Tuesday, June 28, 2011

23 tháng Năm, ngày thất thủ kinh đô

Tuần rồi gọi điện thoại về cho Mạ hỏi thăm sức khỏe. Mạ nói vẫn bình thường. Hỏi thêm chuyện nhà, Mạ nói chẳng có gì. Huế vô hè rồi, ve kêu ồn ã, phượng nở đỏ trời. Nắng. Nóng.
Sau khi hỏi han, tính gác phôn thì nghe giọng bà chị nói với Mạ là sẽ ghé chợ mua chuối và bông để cho Mạ cúng kiếng gì đó. Hỏi thêm, nhà có kỵ gì? Mạ nói: Kỵ giỗ ở nhà thì không. Nhưng cúng 23 tháng Năm.

23 tháng Năm. Tính theo lịch âm. Ngày thất thủ kinh đô. Ngày mà Vua cùng quan và dân thường tan tác chạy loạn trong mịt mùng khói lửa khi Pháp đánh úp kinh thành Huế năm Ất Dậu, 1885. Hàng ngàn người chết trận, chết bờ, chết bụi. Một ngày não nùng. Và người Huế, theo hàng năm, lại âm thầm thương xót bày bàn thờ ra đường, ra ngõ để cúng, để tưởng nhớ, để tiếc, để thương cho những vong hồn oan khiên.

Huế có nhiều địa danh đẹp được gọi tên một cách mỹ miều như Kim Long Vỹ Dạ, Hương Trà... Nhưng cũng có địa danh khi gọi lên thì gợi cho người ta sự sợ hãi và ám ảnh như Ngã tư Âm hồn, Chín hầm, Khe Suối máu...  Ngay tại trong kinh thành Huế có một cái miếu gọi là miếu Âm hồn. Nghe đâu là một ngôi mộ chung chôn nhiều người tử trận, dân gian lập nên miếu thờ này và thường xuyên đến cúng viếng, lễ bái để bày tỏ lòng tiếc thương đến với hương linh của những oan hồn sĩ tử.

Lễ cúng tại Miếu Âm hồn (Hình: Google)

Cúng 23 tháng Năm trong quan niệm của những người Huế dân gian là lễ cúng đơn giản nhưng hết sức lòng thành. Ngoài bình bông, nải chuối, giấy tiền, áo binh vàng bạc, thì trên mâm cúng có cơm vắt, muối mè, khoai lang, sắn hấp, bắp trái, đậu luộc.. nói chung là cúng đồ khô để cho tiện, gọn nhẹ để "người ta" xách đi. Và đặc biệt là nấu nhiều nước chè để cúng cho người chaỵ loạn thỏa cơn khát trong cái nắng của tháng Năm. Hoặc bên cạnh có đốt đống lửa to để sưởi ấm cho những linh hồn chết lạnh vì sông nước.

Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần ở nhà có cúng, có kỵ là mừng. Cuộc sống tuy chật vật, khó khăn, nhưng không riêng gì gia đình tôi, mà trong tâm thức của người Huế nói chung thì cứ đến tháng Năm vẫn nhớ đến ngày kinh đô thất thủ. Ở nhà tôi, cúng 23 tháng Năm thì cây nhà lá vườn, có gì cúng đó. Ngoài những vật phẩm kể trên thì vườn nhà có trái mít, trái thơm cũng đem ra chia sẻ với kẻ khuất mặt khuất mày.

Văn hóa cúng bái của người Huế thường được xem là lễ nghi rườm rà, nhưng lại rất đơn giản bởi sự thành tâm và tùy gia cảnh của những người dương thế.

Sửa soạn bàn cúng trước cửa nhà (Hình: Google)

Văn hóa Huế ngoài những mặt nổi có vẻ sang trọng, đài các được tôn vinh làm di sản thế giới, hoặc văn hóa phi vật thể của chốn cung đình... thì văn hóa tâm linh là phần nền tảng làm nên cái đặc sắc của văn hóa Huế. Ai đến Huế cũng có chung nhận xét rằng: đất chi mà buồn da diết. Âm âm u u đến não lòng. Bởi Huế là vùng đất gắn chặt với nhiều biến cố lịch sử của sự chết chóc, phân tán, chia ly...

Mạo muội điểm lại lịch sử để thấy đất Thuận Hóa ngày nay có được, là kết quả nỗi niềm ly biệt của Huyền Trân Công chúa.
Ở khu vực kế cận vùng quê tôi sống có di tích Thành Lồi. Mô đất cao chồm hổm như ngáng chân người đi, đã trở thành một vết sẹo lồi của người Hời từ một vết thương đã bị người Việt của thời đại nhà Trần cứa đứt. Người Hời đã để lại mảnh đất của họ và chấp nhận ra đi vì thua mẹo đắp thành của người Đại Việt.
Trong lịch sử cận và hiện đại Việt Nam, thì Huế là một nơi của chốn đao binh mang nhiều vết cắt. Vua Hàm Nghi cùng quan cận thần Tôn Thất Thuyết bỏ thành quách để lên rừng viết Chiếu Cần Vương. Phật giáo Huế cũng tan tác bởi biến cố 1963. Tết Mậu thân 1968 thì Huế mang một "vành khăn sô" ly biệt. Đến năm 1975 thì người Huế chạy, chạy và chỉ có chạy.. đó là thời điểm mà người Huế dáo dác và í ới kéo nhau chạy tứ bề, chạy tan tác khắp nơi...
Cửa Thuận An là nơi quân Pháp nã phát pháo đầu tiên báo điềm dữ cho ngày kinh đô thất thủ, và cũng từ địa danh này xác người la liệt nằm trên cửa biển, và Huế như được xem là nơi đã mở đầu cho một cuộc tháo chạy chưa từng có trong lịch sử hiện đại của VN.

