Sunday, May 29, 2011

Tháng Năm, California, Màu phượng tím

1. Tháng Năm là tháng của tôi. Mặc dù khai sanh là tháng Hai, nhưng tôi được ra đời giữa lúc tang chế của ông Ngoại. Cho nên chắc chắn tôi thuộc là những đứa con của tháng Năm. Vì sao ngày sanh tháng đẻ ghi trong giấy khai sanh cũng không đúng thì tôi chịu. Chắc có lẽ ba tôi khai trụt tuổi con cái để tránh quân dịch ở thời buổi loạn ly? Hoặc để cho con lớn xác lên chút, ít tuổi để khi đi học không bị ăn hiếp? Hoặc có thể con đông, ông không nhớ đẻ ngày nào? Ngày nào đi làm giấy thì ghi đại luôn ngày đó. Ba, thiệt là người dễ tính. Miss you, Dad! 
Mà người Á Đông thường không quan trọng chuyện ngày sinh tháng đẻ (?). Ừ, sinh ký tử quy mà.

2. Một cách trùng hợp ngẫu nhiên, tôi đặt chân lên nước Mỹ, đến California cũng là tháng Năm. Đây cũng là thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời. Mọi sự thay đổi trong cuộc sống đều luôn quan trọng. Chọn một điểm mốc thời gian để mà ghi nhớ là điều tất nhiên. Yeah, May is mine!
Nhớ gì về cảm giác lần đầu tiên khi đến xứ này thì chắc là chịu thua. Chỉ nhớ là rất lóng nga lóng ngóng. Ngơ ngơ như bò đội nón. Bộ dạng này thì luôn luôn gặp phải mỗi khi đến bất kỳ một xứ lạ nào. Không riêng gì đối với nơi này. Thật ra, cái cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm thì đã có hồi khi phỏng vấn và nhận tờ giấy hồng (tức là sổ đỏ = giấy chứng nhận quyền sở hữu đất) ngay tại tòa Tổng lãnh sự HK ở Sài gòn. Ừ, mà đó cũng có thể gọi đó là đất Mỹ. Vậy, cảm giác đặt chân lên đất Mỹ là lâng lâng. Hehehe.



Quyết định book vé theo hãng United vì tìm hiểu, biết là hãng này ghé ở Hongkong, muốn biết cái sân bay Hongkong ra làm sao, vì nghe đồn là đẹp lắm do mới được xây dựng lại. Thêm nữa,  biết hãng United đáp xuống San Francisco, sau đó sẽ có tiếp một chặng nội địa bay xuống Los Angles. Đó cũng là cơ hội qua một chuyến bay mà biết được 3 sân bay lớn, cũng là cơ hội ngắm nhìn bờ Tây nước Mỹ trên máy bay. Suốt hành trình từ SF xuống LA, máy bay còn nhiều chỗ, được ngồi ghế có cửa sổ, nên tôi đã dán chặt mắt mình để khám phá California.

Hồi trước đi học, được dạy dỗ và giảng nghĩa để hiểu từ vĩ đại.  Đặt chân lên xứ lạ, thấy sân bay lớn, đất đai mênh mông, nhà cửa được xây dựng, quy hoạch ngăn nắp, xe cộ quá nhiều, hệ thống freeway cuồn cuộn, sừng sững.... Trầm trồ, Nước Mỹ!
Sau này, có dịp được đi nhiều tiểu bang khác, khám phá được nhiều điều về cuộc sống ở xứ này. Thì  vỡ lẽ thêm ra được nhiều thứ.

Nước Mỹ là một ví dụ chính xác về hình ảnh để thấy được sự vĩ đại.



3. California, California.. biết đến California từ một bài hát nổi tiếng của ban nhạc Eagle.Thời tiết của California gợi cho tôi nhớ về Dalat. Cái không khí nhẹ và lãng đãng của California khiến cho tôi khắc khoải nhớ về cao nguyên nắng gió một thời lang thang của tôi . Và khi đặt chân lên tiểu bang danh tiếng này vào tháng Năm, tôi đã bị hớp hồn bởi  cây hoa phượng có bông màu tím, khiến cho tôi thảng thốt buộc miệng: Đẹp và lạ!


Phượng tím California không rực rỡ khoe sắc đỏ như phượng vĩ của miền nhiệt đới. Cái màu tím bàng bạc, màu tím phôi phai như được loãng tan một cách nhẹ hều dưới cái sắc nắng tháng Năm nhưng vẫn thoảng nghe mùi của hương khí lạnh. Màu tím lạnh trong sắc nắng ấm.

 Ôh, Phượng tím California. Ta mê nàng!



Thursday, May 26, 2011

Ước chi..

1. Hôm qua đi dự cái party gia đình của một người bà con mừng đứa cháu ra trường Junior High. Ở bên đây bất kỳ lý do gì mà chụp được là mở tiệc gặp mặt nhau để nhậu nhẹt. Đến nơi, kẻ lạ, người quen chào hỏi rối rít. Tụi nhỏ con chủ nhà gặp mình vẫn chào: Chú ông. Chú ông. Lâu nay quen cái cách gọi này. Nhưng nhớ cái entry Việt Ngữ bên nhà chị Ba Đậu, mà tủm tỉm cười. Số là, chủ nhà là con của ông anh họ. Nên gọi bằng chú. Con của nó cũng bắt chước: chào chú thì bị ba nó chỉnh sửa. Không được, phải gọi là ông. Sửa hoài mà cứ lộn hoài. Cho nên tụi banana này sáng tạo cái từ Chú ông để chào cho chắc ăn. Tiếng Việt được sáng tạo thêm. Ở hải ngoại tiếng Việt không chết! 

2. Scotty được American Idol năm nay, mẹ con Đậu đũa, chị Polka Dots, dân North Carolina chắc là sướng tê người, hỉ? Chú này có cái voice rất sexy, lại thêm khi hát kèm nụ cười nhếch mép rất ngạo đời. Fan nữ nhảy xổng vì chàng cũng phải.
Thêm, miềng thì hơi rầu chút xíu vì hôm qua Oklahoma thua Dallas. Coi như cái ticket một trăm đồng bạc mua ở  Vegas bet on OKC đi toong. Hic. Không phải là dân gamble nha. Mua thử thời vận thôi mà. Ta nói đen bạc thì đỏ tình mà lị. Hehehe..

3. Lại chuyện cô dâu người Vịệt bị đâm chết ở đất Hàn. Nghe mà cứ điên tiết Vịt lên.  Mợ Lún nói buồn cho phụ nữ Việt nam đến rách cái màn hình youtube quả là không ngoa.
Bao giờ thì mới hết rách đây hả trời?!
Nghĩ, Võ thị Sáu, Nguyễn thị Minh Khai... hồi xưa đi theo cách mạng chống Tây có lẽ là sợ bị tụi nó hiếp. Chứ cách mạng gì đâu mà bây giờ nữ nhi Việt nam cứ cái kiếp làm dâu, làm nô lệ, suốt đời phục dịch... rồi bị chết thảm nơi xứ người như vầy nè?  Không rầu sao được? Ước chi..

4. Đọc báo, coi news, nghe đài, ngóng chuyện VN, nghĩ chuyện nhà thấy mà rầu mà không làm gì được. Rồi thở dài buông chữ Ước chi... Ừh, ước chi! Ước chi tui được làm Tổng bí thư Đảng CS Việt nam. Tui sẽ tuyên bố giải thể Đảng CSVN trước Quốc hội, trước đồng bào, trước bàn dân thiên hạ. Để cho nước VN được ngẩng cao đầu và cuộc sống của dân VN bớt khổ.

5. Viết thêm, toài cái số 4 ước chi là để ủng hộ chuyện có bầu nhưng bệnh-gì-cử.

Monday, May 23, 2011

Im lặng là đồng lõa

Hôm trước, đọc cái Đơn xin hẹn hò bên nhà của Phú Mỗ, tôi cũng đã nghĩ đến cái chuyện kinh khủng này. Mặc dù có thoáng nghĩ đó là bản dịch đùa cho vui. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà người ta soạn cái mẫu đơn ác lạ đó.
Hơn nữa, vào thời điểm đó trùng hợp với cái tâm trạng buồn và chán, thì nghe được một câu chuyện của một người bạn. Tính đưa vào cái entry buồn thêm cái số 6 nhưng thấy nặng nề quá, cho nên thôi.

