quên luôn tiếng máy kéo đánh bạc gọi mời và những bàn chơi black jack đầy hấp dẫn. Hehehe..
Sáng hôm sau thong thả thời gian. Ăn sáng, cafe, lễ lạt vẫn còn. Tiếp tục đi Hoover Dam, một đập nước nổi tiếng vì sự vĩ đại. Và cũng rất gần city of Las Vegas.



Hoover Dam ngăn chặn dòng chảy con sông Colorado ngay giữa hai bờ ranh giới hẻm núi của hai tiểu bang Nevada và Arizona. Con đập được khởi công vào năm 1931, hoàn tất vào năm 1935. Sáu công ty chịu trách nhiệm xây dựng đã chuyển giao con đập cho chính phủ Liên bang vào năm 1936, trước 2 năm  theo hạn định. Con đập dùng để kiểm soát lũ lụt, cung cấp nguồn nước tưới và thủy điện cho một số vùng thuộc ba tiểu bang Nevada, Arizona và California.


Hoover Dam. Vĩ đại. Nổi tiếng. Bởi số lượng công việc. Bởi khối lượng bê tông khổng lồ. Hoover Dam là một quyết định táo bạo của những công dân Mỹ có trách nhiệm dám nghĩ dám làm. Vì chưa có một công trình bê tông to lớn nào được xây dựng trước đó để học hỏi. Vì những kỹ thuật xây dựng mới sẽ được áp dụng trong quá trình tạo nên con đập chưa được chứng minh. Người ta nói rằng, với khối lượng bê tông đổ vào con đập có thể dùng làm một con đường cao tốc hai làn xe kéo dài từ thành phố San Francisco miền viễn Tây đến tận bờ Đông sầm uất của vùng New York.


Hoover Dam được đặt tên để vinh danh Tổng thống Herbert Clark Hoover, đời thứ 31 của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1929-1933, trùng với thời gian khởi công và tiến hành xây dựng con đập). Việc này gây nên nhiều tranh cãi qua nhiều năm dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt - người đã chính thức cắt băng khánh thành con đập vào năm 1935. Cho đến năm 1947, Quốc hội Hoa Kỳ đã chấm dứt mọi cuộc tranh chấp về tên gọi khi thông qua một dự luật công nhận tên chính thức của con đập là Hoover Dam.

 
Hoover Dam là một công trình hấp dẫn khách du lịch. Điều này là một vấn đề nan giải về mặt giao thông của hai chính quyền tiểu bang Nevada và Arizona. Và cũng là vấn đề được đưa lên bàn nghị sự về mặt an ninh quốc gia, an toàn cho con đập đối với chính phủ Liên bang sau biến cố 11 tháng 9, 2001. Vì vậy, một công trình cầu vòm bê tông được xây dựng nối tiếp hai bờ đỉnh núi phía hạ lưu của con đập nhằm giảm tải  lượng xe lưu hành và những loại xe có trọng tải lớn. Cầu khánh thành vào tháng 10, 2010 và được đặt tên Mike O'Callaghan – Pat Tillman Memorial Bridge. Tên của vị thống đốc tiểu bang Nevada, một cựu quân nhân của US Marine. Và tên của cựu cầu thủ football đội banh Arizona, một người lính trong binh chủng US Army bị sát hại ở chiến trường Afghanistan.


Hoover Dam. Nổi tiếng. Không chỉ đơn giản bởi số lượng tiền đổ vào. Hoover Dam. Vĩ đại. Cũng không phải vì sự to lớn về kích thước. Mà Hoover Dam vĩ đại bởi tầm nhìn xa trông rộng. Sự vĩ đại của những con người có cái nhìn viễn kiến trong giai đoạn nước Mỹ rơi vào cơn đại khủng hoảng về kinh tế nhưng vẫn không ngừng nỗ lực xây dựng đất nước vì tương lai.