Vậy cho nên không phải ngẫu nhiên mà Huế có nhiều am thờ, đình chùa, miếu mạo, và người Huế cứ mãi lo về chuyện tâm linh cúng bái, nhớ về người đã khuất để hương khói suốt tháng, quanh năm.

Huế nặng tâm linh bởi Huế lắm điêu linh. Đã qua hơn một trăm năm nay, và hy vọng hai trăm và nhiều trăm năm sau, vẫn còn người Huế nhớ về ngày kinh đô thất thủ.

Friday, June 24, 2011

D-day, ngày giải cứu thế giới

 Tháng Sáu, D- day, 1944. Ngày mà lịch sử thế giới ghi nhận khi quân viễn chinh Mỹ đặt chân lên Châu Âu để thực hiện một sứ mạng cao cả và vĩ đại. Để ghi nhớ về sự kiện này, lục lại bài viết dài đã được đăng trên yxine về một bộ phim yêu thích Saving Private Ryan. Đây là một trong những bộ phim có thể xem đi xem lại hoài không chán. Và có thể bắt đầu bất kỳ ở đoạn nào cũng có thể xem được hết. 
Bài cảm nhận về phim này tôi viết khá dài, bởi theo lối kể chuyện phim tường thuật kiểu con nít, theo trí nhớ như mọi đứa trẻ khác khi được người lớn dắt đi coi xi-nê, về nhà nhớ hết thảy mọi chi tiết, điểm lại các nhân vật và hôm sau kể ra cho bạn bè nghe vậy đó. 

Saving Private Ryan - Giải cứu Danh dự

Chiến tranh, đó là điều kinh khủng. Đó là cái không đáng có, nhưng nó đã tồn tại và đang hiện diện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Cho dù bạn đang ở đâu, một khi có sự xuất hiện của các phương tiện nghe - nhìn, chỉ cần lật một trang báo, bật một chương trình TV, hoặc đang theo dõi một mẩu tin ngắn trên sóng radio... thì những tin tức nóng bỏng về chiến sự ở Iraq, những hình ảnh về cuộc tàn sát đẫm máu ở Rwanda, sự thù hận dai dẳng giữa hai bờ của dãy Gaza... tất cả đều được đề cập. Những cảnh tượng về bom rơi, đạn bay, máu đổ... đã ám ảnh và trở thành quen thuộc trong đời sống thường nhật của con người.
Mỗi cuộc chiến đều có những lý lẽ riêng của nó, nhưng thật kinh khủng khi chiến tranh trở thành lẽ sống của một số người, một thế lực, hoặc một số quốc gia nào đó!

Trong mỗi chúng ta, có thể hoặc chưa trải nghiệm qua bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, nhưng tuy vậy, vẫn có những cảm thức khác nhau về chiến tranh thông qua sự hiểu biết của bản thân mình về lịch sử, qua những kênh thông tin, qua những phương tiện, hình thức khác nhau mà chúng ta vẫn tiếp xúc hàng ngày... và từ đó hình thành trong mỗi người một cách nhìn, một lối nhận định về những cuộc chiến đã từng xảy ra, đang hiện diện, hoặc hình dung số phận chiến tranh trong tương lai ở một nơi nào đó... Với tôi, tôi suy nghĩ đến một cuộc chiến trong quá khứ - chiến tranh thế giới lần thứ hai, thông qua một tác phẩm điện ảnh: Giải cứu Binh nhì Ryan.

Tại nghĩa trang tưởng niệm các quân nhân Mỹ chết trận nằm trên bờ biển Normandy nước Pháp. Một cựu chiến binh già đang bước những bước chân chầm chậm như lùi về quá khứ. Ở đó, ông đã trải qua những giây phút kinh hoàng của đời mình, ông đã nghe, tận mắt chứng kiến và tham gia vào một cuộc chiến giành giật giữa sự sống và cái chết. Ở đó, ông đã hiểu được thế nào là tình đồng đội, thấy được những nghĩa cử anh hùng, cảm nhận được cái lớn lao của sự sống... và vượt lên trên tất cả là ông đã thấu hiểu giá trị và ý nghĩa cao quý của từ: Danh dự.

(Hình: Google)