Hôm nay, đọc cái này bên nhà chị Ba Đậu. Không thể im lặng được. Chuyện của tôi biết là như thế này:

Một cô bé đã bị chính cha của mình abuse rất nhiều lần, và khiến cho em rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Em phải nhập viện, và cầu cứu đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Em muốn tố cáo kẻ đã lợi dụng thân xác của em, nhưng gia đình bên nội đã ngăn cản. Vì không muốn mất thể diện của dòng họ. 
Oh, Gosh! Một đứa trẻ đã phải chịu  mang nỗi nhục nhã bên trong mình để cứu lấy những người lớn. Một tâm hồn vô tội bị hoen ố nhưng không được phép rửa sạch vết thương lòng của mình vì phải nghĩ đến sự sống còn của kẻ nhẫn tâm. Vì huyết thống của kẻ ác đã tạo ra mình và đang tuôn chảy ở trong mình. Em phải có trách nhiệm để giữ thanh danh cho họ. Em phải gieo rắc niềm hy vọng và sự hối lỗi đối với kẻ đã vấy bẩn lên cuộc đời mình.

Tôi chưa gặp được người em gái trong câu chuyện mà tôi đã được nghe. Tôi chưa biết cô bé tên Tr đó là ai trong câu chuyện bên nhà chị Ba Đậu mà tôi vừa mới được đọc. Tôi  chỉ được biết, được nghe một cách tình cờ, và trong tôi đã gợn lên lòng ghê tởm. Tôi ghê tởm mọi người, và tôi ghê tởm với chính mình. Lòng ghê tởm đối với cái ác đã hiện diện khiến cho tôi trở nên lố bịch. Vì thiện và ác đều cùng tồn tại trong mỗi một con người.

Mà ừ nhỉ, nếu nhìn vào cuộc đời bằng con mắt thờ ơ, bàng quan thì có dễ thở hơn không?
Nhưng tôi đã bị ám ảnh bởi hành động vô luân đó!
Không phải là kẻ đi rao giảng đạo đức. Vì vậy, tôi không thể tỏ lòng thương hại, hay độ lượng cứu vớt cho những kẻ vô trí, vô minh.
Cũng không mang trọng trách hay có tư cách gì để trừng phạt ai. Nhưng tôi có quyền đòi hỏi cái ác phải được trừng trị.

Tôi buộc phải ói mửa ra thành lời để làm hạ hỏa sự phẫn hận và lòng ghê tởm.
Đơn giản, tôi đang chống lại cái ác trong chính bản thân mình. Tôi biết tôi đang tự hủy diệt, vì đã không chọn sự câm lặng để mong tìm sự vui vầy, khu trú.

Đời,  về cơ bản là buồn. Sống ngụp lặn trong bi lụy, và phải quẫy đạp để chống lại cái ác đang ngự trị.

Xin chia sẻ entry này cùng chị Ba Đậu.

Sunday, May 22, 2011

Giác quan thứ sáu

Nhân  cái vụ này ở nhà cô giáo. Kiếm lại cái bài này bên yxine để post lên. Phim này lâu rồi, chắc chắn mọi người đã xem, vì vậy không có sợ bị mắng là "tiết lộ nội dung phim, mất phê".

Còn nếu ai chưa coi phim mà lỡ đọc bài này, thì cũng nên tìm phim The Sixth Sense mà coi. Đĩa lậu, youtube hay gì gì cũng được. Miễn là coi được phim. Vì phim hay!

The Sixth Sense - Hãy tự lắng mình và lắng nghe người khác

Bài viết tiết lộ nội dung phim

Giác quan thứ sáu, một khả năng đặc biệt của con người mà về mặt hiện thực, có, hay không tồn tại, đang còn gây tranh cãi trong giới khoa học. Nhưng dù sao tính chất của nó vẫn đã được thừa nhận: Đó là khả năng nhận biết về thế giới một cách siêu phàm bởi vì nó vượt qua được những giác quan bình thường khác trong con người. Đó là một năng lực siêu nhiên mà con người ai cũng muốn đạt tới, nhưng thật không dễ dàng gì có được.

Cole, một cậu bé 6 tuổi (Haley Joel Osment), lại có khả năng đặc biệt đó. Bị ám ảnh và sợ hãi vì những điều khác lạ xảy ra xung quanh mình, Cole đã tìm đến Tiến sĩ Malcolm (Bruce Willis), một bác sỹ tâm lý để mong cầu cứu và chữa bệnh. Và câu chuyện giữa một già và một trẻ đó đã làm cho chúng ta ngỡ ngàng và phát hiện ra nhiều điều thú vị.



Với khả năng nhìn thấy được linh hồn của những người đã chết, cuộc sống cậu bé Cole đã bị xáo trộn, không còn bình thường như cuộc sống của những đứa trẻ cùng trang lứa, cậu luôn mang một nỗi sợ hãi và ám ảnh. Hơn thế nữa, chính cậu luôn có một tâm trạng trầm mặc, u uẩn và rất cô đơn giữa cuộc sống thường nhật của thế giới con người. Sở hữu một khả năng đặc biệt như vậy, nhưng Cole không sử dụng nó để tạo nên một quyền năng cho chính riêng mình, mà cố gắng làm sao kéo hai thế giới ảo và thực lại với nhau.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể tin hoặc không tin vào một thế giới khác ngoài mình, điều đó không ai ép buộc. Nhưng trong mỗi nếp nghĩ của chúng ta luôn mang trong mình một sự phân biệt về những mối liên hệ. Và điều đó không những đã làm cách biệt hai thế giới (nếu có) càng cách biệt thêm, mà điều quan trọng hơn là sợi dây liên lạc giữa con người với nhau dường như bị cắt đứt.

Ban đầu Cole tránh né gặp Malcolm, nhưng với lòng nhiệt thành muốn giúp đỡ của mình, anh đã tiếp cận được Cole, và chính điều đó đã làm cậu bé thêm tự tin, xoá đi sự sợ hãi và thông hiểu anh nhiều hơn. Sử dụng khả năng đặc biệt của mình, Cole đã giúp cho mẹ mình cảm thông và hiểu được tình cảm của người bà đã khuất. Thế giới ảo của những oan hồn được hiện thực sẻ chia. Cole đã giúp cho một cô bé bị đầu độc chết oan cùng người cha mình hiểu nhau hơn khi vạch ra sự gian ác của bà mẹ kế.



Câu chuyện phim chỉ xoay quanh giữa hai tuyến nhân vật đơn giản, đạo diễn M. Night Shyamalan đã tạo nên một mạch phim nhẹ nhàng, chậm rãi, nhưng đem lại cho người xem một sự bất ngờ, cuốn hút và không khỏi trầm trồ giống như khi chúng ta xem một siêu phẩm hành động của Hollywood.

Vì quá tự tin vào tài năng của bản thân, vì quá yêu mình nên Malcolm đã không còn nhận ra thế giới của anh và bản thân của riêng anh nữa. Oái oăm thay, chính Cole - một bệnh nhân của tiến sĩ Malcolm- cậu bé có khả năng đặc biệt đã giúp anh biết được điều đó. 

Sợi dây liên lạc của anh với thế giới con người đã không còn nữa. Anh đau đớn khi nhận ra rằng bản thân không biết mình đã chết! Cố gắng níu kéo một quãng đời đẹp và hạnh phúc theo mình nhưng không thể, Malcolm đau khổ nhìn số phận kết thúc theo vòng lăn của chiếc nhẫn cưới rơi ra từ tay người vợ thân yêu.

