Saturday, April 30, 2011

Bolinao 52- Kiếm tìm sự cảm thông

Hôm nay 30/tháng Tư, tại tòa soạn của nhật báo Việt Herald ở miền Nam California chiếu phim tài liệu Bolinao 52. Bài này viết đăng trên báo Người Việt đã lâu, lục kiếm lại và đưa lên như một lời cầu nguyện cho những phận người xấu số mỗi khi tháng Tư về.




Trong mỗi một con người đều có một địa danh để đến viếng thăm, với ai đó là Paris tráng lệ, là Roma uy nghi, hoặc thành Viên cổ kính... nhưng với chị Trịnh Thanh Tùng, một thuyền nhân người Việt Nam, thì địa danh đó là Bolinao. Bolinao là thiên đường trên địa giới hay địa ngục của trần gian? Bolinao là một làng chài nhỏ ở Philippines có tình người và chứa đầy sự cảm thông toàn vẹn.

“Bolinao 52” là một bộ phim kể về câu chuyện của những thuyền nhân tị nạn Việt Nam. Vào năm 1988, tại Bến Tre, miền Nam Việt Nam, có 110 người đã đào thoát khỏi Việt Nam trên một chiếc thuyền nhỏ bé, hướng ra biển khơi để bắt đầu chuyến hải hành đi tìm tự do, đi tìm nguồn sống mới. Ngay từ ngày đầu tiên trên biển họ đã gặp cơn bão lớn, người tài công quyết định ngưng máy và chờ cho cơn bão qua đi để tiếp tục chuyến hải hành.

Nhưng khi động cơ ngưng rồi thì không hoạt động lại được nữa. Và đó là sự khởi đầu bi thương của những số phận bị trôi dạt. Năm ngày, 10 ngày, rồi 19 ngày sau... Chị Tùng, người dẫn chuyện trong phim, kể lại câu chuyện bằng những ngôn từ mộc mạc, bình dân và chân thành: “Mọi người chết từ từ, mỗi ngày đều có người chết.” Chị nói về cái chết, về sự mất tích của những người đồng hành cách đây 17 năm như chính câu chuyện mới xảy ra hôm qua. Ra đi, họ hy vọng sẽ đến được bờ tự do nếu có sự cứu vớt, giúp đỡ... nhưng hy vọng đã quay lưng với họ.

Với quốc tế, tên gọi “Bolinao 52” còn là biểu tượng của sự mệt mỏi của thế giới khi liên tục phải cưu mang người Việt Nam tỵ nạn. Một vị hạm trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, chỉ huy chiến hạm USS Dubuque, đã bị đưa ra tòa án quân sự vì ông chỉ lệnh cho cung cấp đồ ăn và nước chứ không vớt những người tỵ nạn trên chiếc thuyền này - mặc dù vị hạm trưởng không hề nhận được phép vớt họ. Một kết quả bi thảm đã xảy ra. Lương thực cứu trợ đã hết, tàu bị ngập nước và đang chìm dần dần... những thuyền nhân đã bò đến bờ vực địa ngục của sự tuyệt vọng. Họ đã phạm phải một điều cấm kị kinh hãi khi phải tìm kiếm nguồn sống từ những miếng thịt của đồng loại. Vụ án “Bolinao 52” đã làm chấn động thế giới!

Không ai có thể lý giải được cuộc đời mình khi chính số phận của mình cũng không do chính mình định đoạt. Ðược sống, được cứu vớt, được cưu mang hay bị xua đuổi thậm chí phải bỏ cuộc. Chị Tùng cứ lặp lại câu nói “Mỗi người đều có số phận của nó” với một tâm trạng khắc khoải, như mong tìm lại một chút bình yên. Người sống, hay người đã chết đều mong muốn có một chút cảm thông. Sự cảm thông được đặt lên trên số phận.

Dân tộc Việt Nam ẩn chứa nhiều tiềm năng, trong đó tiềm năng giá trị nhất chính là sự chịu đựng khổ nhục và lụy phiền. Không chỉ riêng 52 con người trên chiếc tàu kia, mà còn rất nhiều thuyền nhân khác, đã sống sót và chấp nhận sự phiền lụy trong nỗi niềm câm lặng. Chị Trịnh Thanh Tùng, người sống sót, khi về thăm lại vùng đất ân nhân đã được những đàn bà người Phi trên đảo Bolinao gọi là “super woman”. Và với đạo diễn Ðức Nguyễn, chị Tùng thực sự là “super woman”, khi chị mạnh dạn nhận lời kể lại câu chuyện của chuyến hải hành đầy kinh hoàng đó.