Tháng Sáu, năm 1944: Đại uý John H. Miller đang cùng đồng đội chuẩn bị một cuộc đổ bộ vào nước Pháp tại một bờ biển có tên Omaha. Không ai trong số họ có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra. Có kẻ làm như bình thản nhai chewing-gum, có người thì thầm ôm hôn tượng Chúa trên thánh giá, và Miller với tay lấy bi-dong cố hớp lấy một ngụm nước không phải vì cái khát... tất cả mọi động tác nhằm che dấu sự căng thẳng lộ rõ trên từng nét mặt. Tiếng ì ì của động cơ lẫn hoà với âm thanh sóng biển. Tất cả im lặng đón chờ. Thời điểm đã đến. Mệnh lệnh lạnh lùng truyền đi từ Miller, và Horvath ân cần truyền đạt cho đồng đội như một lần nhắc nhở cuối cùng. Cánh cửa được hạ xuống. Bụp. Một loạt đạn cắm vào. Một, hai, ba thân người bật ngửa ra sau. Đạn ở đâu đó trên bờ như xối xả tuôn vào cái cánh cửa hẹp của chiếc xà lan. Tiếp tục thêm mấy thân người vật xuống. Tiếng chỉ huy ra lệnh: hãy thoát ra hai bên. Ào ào, bõm bõm, không nghe tiếng đạn xé. Ục, ục, máu! Không còn nghe tiếng rít của đạn, nhưng lại thấy hình ảnh đường bay xuyên thẳng của những viên đạn vô tình. Máu loãng tan ra. Âm thanh như bị ứ lại. Ngợp thở quá, trồi đầu lên. Đạn vẫn bay vù vù. Ngụp xuống, với đạp vào cái gì đó dưới chân để tiến vào bờ. Tiếng đạn vẫn rít và va đập vào những thanh kim loại, bật keeng ra nghe chát chúa. Hỗn loạn. Tiếng la ó, tiếng kêu rên. Xác chết. Ầm! một quả đạn pháo rơi bên cạnh. Ù đặc! Thấy một thằng nào đó thét lên: [Chúng ta phải làm cái quái gì bây giờ!] Không nghe gì hết! Tất cả như ứ lại! Phải cố gắng tiến vào bờ cát trước mặt. Một tên lơ ngơ, loay hoay tìm lượm một một cánh tay. Không nên để mất gì hết! Cố gắng kéo cái xác của một thằng vào bờ. Ầm! Vẫn cứ kéo. Mất nửa thân người, thôi đành vứt lại. Có tiếng la kêu Mama nghe thảm thiết quá! Hãy đội nón vào. Máu tràn ngập, không cần biết. Phải cố lết để tiến vào bờ cát trước mặt. Một thằng nào đó bị đổ ruột, máu hoà lẫn với nước biển và cát. Kinh quá! Tiếng rên rỉ nài nỉ của kẻ bị thương, tiếng chưởi rủa, la hét của thằng quân y bất lực không cầm được máu cho người đồng đội. Moc-phin! Mocphin! Nó đi rồi. Đạn vẫn bay sàn sạt, rát cả mặt...

Thật khó mà mô tả cái đoạn phim đầy hình ảnh khốc liệt dài 25 phút bằng ngôn ngữ viết. Mọi người sẽ trách mắng tôi rằng đã làm một công việc ngu ngốc. Tôi biết điều đó, và xin hãy thông cảm khi tôi đã liều lĩnh cố thử làm ngược lại những gì mình đã chứng kiến nhưng không thể.
Ngôn ngữ viết không theo kịp những gì đã diễn ra trên màn ảnh. Không biết kịch bản về trường đoạn này được viết như thế nào, nhưng bản thân tôi nghĩ đây là một cảnh phim hoàn toàn không theo kịch bản. Steven Spielberg đã làm theo cách của ông.
Tất cả dường như là một sự mô tả chân thực quá khốc liệt! Tiếng la hét hoảng loạn, tiếng đạn rít liên hồi, âm thanh ì ầm của sóng biển, tiếng đạn pháo nổ, tiếng rì rầm của một câu kinh đọc vội, tiếng đạn bay vút, bay chéo kèm với những hình ảnh con người đổ vật xuống... Đó là một địa ngục.
Mọi chi tiết, những cảnh quay, đã cuốn hút, và thuyết phục người xem tin rằng những điều trên màn ảnh xảy ra là có thể. Một miếng kính, một con dao, một mẩu chewingum nhai dở, những bóng người ào ào vụt lên phía trước, những thân người ngã vật xuống một cách tức tưởi...tất cả đều được hoá giải trên màn ảnh mà người xem chấp nhận hết.

(Hình: Google)

Phải nói rằng, khi xem những bộ phim có những cảnh quay thuộc dạng "bom tấn" của Hollywood, nhiều người trong chúng ta thường trầm trồ và thán phục và vẫn còn tỉnh táo bật ra hai từ: Quá đã! Nhưng với cảnh quay trận đánh mở màn trong phim Giải cứu binh nhì Ryan, tôi nghĩ rằng người xem bị cuốn hút, bị kéo theo bởi những hình ảnh đã làm cho chúng ta căng thẳng. Nó làm cho bạn không còn kịp suy nghĩ gì hết. Tất cả đều như căng ra và bị dán chặt vào màn ảnh. Không một lời trầm trồ!
Có thể số lượng thuốc nổ, số lượng đạn trong phim này so với những phim của các đạo diễn khác là không bằng. Nhưng Steven Spielberg đã làm nên một trường đoạn phim quá khốc liệt vì chân thực, hoành tráng vì ấn tượng. Những cảnh quay "vô tiền khoáng hậu".