Phải nói rằng đây là một cảnh phim tinh tế, rất xuất sắc, đầy ẩn dụ và đậm chất điện ảnh. Một chi tiết đắt nhất của cả phim! Chỉ một cảnh quay nhưng giải quyết rất nhiều vấn đề cả trong lẫn ngoài phim: Giải thoát cho sự tồn tại của Malcolm. Giải toả tâm lý bị đè nặng của Cole, bởi vì trước đó cậu bé đã cố giải thích nhưng anh không lắng nghe, và không chịu hiểu. Tạo cơ hội diễn xuất cho Bruce Willis thể hiện sự đau đớn cùng cực. M. Night Shyamalan tạo ra sự bất ngờ làm cho khán giả buộc phải chú ý để phát hiện ra ngôn ngữ ẩn dụ, tinh tế đầy chất điện ảnh của mình.

Với nội dung hết sức đơn giản, tác giả kịch bản-đạo diễn M. Night Shyamalan muốn giải thích về khả năng siêu nhiên là điều có thể có trong mổi con người. 

Một đứa trẻ chỉ có 6 tuổi, nhưng lại có khả năng đặc biệt đó chứ không phải người nào khác! Tại sao không phải là mẹ cậu? Tại sao không phải là bác sỹ tâm lý Malcolm có được khả năng đặc biệt đó?

Bởi vì Cole đã biết lắng nghe người khác bằng cách tự lắng đọng mình.

Con người thường truy vấn, tìm hướng lý giải cái ngoài mình nhằm để thỏa mãn những khao khát hiểu biết, và dùng kinh nghiệm bản thân để phân biệt những gì khác mình. 

Nhưng thế giới cần có sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ. Con người vì quá yêu mình, nên tự bản thân đánh mất khả năng thông hiểu người khác. 
Tự con người làm thui chột đi khả năng nhận biết của mình, không nắm bắt và hiểu được thế giới nội tâm người khác như trường hợp mẹ của Cole, tiến sỹ Malcolm... là những ví dụ.

Rất tiếc, cái kết của phim với hình ảnh Malcolm nằm sóng xoài là một minh hoạ quá rõ ràng, nhằm giải thích những vướng mắt trong lòng khán giả, đã làm mất đi cái sự huyền bí khó hiểu kéo dài của bộ phim.

Nhưng dù sao, với cái tiết tấu chậm rãi nhẹ nhàng, với một nội dung phim rất đơn giản nhưng sâu sắc, The Sixth Sense của M. Night Shyamalan đã tạo cho người xem một cảm giác dường như có một giây phút lắng đọng bản thân, ngẩn ngơ và ngẫm nghĩ vu vơ về cuộc sống.

Saturday, May 21, 2011

Phan Bá Thọ - Good Idea!

"Đối với ngày 22.5 chúng ta có 2 con đường để lựa chọn: hoặc là tẩy chay bầu cử, hoặc là đi bỏ phiếu bầu nhưng chỉ bầu cho những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Điếu Cày, Anh Ba Sài gon, Trần Khải Thanh Thủy... và các Nhà vận động đấu tranh cho sự tự do dân chủ của đất nước đang bị quản thúc hoặc tù đày giam cầm!" (Phan Bá Thọ)
1. Đi làm về, chui vô GX, lên facebook thấy cái này đập vào đầu. Đây là lời kêu gọi của một facebooker nhân ngày bầu cử ở VN diễn ra vào ngày 22 Tháng Năm, 2011. Một sáng kiến hay. Ủng hộ sáng kiến này bằng một hành động thiết thực là copy về và đưa lên đây.
Thêm nữa, trong phiếu bầu đều có ghi tên các vị ứng cử. Để bày tỏ thái độ của mình, có thể gạch tên người mình không chọn. Và ghi tên người mình muốn vào đó như Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung.., để thay thế các vị có tên trong danh sách kia. 
Lá phiếu này sẽ không hợp lệ. Không quan trọng. Vì kết quả bầu cử ở VN như thế nào thì biết rồi. Khỏi phải  bàn. Đơn giản là mình được bày tỏ thái độ theo cách của mình. 
Không biết quý vị ở VN hôm nay có ai đi bầu, hưởng ứng sáng kiến này và bày tỏ thái độ như vầy không?
2. Và đây là một bài thơ của Phan Bá Thọ:
thèm thuồng đủ thứ & họ đã ăn gì để s[r]ống

nhà thơ trần dần ngồi dựa lưng vào bóng tối chân tường non nửa thế kỷ: ông, thèm ánh sáng & ăn cổng tỉnh 

đặng đình hưng thi sỹ, lúc sanh thời có ít cái để ăn & ông, đã
thèm nhai cả 1 cái chợ

nhà thơ [miệng rộng, một hậu sinh khả ố / úy của
ô mai, bến lạ] nguyễn hữu hồng minh: ăn hải cảng

trần tiến dũng xơi cả
bầu trời lông gà lông vịt

đinh linh ăn [những]:
từ đẹp nhất [the most beautiful word]. lê đạt phu chữ, ăn: bóng chữ. đặc biệt bóng của những chữ… động chân cầu [tiêu / thang / vượt / cơ / may…]

nguyễn quốc chánh ăn:
căn cước [của ẩn dụ] & khí hậu đồ vật

bùi chát ăn
giấy vụn, xác ướp & cả những cái lồn bỏ đi [tu]

vi thùy linh ăn mặn nên luôn mồm la làng:
khát [khát, khát quá mẹ ui]

nói chung họ, thèm từ cái bình dị cho đến những thứ ghê rùng rợn [chính đáng] & ăn uống cũng bô la bố láo bạo tàn, đủ các kiểu loại


có đứa
ăn mày dĩ vãng [nghiệp dư] & cũng khối em ăn mày văn chương [nghiệp dĩ]

nguyễn huy thiệp ăn:
hoa [thủy tiên] & trò chuyện với cứt [nghe đồn: tất cả các nhà văn việt nam cả nội lẫn ngoại không phải chỉ là đồ hâm hấp vô học, dốt nát, đồ bỏ đi đâu. mà là đồ cứt. cứt, cứt hết]

trần đăng khoa [cầu kỳ - thi họa, thì] chỉ ăn những thứ mong mỏng [
… như là rơi nghiêng]. chẳng hạn: siêu mỏng có cánh, hoặc có 2 cánh siêu mỏng. ăn tuốt

tuy nhiên, nếu đem so với các bậc lão thành [tiền - bối / rối] thì tất cả bọn họ chỉ là 1 đám nhãi ranh dễ thương hoặc cùng lắm là những mầm non tương lai của 1 đất nước [lơ
thơ & đầy đĩ]

nghe nói, những nhà thơ có chân trong bộ chánh trị thì tợn lắm, ngầu thật ấy. họ, những nhà vô địch về nhịn ăn. là những nghệ sỹ nhịn ăn thứ thiệt & làm xiếc thứ xịn. à, à… [tất nhiên] họ không ăn gì cả rồi. đúng, đúng nhé


ừ, họ không nhai gì cả [ngoài nhân dân & tổ quốc]


 

Thursday, May 19, 2011

Judgement Day - Bạn làm gì?

1. Nhận được cú phone, tưởng là thông báo đi họp. Không phải. Thông báo ngày Tận thế. Chuẩn bị gì chưa? Trời, tận thế mà còn chuẩn bị gì nữa? Hehehe..  Tận thế vào ngày mấy vậy? Thứ Bảy, 21/ tháng Năm đó. Oh, không sao. Thứ Sáu còn lãnh check được. Vậy là OK rồi. Thứ Bảy = beer day! Judgement Day!
Thử google, nghe vietnamnet nói có ông học giả về Kinh Thánh nói vậy. Không tin. Và chắc những người theo đạo Thiên Chúa cũng không tin. Vì đây là những dự đoán do ông tự nghiên cứu và đưa ra kết luận như vậy.

 (Nhưng mà...)
2. Thử đặt trường hợp bạn tin thì sao? Bạn sẽ làm gì để chuẩn bị đón ngày tận thế? Mua mì gói, mua nước uống. Trữ sẵn thức ăn trong nhà? Cả nhà sẽ tụ họp lại và ngồi chờ "chết chùm"? vân..vân.. Trả lời giùm cho câu hỏi này đi!

