Tuesday, April 24, 2012

Kể chuyện tháng Tư


1. Nhưng phải bắt đầu từ tháng Ba. Đà Nẵng. 1975. Hình ảnh tôi nhớ được lúc đó là ba tôi từ tiệm may phóng về nói: Đi thôi, đi thôi. Tàu của cậu Q. sắp đi rồi. Mẹ tôi hốt hoảng giựt phăng mấy góc mùng, cuộn đồ đạc lại rồi bồng bế chúng tôi đi xuống nhà người bà con gần chợ Hàn - bến Bạch Đằng. Số là, cậu Q. anh cả của mẹ tôi làm việc trên một chiếc tàu thủy từ trong Sài Gòn, nhận lệnh chở lương thực, thuốc men tiếp tế cho vùng chiến sự ngoài này. Sau khi xong công việc, cậu đã ngầm báo cho gia đình chúng tôi và một số bà con thân ruột biết là tàu của cậu sẽ quay trở lại SG. Vì vậy mọi người được thông báo chuẩn bị. Chạy.
Khi tới nhà người bà con, chúng tôi thấy ở sân chùa Long Thơ cũng có một số gia đình tay xách nách mang tập trung cũng khá đông. Có nhiều gia đình bà con ở ngoài Huế, ở tận ngoài làng được báo tin từ hồi nào cũng có mặt .
Từ bến Bạch Đằng, chúng tôi được đưa xuống những chiếc gọ rồi chạy ra biển vì tàu của cậu Q. neo ở cảng Tiên Sa. Khi gọ cập hông tàu lớn. Thang dây được thả xuống. Ưu tiên cho người lên trước. Đồ đạc từ từ chuyển lên sau. Khi mọi người đã yên vị trên tàu lớn, một vài bọc quần áo được kéo lên. Chủ gọ cắt dây bỏ chạy. Ba tôi và nhiều người sững người.  Toàn bộ của cải và tài sản có giá trị coi như bị cướp trắng. Xong.

Mẹ tôi là một người hay lo xa. Khi chuẩn bị cho những chuyện như thế này, bà đã may sẵn cho mỗi đứa con một cái đãy -dạng ba lô đeo lưng. Trong đó đựng một ít gạo, hai bộ quần áo, 10 tờ giấy khai sinh, và 500 đồng bạc. Ngoại trừ thằng em út là còn phải bồng. Những đứa còn lại từ lớn tới nhỏ đều có phần, phải mang cái đãy ba lô - phòng khi chạy loạn mà bị thất lạc.

2. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Cam Ranh là một giấc ngủ trưa trên vùng cát trắng. Gió biển thổi mát rượi. Thức dậy, tôi thấy tôi nằm bên mái hiên của một dãy nhà dài lợp tôn và vách tường cũng bằng tôn. Chắc là trại nhà binh (?). Tôi không biết vì lý do gì mà tàu của cậu Q. lại ghé qua Cam Ranh. Có thể là ghé lại chở thêm, hoặc gạt bớt dân tản cư không biết chừng? Hoặc chở lính thất trận từ vùng Tây Nguyên về SG? Gần sáng, mọi người được lệnh kéo nhau ra bến cảng để lên tàu. Đông nghẹt người. Tôi thấy có nhiều người bị mất dép, đi chân không. Có một chị đi trước tôi một chân xỏ dép còn chân kia mang cái bao mì cua màu vàng vàng đỏ gạch được buộc bằng một cọng thun. Thỉnh thoảng cọng thun tuột ra, chị lúi húi cúi xuống cột. Rồi chạy. Rồi bị tuột cọng thun. Chị lại cột. Lại chạy.
Có một chiếc tàu thật lớn. Trên đó chở rất nhiều lính, có mang súng. Họ đứng tràn ra cả mạn tàu. Chiếc tàu tu tu nhả khói rời cảng. Thang dây còn treo tòn teng. Một vài thân người trên chiếc thang rơi xuống, kèm theo tiếng la thất thanh. Tõm xuống mặt biển. Mất hút. Hình ảnh đó, âm thanh đó tôi vẫn còn nhớ tới giờ. Chắc là sẽ không bao giờ quên.