Hình ảnh Miller bị ù đặc, điếc ngớ giữa chiến trường làm tôi liên tưởng đến câu nói của ai đó cho rằng: im lặng là đỉnh cao của âm thanh. Anh đã vượt quá cái ngưỡng của sự hứng chịu những âm thanh náo loạn. Kết thúc trận đánh, người anh như đờ ra khi hờ hững nhìn Caparzo đùa giỡn với Mellish về con dao chiến lợi phẩm lấy được từ một xác lính của quân Đức. Quang cảnh yên tĩnh quá! Anh buột miệng nói với Horvath, như chính anh là người có lỗi giữa sự ngổn ngang, náo loạn, kinh hoàng mà anh và đồng đội vừa mới trải qua.
Bạn đã có khi nào rơi vào cảm giác hụt hẫng, hối tiếc như vừa mất đi một cái gì đó sau một biến cố tình cảm hay sự kiện nào đó chưa? Nếu có thì sẽ dễ dàng thông hiểu cho Miller nhiều hơn. Là một chỉ huy phụ trách một đơn vị trong đợt đổ bộ, anh đã tỉnh táo chỉ huy và cùng đồng đội đưa trận đánh đến thành công, nhưng anh cũng đã từng có những giây phút hoảng loạn. Anh vừa mới bước ra từ cái thế giới kinh hoàng đó. Tôi không biết vào lúc đó Miller và Horvath nghĩ gì, nhưng tôi tin rằng trong lòng họ đang có nhiều toang hoác và trống rỗng. Trống rỗng đến lạ thường.

Sự kiện lực lượng quân Mỹ đổ bộ vào bờ biển vùng Normandy đã đi vào bộ sử biên niên về chiến tranh của thế giới. Khi xem phim, chúng ta có một chút liên hệ về lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ hai, sẽ hiểu thêm về sự kiện được tái hiện và diễn ra trên màn ảnh có tầm quan trọng như thế nào. Vào thời điểm năm 1944, nước Pháp đã bị chiếm đóng hoàn toàn bởi quân Đức, toàn bộ Đông Âu cũng đang rên xiết dưới gót giày của quân phát xít. Thành trì nước Nga Sô-viết đang bị chọc thủng từng ngày...Hiểm hoạ phát xít đang ngày càng lan tràn từ nước Đức ở Tây Âu, liên minh với nước Ý xuống phía Nam Châu Âu, vùng Địa Trung Hải, mở rộng dần qua Đông Âu và phối hợp với nước Nhật ở Châu Á. Thế giới đang chuẩn bị xoá sổ.

Vào thời điểm đó, bốn bề, ba mặt đều có mặt quân phát xít. Phải mở một mặt trận mới ở phía Tây để nhằm phân tán và suy giảm lực lượng đối phương. Cần có một lực lượng ở bờ Tây để giải vây nhằm cứu vãn tình hình và tạo cơ hội phản công từ những tuyến phòng thủ còn lại ở bờ Đông xa xôi của nước Nga. Vì vậy, lực lượng quân viễn chinh Mỹ trong đó có đơn vị của Miller đang mang một trọng trách nặng nề: Đổ bộ vào nước Pháp để giải vây và cứu vãn thế giới!

Khi viết đến đây, tôi lại nhớ đến một sự kiện cũng quan trọng không kém đã được đưa lên màn bạc và tạo nên một trong những sự kiện xôn xao dân ghiền xi-nê VN trong thập niên 80. Cuộc họp thượng đỉnh của ba nhà lãnh đạo cao cấp phe đồng minh (Anh-Nga-Mỹ) bàn tình hình chống lại quân phát xít. Sự kiện đó xảy ra tại một địa điểm và có thời gian như tên gọi của bộ phim: Teheran 43. Một chi tiết khá thú vị mà tôi muốn kể cho các bạn rằng, vào thời gian đó khán giả VN (chủ yếu là dân miền Nam) đổ xô đi xem phim không phải vì sự kiện đặc biệt đó, mà vì có sự xuất hiện của nam tài tử nổi tiếng của phương Tây - Alain Delon. Người ta ùn ùn kéo nhau đến rạp để được xem lại hình ảnh thần tượng màn bạc của mình sau một thời gian dài vắng mặt, vì nền ĐA bao cấp và đóng cửa bởi xung đột chiến tranh lạnh và ý thức hệ.

Quay lại phim Giải cứu binh nhì: Đại uý Miller, Thượng sỹ Horvath, những người lính binh nhì dưới quyền của anh và nhiều người lính khác nữa trong quân đội viễn chinh Mỹ có mặt tại bờ biển Normandy hôm đó...Tất cả họ đến để làm một việc nhân đạo và cao cả: giải cứu cho những số phận, giải cứu danh dự của những con người đang bị giày xéo dưới gót giày của quân phát xít. Để hoàn thành nghĩa vụ đó, tất cả họ đã trải qua 25 phút kinh hoàng. Steven Spielberg đã đẩy tất cả họ đến bờ của địa ngục chiến tranh và thế rồi họ đã thành công. Họ đã phải trả một cái giá kinh khủng và đánh đổi những sự mất mát đến tận cùng để có được một khoảnh khắc yên tĩnh đến lạ thường bên bờ biển.

Hình ảnh Horvath vốc lấy nắm đất bỏ vào một hộp nhỏ được ghi tên nước Pháp đặt bên cạnh nước Ý, châu Phi... làm cho tôi liên tưởng đến số phận trôi nổi của một kẻ lữ hành thời chiến. Một hình ảnh đẹp, trân trọng và đáng ghi nhớ trong cuộc đời người lính. Có biết bao vùng đất mà người lính đã đi qua? Những vốc đất nhỏ nhoi trong mỗi chiếc hộp, đã đánh đổi biết bao nhiêu máu và nước mắt của những con người vừa ngã xuống. Cuộc đời họ không có gì ngoài những mảnh đất mà họ đã đến, chiến đấu rồi từ biệt ra đi. Những vốc đất mang theo bên mình, đó là những kỷ niệm vô giá. Những kỷ niệm đầy tự hào, những chiến công đầy lòng danh dự.