3. Và giả thiết thêm nữa là : Nếu được cứu vớt qua một hành tinh khác, một thế giới khác. Bạn sẽ đem cái gì theo bên mình? Đem theo laptop để mà online, viết blog, lên face book?...Đem theo vợ, con, cha mẹ, anh em? Hay đem theo con chó nhỏ bấy lâu nay gắn bó với mình? vân..vân..  Nghĩ, câu hỏi này cũng nhức đầu đây. Nhớ lại cái kỳ y2k. Mình cũng đã đặt câu hỏi này với bạn bè rằng: Bạn sẽ chọn gì làm hành trang khi  bước qua thiên niên kỷ mới?. Mỗi đứa cho ra một đáp án khác nhau. Rất vui. Có đứa nói tao đem Tivi, thằng thì nói tao xách computer... Nhưng đứa khác nói, không có thằng nào đem theo điện (power) thì làm sao hoạt động? ừ há !
Tiếc là hồi đó không làm được cái survey rộng rãi để lấy ý kiến. Mà hình như hồi đó cũng chẳng có ai khai thác vấn đề đó như mình đã hỏi bạn  bè. Idea hay như vậy mà không nhà đài, báo chí, hoặc MC nào thực hiện được. Để bây giờ không có cái để lật lại mà xem. Uổng!

4. Judgement Day! Người hùng hủy diệt Cali tuyên bố có con riêng với bà giúp việc. Ai thấy hình bà này chưa? Nghĩ không ra thiệt.
Judgement Day coming! Cả nước Pháp, IMF, giới tài chính Châu Âu thực sự bị sốc khi thấy trên tivi Dominique Strauss-Kahn bị còng tay, bị xốc nách dắt đi vì bị cáo buộc tấn công tình dục cô hầu phòng khách sạn ở NYC. Thân bại danh liệt vì ngày tận thế sắp đến chăng?

5. Làm gì  khi ngày tận thế sắp tới? Thôi. Chạy ra ngoài kiếm cái gì ăn. Rồi đi cafe với thằng bạn để coi game NBA trận chung kết Western thứ hai  giữa OKC-DAL. Sau đó gọi phone về cho Mẹ hỏi thăm sức khỏe, hỏi Mẹ cúng rằm lễ Phật đản vừa rồi có lớn không và có ai chở Mẹ đi chùa không?

Vậy nhưng mà bạn nghĩ tôi có tin vào Judgement Day không? Hahaha..

Wednesday, May 18, 2011

Một entry lười (1)

1. Buồn sinh lười. Nằm. Nhớ. Những chuyện cũ lung tung, lục lọi những gì xưa rết xưa rơ. Coi lại phim cũ. Chọn cái phim Forrest Gump. Và cũng nhớ phim Forrest Gump này lần đầu tiên được xem ở Sài Gòn, tại NVH Thanh Niên, đó là thời gian sống lay lắt ở SG. Nên phim này lúc đó mang lại cho mình nhiều cảm xúc. Coi và Nhớ!
Nhớ về Sài Gòn  cách đây gần 2 chục năm. Vui có, buồn có, sống nhàu nát. Rất đã!
Nhớ bài viết về phim này cách đây lâu lắm rồi, hồi còn tham gia chí chóe trên yxine. Nay repost.
Tất cả đều là rất cũ. Mà cái gì cũ cũng đều là kỷ niệm và có ý nghĩa nếu mình còn nhớ lại về nó.

Forrest Gump là một bộ phim nói về một con người đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước Mỹ trong thập niên 60-70. Từ một con người bình thường, thậm chí dưới mức bình thường, Forrest đã làm được những điều kỳ diệu mà chính những người bình thường nằm mơ cũng khó thực hiện được.

Người đời thường nói: thời thế tạo anh hùng khiến chúng ta dễ dàng liên tưởng đến sự lỗi lạc của một con người trong một xã hội xuất chúng. Nhưng với Forrest Gump thì hoàn toàn khác. Sự oái oăm của phim là đã để cho sự anh hùng trôi nổi một cách hài hước gắn liền với định mệnh của anh.

Mặc dù bị xem là ngốc nghếch nhưng bằng sự nỗ lực của ý chí, sự công bằng trong một xã hội luôn tạo mọi điều kiện cho mỗi người, Forrest Gump cũng đã được vào đại học, được đóng góp trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong tư cách là một công dân khi tham gia chiến tranh Việt Nam. Và cuối cùng anh trở thành anh hùng trong mắt những người dân bình thường, anh hùng trong con mắt của những cựu chiến binh, một quân nhân có thành tích trong con mắt của các chính khách, và hơn hết là sự nhìn nhận trong sáng và giản dị về tình yêu mà anh dành cho Jenny.

Thả tràn những cảm xúc qua những thước phim đầy tình cảm và có ý nghĩa đã làm cho chúng ta không khỏi thán phục, xuýt xoa, trân trọng và thậm chí rất thích thú và có những phút hả hê về những điều kỳ diệu mà Forrest đã làm được:

Sự ngờ nghệch đáng yêu của anh lính Forrest khi tham gia cuộc chiến đã giúp cho anh không những thoát được cái chết mà còn dũng cảm xông pha giữa bom đạn để cứu từng đồng đội và trở thành anh hùng.

Những suy nghĩ đơn giản và thơ ngây của anh đã khiến anh trở thành một cầu nối quan trọng giữa hai bờ ý thức hệ trong giai đoạn chiến tranh lạnh.

Tình bạn trung thành của anh đã biến cái ước nguyện tưởng như viển vông thành một hiện thực giàu có.

Và nổi bật hơn hết chính là tình cảm chung thuỷ của Forrest với Jenny đã giải thoát được một số phận tưởng như tuyệt vọng trong lầm lạc và bế tắc, đã tìm được bờ yêu thương.

Mặc dù bị cuốn hút vào hàng loạt sự kiện được minh hoạ kể lại bằng những hình ảnh ấn tượng, nhưng khi xem tôi vẫn băn khoăn: Tại sao một kẻ ngờ nghệch như Forrest Gump đã làm được tất cả những điều đó?

- Có phải sự nghiệt ngã của số phận đã khiến cho anh trải nghiệm một cuộc sống bình thường rất khó khăn, và tạo hoá ban cho anh những cơ may để bù đắp những điều khiếm khuyết?

- Hay có phải lịch sử không công bằng, đã trút bỏ tất cả những bi hài của thời đại mình lên đôi vai của một người ngờ nghệch để mong tìm một sự đào thoát?

Ðây quả thực là một kịch bản phim rất xuất sắc khi đã khái quát một giai đoạn lịch sử của nước Mỹ khi lồng vào hình ảnh cuộc đời của công dân Forrest Gump. Thông qua hình tượng một nhân vật bình thường thậm chí dưới mức bình thường nhưng đã làm được những điều kỳ diệu. Và đồng thời cũng phản ánh sự rối loạn trong xã hội Mỹ ở một giai đoạn đen tối. Một trang buồn và đầy hài hước trong lịch sử nước Mỹ.

Mặc dù không có cái nhìn hạ thấp vào khả năng của những người bị khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng đặt một góc nhìn ở khía cạnh khác thì xã hội Mỹ trong thập niên 60-70 quả thực là tệ hại, đã bị khuynh đảo bởi những người đặc biệt khác thường.

Cái tài của đạo diễn Robert Zemeckis là đã cho chúng ta nghe một câu chuyện kể về cuộc đời một con người nhưng lại thấy và thấu hiểu những điều trái khoáy xảy ra trong lòng xã hội Mỹ những năm 60 -70 với ngổn ngang những câu hỏi về cuộc chiến Việt Nam:

Cái chết không đáng có của Bubba phải chăng là sự phi lý và vô nghĩa của chiến tranh?

Hình ảnh oai phong của trung uý Dan để rồi bị cụt đôi chân có phải là một minh hoạ cho cuộc chiến Việt Nam mà nước Mỹ đã tham gia có một kết thúc đáng tiếc?

Rồi cuộc sống của Jenny lang bạt, trầm luân có phải chăng là tiếng nói khát khao được cất lên trong một xã hội của những người trẻ tuổi không muốn chiến tranh?