3. Chiếc xe buýt chở chúng tôi từ Vũng Tàu về SG dừng lại đâu đó ở Biên Hòa hoặc Thủ Đức. Mấy ông lính Quân Cảnh (đội mũ sắt có chữ Q.C) chặn xe lại và yêu cầu mọi người xuống xe để khám xét. Cửa ngõ vào SG cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Và tôi nhớ rằng gia đình tôi vào được SG trên một chiếc xe tải hiệu GMC. Hình như chiếc xe đó chở vật liệu xây dựng. Thùng xe thấy có bám nhiều đất và cát.
Mưa. Sài Gòn mưa xối xả. Một tấm bạt được kéo ra. Mọi người lúp xúp sau chiếc thùng xe. Trốn. Dưới tấm bạt che mưa màu xanh. He hé sợ sệt nhìn SG.

4. Bệnh viện chợ Rẫy cao rớt mũ. Gia đình, bà con chúng tôi được đưa về một căn nhà của một bác sĩ nào đó đã bỏ đi từ trước. Một căn biệt thự lớn có hai ba tầng lầu. Ba, bốn gia đình được sắp xếp ở đó. Trong nhà, có toa-lét nước giật xì xòa. Rất đã. Tôi không nhớ tên đường là gì. Nhưng nhớ hai bên đường có hàng cây cổ thụ lớn. Tàn hoa rớt xuống xoay tít bay bay. Ở đó chúng tôi nghe còi xe cứu thương hú suốt ngày. Hai bên vệ đường, có rất nhiều người bày bán hàng lạc-xoong. Có cả người Hoa lẫn người Việt. Con đường đó thật là bận rộn.

5. Bất ngờ, một buổi sáng chúng tôi nghe ầm ầm. Âm thanh lạ. Những chiếc xe tăng. Thật thú vị. Ba mẹ tôi lùa tất cả con cái vào trong nhà. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy chiếc xe lạ lẫm đó. Những chiếc xe có bánh sắt và xích sắt nghiến nát những con đường ở SG.
Tối đến. Người lạ ập tràn đầy nhà. Họ chiếm dụng tầng dưới. Ngủ tràn ra ở mái hiên và ban công. Súng gối đầu. Bà chị lớn nhà tôi sợ đến phát khiếp. Bả trốn biệt.
Tôi thấy ba lô người nào cũng nhiều đường cát và sữa đặc nhãn hiệu Kim Cương hoặc ông Thọ. Họ thích đồ ngọt thì phải. Chúng tôi đem sữa trong nhà ra, họ đổi cho chúng tôi một thứ bánh ăn rất ngon vì lạ miệng. Lương khô Trung Quốc.

6. Rồi chúng tôi phải từ biệt căn nhà mà mình không phải là chủ nhân. Tất cả chúng tôi cùng mấy gia đình bà con bị tập trung về chung cư Phạm Thế Hiển ở quận 8. Nơi dành cho đồng bào tản cư. Bước đầu làm quen với cuộc sống tập thể. Sáng ngủ dậy, đăng ký danh sách. Nghe gọi tên kiểm tra hàng ngày. Rồi sắp hàng lần lượt để nhận từng khẩu phần lương thực. Rồi ba mẹ tôi hong hóng nghe chính sách dành cho người tản cư. Rằng, tự nguyện về quê hương bản quán, hoặc là đồng ý để cho Ủy ban quân quản đưa đi vùng kinh tế mới? Đằng nào cũng phải đi. Không thể ở lại SG. Ai ở đâu về đó. Lũ lượt kéo nhau về. Về quê. Về quê thôi!