Mang nỗi oan khuất của những người đồng hành xấu số, sự phẫn hận và thù ghét những trái tim của ý chí lạnh lùng... đã làm cho chị phiền lụy và đau khổ trong suốt 17 năm trời. Chị Tùng mặc dù đã ở bến bờ tự do, nhưng trong tâm khảm vẫn bị ràng buộc bởi những ám ảnh bi thương của chuyến tàu định mệnh.

Sự gặp gỡ giữa chị và người lính thủy trên chiến hạm USS Dubuque đã giải trừ nỗi phiền muộn, trăn trở hiểu lầm đến từ hai phía. Ðạo diễn Ðức Nguyễn đã cho họ gặp nhau, hàn gắn, để làm thanh thản và rửa lành những vết thương lòng sâu thẳm. Chị nói với người lính Mỹ: “It's OK now, I hope you don't feel bad like before.” Cả hai người đều khóc. Bolinao 52 đã làm cho người ta khóc. Khóc bởi vì họ là những con người.

Trong mỗi con người chúng ta, khi rơi vào tình trạng tuyệt vọng và phải chịu nhận lãnh thảm họa thì ý chí sống bỗng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 52 con người sống sót trên chiếc thuyền đã có một sự chọn lựa đúng. Họ cần phải tát nước, họ cần phải ăn, vì họ cần phải sống.

Ðạo diễn Ðức Nguyễn đã không khai thác sự kiện Bolinao 52 như người ta đã khai thác trên khía cạnh rùng rợn, dã man gây chấn động. Ðức Nguyễn nói: “Tôi không muốn gợi lại sự hãi hùng mà là xoa dịu nỗi đau cho những người còn sống.”

Chị Trịnh Thanh Tùng tìm về lại Bolinao, tìm lại quá khứ để cảm tạ những ân nhân. Chị tìm về lại Bolinao cũng để nhằm xoa dịu những nỗi đau của những người bạn đồng hành xấu số và quan trọng hơn là cho chính bản thân chị. Chị gặp lại người lính xưa kia để hai bên xóa bỏ những mặc cảm hiểu lầm. Người sống tìm được sự cảm thông thì hy vọng người xấu số cũng ngậm cười nơi chín suối.

“Bolinao 52” là cuốn phim tài liệu không phê phán, tố cáo hay đòi quy trách nhiệm lên ai. Cuốn phim chỉ kể lại toàn bộ một chuyến hải hành của những thuyền nhân Việt Nam, với mong muốn tìm sự cảm thông đến từ nhiều phía.

Xem toàn bộ phim ở dưới đây. Chịu khó bỏ qua âm thanh bực bội khoảng 70 giây đầu tiên. Bắt đầu từ phút thứ 1:10

Wednesday, April 27, 2011

Giấy Vụn, nhưng không phải là giấy loại

Nhà xuất bản Giấy Vụn của bộ đôi Bùi Chát- Lý Đợi đã được giải thưởng của Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế - IPA (International Publishers Association) trong năm 2011 và buổi lễ trao giải diễn ra tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Về Bùi Chát thì xin không bàn đến, vì thông tin có đầy dẫy trên internet và tủ hồ sơ của công an. Ấn tượng lần gặp BC đầu tiên ở quán cafe cùng đi với Phan Bá Thọ, là người trầm tính, và rất ít nói. Người ngoài nhìn vào sẽ nhận xét BC thuộc dạng dân không nghề ngỗng gì. Tốt nghiệp ĐH nhưng không muốn làm gì ngoài làm thơ.
Sau này thì nhậu nhẹt, bù khú ở bờ kè và cafe lai rai trong thời gian còn ở Saigon.

Và hôm nay, Bùi Chát làm được việc mà hắn muốn làm.


Sau đây là diễn từ của Bùi Chát đọc tại buổi nhận giải:

Tôi thật sự vui mừng khi có mặt nơi đây như một nhân chứng về những nỗ lực không mệt mỏi của những nhà hoạt động cho tự do ở Việt Nam.

Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viễn vông này chúng tôi đã chọn xuất bản.

Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình.

Sách có thể biến thế giới thành tự do, chính vì thế chúng tôi tin rằng tự do sẽ đến, trước hết với những người làm sách, những người đọc sách, và những người bàn luận về những điều mà sách mang lại.

Bằng tất cả tình yêu dành cho sách và dành cho con người, tôi xin đón nhận và san sẻ niềm vinh dự này cho tất cả độc giả, đồng nghiệp, bạn bè, và những người ủng hộ.

Hy vọng giải thưởng sẽ là cú hích đáng kể cho sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập, đặc biệt là sự phát triển của xã hội dân sự, tại Việt Nam.

Cám ơn tất cả mọi người.