Thêm nữa, chính Forrest Gump đã chứng kiến cái chết đầy uẩn khúc của Tổng Thống Kennedy, những "giấc mơ đại đồng giữa người da trắng và người da đen" đã trở nên dở dang sau cái chết đầy mờ ám của Mục sư Lurther King, và rất nhiều sự kiện trải qua dưới con mắt ngờ nghệch của Forrest Gump... Xã hội Mỹ mà anh đang sống, chứng thực và trải nghiệm quả là một giai đoạn không bình thường.

Ðó là tất cả là những gì Forrest Gump đã thấy, đã làm và đã suy nghĩ về một đất nước, về một xã hội mà mọi người vốn rất tự hào về nó.

Và tất cả những điều đó đã một lần nữa làm tác động đến con người anh lần thứ hai.

Không như lần thứ nhất, sự tác động khiến cho cuộc đời Forrest Gump thay đổi, xảy ra bằng sự ngạc nhiên, nỗi sợ hãi, lòng căm ghét một lũ bạn xấu nết đã làm cho cậu bé Forrest bùng phát, phá vỡ những ốc vít, đinh nẹp dưới chân mình để chạy như một đứa trẻ bình thường không còn dị tật.
Và lần thứ hai này tất cả đã dồn nén vào trong tâm hồn và thể xác một con người, vốn dửng dưng, ngờ nghệch trước cuộc sống, nhưng buộc phải bật khóc. Đó là điều thật sự đặc biệt và quan trọng đối với Forrest Gump.
Anh đã biết thổn thức như một người bình thường trước những điều oái oăm, trái khoáy mà tạo hoá và cuộc sống dành cho anh. Sự tác động này đã khiến cho những người xung quanh Forrest, và chúng ta - những người xem phim, quan niệm về anh bấy lâu nay phải thay đổi.


Anh tức tưởi khóc bên mộ của Jenny vì anh buồn, vì anh giận, vì trách móc và vì thương tiếc cho Jenny. Và cũng có thể nói rằng: những giọt nước mắt của Forrest Gump cũng là sự ngậm ngùi đầy trách nhiệm của một công dân vốn bị xem là không bình thường, thiểu năng, nhưng đã biết khóc, biết đau, biết chia buồn cho một giai đoạn lịch sử đáng tiếc của nước Mỹ vậy.

Một phim để lại rất nhiều điều suy nghĩ sau mỗi một lần xem lại.

2. Ôi trời ơi, 1 giờ rưỡi sáng rồi. Mắt vẫn đơ đơ.. Có nên coi tiếp thêm phim gì khác không?
3. Entry này được đánh số vì sẽ có lười nhiều tập... Và lười chảy thây....

Friday, May 13, 2011

Một entry buồn (1)

1. Tâm trạng mệt mỏi. Mất ngủ lại đến. Chắc là phải gọi cho anh Hiếu. Đôi khi muốn uống năm, bảy viên để ngủ bù một giấc cho đã. Nhưng thôi, không muốn bị đơ vì mình là một người rất thích nuông chìu cảm giác. Còn cảm giác tức là còn được sống!



2. Gặp anh Huy, anh cousin của thằng bạn. Mang bệnh nan y trong người, đang đếm từng ngày. Muốn hỏi cảm giác hiện tại của ảnh, nhưng thấy bất nhã quá. Biết anh đang quý từng phút từng ngày. Trong lúc này bất kỳ điều gì đến với anh Huy đều là những hy vọng. Cảm giác được rằng, anh đang mất dần dần những niềm vui. Anh Huy vẫn thản nhiên. Vẫn vui. Hy vọng sự thản nhiên sẽ níu kéo được ảnh.

3. Tuần rồi nghe tin nhà báo Lưu Sơn nhập viện và bị hôn mê, đồng nghĩa là cuộc sống khép lại với anh rồi. Và rồi anh cũng đi nhẹ nhàng.
Ở xứ này, cái gì cũng nhanh, cái gì cũng hối hả. Thời gian trôi nhanh, cái chết đến cũng lẹ. "Hôm qua nói nói cười cười, hôm nay anh đã nằm nơi suối vàng." Hai câu lục bát (chế) này hồi xưa mình hay nói giỡn giỡn với bạn bè. Bây giờ nói lại, thật nhiều hơn đùa!

Rest in peace, anh Lưu Sơn. Người ở lại mà anh quen biết của vùng OC nhiều điều tiếng này sẽ gậm nhấm cái sự bằng mặt mà không bằng lòng bấy lâu nay của họ.

4. Mấy tuần trước, đón thằng bạn từ VN qua. Cùng với nó đi lên thăm anh Hải, anh vợ nó, nằm ở chùa Phổ Đà. Anh Hải mỗi lần về SG thì mình cafe và đi nhậu với ảnh, vì thằng bạn mình uống kém. Anh Hải ở San Jose, qua đây không gặp được, rồi mất liên lạc. Rồi nhận được tin anh Hải mất một cách quá đột ngột cách đây mấy tháng.

Bây giờ anh Hải nằm yên vị ở đây. Hứa trong lòng sẽ đến thăm anh Hải, sẽ mua cafe và đốt cho ảnh điếu thuốc.

Với tôi, những người nào mà đã từng được gặp qua, từng uống với họ chén rượu, từng được giới thiệu và biết về họ... thì không thể dửng dưng được khi biết tin về sự ra đi của người đó! Dửng dưng là mảnh đất nuôi dưỡng cái mầm xấu!


5. Entry này tính viết ngày hôm qua, thứ Năm. Nhưng blog bị vấn đề. Hôm nay thứ Sáu, ngày 13. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mình viết một entry buồn.

Tuesday, May 10, 2011

Người tử tế và chuyện vớ vẩn

1. Đó là Eagle, một nhóc tì 5 tuổi. Sống trong một gia đình rất ư là tử tế, vì bố mẹ Eagle thường hay tổ chức nấu nướng những món ăn đặc sản và mời khách đến nhà tham dự.
Lúc còn nhỏ, Eagle thường hay khóc nhè và đeo bố như đỉa. Trong mắt của mọi người, Eagle sẽ không mấy thay đổi, vẫn nhõng nhẽo, rất nghịch, và lì.

Gia đình chú Lập, cô Thư và cu Ben cũng là khách mời thường xuyên của bố mẹ Eagle. Thường những buổi tiệc ăn uống như vầy, trẻ em tha hồ chạy nhảy vui chơi và ít bị người lớn kiểm soát vì người lớn lo hì hụp ăn uống.

Tiệc tan, hết giờ. Người lớn chào nhau hí hửng ra về sau khi đã no say. Cu Ben, 3 tuổi, không chịu đi về mà còn khóc rấm rức. Bố mẹ cu Ben dỗ hoài không nín. Bất ngờ, Eagle chạy đến nói một cách chững chạc với cu Ben: Em chờ anh một tí. Đoạn, Eagle chạy vào phòng, lấy khẩu súng trò chơi đưa cho cu Ben trước sự chứng kiến của nhiều người lớn. Cu Ben nín khe, Mẹ cu Ben nói: Con cám ơn anh Ealge đi. Cám ơn anh đi...

Ừ, cám ơn anh Eagle thật!

Sau này một vài lần, ngồi uống cafe với bố của Eagle để chờ Eagle chơi múa võ. Ông bố cứ chép miệng nói hoài: Sau này cháu nó trưởng thành làm gì được thì mừng. Mong muốn đầu tiên của anh là nó phải làm được người tử tế. Ám ảnh quá!

2. Đó là cô bạn mà tôi quen. Cô đã từng là giáo viên. Ngày mới qua định cư, cô cũng trải qua nhiều nghề, bây giờ có một công  việc ổn định. Nhưng cô vẫn thường nhớ đến ngày xưa, nhớ cái ngày còn "chân ướt chân ráo" như bao người mới đến khác. Trong câu chuyện  của cô kể có cái câu rất tử tế: hồi xưa mình cũng thích như vậy.

Nghĩ, người tử tế sống với tinh thần thoải mái. Gặp lại chuyện xưa không những mừng mà lại còn vui. Còn người không tử tế thì chắc chắn không thích chuyện xưa. Tránh gặp mặt vì sợ đụng những người tử tế. Cám cảnh quá!