7. Nếu hồi đó gia đình tôi  trốn ở lại SG, chống lại chính sách kêu gọi của Ủy ban Quân quản của ông VVK thì có thể mình bây giờ là công dân quận 8 hoặc ở đâu đó bên quận 4 giang hồ không biết chừng.
Nếu hồi đó cậu tôi không bị mắc kẹt bà mợ và mấy ông anh bà chị con của cậu ở Bến Tre, Mỹ Tho. Và bà mợ đồng ý dắt con theo cậu. Chiếc tàu của cậu sẽ phi thẳng ra đại dương, nhắm hướng Phi Luật Tân hoặc đảo Guam  mà trực chỉ thì bây giờ mình sẽ trở thành anh Mai -cồ Mai -cót nào đó rồi! Chứ hông phải là một anh người Việt gốc Mít ở xứ Huê Kỳ. Mà. Tiếng Anh thì không biết, tiếng Việt thì chẳng biết xài vào đâu? Ù ù cạc cạc. Nạc nạc mỡ mỡ như bây giờ.
Nếu hồi đó mà đi nguyên cả cái tàu.  Lúc đó sẽ có ông khai canh mới họ Đặng thời hiện đại. Biết đâu sẽ có một cái làng họ Đặng hẳn hoi trên cái xứ này? Tha hồ mà nhận người bà con họ hàng làng Ngoại từ miền Tây Texas qua tận xứ sở miền Đông. :)
...

Kể chuyện tháng Tư, mà dông dài từ tháng Ba qua tới tháng Năm, tháng Sáu. Thôi. Chừa lại cho mọi người.
Tháng Tư của bạn? Where were you?

Saturday, April 21, 2012

Nhân ái và Lễ nghĩa

Mẹ tôi mang họ Đặng, theo sự xếp đặt và cách gọi ở trong làng mà tôi thường được nghe về thứ bậc dòng họ là: Đặng - Phan - Lê - Võ. Đây là một trong những dòng họ lớn, bởi Thần hoàng Khai canh ra ngôi làng cũng mang họ Đặng. Vì vậy, bà con cháu chắt xa gần trong họ của Mẹ tôi rất đông. Thêm nữa, họ bên ngoại của Mẹ tôi lại là họ Phan, một họ đứng thứ nhì trong làng. Nên ngày Mẹ nằm xuống, bà con anh em lối xóm, cháu chắt của cả hai bên đến giúp công việc trong tang gia và phúng điếu cũng rất đông.
Mặc dù Ba Mẹ tôi tiếng là có con đông, cháu đàn. Nhưng thực sự chính những người lối xóm  này đã cùng anh chị em trong nhà ở bên Mẹ tôi  từ lúc Mẹ mới nhắm mắt cho đến ngày đưa tiễn. Cũng như họ đã từng giúp trong chuyện đại sự của Ba tôi cách đây bốn năm trước... Ơn nghĩa đó chưa được đáp đền, nay lại được thêm vun đắp. Việc quỳ lạy, nhị bái lạy trả của tất cả anh chị em cháu chắt trong gia đình trong suốt thời gian đám tang của Mẹ tôi chỉ mang tính tượng trưng đáp đền, chứ thực sự khó lòng trả nổi.

Sau lễ thành phục của gia đình. Lễ phát tang, phúng điếu dành cho bà con lối xóm và họ hàng thân ruột qua những ngày còn lại. Có những Cậu, những Dì tuổi đã cao. Mắt mờ, chân yếu, tay run, không quản ngại đường xa, đến phúng điếu rồi vái lạy trước linh cữu, quệt nước mắt và xin khăn để tang cho Mẹ khiến chúng tôi không khỏi động lòng. Đứng hầu chuyện với bà con. Anh chị em trong nhà chúng tôi nghe những chuyện kể về Mẹ qua những chuyện thưở hàn vi khốn khó. Từ chuyện chạy gạo nuôi con từng bữa đến những chuyện chạy loạn lúc đao binh. Bà con dù xa hoặc gần, vì tình làng nghĩa xóm mà tìm giúp đỡ nhau nơi xứ người, rồi lại cùng dắt díu nhau quay về quê hương bản quán.