Nguồn:dânlàmbáoblog

Tuesday, April 26, 2011

Madame Nhu



Mấy ngày nay, liên tục báo chí khắp nơi nói về sự ra đi của một Mệnh phụ phu nhân - Bà Ngô Đình Nhu. Giai thoại về người đàn bà này thường được nói nhiều trước biến cố 1963. Nhưng kể từ sau sự kiện đó, mọi thông tin về bà hầu như không có, nếu không nói là biệt vô âm tín.

Những thông tin gần đây cho biết, bà sống ẩn dật, vượt qua được lời lẽ của cõi thị phi. Vì vậy mọi người gần như quên bà. Người ta quên bà vì bà sống kín đáo, tiết hạnh, thủy chung thờ chồng cho đến phút lâm chung. Khác với mẫu người mà người ta xây dựng về bà là một người có nhiều đàm tiếu. Bởi một lẽ, trong cái xã hội phôi thai của nền chính trị dân chủ thời đó. Người ta khó mà chấp nhận một phụ nữ tham chính như bà Nhu.

Nhắc đến bà Nhu - Trần Lệ Xuân, hầu như người ta có ác cảm nhiều hơn. Cuộc sống của bà được thêu dệt bởi những lời ác ý.
Nhưng cho đến khi đón nhận tin cái chết của bà, một vài thông tin đưa ra thì mọi người mới giật nãy mình.

Mệnh phụ phu nhân Ngô Đình Nhu, là một người hoàn toàn khác.

Một người sống biết tha thứ.
Một người sống biết giữ cái tiết hạnh của danh giá.
Một người sống không chấp nhận sự thỏa hiệp.

Dễ có mấy ai, phụ nữ, được như bà. Madame Nhu.

Wednesday, April 20, 2011

Bi, Đừng sợ - Hãy cứ xem phim!

Đem bế mạc của VIFF, chiếu phim Bi, Đừng sợ của Phan Đăng Di. Xem xong, mọi người nhào ra đụng nhau và hỏi. Hiểu không? hiểu không? Thấy sao hả?
Nghĩ, Phan Đăng Di làm phim như vậy là thành công. Vừa là tác giả kịch bản, lại làm đạo diễn cho phim này luôn, cho nên có thể nói đây là một tác phẩm mang dấu ấn rất riêng với ngôn ngữ điện ảnh của Phan Đăng Di.

Thật là khó để bắt đầu như thế nào khi nói về phim này. Đây là bộ phim không phải kể lại cuộc đời của Bi để mọi người lần theo, với một chiều tuyến tính thời gian có trước có sau thường thấy. Nội dung của phim là một sự mô tả những gì đang xảy ra xung quanh cuộc sống của một cậu bé 6 tuổi.

Bi sống trong một gia đình có nhiều người lớn. Một ông Nội, già bệnh suốt ngày nằm giường. Một bà vú già giúp việc có mặt từ đời nào mà Bi không hay biết. Một ông bố rất ít khi quan tâm đến chuyện nhà. Một bà mẹ quán xuyến việc nhà và chăm sóc cho người ông, và một bà cô chưa chồng và thường tránh xa những mối quan hệ và ít khi giao tiếp.

Thế giới của Bi là xưởng nước đá, ngôi nhà, và bãi lau ở bờ sông. Và người lớn xung quanh Bi là những người có nhiều nhục dục và nhiều ham muốn.
Một người ông ham muốn giải thoát những cơn đau triền miên, một ông bố muốn thỏa cơn khát và nỗi bức bối của mình bằng cách đắm chìm miên man trên bàn nhậu. Một bà mẹ cố nén những khát khao của mình trong nhẫn nhục rấm rức, một bà cô muốn thõa mãn dục tình qua những vụng trộm riêng tư.

Mọi cảm giác khao khát, những ham muốn mong được giải tỏa đã được đặc tả trong phim với ngôn ngữ rất riêng của chính Phan Đăng Di. Anh đã xáo trộn và sắp xếp theo cách anh nhìn, những ẩn dụ đã được phô bày theo cái cách mà anh cho là hợp lý.

Hình tượng nước được sử dụng trong phim qua nhiều thể dạng: rắn và lỏng với nhiều ngụ ý. Xưởng nước đá là nơi Bi thích tìm đến để trốn cái nóng hầm hập của Hà Nội. Nước đá để uống bia, làm thỏa mãn cơn khát trốn trách nhiệm của bố, nước đá làm giảm cơn đau của ông, xoa dịu nỗi phấn khích của cô, nước mưa rửa sạch những những bùn nhơ của các cậu học trò, là hình ảnh xanh dịu của mảng hồ bơi mà người cô ước mơ thèm muốn.