3. Có đứa cháu đi ăn ở một nhà hàng nổi tiếng ở vùng Beverly Hill. Hỏi : ở đó có những món gì? Dạ, không biết. Chỉ thấy có thịt heo, thịt bò, thịt, thịt và rau. Hỏi tiếp: có ngon không? Dạ, không. Món gì không ngon? Dạ, dạ...(ậm ờ.. không nói được).

Chắc mình hỏi lộn người.  Haizzaaaaaa...Dập đầu bái lạy.

4. Lâu nay người ta thích nghĩ khác. Chỉ cần khác là được, bất luận đúng sai, hợp lý hay không hợp lý. Câu chuyện về cổ tích Tấm Cám cũng vậy. Không biết từ đâu, và từ bao giờ, câu chuyện cô Tấm bị giang hồ mạng đòi xét lại từ thời forum diễn đàn phôi thai, qua đến thời blog mà vẫn chưa hết. Lại còn đòi xóa sổ cô Tấm nữa. Ui chao.
Cô Tấm ác lắm, ác, ác... Mà cô Tấm ác thiệt. Cô Cám ác, và bà dì Ghẻ cũng ác.
Cô Tấm thảo hiền hoàn toàn không có trong chuyện à nha. Lầm chết! Cái thảo hiền gì gì đó là do ông nhạc sĩ thời hiện đại đẻ ra. Bám sát câu chuyện cổ tích dân gian thì sẽ thấy đó là câu chuyện của ba người ác.

Ác giả, ác báo. Đó là nội dung xuyên suốt câu chuyện. Làm ác thì bị kết cục bi thảm. Đơn giản chỉ có vậy.

Cô Tấm hoàn toàn không phải hiện thân của sự hiền thục mà mọi người mong đợi-vì-hiểu-sai. Đọc kỹ câu chuyện sẽ thấy. Cô Tấm là nạn nhân của cái ác, cô Tấm hoàn toàn không đại diện cho điều thiện, cái hiền bị cái ác theo đuổi, để rồi cái thiện chiến thắng cái ác theo mô-típ thông thường. Bị hố to! 

Nếu bàn đến khía cạnh giáo dục của chuyện này thì cần phải thấy rõ là, vì hiểu sai câu chuyện rồi sử dụng sai câu chuyện, cho nên những đòi hỏi về những gì mà câu chuyện không thể đem lại được lại càng sai luôn.
Câu chuyện này cần được áp dụng cho môi trường giáo dục hay không? Cần lắm chứ. Biết, hiểu thấu nhiều thứ, trong  đó biết về cái ác để mà tránh. Đó cũng là một phương pháp giáo dục toàn diện. Không nên che giấu một điều gì.

Nghĩ lại, thông tin mạng thời buổi này quá nhiều. Cần trang bị cho mình một bộ lọc cần thiết. Đừng biến thành chim sẻ, một con đậu, cả  bầy đậu. Một con bay, cả  đàn dáo dác bay theo.

Sunday, May 8, 2011

Yes, I did !

Mother's Day, Ngày của Mẹ ở nước Mỹ, được ấn định vào ngày Chủ nhật của tuần thứ hai của tháng Năm, năm nay rơi vào ngày 8 tháng Năm, 2011.
Trước và vào ngày này, những bà Mẹ ở nước Mỹ, hoặc có con đang sống ở Mỹ sẽ nhận được những lời lẽ chúc tụng cao cả và ngọt ngào nhất.



Mom is everything. Với bất kỳ một ai, Mẹ là tất cả, và vượt lên trên mọi ý nghĩa cao cả khác.
Nhiều bài nhạc, áng văn, thơ ca, phim ảnh, tranh vẽ... liên quan đến hình ảnh người Mẹ được sáng tạo để dâng tặng Mẹ với sự thành kính và tràn đầy yêu thương.

Đó là lẽ đương nhiên. Vì Mẹ là người cao quý nhất, xứng đáng được nhận những thành quả đó.

Thương Mẹ, hiếu đễ với Mẹ là chuyện hiển nhiên. Và mỗi người trong chúng ta có một cách rất riêng để thể hiện tình thương đến với Mẹ của mình.

Khi còn bé, những đứa trẻ đi học thì được thầy cô dạy dỗ cách thể hiện tình cảm của mình đối với Mẹ. Những nét chữ nghệch ngoạc được viết trên những miếng giấy nhỏ, những hình vẽ ngây ngô trên tấm thiệp được làm vụng về: I love you, Mom! Con yêu Mẹ nhiều lắm!...
Và khác biệt hơn là trong những ngày này, xung quanh Mẹ có rất nhiều hoa, hoặc những vật phẩm quý giá được dâng tặng của những người con đã đến tuổi trưởng thành. Và Mẹ cũng nhận được lời ca ngợi với những mỹ từ cao đẹp nhất.

Ngày của Mẹ có nhiều niềm vui, vây quanh Mẹ là những nụ cười.


Nhưng hình như, tôi đồ rằng: tình cảm dành cho Mẹ thông qua những gì tôi nói ở trên vẫn chỉ là gián tiếp.
Tuổi thơ qua đi, và khi nhận thức nhiều hơn thì tình cảm hình như trở nên tỷ lệ nghịch với lời nói chân thành dành cho Mẹ?

Không ai dám phê phán những tình cảm đó là không thật cả. Trong mắt Mẹ, con cái vẫn còn mãi mãi tuổi thơ. Vậy tại sao ta không cất lên tiếng nói thơ ngây: I love you, Mom! Con yêu quý Mẹ! một cách trực tiếp, đầy tự nhiên như tình cảm lúc tuổi thơ mà ta đã vô tư dành cho Mẹ?
Thật là dễ dàng khi bạn đặt bút xuống để viết:  Mẹ là người mà tôi thương nhất. Và cũng thật là dễ dàng khi bạn mở miệng tâm sự về Mẹ với bạn bè: Tôi thương Mẹ tôi nhiều lắm.

Nhưng có mấy ai nói lên những lời đó trực tiếp trước mặt Mẹ mình khi đã lớn khôn? Một khi bạn đã có người yêu, có vợ có chồng... Bạn đã lấy đi lời yêu thương đó để dành thốt lên cho người khác mà không phải Mẹ.

Những tặng phẩm Mẹ nhận trong đời chỉ đơn giản là tình cảm bù đắp. Là một sự đáp trả những gì  Mẹ đã cho ta trong bấy lâu nay.
Tìm dâng tặng Mẹ những gì thuộc của riêng mình. Đó là tình cảm mẫu tử tự nhiên vô cùng quý giá.

Một trải nghiệm tình cảm cực kỳ khó tả. Nó sẽ rất khó đối với nhiều người đã chưa thực hiện. Điều đó tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu cất lên được, tôi nghĩ, quả là một sự vĩ đại vô cùng.

Hãy làm điều vĩ đại đó cho Mẹ. Đừng ngại ngần. Mọi giải thích tránh né dựa trên những lý thuyết tâm lý nào đó (nếu có) cũng chỉ là vụn vặt và vớ vẩn tầm thường.

Mẹ, con thương Mẹ! Mom, I love you! Được nói ra trực tiếp vào tai mà Mẹ nghe được, quả là một sự thú vị về cảm xúc đặc biệt giữa Mẹ và con.
Bạn muốn biết điều đó không? Mạnh dạn lên! Thực hiện ngay đi!  Và hãy chia xẻ cảm xúc tuyệt vời đó với người khác!

Và cuối cùng bạn sẽ hỏi tôi, Và tôi lấy cái tựa của chính entry này, thay cho câu trả lời ngắn gọn: Yes, I did!

Saturday, May 7, 2011

Ông Ngoại

Hôm bữa thứ Năm là ngày giỗ của ông Ngoại tôi. Gọi điện thoại về nhà và nghe nói đám giỗ ông Ngoại đông vui lắm. Từ ngày sống xa gia đình, ngót nghét cũng 2 chục năm nay, ít khi có mặt ở nhà. Mất cơ hội gặp những người thân vào những dịp như thế này.


