Đem bế mạc của VIFF, chiếu phim Bi, Đừng sợ của Phan Đăng Di. Xem xong, mọi người nhào ra đụng nhau và hỏi. Hiểu không? hiểu không? Thấy sao hả?
Nghĩ, Phan Đăng Di làm phim như vậy là thành công. Vừa là tác giả kịch bản, lại làm đạo diễn cho phim này luôn, cho nên có thể nói đây là một tác phẩm mang dấu ấn rất riêng với ngôn ngữ điện ảnh của Phan Đăng Di.
Thật là khó để bắt đầu như thế nào khi nói về phim này. Đây là bộ phim không phải kể lại cuộc đời của Bi để mọi người lần theo, với một chiều tuyến tính thời gian có trước có sau thường thấy. Nội dung của phim là một sự mô tả những gì đang xảy ra xung quanh cuộc sống của một cậu bé 6 tuổi.
Bi sống trong một gia đình có nhiều người lớn. Một ông Nội, già bệnh suốt ngày nằm giường. Một bà vú già giúp việc có mặt từ đời nào mà Bi không hay biết. Một ông bố rất ít khi quan tâm đến chuyện nhà. Một bà mẹ quán xuyến việc nhà và chăm sóc cho người ông, và một bà cô chưa chồng và thường tránh xa những mối quan hệ và ít khi giao tiếp.
Thế giới của Bi là xưởng nước đá, ngôi nhà, và bãi lau ở bờ sông. Và người lớn xung quanh Bi là những người có nhiều nhục dục và nhiều ham muốn.
Một người ông ham muốn giải thoát những cơn đau triền miên, một ông bố muốn thỏa cơn khát và nỗi bức bối của mình bằng cách đắm chìm miên man trên bàn nhậu. Một bà mẹ cố nén những khát khao của mình trong nhẫn nhục rấm rức, một bà cô muốn thõa mãn dục tình qua những vụng trộm riêng tư.
Mọi cảm giác khao khát, những ham muốn mong được giải tỏa đã được đặc tả trong phim với ngôn ngữ rất riêng của chính Phan Đăng Di. Anh đã xáo trộn và sắp xếp theo cách anh nhìn, những ẩn dụ đã được phô bày theo cái cách mà anh cho là hợp lý.
Hình tượng nước được sử dụng trong phim qua nhiều thể dạng: rắn và lỏng với nhiều ngụ ý. Xưởng nước đá là nơi Bi thích tìm đến để trốn cái nóng hầm hập của Hà Nội. Nước đá để uống bia, làm thỏa mãn cơn khát trốn trách nhiệm của bố, nước đá làm giảm cơn đau của ông, xoa dịu nỗi phấn khích của cô, nước mưa rửa sạch những những bùn nhơ của các cậu học trò, là hình ảnh xanh dịu của mảng hồ bơi mà người cô ước mơ thèm muốn.
Nếu xem nước, một hình ảnh ước lệ của điện ảnh, được xử lý rất nhiều, nhằm khỏa lấp những ham muốn của các nhân vật trong phim, thì hình ảnh người phụ nữ được mô tả trong phim qua những cảnh dục tình lại đầy hiện thực. Giữa hai tuyến nhân vật đàn ông - đàn bà, thì hình ảnh người đàn bà trong phim là sự nhẫn nại chịu đựng đàn ông và là công cụ cho người đàn ông thỏa mãn.
Người con dâu nhẫn nhịn phục vụ cha, chồng, rồi đến con. Hình ảnh cô nằm im cho cha chồng ôm mình vì cơn đau khiến cho người xem thấy bàng hoàng. Anh chồng vô trách nhiệm và ít khi gần gũi vợ, chỉ thích tìm thú vui bên những cô gái quê sau những cuộc nhậu say.
Giữa cái nóng hầm hập của Hà nội những đêm mất điện, tình dục không còn mang ý nghĩa thăng hoa mà chỉ là những giải quyết sự bức bối lâu ngày. Hình ảnh trần truồng của đôi vợ chồng được ghi lại dưới góc quay đặc tả, trong cái bóng tối nhão nhoẹt vì mồ hôi, âm thanh oằn oặt của chiếc đệm lò xo, anh chồng hùng hục trút những ức chế của mình lên cô vợ khiến người xem nín thở.
Tình dục trong phim không phải là những cảnh khiêu dâm, nó chỉ đơn giản mô tả những xúc cảm tự nhiên bình thường mà con người luôn tránh né hoặc có cái nhìn méo mó. Hình ảnh làm tình của cô Thúy và người bạn tên Trung bên bờ đá của biển Hải phòng, đó không phải ham muốn hòa hợp mà là sự mưu mô và toan tính vụng về của một đôi đũa lệch. Chính vì vậy mà người cô vẫn nghĩ đến anh học trò, cô thèm khát ngắm nhìn cơ thể của anh và mơ tưởng về anh ở mảng xanh hồ bơi êm dịu.