Nếu xem nước, một hình ảnh ước lệ của điện ảnh, được xử lý rất nhiều, nhằm khỏa lấp những ham muốn của các nhân vật trong phim, thì hình ảnh người phụ nữ được mô tả trong phim qua những cảnh dục tình lại đầy hiện thực. Giữa hai tuyến nhân vật đàn ông - đàn bà, thì hình ảnh người đàn bà trong phim là sự nhẫn nại chịu đựng đàn ông và là công cụ cho người đàn ông thỏa mãn.

Người con dâu nhẫn nhịn phục vụ cha, chồng, rồi đến con. Hình ảnh cô nằm im cho cha chồng ôm mình vì cơn đau khiến cho người xem thấy bàng hoàng. Anh chồng vô trách nhiệm và ít khi gần gũi vợ, chỉ thích tìm thú vui bên những cô gái quê sau những cuộc nhậu say.
Giữa cái nóng hầm hập của Hà nội những đêm mất điện, tình dục không còn mang ý nghĩa thăng hoa mà chỉ là những giải quyết sự bức bối lâu ngày. Hình ảnh trần truồng của đôi vợ chồng được ghi lại dưới góc quay đặc tả, trong cái bóng tối nhão nhoẹt vì mồ hôi, âm thanh oằn oặt của chiếc đệm lò xo, anh chồng hùng hục trút những ức chế của mình lên cô vợ khiến người xem nín thở.

Tình dục trong phim không phải là những cảnh khiêu dâm, nó chỉ đơn giản mô tả những xúc cảm tự nhiên bình thường mà con người luôn tránh né hoặc có cái nhìn méo mó. Hình ảnh làm tình của cô Thúy và người bạn tên Trung bên bờ đá của biển Hải phòng, đó không phải ham muốn hòa hợp mà là sự mưu mô và toan tính vụng về của một đôi đũa lệch. Chính vì vậy mà người cô vẫn nghĩ đến anh học trò, cô thèm khát ngắm nhìn cơ thể của anh và mơ tưởng về anh ở mảng xanh hồ bơi êm dịu.

Trên màn ảnh, ta thấy Bi hồn nhiên, trong trẻo và không sợ điều gì. Nhưng cái cảm giác sợ lại xảy ra ở người xem ở bên ngoài hàng ghế.
Đây là điểm rất thú vị và phải nói rất hay trong cách làm phim của Phan Đăng Di. Người xem sợ cho Bi mỗi khi đưa cánh tay đẩy cánh cửa ra vào, không biết cái gì sẽ xảy ra? Sợ cho Bi gặp những cảnh quay bạo liệt, lo lắng, không biết Bi khám phá tiếp, hoặc tìm thấy những bí mật gì?

Đối với người xem, Phan Đăng Di xây dựng nhân vật chú An quả là điều bí mật. Bi luôn miệng gọi chú An, nhưng nhân vật này chẳng xuất hiện bao giờ. Cũng như Bi, cái bí mật trẻ thơ là quả dưa được giấu ở bãi sông. Ông bố giấu bí mật của mình ở tiệm gội đầu, massage trong hẻm tối. Bí mật của ông Nội là những lá phong ở đâu bên châu Mỹ. Quá khứ, hiện tại, tương lai của giới đàn ông đều luôn có bí mật của riêng mình.

Mặc dù hình ảnh trong phim được xáo trộn và lắp ghép có chủ đích của đạo diễn, nhưng mạch phim được xây dựng theo thời gian có quá khứ, có hiện tại và tương lai một cách rõ ràng. Quá khứ của người ông bị hiện tại của người bố khước từ. Dù đã cố gắng níu kéo sự liên thông giữa quá khứ và hiện tại bằng hình ảnh ông bố bị ho ra máu với hình ảnh người con ngã lăn kềnh ra đường trong cuộc nhậu.
Nhưng tính phi lý của cuộc sống hiện sinh vẫn tiếp tục thả giàn trên bàn bia khi anh nhận điện thoại biết tin bố chết một cách dửng dưng, như nhân vật Meursault trong truyện Người xa lạ của Albert Camus.

Đoạn tuyệt với quá khứ, người-cha-hiện-tại chẳng quan tâm lo lắng đến Bi-tương-lai. Suốt bộ phim chỉ nghe mỗi một tiếng: Con đâu? Rồi im bặt.
Tương lai của Bi như đã đoạt định vốn lâu đời nay: đàn ông vẫn không thoát khỏi bàn tay chăm sóc của người phụ nữ.

Suốt bộ phim Bi không sợ điều gì, nhưng Bi vẫn hoảng loạn nghe tiếng mẹ khóc rấm rức, và Bi thảng thốt kêu mẹ giữa đêm thanh vắng.