Tôi không hề biết mặt ông Ngoại. Ngày ông mất, Mẹ tôi về thọ tang, ba ngày sau, giữa lúc tang gia bối rối thì tôi được ra đời. Tiếng khóc oe oe của tôi cũng được hòa theo giữa tiếng khóc thương tiếc về ông của cậu, dì, ôn, mụ, của đám con cháu, những người thân thuộc xung quanh ông Ngoại.

Sau này lớn lên, tôi được biết về cuộc đời của ông Ngoại thông qua ký ức của những người thân trong gia đình hoặc những người quen biết trong làng.

Ông Ngoại là người hay chữ. Ông rành chữ Nôm, nói và viết được Pháp ngữ, còn tiếng Việt thì ông viết chữ rất đẹp. Tuổi thơ tôi lớn lên sau 1975, vì ở nhà của Ngoại, thường lục lọi giấy tờ cũ nên thấy được bút tích của ông Ngoại.

Hầu như con nít ở trong làng đều được ông dạy dỗ những chữ cái đầu tiên trước khi vào được trường học. Giống như pre-school bây giờ ở đây vậy. Nếu gia đình nào không đủ sức cho con ăn học, thì gửi con học "ở trường của ông Ngoại con" luôn.

Là người hay chữ, nên ông Ngoại đặt tên cho con cái rất hay. Tên con trai ông đặt là (Xuân Quang), Xuân Vinh, (Xuân Nghị), (Xuân Lộc). Tên con gái ông đặt là Bích Nhạn, Hồng Phấn. Vào thời đó, những cái tên đó gọi lên nghe rất kêu.

Nhà của ông Ngoại là một cái nhà rường bề thế, có nhiều cột, nằm trong khu vườn rộng 5 sào. Theo như lời mẹ tôi kể, nhờ trúng một mùa dưa gang bội thu mà ông đã xây được ngôi nhà như thế này. Tuổi thơ của mấy anh chị em tôi gắn liền với quê Ngoại, nhà Ngoại và đặc biệt là khu vườn có nhiều cây trái của Ngoại. Cây măng cụt xanh um, cho trái vào những tháng mùa Đông để mẹ tôi đổi gạo. Những trái dâu tươi ngon mọng nước lạ lẫm mọc ở thân cây. Những trái thanh trà với vị ngọt thanh tao của vùng Lương Quán, Nguyệt Biều nức tiếng cả một vùng thành phố Huế...Vườn của ngoại luôn đầy ắp tiếng cười lũ bạn học của anh chị em tôi trong những ngày hè.

Anh chị em tôi lớn lên và trưởng thành trong sự đùm bọc, thương yêu của làng quê Ngoại. Ngoại không phải là ngoài như người ta thường nói, mà tình sâu nghĩa nặng ở bên trong. Ngoại bao giờ cũng là niềm thương mong mỏi để ngước về. Ngoại là chan chứa!

Viết vài dòng hôm nay để tưởng nhớ về Ngoại. Tuy không gặp mặt được ông, nhưng ông là nỗi mất mát đầu tiên của con, khi con có mặt ở trên đời.

Monday, May 2, 2011

Bùi Chát, Osama và Field

Bin Laden chết, và tin Bùi Chát bị tù đến cùng một ngày. WTH is that? Tin vui và tin bực bội làm lẫn lộn vui, buồn.

Bùi Chát được giải thưởng, nhưng vì Giấy Vụn, nên không có care bằng field? Lẳng lặng đi, lẳng lặng về. Không tiền hô hậu ủng. Không được tặng nhà mà còn bị đuổi ra khỏi chỗ thuê. Haizzz...

Field được giải, cả nước mừng rần rần. Chắc là vì biết rằng cả 100 năm sau, chưa chắc gì có lại cái giải này. Thôi mừng đi, kẻo mất cơ hội. Uổng!

Bùi Chát được giải, kích thích tinh thần độc lập cá nhân. Dám làm, dám dấn thân. Những người trẻ tuổi Việt nam không run sợ, yêu sáng tạo trong điều kiện ngặt nghèo. Vậy mà không cổ xúy mà lại dấu nhẹm. Rồi còn bắt nhốt vô tù nữa.

Osama chết, khắp nơi người ta đều hồ hởi vì công lý đã được thực thi. Kẻ ác cuối cùng cũng phải đền tội. Không thấy biểu hiện, vô cảm!

Bùi Chát bị bắt, không biết công lý ở đâu? Tinh thần tự do bị chặt đứt đầu. Chán!

Nhảy múa vui mừng với một thân thể không có đầu, không tim. WTF are you?

Sunday, May 1, 2011

Một tin rất vắn - Sleepless in America

Osama bin Laden is dead!


Bye bye, sir!

Nước Mỹ lại có thêm một đêm không ngủ.

Dưới đây là nội dung bài báo mô tả về cuộc tập kích hạ sát Bin Laden. Trích dẫn từ nhật báo Người Việt.

Mọi chuyện khởi đầu từ danh tánh của một “giao liên.”

Giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc, khuya Chủ Nhật, rạng sáng thứ Hai, nói rằng, toàn bộ chiến dịch theo dõi bin Laden được khởi sự từ trước vụ “9/11,” trước cả các cuộc tấn công khủng bố đưa tay này lên hàng “trùm.”

Và chiến dịch theo dõi này “nóng” hẳn lên vào mùa Thu 2010, khi giới hữu trách khám phá một căn nhà khả nghi tại Pakistan.

Giao liên dẫn đến ông trùm

“Kể từ thời điểm chúng ta biết chắc rằng bin Laden là mối đe dọa, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu thu thập thông tin liên quan đến mọi nhân vật thân tín của y, kể cả các giao liên.” Một giới chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ cho biết.

Sau vụ khủng bố 9/11, 2001, “những tay khủng bố bị bắt đã khai ra thông tin liên quan đến các tay giao liên thân cận của bin Laden. Trong số này, có một giao liên được để ý nhiều nhất, và chúng ta liên tục theo dõi tay này. Các đồng chí của hắn khai ra bí danh, đồng thời cho biết hắn nằm trong số những giao liên thân cận nhất của ông trùm.”

Đến năm 2007, phía Hoa Kỳ tìm ra tên thật của y.

Đến năm 2009, “chúng ta khám phá ra địa bàn mà tay giao liên này cùng người anh trai của y hoạt động, bên trong Pakistan. Hai anh em cực kỳ cẩn trọng. Và điều này khiến chúng ta càng xác tín: chúng ta đang lần đúng đầu mối.”

Căn nhà bạc triệu


Đến tháng Tám, 2010, “chúng ta tìm ra căn nhà nơi chúng trú ngụ, tại Abbottabad,” một địa điểm hẻo lánh.

“Nhìn thấy căn nhà này thì chúng tôi sốc!” Làm sao không sốc được, “căn nhà đặc biệt chưa từng thấy, nó là duy nhất, là ngoại hạng.”

Diện tích của căn nhà thì rộng gấp 8 lần các căn nhà khác trong địa phương. Nhà xây năm 2005, nằm ở ven thị trấn. Theo thời gian, một số căn nhà khác mọc lên, kế bên.

“Về mặt an ninh thì khỏi phải nói: Ngoại hạng; các bức tường cao 12 đến 16 foot; toàn bộ khu vực được bao quanh bởi tường là tường. Đường vào nhà phải thông qua 2 cái cửa an toàn.”

Còn một điểm rất khác biệt giữa cư dân trong căn nhà này với cư dân khác trong địa phương: Rác phải luôn luôn được đốt đi. Chưa hết, các mặt nhà ngó ra đường không có cửa sổ.

Căn nhà này chắc hẳn trị giá nhiều triệu Mỹ kim. Thế mà nó không hề có điện thoại và Internet.

Giới tình báo Mỹ kết luận, cái nhà lạ lùng này chắc chắn phải là nơi trú ngụ của một ai đó “hết sức quan trọng.”

Ngoài hai anh em tay giao liên, phía Mỹ còn phát hiện thêm, “một gia đình thứ ba cũng sống tại đây. Dựa vào số người sống tại đây, và thành phần các gia đình trong căn nhà, chúng tôi tin chắc, cái gia đình thứ ba ấy phải là bin Laden. Tin tình báo cho biết, bin Laden trú tại đó, cùng người vợ trẻ nhất của y.”