Cuộc đời người lính là một chuỗi dài thực thi nhiệm vụ. Có những công việc to lớn, cao cả cần họ ra tay và cũng có những công việc nhỏ nhoi, chán chường họ phải nhiệt tình tham dự. Tất cả đó là nhiệm vụ mà người lính phải hoàn thành. Miller và những đồng đội của anh đã bước đầu thành công với cuộc đổ bộ giải vây, lẽ ra họ tiếp tục thực thi nốt phần việc đầy tự hào, nhiều trọng trách trên một mặt trận mới mà họ là những người chủ nhân vừa mới mở. Tất cả đều dẹp lại hết, họ phải rẽ qua một hướng khác. Một mệnh lệnh mới được giao phó: Giải cứu một anh binh nhì nào đó tên Ryan, đang bị mắc kẹt ở một thị trấn, một ngôi làng xó xỉnh nào đó trong lòng nước Pháp. Vậy là họ lên đường.

Không ào ạt, không ồn ào, không hoành tráng. Cuộc kiếm tìm của họ vẫn chầm chậm trôi qua, tất cả tưởng như là một cuộc dạo chơi cho đến một ngày mưa tầm tã, ngày mà họ chứng kiến người đồng đội vui tính và có lòng yêu trẻ con tên là Adrian Caparzo ngã xuống vì một viên đạn bắn tỉa. Bực tức bởi vì một sự thiếu cẩn trọng không đáng trả giá cho một hy sinh, tất cả họ ý thức rằng hiểm nguy đang rình rập. Chào vĩnh biệt Caparzo, lá thư chiến thắng ở Normandy sẽ được đồng đội gửi về cho cha anh ở New York!

(Hình: Google)

Cặm cụi ngồi chép lại lá thư dính đầy máu của Caparzo, Irwin Wade, một người lính quân y xông xáo nhưng kiệm lời, đầy nhiệt tình nhưng lại có nhiều suy nghĩ tinh tế. Chiến tranh là một điều gì đó bất khả kháng đối với anh, Wade tỏ thái độ bất đồng khi đồng đội đang vô tư đùa giỡn với những tấm thẻ bài, nơi khắc ghi những sinh mệnh con người đã đổ máu mà anh chứng kiến qua mỗi lần xung trận. Irwin Wade, những gì anh nghe được qua những lời tâm sự của đồng đội tại ngôi nhà thờ đổ nát của buổi tối mưa hôm đó, đã mãi mãi theo anh nằm lại trên triền đồi ở một miền xa lạ nào đó ở nước Pháp xa xôi. Một loạt đạn oan nghiệt đã cắm phập vào người anh. Đồng đội, bạn bè của Wade đã lặng câm tiễn đưa anh trong nỗi lòng đau đớn.

Cuộc kiếm tìm tưởng như rơi vào đường tuyệt vọng. Nhầm lẫn lại nhầm lẫn và bế tắc. Mặt trận ngày một mở rộng dần. Đã là lính ai cũng háo hức chờ ngày xung trận. Vậy mà đơn vị của Miller vẫn lầm lũi bước đi. Anh muốn kết thúc cái nhiệm vụ chết tiệt này để sớm quay về đơn vị cũ. Vì chán ngán và cảm thấy vô vọng, một người lính từng trải như Miller lại chấp nhận một giải pháp dễ dãi, cầu may. Tìm kiếm hy vọng của mình giữa một đống thẻ bài. Mong một cái chết từ Ryan để báo cáo với cấp trên là anh đã hoàn thành nhiệm vụ. FUBAR! (Fucked Up Beyond All Recognition)

Không thể như vậy được! Vậy thì tìm Ryan ở đâu? Có ai biết Ryan ở đâu không? FUBAR! Anh lại la hét gọi tên Ryan giữa chốn ba quân, đặt lại hy vọng kiếm tìm ở những nơi vẫn còn sự sống. Ramelle, Ramelle, Ryan ở Minnesota hay ở Iowa? Những địa danh  đó với anh đã trở thành quan trọng.  Và kế tiếp những chuỗi ngày vô vị trôi qua, cho đến khi chứng kiến cái chết của Wade, nhóm quân mỏng manh của anh chỉ còn lại 6 người, sự rạn nứt đã dần đưa sự kiếm tìm đến bờ phá sản.
Có sự sống nào mà không đáng quý? Có tình cảm bà mẹ nào mà không trân trọng? Nhưng để có được không phải là điều đơn giản. Vậy tại sao phải tiếp tục sự đánh đổi???

Là một con người sống phải có lòng nhân, là một quân nhân thì nghĩa vụ phải làm tròn, là một thầy giáo nên mọi suy nghĩ đều hướng về điều tốt đẹp để sao cho lòng thanh thản... tất cả đã oằn xéo trong con người Miller và vắt kiệt anh rơi những giọt nước mắt nặng lòng. Miller, Horvath, Reiben... Hãy tiếp tục đứng lên hoàn thành nhiệm vụ vì danh dự.