Trên màn ảnh, ta thấy Bi hồn nhiên, trong trẻo và không sợ điều gì. Nhưng cái cảm giác sợ lại xảy ra ở người xem ở bên ngoài hàng ghế.
Đây là điểm rất thú vị và phải nói rất hay trong cách làm phim của Phan Đăng Di. Người xem sợ cho Bi mỗi khi đưa cánh tay đẩy cánh cửa ra vào, không biết cái gì sẽ xảy ra? Sợ cho Bi gặp những cảnh quay bạo liệt, lo lắng, không biết Bi khám phá tiếp, hoặc tìm thấy những bí mật gì?
Đối với người xem, Phan Đăng Di xây dựng nhân vật chú An quả là điều bí mật. Bi luôn miệng gọi chú An, nhưng nhân vật này chẳng xuất hiện bao giờ. Cũng như Bi, cái bí mật trẻ thơ là quả dưa được giấu ở bãi sông. Ông bố giấu bí mật của mình ở tiệm gội đầu, massage trong hẻm tối. Bí mật của ông Nội là những lá phong ở đâu bên châu Mỹ. Quá khứ, hiện tại, tương lai của giới đàn ông đều luôn có bí mật của riêng mình.
Mặc dù hình ảnh trong phim được xáo trộn và lắp ghép có chủ đích của đạo diễn, nhưng mạch phim được xây dựng theo thời gian có quá khứ, có hiện tại và tương lai một cách rõ ràng. Quá khứ của người ông bị hiện tại của người bố khước từ. Dù đã cố gắng níu kéo sự liên thông giữa quá khứ và hiện tại bằng hình ảnh ông bố bị ho ra máu với hình ảnh người con ngã lăn kềnh ra đường trong cuộc nhậu.
Nhưng tính phi lý của cuộc sống hiện sinh vẫn tiếp tục thả giàn trên bàn bia khi anh nhận điện thoại biết tin bố chết một cách dửng dưng, như nhân vật Meursault trong truyện Người xa lạ của Albert Camus.
Đoạn tuyệt với quá khứ, người-cha-hiện-tại chẳng quan tâm lo lắng đến Bi-tương-lai. Suốt bộ phim chỉ nghe mỗi một tiếng: Con đâu? Rồi im bặt.
Tương lai của Bi như đã đoạt định vốn lâu đời nay: đàn ông vẫn không thoát khỏi bàn tay chăm sóc của người phụ nữ.
Suốt bộ phim Bi không sợ điều gì, nhưng Bi vẫn hoảng loạn nghe tiếng mẹ khóc rấm rức, và Bi thảng thốt kêu mẹ giữa đêm thanh vắng.
Bi or Be, hãy cứ như thế, hãy cứ xem phim. Hiện thực cuộc sống vốn khốc liệt hơn những gì ta thấy trên phim. Biết tìm hiểu và tìm cách tiếp nhận thì sẽ trưởng thành và chẳng có gì gây sốc!!!
Bị tui "chọc gậy bánh xe" nên "Bi, Đừng Sợ!" của ông bị ném đá te tua bên FB kìa :p
ReplyDelete@Cô giáo:"Chi tiết thì có thể sai. Nhưng những gì TN viết thì không thể chối cãi được. Hehehe" (Trích dẫn lời của Hạo Nhiên)
ReplyDelete2 ông làm tui phát ganh (hay phát ớn?) :p
ReplyDeleteBài viết với nhận xét của anh được đấy. Tinh tế và biết xem phim (Đừng nghĩ mình cao giọng nhé). Nhưng có lẽ ẩn dụ của bộ phim còn ở khía cạnh khác, lớn hơn, tương tự như Rừng Xà Nu ấy.
ReplyDelete@Bá Bi:
ReplyDeleteCám ơn bạn đã ghé thăm và để lại lời "còm". Một khi điều gì đã đưa ra public thì mọi nhận xét đều là niềm vui cả. :)
Rừng Xà Nu hay Rừng Na Uy nhỉ?
ReplyDeleteThấy ai cũng giống đứa trẻ trong phim này.
ReplyDeleteĐây là bài phân tích "Bi, đừng sợ" hay nhất mà tôi được đọc. Cảm ơn tác giả.
ReplyDelete@VMC: Được bác khen thì sẽ vui. Vui thì ai cũng thích. Mà thích thì tôi nên nói: Thank you! :)
ReplyDeleteTác giả có bài viết thật hay và sâu sắc....
ReplyDelete