Bi or Be, hãy cứ như thế, hãy cứ xem phim. Hiện thực cuộc sống vốn khốc liệt hơn những gì ta thấy trên phim. Biết tìm hiểu và tìm cách tiếp nhận thì sẽ trưởng thành và chẳng có gì gây sốc!!!

Thursday, April 14, 2011

Ông Nội

Hôm nay, ở VN là ngày kỵ của ông Nội. Nếu còn sống, bây giờ ông thọ 102 tuổi. Ký ức, kỷ niệm về ông Nội có lẽ không nhiều, ngoài bà chị đầu và ông anh trai lớn - cháu đích tôn của ông. Hơn nữa, tuổi thơ tôi lớn lên trong điều kiện gia đình ba mẹ tôi không cùng sống chung với gia đình ông bà Nội. Và ông mất cũng đã lâu, nên những gì nhớ được về ông Nội cũng nhòa. Nhớ ra gì thì kể nấy. Và chuyện về ông Nội thường là do ba tôi kể lại.
Ông Nội tôi làm nghề thợ may. Có cửa tiệm lớn ở Morin, thành phố Huế. Không biết ông có tay nghề giỏi như thế nào, nhưng khách hàng của ông Nội lúc bấy giờ là những ông khách Tây, bà đầm, hoặc giới thượng lưu quan quyền của Huế thời Pháp.

Ông chuyên về đồ Tây, áo Veste, và đặc biệt khéo léo trong việc thiết kế và may áo đầm dạ hội cho các bà. Ba tôi kể, có lần, trong một trường hợp ngặt nghèo gì đó, có một bà đầm cần một bộ cánh đẹp để cùng chồng đi dự tiệc của một quan lớn. Bà đã tìm đến tiệm may ở Morin. Ông Nội đã cùng tốp thợ học nghề của ông thiết kế một chiếc áo dạ hội với một bông hoa lớn được may bằng tay trước sự chứng kiến và thán phục của bà đầm khách hàng, vừa nóng ruột ngồi chờ, vừa mặc thử và lấy áo trong thời gian có mấy tiếng đồng hồ. Sau lần đó, khách hàng quen biết của ông Nội không chỉ các quan Tây mà đặc biệt thường lui tới cửa tiệm là các bà vợ của các ngài quan lớn. Nhờ vậy, mà ba tôi đến tuổi đăng lính, chỉ làm lính kiểng, đóng ở đồn Mang Cá, gần nhà. Và sau này có giấy miễn dịch dài hạn luôn.

Có lẽ, vì thường giao du với giới thượng lưu, nên ông Nội cũng có cuộc sống phong lưu và đào hoa không kém. Ông đã từng làm bầu gánh hát, giao cửa tiệm lại cho thợ và ba tôi coi ngó để ông rong ruỗi theo gánh hát vào Quy Nhơn, Nha Trang, hoặc ra tận Hải Phòng. Vì vậy, gia đình tôi có đến 2 Bà Nội. Ba tôi, và có một chú nữa thuộc con bà lớn. Riêng bà Nội nhì (gia đình chính của ông Nội sau này, kể từ ngày gác kiếm) với ông tôi có thêm hai chú và mấy bà o (= bà cô).

Ba tôi cũng theo nghề của ông Nội. Sau khi lấy vợ, ba tôi ra riêng và dọn vào Đà Nẵng để sinh sống và hành nghề để không đụng hàng với ông Nội. Hơn nữa, cũng để giải thoát cái kiếp làm dâu của mẹ tôi với bà Nội nhì. Và vì ở xa, nên đây cũng là lý do mà mấy anh chị em lứa sau của chúng tôi không có nhiều ký ức về ông Nội, ngoại trừ bà chị, ông anh mà tôi đã nói ở trên. Hai người này thường được đưa về thăm ông bà Nội mỗi khi có dịp giỗ, Tết hoặc nghỉ hè.

Mặc dù không có nhiều dịp được ở bên ông Nội, hoặc không có nhiều kỷ niệm với ông, nhưng với anh chị em chúng tôi - và chắc chắn với nhiều người khác cũng vậy - hình ảnh ông Nội là một điều gì đó đầy kính yêu, rất mực quý trọng. Ông Nội là khuôn mẫu linh thiêng luôn được thương nhớ và tột bực tôn thờ.

Nói thì nói vậy, dù cách xa mấy, không ít thì nhiều thì chúng tôi cũng có thời gian gần gũi được bên ông. Năm 1975, sau mấy tháng loạn lạc, gia đình chúng tôi lúc đó đang tản cư ở Sài gòn đã quyết định dọn thẳng về Huế, vì ba mẹ tôi nghĩ đến quê hương bản quán, nghĩ đến ông Nội, muốn ở gần ông để có dịp gần gũi thăm viếng và chăm sóc ông.