Chắc hẳn có người xem phim đã khắt khe chỉ trích Steven Spielberg và nhóm làm phim đã đẩy câu chuyện theo xu hướng phô trương chủ nghĩa anh hùng, một phong cách thường thấy của Hollywood. Tại sao lại vì một anh Ryan vớ vẩn nào đó mà đẩy đưa số phận 8 con người buộc phải xông pha và hy sinh? Tất cả đều chết để vì một Ryan còn sống?... Các nhà làm phim Hollywood đã dựa vào tư liệu của một câu chuyện có thật, đồng thời căn cứ vào lịch sử một lá thư của Tổng thống Abraham Lincoln viết cho một bà mẹ có 5 người con chết trận thời nội chiến Bắc - Nam. Vậy là câu chuyện được họ làm cho thăng hoa. Và cái cách họ thêm thắt, dẫn dắt câu chuyện vào một tình huống thuyết phục và giải quyết rất hợp lý mà chúng ta dễ dàng chấp nhận. Phải cứu lấy Ryan, cứu lấy niềm hy vọng cuối cùng của một bà mẹ, và trên tất cả là danh dự của một quốc gia không thể đứng ngoài cuộc chiến.

Bản chất của chiến tranh là mất mát. Nhưng liệu chúng ta có nên nhân danh sự mất mát để đẩy tâm hồn của một bà mẹ đến tận cùng của bến bờ đau khổ? Vẫn biết rằng vết thương sẽ lành, nỗi đau sẽ nguôi ngoai. Nhưng một khi ý thức được sự cần thiết của việc bảo vệ niềm hy vọng cuối cùng, thì hãy hành động để niềm tin không rơi vào tàn lụi.

Miller và đồng đội của anh đã không chỉ bước ra từ sự kinh hoàng để cứu vãn thế giới tại bờ biển Normady, mà anh và cùng nhóm nhỏ 8 người kia đã vượt qua chính mình,để cứu lấy niềm hy vọng và ý nghĩa của chiến tranh mà họ là những người tham dự. Đến đây, bạn có thể nhìn câu chuyện ở góc độ nào cũng hợp lý. Cứu thế giới thoát khỏi hiểm hoạ phát xít, cứu lấy sinh mệnh của một con người, cũng là cứu lấy danh dự của bản thân mình, giữ lửa hy vọng cho một bà mẹ có nhiều mất mát ...Từ một anh lính binh nhì, mạng sống Ryan đã trở nên quý giá. Đó có thể là lý do tại sao Miller đã không thể để Ryan-binh-nhì rời nửa bước trong trận đánh sống còn bên bờ sông Merderet của thị trấn Ramelle.

(Hình: Google)

Toán quân biệt kích cùng Miller gặp được Ryan và những tưởng câu chuyện đi vào ngã ngũ. Họ có nhiệm vụ tìm anh và bảo toàn tính mạng đưa anh về nơi an toàn. Nhưng Ryan lại có nhiệm vụ của riêng mình khi bản thân anh cũng là một người lính. Tình huống phim đã rẽ chúng ta qua một chiều hướng khác. Im lặng nghe tin chẳng lành, rồi anh từ khước mọi mệnh lệnh từ Miller vì Ramelle đang cần anh có mặt.
Trong chiến tranh, chuyện phá đường, đánh sập cầu là điều bất khả kháng. Bởi vì đó là dấu hiệu của sự tháo chạy, cho dù được biện minh là rút lui. Chiếc cầu trên sông Merderet là biểu tượng của lòng danh dự mà Ryan và đồng đội của anh đã gìn giữ bấy lâu nay. Không đơn giản đành đoạn bỏ đi, khi ở đây cũng có tình anh em đồng đội. Miller, Horvath, Reiben và những đồng đội khác của anh như hiểu được tình hình, họ cảm thông với Ryan. Bởi làm lính chiến thì cần biết sống chết ở nơi đâu là mang nhiều ý nghĩa. Vậy là họ trở thành anh em cùng bên nhau chiến đấu.

Cái Đẹp cứu rỗi thế giới, hình như Dostoievski đã nói những lời đó trong tác phẩm của ông và tôi nghĩ rằng điều đó cũng là chân lý. Hình ảnh Urpham cùng đồng đội say sưa bên ca khúc "Tu es partout và C'etait une histoire d'amour" chính là những giây phút Đẹp hiếm hoi mà người lính quên đi chính mình là những kẻ sát nhân. Reiben, Ryan vui vẻ cùng đồng đội chuyện trò. Họ ôn lại những kỷ niệm đẹp ở quê hương đang chờ họ....
Trong chiến tranh, khoảnh khắc đáng nhớ nhất là sự yên tĩnh trước và sau trận đánh. Họ đã từng trải qua giây phút yên tĩnh bên bờ biển, khoảng lặng ám ảnh trong đêm mưa dưới nhà thờ, và bây giờ là giây phút bình yên trong thị trấn đổ nát Ramelle, cùng giọng hát lanh lảnh vút cao của Edith Piaf... Tất cả dường như bất động. Yên tĩnh đến lạnh lùng. Như báo hiệu một điều gì bất ổn.

Mỗi một trận đánh có một lối thể hiện khác nhau. Trận chiến tại Ramelle hôm nay quả là không cân sức.Từ tháp chuông trên đỉnh chót vót nhà thờ, anh lính sùng đạo Jackson ra hiệu báo tin về sự xuất hiện của quân thù như rung hồi chuông chiều báo tử. Một viên đạn, một lời kinh, tay thiện xạ bắn tỉa Jackson luôn là một cánh tay lợi hại của Miller trong mỗi lần tham chiến. Hình ảnh Jackson bắn đến từng viên đạn cuối cùng, và cuối cùng trở về với cát bụi cùng cái gác chuông nhà thờ đổ sập. Mỗi viên đạn của Jackson như chấm dứt một điều đến từ địa ngục, để cho anh và bạn bè anh thấy được nhau ở chốn thiên đường.