Mẹ tôi là một người có tấm lòng độ lượng, hay thương người. Với sức chịu đựng, sự hy sinh, cùng nếp sống "một sự nhịn chín sự lành ", "người ta ăn còn, tụi con ăn thì hết" nên Mẹ ít khi làm mất lòng người lớn kẻ nhỏ. Mẹ sống trải ruột với mọi người.
- Tụi em nhớ O, anh chị thương cái tình của O. Lúc O cho mượn lon gạo, lúc O chợ về nhét cho bó rau. Chao ôi, cái tình của O không bao giờ quên được.
Vợ chồng anh chị Lân, gia đình trước đây ở lối xóm. Đi kinh tế mới trong những năm 80. Giờ con cái thành đạt, đôi vợ chồng già tìm về lại quê hương. Dựng lại căn nhà trên miếng vườn bỏ hoang bấy lâu nay. Khi đến viếng đám tang của Mẹ tôi mà chúng tôi thực tình không nhận ra là người quen biết. Chị đến khóc lạy bên quan tài của Mẹ rồi ngậm ngùi kể chuyện lúc đói nghèo O cho rổ sắn, O cho mớ khoai. Chợ về ngang nhà là nhớ O kêu: Ơi mợ Lân, ơi mợ Lân! Ra lấy gạo, lấy đồ ăn đem về cho mấy cháu...
Nghe tiếng chị kể mà tưởng như tiếng của Mẹ ở đâu đây? Anh chị em tôi quỳ lạy, mà tiếc thương Mẹ biết bao nhiêu. Không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài. Nỗi nhớ niềm thương biết bao giờ vơi được?
Rồi những đứa cháu bà con của Mẹ ngồi kể chuyện trước đây. Nhờ hồi xưa O lo đám cưới, nhờ O chợ búa tính toán nấu ăn để đãi đằng khách khứa. Chút chi cũng nhờ O, chút chi cũng kêu O. Tụi con giờ yên bề gia thất đã lâu. Nay tìm đến thăm O khi O đã không còn, hỏi thăm O khi O đã xuôi tay, O nằm yên, O nhắm mắt...
Mẹ là một người soi rọi niềm thương.
Nay Mẹ đã ra đi. Để lại cho tụi con thấu hiểu cái giá trị của lòng nhân ái!

Ở trong làng tôi có một cái lệ hết sức nghĩa tình. Hễ trong làng nhà ai có tang thì mọi người góp gạo giúp cho nhà đám. Kẻ ít, người nhiều. Một bụm, nửa lon, một lon... dồn lại thành bao. Làng cử người vác đến phúng điếu giúp cho nhà đám. Cái lệ này do làng đặt ra. Xuất phát vào thời điểm những năm 78-80 khốn khó. Và cho đến lúc này vẫn tiếp tục duy trì. Thời cuộc có lúc đổi thay. Lòng dạ con người có thể đổi thay. Nhưng tình làng nghĩa xóm tương trợ cho nhau, có thể không ghi vào văn bản, hương ước của làng, nhưng chắc chắn không thể nào hủy bỏ.

Đám tang của Mẹ tôi được đưa đi sáng sớm. Thanh niên con cháu trong làng chung vai đến gánh đưa O, đưa Mụ ra đi. Nghĩa trang của làng là một ngọn đồi cao. Với quan niệm "sinh ký tử quy" nên mộ phần người quá cố được chôn cất ở nơi cao ráo để tránh những trận lụt hàng năm và cho con cháu trong làng tiện bề hương khói.
Tang lễ của Mẹ tôi để bao nhiêu ngày thì bà con làng xóm đến phúng viếng, thăm hỏi bấy nhiêu bữa. Ban ngày mọi người đến phúng điếu rồi quay ra đồng áng. Đêm về bà con vẫn ghé qua nhà đám để chuyện trò giúp tang gia bớt phần quạnh quẽ, và mong người quá cố cũng vơi bớt sự tủi vắng, cô đơn. Trong nhà chỉ có chén nước, điếu thuốc, miếng trầu là chút lễ mọn đối đãi cái tình làng nghĩa xóm bấy lâu nay. Ân tình đó thật là sâu đậm.
Anh em chúng tôi vẫn luôn nhớ lời Mẹ dặn. Mỗi khi trong nhà có phương việc gì, hãy lấy lễ nghĩa để đáp đền cái ân tình của làng trên xóm dưới. Cho dù có học rộng tài cao, đỗ đạt thành danh ở xứ nào. Nhưng khi về quê, về làng thì chỉ có lễ nghĩa mới là thước đo nền tảng gia đình, là cách thức dựng xây nhân cách.