Tất nhiên, ba mẹ tôi vẫn phải ở riêng. Gia đình tôi sống ở trên làng (quê Ngoại) và mấy anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ mới được biết và gần ông Nội mỗi khi có dịp từ trên làng được về chơi phố.

Thời cuộc thay đổi nên cuộc sống cũng thay đổi. Morin không còn, tây đầm cũng không còn, giới thượng lưu cũng lo chạy gạo từng bữa ăn... vậy là ông Nội cũng rút lui về kiếm thuê một chỗ may gần nhà. Ngày ngày mở cửa tiệm, tối về đóng cửa tiệm. Thời trang quần ống túm, áo tay cánh tràn lan, vải vóc kiếm đâu ra mà may áo đầm, áo veste?

Kể cũng lạ, nghĩ lại, thời buổi nào phụ nữ cũng là giới se sua "quần là áo lượt". Ông Nội tôi từ chuyên may đồ đầm chuyển qua may đồ bà ba, áo cụt, áo dài, thậm chí sáng tạo kiểu áo đồ tàu, có nút thắt nhiều kiểu dáng, được làm và kết bằng tay rất là nổi tiếng. Khách hàng của ông Nội là các bà tiểu thương ở chợ Đông Ba. Rồi ông nhận học trò qua nhiều thế hệ, dạy may nhiều kiểu dáng áo bà ba, áo tàu.


Mỗi khi được ghé tiệm của ông vào những lúc rảnh rang, tiệm vắng khách hoặc không có gì làm, tôi được phép lấy cây thước may bằng gỗ để múa may, và chơi đánh kiếm. Tiệm may của ông Nội là một thế giới của màu sắc trong mắt trẻ thơ tôi. Vải vóc, phấn kẻ, chỉ màu... những suốt chỉ bằng gỗ không còn dùng. Ông cho tôi để làm chiếc xe càng đẩy mà tụi bạn nhìn vào tôi ganh tị.
Có lẽ, điều tôi thích nhất là được ông nhờ xâu chỉ. (tức là luồn sợi chỉ qua cây kim may). Với những đứa cháu như chúng tôi, được ông Nội nhờ là một nỗi tự hào, làm được việc gì cho ông là một niềm hãnh diện.

Còn nhớ có những lần buổi chiều xế xế, ông già đẩy xe bán cao lâu, phở gõ đi ngang. Vậy là tối hôm đó hai ông cháu tôi về nhà, nhìn nồi cơm độn sắn hoặc rế khoai mà lắc đầu nguầy nguậy đòi đi ngủ sớm.

Tuổi già, mắt yếu và bị bệnh lãng trí. Từ cửa tiệm thuê ông Nội chuyển về may ở nhà. Sau lần mổ cườm mắt thì ông giao hẳn sự nghiệp may vá cho chú út. Càng về già, bệnh của ông càng nặng. Có những hôm ông đi tận đẩu tận đâu, người nhà nháo nhào đi tìm nhưng cuối cùng có anh xích lô chở ông về vì "biết Ôn là người quen, thấy ôn đi lòng dòng bên rạp Hưng Đạo". Người nhà hỏi Ôn: "Đi mô mà qua tận bên nớ? Ôn tỉnh queo trả lời: Tao đi coi hát!"

Hồi xưa, có lẽ không có nhiều bia rượu, nên rất ít khi thấy ông uống. Sau này khi bệnh lãng trí nặng thêm, ông Nội đâm ra ghiền thuốc lá. Con cháu đứa nào đến thăm ông, ông gật gật vì không còn nhớ gì nhiều, ông chỉ hỏi khỏe không rồi hỏi xin thuốc lá.

Ông mất nhẹ nhàng như chính cuộc đời phong lưu của ông vậy. Đám tang của ông có khăn đỏ, khăn vàng.

Ông Nội sống phong lưu và thác linh thiêng, Cầu mong ông phù hộ cho con cháu có cuộc sống sung túc, phong lưu, bay nhảy như đời ông vậy đó!

Wednesday, April 13, 2011

Chơi vơi

Tối hôm Chủ nhật, lặn lội xuống UCI coi phim Chơi vơi, được trình chiếu trong tuần lễ VIFF. Bỏ công đi ăn giỗ, nhưng hoàn toàn không lỗ bữa cày. Một phim đáng coi.

Khán phòng hôm đó không còn chỗ trống. Chắc là có nhiều người coi vé free như mình(?). Bất ngờ.
Không có đạo diễn hay đoàn làm phim đến. Thế là về sớm. Không có phần Q&A nhưng lên xe thì mọi người (5 tên) cũng có lời qua tiếng lại về Chơi vơi.

