Mẹ tôi mang họ Đặng, theo sự xếp đặt và cách gọi ở trong làng mà tôi thường được nghe về thứ bậc dòng họ là: Đặng - Phan - Lê - Võ. Đây là một trong những dòng họ lớn, bởi Thần hoàng Khai canh ra ngôi làng cũng mang họ Đặng. Vì vậy, bà con cháu chắt xa gần trong họ của Mẹ tôi rất đông. Thêm nữa, họ bên ngoại của Mẹ tôi lại là họ Phan, một họ đứng thứ nhì trong làng. Nên ngày Mẹ nằm xuống, bà con anh em lối xóm, cháu chắt của cả hai bên đến giúp công việc trong tang gia và phúng điếu cũng rất đông.
Mặc dù Ba Mẹ tôi tiếng là có con đông, cháu đàn. Nhưng thực sự chính những người lối xóm này đã cùng anh chị em trong nhà ở bên Mẹ tôi từ lúc Mẹ mới nhắm mắt cho đến ngày đưa tiễn. Cũng như họ đã từng giúp trong chuyện đại sự của Ba tôi cách đây bốn năm trước... Ơn nghĩa đó chưa được đáp đền, nay lại được thêm vun đắp. Việc quỳ lạy, nhị bái lạy trả của tất cả anh chị em cháu chắt trong gia đình trong suốt thời gian đám tang của Mẹ tôi chỉ mang tính tượng trưng đáp đền, chứ thực sự khó lòng trả nổi.
Sau lễ thành phục của gia đình. Lễ phát tang, phúng điếu dành cho bà con lối xóm và họ hàng thân ruột qua những ngày còn lại. Có những Cậu, những Dì tuổi đã cao. Mắt mờ, chân yếu, tay run, không quản ngại đường xa, đến phúng điếu rồi vái lạy trước linh cữu, quệt nước mắt và xin khăn để tang cho Mẹ khiến chúng tôi không khỏi động lòng. Đứng hầu chuyện với bà con. Anh chị em trong nhà chúng tôi nghe những chuyện kể về Mẹ qua những chuyện thưở hàn vi khốn khó. Từ chuyện chạy gạo nuôi con từng bữa đến những chuyện chạy loạn lúc đao binh. Bà con dù xa hoặc gần, vì tình làng nghĩa xóm mà tìm giúp đỡ nhau nơi xứ người, rồi lại cùng dắt díu nhau quay về quê hương bản quán.
Mẹ tôi là một người có tấm lòng độ lượng, hay thương người. Với sức chịu đựng, sự hy sinh, cùng nếp sống "một sự nhịn chín sự lành ", "người ta ăn còn, tụi con ăn thì hết" nên Mẹ ít khi làm mất lòng người lớn kẻ nhỏ. Mẹ sống trải ruột với mọi người.
- Tụi em nhớ O, anh chị thương cái tình của O. Lúc O cho mượn lon gạo, lúc O chợ về nhét cho bó rau. Chao ôi, cái tình của O không bao giờ quên được.
Vợ chồng anh chị Lân, gia đình trước đây ở lối xóm. Đi kinh tế mới trong những năm 80. Giờ con cái thành đạt, đôi vợ chồng già tìm về lại quê hương. Dựng lại căn nhà trên miếng vườn bỏ hoang bấy lâu nay. Khi đến viếng đám tang của Mẹ tôi mà chúng tôi thực tình không nhận ra là người quen biết. Chị đến khóc lạy bên quan tài của Mẹ rồi ngậm ngùi kể chuyện lúc đói nghèo O cho rổ sắn, O cho mớ khoai. Chợ về ngang nhà là nhớ O kêu: Ơi mợ Lân, ơi mợ Lân! Ra lấy gạo, lấy đồ ăn đem về cho mấy cháu...
Nghe tiếng chị kể mà tưởng như tiếng của Mẹ ở đâu đây? Anh chị em tôi quỳ lạy, mà tiếc thương Mẹ biết bao nhiêu. Không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài. Nỗi nhớ niềm thương biết bao giờ vơi được?
Rồi những đứa cháu bà con của Mẹ ngồi kể chuyện trước đây. Nhờ hồi xưa O lo đám cưới, nhờ O chợ búa tính toán nấu ăn để đãi đằng khách khứa. Chút chi cũng nhờ O, chút chi cũng kêu O. Tụi con giờ yên bề gia thất đã lâu. Nay tìm đến thăm O khi O đã không còn, hỏi thăm O khi O đã xuôi tay, O nằm yên, O nhắm mắt...
Mẹ là một người soi rọi niềm thương.
Nay Mẹ đã ra đi. Để lại cho tụi con thấu hiểu cái giá trị của lòng nhân ái!
Ở trong làng tôi có một cái lệ hết sức nghĩa tình. Hễ trong làng nhà ai có tang thì mọi người góp gạo giúp cho nhà đám. Kẻ ít, người nhiều. Một bụm, nửa lon, một lon... dồn lại thành bao. Làng cử người vác đến phúng điếu giúp cho nhà đám. Cái lệ này do làng đặt ra. Xuất phát vào thời điểm những năm 78-80 khốn khó. Và cho đến lúc này vẫn tiếp tục duy trì. Thời cuộc có lúc đổi thay. Lòng dạ con người có thể đổi thay. Nhưng tình làng nghĩa xóm tương trợ cho nhau, có thể không ghi vào văn bản, hương ước của làng, nhưng chắc chắn không thể nào hủy bỏ.