Trong toán quân biệt kích đi tìm Ryan của Miller, mỗi một anh lính đều có một số phận riêng, và đặc biệt hơn là mỗi người đều có riêng một phong cách. Mellish, một anh binh nhì người Do Thái, rất hoà đồng và gần gũi với mọi người. Được phân công chiến đấu với Urpham, anh cũng tận tình giúp đỡ người đồng đội chưa có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, anh là bạn thân của Caparzo - người tặng anh con dao khi hai người đang sát cánh bên nhau nơi bờ biển. Nhưng oái ăm thay, chính con dao chiến lợi phẩm oan nghiệt đó, đã kết liễu đời anh bởi một tên lính Đức căm ghét "Juden".

Tôi không biết mọi người nghĩ sao về anh lính Urpham, nhưng tôi lại có thiện cảm với nhân vật - mà bộ phim muốn đưa vào với nhiều ngụ ý. Chỉ xuất hiện thoáng qua trong trận đánh ở bờ biển Omaha, phần còn lại của phim thì nhân vật này như là một sợi dây xuyên suốt. Chiến tranh thế giới thứ hai đã tác động đến những nước tham gia hoặc không tham gia, và cũng kéo theo mọi người lao vào điều kinh khủng. Nếu như cuộc chiến này không xảy ra, thì những chàng trai như anh lính Urpham, đang ôm mộng trời xanh đâu đó trong giảng đường đại học.
Và bản chất chiến tranh luôn bị lợi dụng, cào bằng, thì sự xuất hiện những người lính như Urpham là điều cần thiết. Anh ngăn cản mọi người đừng quá cuồng điên khát máu, mà tỉnh trí nhìn vào cuộc chiến ở mỗi góc độ đúng sai. Anh an ủi khi đứa trẻ hoảng loạn, anh thân thiện với kẻ hàng binh, anh đau đớn kêu gọi Miller, mong hàn gắn những gì đang rạn nứt. Mỗi một hành động, hình ảnh của Urpham là một góc nhìn rất lạ khi ta nhìn vào cuộc chiến.

Có lẽ mọi người sẽ không đồng ý cùng tôi, và giận dữ không chấp nhận sự yếu đuối, hèn hạ đến vô lý trước hình ảnh co quắp và đầy sợ hãi của Urpham dưới chân cầu thang trong tiếng gào thét vật vã của Mellish bị đâm chết bởi tên lính Đức.

Urpham, anh hoàn toàn không phải là người lính! Anh là một phần hiện thân của cái Đẹp yếu đuối, anh là một phần tỉnh táo của lòng nhân, anh là sự vô lý mà chiến tranh đã đẩy con người vào đó.Và trên hết, anh là một giá trị về lòng danh dự khi không chấp nhận sự đê hèn của một kẻ tù binh phản bội.
Người ta bắn giết nhau, tàn sát nhau vì điều gì anh không biết. Còn với Urpham, cầm súng lên là tỉnh táo bắn vào cái mà anh cảm thấy không cần. Suốt cả chiều dài bộ phim, rất nhiều đạn được bắn ra từ nhiều người của hai bên bờ đối nghịch. Có những viên đạn vô tình, nên có những cái chết cũng rất vô tình. Có những loạt đạn hữu ý và cái chết trở nên anh hùng. Riêng viên đạn tỉnh táo của Urpham, như minh chứng cho sự tham gia cuộc chiến của anh và đồng đội của anh là không hoàn toàn vô nghĩa.

Trận đánh mở màn bên bờ biển tàn sát và khốc liệt biết bao nhiêu thì trận đánh bảo vệ chiếc cầu bên dòng sông Merderet ở Ramelle làm chúng ta thêm hồi hộp và căng thẳng. Duy trì sức kháng cự, bảo vệ được chiếc cầu, và hơn hết là bảo vệ tính mạng anh lính Ryan với một lực lượng quá mỏng quả là một vấn đề nan giải. Cũng tại trận đánh này, Steven Spielberg có cơ hội mô tả những chân dung còn lại của một đội quân quả cảm. Hình ảnh Mike Horvath tả xung hữu đột, chủ động ở mọi ngóc ngách tại các điểm phục kích, sử dụng đủ mọi loại vũ khí, và cuối cùng bực tức ném chiếc nón sắt còn lại trong tay mình vào phía quân thù, trước khi bị một loạt đạn bắn vào lưng. Mike căm hận ngã xuống khi hành trình những vốc đất của anh từ nay chấm dứt. Vĩnh biệt người lính dũng cảm, vĩnh biệt người bạn trung thành. Vĩnh biệt anh, Thượng sỹ Mike Horvath!