Đây là phim thuộc về thể loại cảm giác. Ngay cái tựa cũng đã nói lên cái gì rồi. Kiếm tìm cái gì khác trong phim này là điều không thể. Nên xem đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa cảm giác chơi vơi lên phim ra sao.

Chơi vơi là một bộ phim không có cốt truyện, kịch bản của Chơi vơi (tác giả Phan Đăng Di) hoàn toàn không có mục đích kể câu chuyện với kiểu dẫn chuyện có mở đầu, có cao trào, gút thắt, nút mở... mà ta thường thấy. Chơi vơi chỉ là một lát cắt phản ánh đời sống xoay quanh 4 nhân vật chính, họ gặp phải tình trạng bế tắc, không lối thoát trong không gian đô thị chật hẹp mà bối cảnh chính là Hà nội.

Duyên, Cầm, Hải, Thổ. Tên gọi của 4 nhân vật- vốn được thể hiện trong phim nhiều nhất, theo tôi nghĩ, đều có ý nghĩa riêng theo chủ đích của tác giả kịch bản.

Duyên, có mối liên hệ với hầu hết các nhân vật khác trong phim. Duyên là vợ của Hải, là bạn của Cầm, là người đến với Thổ, gặp gỡ được cô bạn tình của Thổ, là người biết câu chuyện của ông bà nội. Sự gặp gỡ xảy ra tưởng như là tình cờ nhưng thực ra đó là một sự sắp đặt có "tính nhân duyên" đúng như tên gọi của chính nhân vật. Duyên tồn tại lơ lửng trong phim. Cô lấy Hải sau khi chỉ quen Hải được 3 tháng. Duyên lạc lõng trong mối quan hệ gia đình, không tìm thấy sự hòa điệu nên cô thường tìm đến Cầm. Rồi đánh đu thân phận của mình trong vòng tay của Thổ.

Cầm, nhà văn sống trong khung cảnh xa rời hiện thực. Luôn luôn có tâm trạng bế tắc, bất cần đời sống bên ngoài. Sự tồn tại của nhân vật này có thể là vô nghĩa với hiện thực, nhưng lại mang tính thiết yếu vì Cầm tạo nên những cung bậc, sắc âm trong mối liên hệ giữa Duyên và các nhân vật khác. Hờ hững với cuộc sống bên ngoài, mặc dù là đầu mối của những sợi dây quan hệ, nhưng chính Cầm lại không tìm được lối thoát ngoài việc vùi mình trong những trang viết đờ đẫn ở một không gian bó hẹp và u tối của căn nhà với mẹ cô.

Hải, vô tư hồn nhiên như nước mặc dù anh không còn là trẻ con. Hải chơi vơi vì xa sự chăm sóc của mẹ, dù đã lập gia đình. Anh lái taxi đi đón vợ, chở mái ấm gia đình của mình như công việc thường ngày anh vẫn làm là đưa và đón khách. Mở đầu bộ phim là cảnh Hải đưa vợ mới cưới vể tổ ấm mới của mình, và kết thúc bộ phim là Hải chờ đón Duyên, và Duyên vẫn ngồi phía sau như vị khách đi taxi với cảm giác chơi vơi trong thành phố lạ.


Thổ, một nhân vật được xây dựng có vẻ bí hiểm, một kẻ cơ hội được tồn tại rất phù hợp và cần thiết cho những người như Duyên, như Cầm hoặc cô tình nhân đã theo đuổi y trong sáu năm. Thổ là cơ hội tìm thấy sự thỏa mãn của Duyên, là nơi nhận những lá thư không hề được đọc của Cầm, là nơi bám víu không tương lai của một tình yêu không đáp trả. Thổ chính là bạn đồng hành của cảm giác chơi vơi, cần nơi bấu víu của phụ nữ.

Chơi vơi không chỉ là cảm giác riêng có ở bốn nhân vật có tên gọi trong phim, mà là một trạng thái chung của xã hội đối với những cư dân đang sống bị dồn nén trong một không gian đô thị bức bối, của một Hà nội chật hẹp mà trong phim mô tả. Người ta sống, ăn ở, chung đụng với trạng thái không có lối thoát đó xem như là sinh hoạt bình thường. Không mảy may tìm cách giải thoát tình trạng dật dờ đó. Mà ngược lại, chấp nhận sự hiện diện của chơi vơi như là một giải pháp tối ưu để không thấy cảm giác đó đang tồn tại.
Bà mẹ của Hải với đôi mắt thờ ơ nhìn con trai và bạn bè say bí tỉ trong tiệc rượu. Một đôi lời dặn dò qua loa làm hành trang cho cuộc hôn nhân của con mình.
Bà nội của Duyên vẫn nhẫn nhục săn sóc ông chồng già, bà thản nhiên không buồn không biết khi Duyên hỏi về những mối tình vụng trộm của ông khi thời trai trẻ.
Ông bố mê chọi gà, đứa bé gái mê tắm bồn, tay cờ bạc, hoặc mẹ của Cầm... tất cả vẫn miệt mài hít thở cái chông chênh, chơi vơi một cách thản nhiên như công việc mà họ vẫn làm thường ngày không có gì thay đổi.

