Wednesday, January 21, 2015

Sự nổi loạn đáng mừng

Thật bất ngờ khi gần đây nhiều người trên FB chuyền cho nhau nghe một bài nhạc RAP - DMCS của Nah, một du học sinh VN đang học ở Mỹ. Số người hưởng ứng bài rap rất nhiều và cũng không ít người "nhăn mặt", rụt rè vặn nhỏ volume khi đụng phải những lời lẽ thốt ra trong bài nhạc.

Tôi nói bất ngờ, vì cách đây không lâu, cũng từ mạng FB này, một số người đã phát biểu cho rằng đây là nhạc của bọn điên khùng. Họ dị ứng với nhạc RAP. Nhưng bây giờ thì có thể khác.

Bản chất của Rap là xuất thân từ đường phố và nói lên những điều rất thật của giới trẻ. Theo thông tin từ wiki thì nhạc Rap Việt phân loại có hai nhóm: underground và overground. Bài nhạc của Nah chắc chắn là không thuộc nhóm over - tức là thường rap nhạc theo chiều hướng yêu đương, tình cảm và ngợi ca thế giới bề nổi đầy ánh sáng, được số đông của thị trường chấp nhận. Mà ngược lại, bài rap DMCS nằm hẳn trong giới under - vốn rất ít được phổ biến, vì họ trung thành với bản chất của rap với những tác phẩm đậm chất bụi bờ và sử dụng khá nhiều từ dung tục trong lời nhạc... nhưng đó là những phản ánh rất thực về suy nghĩ của những người trẻ tuổi.

Sẽ có một số quan niệm cho rằng đó là những suy nghĩ lệch lạc. Thậm chí không xem đó là âm nhạc. Điều đó không quan trong. Bởi tôi nghĩ đến điều đặc biệt hơn. Đó là một bản cáo trạng.

Hãy nhìn vào đó để thấy thực trạng của xã hội Việt nam. Những bản rap là thành quả của những bất công bị dồn nén và cuối cùng được phát tiết ra ngoài bằng những lời ca đậm chất đường phố, nhiều từ lóng, xen lẫn tiếng chưởi thề về một xã hội tục tằn...

Đã qua rồi thế hệ tuyệt đối tin tưởng vào Đảng CS, giới trẻ đã nhìn thấy được những bất công, họ chán ghét, nhưng họ không quay lưng mà dám nói lên sự thật. Những sự thật tục tĩu không có lối thoát.

Thank you Nah, và giới trẻ chơi nhạc rap underground. Các bạn là thế hệ dám nổi loạn. Những tín hiệu nổi loạn đáng mừng hơn đáng lo.

Cảnh báo:
Bản nhạc RAP dưới đây có nhiều tiếng chưởi thề và có ngôn ngữ đường phố rất dung tục. Sẽ không phù hợp với đối tượng người nghe là trẻ em, hoặc có thể gây sốc đối với phụ nữ và người già.