Mặc dầu không thể chứng minh, mọi thứ có vẻ quy về một đầu mối, và liên hệ chặt chẽ với nhau: an ninh căn nhà, nhân thân của mấy tay giao liên, và kiến trúc của toàn bộ khu vực.

“Các chuyên viên phân tích của chúng ta xăm soi từ mọi góc cạnh: Chẳng có “ứng cử viên” nào sáng giá hơn là bin Laden, cho căn nhà này.”

“Điểm then chốt của tất cả các lượng giá tình báo là, chúng ta rất tự tin rằng căn nhà này chắc chắn đang chứa chấp một tay khủng bố có hạng. Nếu nói theo ngôn ngữ xác suất thống kê: bin Laden có xác suất cao nhất.”

Mọi thông tin đều được giữ kín, “không chia sẻ cho bất cứ quốc gia nào,” một quan chức Hoa Kỳ tiết lộ. “Chỉ một nhóm rất nhỏ trong chính phủ Hoa Kỳ biết về chiến dịch này.”

Cuộc bố ráp

Toàn bộ chiến dịch bố ráp diễn tiến hoàn hảo, ngoại trừ một trục trặc cơ khí của một chiếc trực thăng. Không một ai trong nhóm quân nhân Hoa Kỳ bị hề hấn gì. Tất cả đã kịp rút lui trên những chiếc trực thăng khác. Quan chức Hoa Kỳ từ chối tiết lộ loại trực thăng tham gia chiến dịch. Họ cũng không cho biết có bao nhiêu quân nhân đảm nhiệm chiến dịch này.

“Chiến dịch này là một cuộc đột kích do một nhóm nhỏ đảm nhiệm. Nhóm nhỏ là để giảm đến tối thiểu mức thiệt hại có thể có. Nhóm đặc nhiệm chỉ có mặt tại căn nhà này chưa đầy 40 phút, rồi rút đi, không hề giáp mặt với chính quyền địa phương.”

Bản thân bin Laden cũng tham chiến.

“Bin Laden bị hạ sát trong cuộc nổ súng, khi nhóm đặc nhiệm của chúng ta áp sát vào căn cứ.”

“Ông ta có bắn trả không?” Một phóng viên đặt câu hỏi.
“Ông ta có chống cự, và ông ta đã bị hạ sát trong cuộc bắn trả.” Một quan chức Hoa Kỳ cho biết.

Có cả thảy 4 người đàn ông thiệt mạng trong cuộc đột kích này: Bin Laden, con trai bin Laden, và hai giao liên.

“Một phụ nữ cũng bị giết chết khi người ta dùng bà này làm bia đỡ đạn.” Thêm một phụ nữ khác bị thương. Giới hữu trách không tiết lộ danh tánh 2 phụ nữ này; và không rõ người vợ nhỏ của bin Laden có trong số này không.

Giới hữu trách Hoa Kỳ nói rằng sẽ “bảo đảm quản lý thi hài bin Laden theo đúng truyền thống và tập quán Hồi Giáo.”

Giới hữu trách cũng khuyến cáo, “có thể các đe dọa đối với nước Mỹ sẽ tăng. Chính phủ sẽ tiến hành mọi biện pháp phòng ngừa.”

Bộ Ngoại Giao vừa ra lệnh cấm du lịch Pakistan.

Về trường hợp: "Cánh đồng bất tận"

Trong khuôn khổ của liên hoan phim quốc tế Việt Nam VIFF - tháng Tư - 2011, tôi đã được xem phim "Cánh đồng bất tận", được dựa theo truyện ngắn cùng tên, nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bàn về truyện này thì xin được miễn "mót lúa cuối mùa", vì đây là một tác phẩm văn học đã được bàn luận nhiều lắm rồi. Trước khi vào xem phim, cảm giác cứ thấy lấn cấn, và tò mò, mặc dù chưa đọc truyện này. Nhờ chưa đọc truyện nên dù sao thì vẫn cứ thấy thoải mái hơn những người đã đọc thuộc, thậm chí ghiền giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư.


Làm phim dựa vào một tác phẩm văn học được nhiều người biết đến, về một mặt nào đó, là một lợi thế. Nhưng làm sao để nó thành công, và được tán thưởng thì không dễ chút nào. Trường hợp "Cánh đồng bất tận", theo tôi, có thể lấy đó là một ví dụ.

Nghĩ như vầy: Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình sẽ không tự hào gì về phim này, chắc chắn anh sẽ rút kinh nghiệm nhiều. Thậm chí, có thể đạo diễn Bình không muốn nhắc đến phim này cũng nên(?).

Về nhà tìm truyện đọc, sau khi đã xem phim. Lờ mờ lý giải sự không gây ấn tượng của phim là do kịch bản. Nhà biên kịch Ngụy Ngữ đã không để lại dấu ấn điện ảnh gì khi chuyển thể tác phẩm văn học này. Ông đã bám quá sát vào câu chuyện, vì vậy những khung hình di động trên màn ảnh chỉ là một sự minh họa đơn giản cho nội dung văn học. Không tìm thấy ngôn ngữ đặc quánh của nghệ thuật hình ảnh thì rõ ràng những gì thấy trên màn ảnh là một sự lệch pha.

Xem phim, không tìm thấy được ngôn ngữ chắt lọc của hình ảnh, không thấy được những chi tiết đắt giá, không thấy được dấu ấn riêng biệt-Nguyễn-Phan-Quang-Bình. Đạo diễn trong phim này, mơ hồ là người đứng giữa chỉ làm công việc chạy qua chạy lại ghi nhận hình ảnh của tác phẩm văn học và kịch bản điện ảnh. Mà công việc này thì đã có nhà quay phim hoặc giám đốc hình ảnh - director of photography (DP) trong đoàn phim đảm trách.

Với những phim mà nội dung là một câu chuyện có sẵn như "Cánh đồng bất tận", hay "Chuyện của Pao", hoặc những phim có nội dung hình thức chuyện kể tương tự khác... Thì việc kết hợp toàn bộ những cảnh quay lại để thành một câu chuyện về hình ảnh, đòi hỏi nhà đạo diễn phải có tư duy sáng tạo và logic để kể câu chuyện làm sao thu hút được người xem.
Ai đã từng xem "Chuyện của Pao" (Hải Yến đóng), cũng có lối dẫn chuyện như Nương trong "Cánh đồng bất tận" thì sẽ có cái nhìn đánh giá về lối kể chuyện bằng hình ảnh của phim nào hấp dẫn hơn.

Đạo diễn làm phim này không hay là do kịch bản, là do không kể được câu chuyện một cách sáng tạo theo lối của riêng mình và một phần do diễn xuất của nhân vật trong phim.
Đã đành, không tìm thấy sự sáng tạo về mặt điện ảnh trong phim, người xem rõ ràng nhìn ra được nhân vật Sương (Hải Yến đóng) cũng một phần làm cho phim này bị hỏng. Diễn xuất không có gì nổi bật, thể hình và chất giọng yếu của Hải Yến không phù hợp vào vai gái làng chơi. Vì vậy, khâu casting, chọn vai cho nhân vật này đã sai lầm khi giao vai Sương cho Hải Yến.
Không trách gì Hải Yến, không thể đòi hỏi gì nhiều ở cô khi cô cầm trong tay một kịch bản xơ cứng của Ngụy Ngữ, dưới sự chỉ đạo về mặt diễn xuất thiếu sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Tiếc là... cô Phượng trong " The quiet American" đã quá ngoan ngoãn làm theo những gì nói trong kịch bản, bám sát vào câu chuyện để rồi không một chút bứt phá.

Nhà biên kịch Ngụy Ngữ, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, diễn viên Hải Yến đã cảm thấy lúng túng khi đứng bên cạnh người-nổi-tiếng-văn-học "Cánh đồng bất tận".
Vì vậy, phim này là một phim dễ được ưu ái về mặt nội dung đối với những ai đã từng đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Và phim này gây được cơn sốt vé đối với những khán giả chưa đọc truyện, vì tò mò muốn "xem-câu-chuyện-nổi-tiếng" như thế nào cũng là điều dễ hiểu.