Phim Chơi vơi là một lát cắt ngang, còn tui viết bài này như chẻ trái cau ra làm sáu. Mỗi người coi phim đều có cách nhận xét của riêng mình. Tốt nhất, hãy chọn cho mình một miếng cau, têm một tí vôi vào lá trầu, rồi nhâm nhi độ nồng cay của vôi, của trầu, của miếng cau Chơi vơi tùy theo khẩu vị.

Sunday, April 10, 2011

Sàigòn

1. Tối thứ Năm 07/Tháng Tư/2011, VIFF khai mạc và mình lại được tham dự. Trong khuôn viên tiền sảnh rạp Edward, thuộc campus của UCI, chật kín người. Liên hoan phim Việt, chiếu toàn phim Việt, và tất nhiên đến tham dự đa phần là người Việt. Vậy mà, hầu như mọi người ở đây gặp nhau cứ đốp cháp với nhau bằng tiếng Anh. Ngoại trừ một số người kém tiếng Anh như mình, và những cô bác phóng viên làm cho các đài, báo chí  truyền thông Việt ngữ ở Nam Cali vì bắt buộc phải tường thuật lại bằng tiếng Việt.

Tất nhiên, VIFF được tổ chức ở Mỹ, chiếu tại rạp Mỹ nên nói tiếng Mỹ cũng phải. Nhưng chuyện xài tiếng Mỹ ở xứ Mỹ  thì bình thường. Được dịp toàn Việt như VIFF thế này mà không-Việt thì mất đi cái thoải mái. Mất đi cái cơ hội xả láng của  người Việt trong dịp liên hoan phim Việt.

2. Phim Saigon Yo của đạo diễn Stephan Gauger chiếu khai mạc cho tuần lễ VIFF. Coi phim mà nhớ Sài gòn quá chừng. Sài gòn tiếng còi xe honda, Sài gòn hẻm sâu hun hút của khu dân nghèo lao động. Sài gòn mưa. Sài gòn vỉa hè... Và đặc biệt là giọng Sài gòn. Lời thoại trong phim đúng chất bụi bặm Sài gòn.
Làm phim mà đưa bụi Sài gòn vào được thì đúng là thành công.
Mà cái anh đạo diễn Stephan nói tiếng Việt giọng Sài gòn thì ôi thôi, khỏi chê.

Có một cảnh quay trong phim, nhìn Sài gòn từ trên cao xuống thấy Sài gòn như một đống gạch.

Những viên gạch xây nên cái hoa lệ của Sài gòn.

Saturday, April 9, 2011

Bắt đầu

Thưở nhỏ, mong muốn có một không gian làm chốn riêng biệt của mình. Nơi đó có thể cất giấu món đồ chơi, một miếng bánh, một cây kẹo, những viên sỏi, hòn bi, miếng giấy màu, hoặc... những gì mà tuổi ham chơi lượm được.

Lớn lên, khi những suy nghĩ thơ dại chớm trở thành nhận thức thì chốn riêng tư nhỏ xíu lại hóa thành niềm mong ước khát khao. Một căn gác nhỏ. Cái không gian tưởng như chật hẹp đó lại chứa hết những bay bổng suy tư của tuổi niên thiếu một thời.

Gác xép ở tầng cao áp mái, hoặc tầng hầm góc tối của một căn nhà - là nơi diễn ra nhiều trận giao tranh giữa những anh nhóc tỳ với bọn cướp biển trong truyện cổ tích. Là thế giới mộng mơ của những chàng hoàng tử suốt chiều hè phi ngựa, hoặc dong thuyền buồm đỏ thắm kiếm tìm nàng công chúa ở một vương quốc xa xăm...

Gác xép là nhà kho nuôi mộng gặp gỡ những thiên tài. Là nơi chốn của những Thomas Alva Edison, những Albert Einstein mặt đầy mụn tập tành làm người lớn.

Và gác xép là chốn nơi hoài niệm. Một không gian của lãng quên nhưng đầy ắp những nhớ nhung.

Rồi một chiều, rồi mỗi ngày về tìm lại căn gác xép. Đó là nơi khởi điểm của mọi bắt đầu.