Phải biết kính trên nhường dưới mới thể hiện được cái sự biết đúng đắn của mình.

Mâm cau trầu rượu có thể được xem là lễ vật quan trọng nhất trong đám tiệc hoặc phương việc đại sự của mọi gia đình VN. Một miếng cau, một chén rượu để thưa chuyện, trình làng. Nhấp một hớp rượu, nhai một miếng cau tức là hàm ý nhận sự thành tâm của gia đình theo nghĩa đầy cung kính. Mẹ tôi thường dặn dò kỹ lưỡng anh em chúng tôi  cách hành xử đầy phép tắc lễ nghĩa với người trong làng là vậy.

Lúc sanh thời Mẹ  là một người rộng lượng nhưng đầy nghiêm khắc. Nay Mẹ tôi mất đi để lại cái giá trị của lòng nhân và lễ nghĩa cho con cháu học theo.

Lễ thất tuần của Mẹ. Bốn mươi chín ngày đã qua. Linh hồn sẽ siêu thoát. Hình bóng sẽ nhạt nhòa. Nhưng giá trị về đời sống của Mẹ vẫn còn mãi đó.

Nhớ Mẹ vô cùng!
Kính lạy.

Sunday, April 8, 2012

Từ biệt

Hoa bưởi (Hình Google)
1. Được tin Mẹ mất. Loay hoay đứng giữa Home Depot cùng với thằng bạn đang tìm lựa ống dây bắt bếp gas phụ ở garage. Nhà bạn đang sửa 3 tuần nay. Ngày cuối cùng và phần hoàn thiện đã xong. Thôi, còn chút việc làm tiếp đi nhé. Ừ. Đi đi.
Lật đật chạy kiếm vé về. Anh chờ người ta confirm cái letter visa nhé. Ừ. Cho em số phôn đi. Ừ. Khi nào em kiếm ra chỗ thì em sẽ gọi anh ra lấy vé. Ừ. Bây giờ anh về lo chuẩn bị được cái gì thì làm đi. Ừ.

2. Thằng bạn gọi. Mấy giờ bay? 10 PM. Ghé qua nhà ăn chút gì đi. Thôi. Ăn uống gì được. Bạn bè gởi lời chia buồn. Về tới thì nhớ gọi cho địa chỉ nhà nghe.
Ừ. Cảm ơn và chúc mọi người party vui vẻ.
Nhiều cuộc điện thoại gọi vào khi đang chờ boarding. Cảm ơn tình cảm của bạn bè. Mất sóng. Lơ lửng. Bay..

3. Ngồi đợi lấy visa. Nóng ruột. Hơn 2 tiếng đồng hồ sau. Nghe gọi tên. Lệ phí visa của anh là $25. Cái gì? Tôi đã đóng phí ở bên kia $100 rồi đó! Vừa nói vừa móc tiền ra chung. Đây, receipt của anh đây. Có gì anh về bên kia khiếu nại. Cảm ơn chị. Chờ thêm 30 phút sau. Nghe gọi tên. Nhẹ cả ruột. 

4. Anh về làm gì? Mẹ tôi mất. Trước đây anh về lần nào chưa? Có. Cách đây 4 năm khi ba tôi qua đời. Anh về ở đâu? Tôi về Huế. Nhận lại tờ visa có đóng dấu của cơ quan an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Nói lời cảm ơn đến anh nhân viên hải quan trẻ nhưng có gương mặt nghiêm khắc. Rồi ào chạy đi lấy hành lý. Cái carousel số hai vẫn đang chạy đều đều và ở trên còn lèo tèo một vài cái valise đang chờ pick up của những người đến VN bằng landing visa.