Đám tang của Mẹ tôi được đưa đi sáng sớm. Thanh niên con cháu trong làng chung vai đến gánh đưa O, đưa Mụ ra đi. Nghĩa trang của làng là một ngọn đồi cao. Với quan niệm "sinh ký tử quy" nên mộ phần người quá cố được chôn cất ở nơi cao ráo để tránh những trận lụt hàng năm và cho con cháu trong làng tiện bề hương khói.
Tang lễ của Mẹ tôi để bao nhiêu ngày thì bà con làng xóm đến phúng viếng, thăm hỏi bấy nhiêu bữa. Ban ngày mọi người đến phúng điếu rồi quay ra đồng áng. Đêm về bà con vẫn ghé qua nhà đám để chuyện trò giúp tang gia bớt phần quạnh quẽ, và mong người quá cố cũng vơi bớt sự tủi vắng, cô đơn. Trong nhà chỉ có chén nước, điếu thuốc, miếng trầu là chút lễ mọn đối đãi cái tình làng nghĩa xóm bấy lâu nay. Ân tình đó thật là sâu đậm.
Anh em chúng tôi vẫn luôn nhớ lời Mẹ dặn. Mỗi khi trong nhà có phương việc gì, hãy lấy lễ nghĩa để đáp đền cái ân tình của làng trên xóm dưới. Cho dù có học rộng tài cao, đỗ đạt thành danh ở xứ nào. Nhưng khi về quê, về làng thì chỉ có lễ nghĩa mới là thước đo nền tảng gia đình, là cách thức dựng xây nhân cách.
Phải biết kính trên nhường dưới mới thể hiện được cái sự biết đúng đắn của mình.
Mâm cau trầu rượu có thể được xem là lễ vật quan trọng nhất trong đám tiệc hoặc phương việc đại sự của mọi gia đình VN. Một miếng cau, một chén rượu để thưa chuyện, trình làng. Nhấp một hớp rượu, nhai một miếng cau tức là hàm ý nhận sự thành tâm của gia đình theo nghĩa đầy cung kính. Mẹ tôi thường dặn dò kỹ lưỡng anh em chúng tôi cách hành xử đầy phép tắc lễ nghĩa với người trong làng là vậy.
Lúc sanh thời Mẹ là một người rộng lượng nhưng đầy nghiêm khắc. Nay Mẹ tôi mất đi để lại cái giá trị của lòng nhân và lễ nghĩa cho con cháu học theo.
Lễ thất tuần của Mẹ. Bốn mươi chín ngày đã qua. Linh hồn sẽ siêu thoát. Hình bóng sẽ nhạt nhòa. Nhưng giá trị về đời sống của Mẹ vẫn còn mãi đó.
Nhớ Mẹ vô cùng!
Kính lạy.
Thương Bác! Entry ngắn mà đọc chút xíu phải dừng lại, đọc 3 lần mới hết.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteBác sống có nghĩa tình như thế, thảo nào được nhiều người thương.
ReplyDeleteMong hương hồn bác được sớm siêu thoát.
"Thời cuộc có lúc đổi thay. Lòng dạ con người có thể đổi thay. Nhưng tình làng nghĩa xóm tương trợ cho nhau, có thể không ghi vào văn bản, hương ước của làng, nhưng chắc chắn không thể nào hủy bỏ."
Bạn Gác làm tui nhớ cái xóm nhỏ của tui quá.
Người ta thường nói: bà con xa không bằng láng giềng gần .
Người có tấm lòng như mẹ anh, thời nay hiếm rồi. Khi người ta giàu hơn, cũng là lúc người ta hem cần đến nhau nhiều nữa huhu...
ReplyDeletemới đó mà đã qua 49 ngày rồi, mong Bác sớm siêu thoát. Bác là người hiền đức nên được mọi người quý mến.
ReplyDeleteps: gia đình nhà Ngoại của T cũng họ Đặng đây :)
Gác à, mẹ chị cũng họ Đặng!!!!!!!
ReplyDeleteThời gian qua thật nhanh, xin chia sẽ cùng g/d anh!
ReplyDeleteRất cảm ơn mọi người đã chia sẻ entry này. Thật là bất ngờ khi biết ở trên này cũng có rất nhiều người (dù có thể không phải là bà con quen biết ) mang họ Đặng.
ReplyDeleteChúc mọi người vui.
Không mang họ Đặng, không có bà con dòng họ có họ Đặng, nhưng bạn bè mang họ Đặng ở Đà Lạt ngày xưa thì đa số là ng` Huế nì. Hổng biết có bà con chi với bên ngoại anh hông há ?? :) :)
ReplyDeleteBác bây giờ có lẽ đang ở nơi niết bàn rồi ha anh!
An vui nha!