5. Máy bay đi Huế chuyến cuối cùng là 7PM. Đẩy hành lý qua nhà ga quốc nội. Giữa đường. Anh ơi. Đứng lại. Chuyện gì vậy anh? Anh đổi xe giúp em! Nhà ga quốc tế và nhà ga quốc nội sử dụng hai loại xe đẩy khác nhau. Ồ, thế à? Kinh tế nhà nước gồm nhiều thành phần có khác!

6. 10PM. Nhà kín người. Bà con lối xóm kéo đến chật cả rạp để chờ lễ nhập liệm. Mẹ nằm đó. Nhỏ thó. Gọn gàng. Muốn cúi xuống hôn Mẹ lần cuối nhưng các Dì, các Cậu, bà con lối xóm và các anh chị trong nhà bảo đừng. Đừng con! Mọi người không muốn nước mắt của mình rơi trên thân xác Mẹ. Đừng để Mẹ vướng một giọt buồn lụy nào. Để cho Mẹ ra đi được nhẹ nhàng. Nắm bàn tay lạnh của Mẹ. Nhìn gương mặt bình thản của Mẹ. Mẹ vốn là người nghiêm nghị. Nhưng tôi vẫn hình dung Mẹ đang ngậm hé môi cười như hoa thanh trà, hoa bưởi của vùng Lương Quán đang kỳ ngậm bông nở rộ.

Đường đi trong làng
7. 11PM. Nhập liệm. Đóng quan. Nhìn Mẹ lần cuối cùng. Dì Nhạn, chị  Bê, các chị và mấy đứa cháu gái  ôm quan tài nức nở. Cả nhà cúi lạy từ biệt Mẹ. Anh chị em trong nhà ôm lấy Dì Nhạn rồi òa khóc theo. Mẹ sống với cuộc đời nhiều nhọc nhằn. Tuổi già 80 tuy đã hết làm dâu nhưng không bao giờ lơi lỏng trong chuyện quán xuyến việc gia nương. Đời Mẹ chẳng hưởng được gì nhiều. Nên đời không nợ. Mẹ. Nhẹ nhàng. Siêu thoát. Đi.

8. Vắng lặng. Nhà trống. Dở dang. Toang hoác từ trước ra sau. Ông anh an ủi. Lo việc xong rồi tính tiếp. Dạ. Tháng Ba, trời còn se lạnh. Khuya. Hoa thanh trà, hoa bưởi rụng đầy sân. Hương đêm của hoa dìu dịu khắp vườn. Nghe chuông Thiên Mụ đổ. Nhớ những tháng ngày Mẹ tảo tần lội vườn tược ngược xuôi để bòn từng trái cây, nắm lá. Thức khuya cùng Mẹ, dõi theo tiếng chuông chùa mà dậy sớm, gánh đôi quang nặng trĩu những trái thanh trà, trái bưởi ra bến sông để cho Mẹ kịp chuyến đò xuống buổi chợ mai.
Con ngồi thức với Mẹ đêm nay. Chuông chùa đã đổ. Nghe tiếng đò đã về. Mẹ đã không dậy nữa.
Mẹ đã ngủ yên.

Thursday, April 5, 2012

Cảm tạ

Kính thưa quý vị,
Thay mặt 8 anh chị em, cùng tất cả con, cháu, chắt Nội Ngoại trong gia đình, tôi xin gởi lời chân thành cảm ơn đến các bạn hữu xa gần, các anh chị em và quý bạn đọc blog ở khắp nơi... đã gửi lời thăm hỏi, an ủi chia buồn, lễ vật phúng giúp, điếu thăm... trong việc ma chay - chuyện đại sự trong tháng vừa qua của Mẹ Gác Xép.

Mong mọi người niệm tình tha thứ, và nhận lời cảm tạ chậm trễ này.

Gác Xép và các anh chị em cùng con, cháu, chắt Nội Ngoại trong tang quyến xin được ghi nhớ những tấm lòng quý báu, những tình cảm đầy ân tình... của quý vị giành cho đại gia đình của Gác Xép.

Nhị bái,
Thành kính tri ân.