Không hoảng loạn như trận đánh ban đầu, không lo lắng như trên đoạn đường đi tìm Ryan bị rơi vào những lần phục kích. Ở trận đánh này, Đại uý John H. Miller trầm tĩnh đến lạ thường. Chủ động đánh lạc hướng giải vây cho đồng đội, phụ trách một vị trí xung yếu để bảo vệ chiếc cầu, anh cùng người đồng đội Reiben và anh lính Ryan, tất cả họ phải bảo vệ vị trí quan trọng này và hy vọng đến phút giây chiến thắng. Định mệnh đã giao cho anh trọng trách là bảo vệ danh dự. Cho đến lúc tưởng như hết khả năng chống trả, căng thẳng và kinh hoàng nhất khi thấy Mike ngã xuống, chứng kiến những mất mát mà anh và những đồng đội đã trải qua... trong trạng thái ù đặc và gần như tuyệt vọng, Miller cố với lấy cái bộ phận điều khiển để nhấn mìn hòng đánh sập chiếc cầu, "the Alamo" tuyến phòng thủ cuối cùng. Những viên đạn oan nghiệt của kẻ bại trận đã kết liễu đời anh. Miller ngã xuống và vẫn kịp nở nụ cười chiến thắng.
Chào từ biệt Đại uý John H. Miller, Ryan vẫn an toàn, chiếc cầu được bảo vệ, danh dự của người lính vẫn được giữ nguyên, lá thư chiến thắng của Caparzo thấm đầy máu dưới nét chữ của Wade đang còn ấm trong ngực anh, sẽ được Richard Reiben tiếp tục làm nhiệm vụ đưa anh lính Binh nhì Ryan cùng lá thư về nhà như một món quà chiến thắng.

Người lính trẻ Binh nhì Ryan bên chiếc cầu danh dự tại dòng sông Merderet của thị trấn Ramelle năm xưa nay cùng với gia đình 3 thế hệ quay lại bên bờ biển Normandy để thăm lại và tưởng nhớ những người ngã xuống. Những gì Đại uý Miller nhắn nhủ trước lúc hy sinh đã cho họ có cuộc sống của hôm nay. Các anh là những thiên thần. Họ đến đây xin trả nợ các anh, những người lính chiến đấu vì lòng danh dự.

Giải cứu Binh nhì Ryan, giải cứu Danh dự, giải cứu Niềm tin... cho dù mọi người xem phim và có những lời bình phẩm dưới góc độ khác nhau thế nào, nhưng tôi tin trong chúng ta có một suy nghĩ chung rằng: đây là một bộ phim về chiến tranh thực sự mang nhiều ý nghĩa.

Tuesday, June 21, 2011

Happiness is a warm gun

 Father's Day là beer day. Chủ Nhật ghé nhà người bạn uống một vài chai lấy lệ vì dư âm của tối thứ Sáu và chiều thứ Bảy vẫn còn. Nhưng một ngày không beer là một ngày quá dài. 

Mùa hè, trời chưa tắt nắng, vẫn còn thời gian nên cùng với thằng em của người bạn đi đến chốn này.
Nhớ lại mấy năm trước, anh Trần Tiến Dũng từ VN qua Mỹ tham dự hội thảo gì đó ở Boston. Sau đó có ghé California chơi. Cả nhóm đưa anh Dũng đến Firing Line ở Hungtington Beach để thử cảm giác và ngửi mùi thuốc súng. Nhân viên ở đó quăng ra một cây, bảo là thử làm một vài thao tác. Chịu chết! Sorry guys! Cả bọn tiu nghỉu ra về vì không có ai có kinh nghiệm gì trong vụ súng siếc này.

Bây giờ thì mình có tiến bộ chút chút. Hahaha..

Made in Austria, Bullet: 9 ly      
Lần bắn đầu tiên cách đây 2 tháng, thằng em chê quá trời: Phí đạn, phí đạn. Lần này, sau chừng khoảng 5, 7 viên, loạt bắn thứ hai mình thì có tiến bộ, lên tay thấy rõ.


Khi đứng trong cái boot này, thấy chàng nào chàng nấy đều chăm chú. Nghĩ đến cái tựa bài hát của mấy chàng Liverpool. Happiness is a warm gun. Điên thật!



Vụ này thì nói chung là khoái. Bữa trước lên Davis gặp Nguyên của nhà Lún đã khoe hàng rồi. Háo hức trong bụng, nếu có thời gian chạy lên cùng Nguyên đi săn turkey. 


Add lên đây cái clip nghe âm thanh cho có cảm giác phê. 
 

Father's Day for single Man! Giải trí rất là lành mạnh.

Sunday, June 19, 2011

Ba tôi (2)

Ba tôi là một người rất thích những vật dụng, những thiết bị điện tử. Mỗi lần về thăm nhà, thấy ông cứ loay hoay chỉnh sửa cây ăng-ten, xoay qua xoay về rồi cột cột sợi dây cho tivi được rõ hình để phục vụ con cháu. Thi thoảng lại thấy ông rị mọ tháo ráp cái đầu DVD hoặc gắn nối sợi dây loa.. Thấy vậy, ông anh thứ hai mua tặng cho Ba tôi cái đầu DVD của Nhật đắt tiền. Ba tôi chê: "Dở ẹc, cái này nhiều tiền nhưng dỏm. Không đọc được đĩa hát của tao." Bởi rằng là, những đĩa kinh thuyết pháp, đĩa phim hoặc ca nhạc mà Ba tôi mua, hoặc ai đó đem cho đều là đĩa copy hàng lậu. Anh em chúng tôi thường hay đùa Ba là chuyên gia xài hàng nhái. Ổng cười cười  rồi bảo: ở Huế như rứa là xịn lắm rồi. Đòi chi?

Bây giờ mỗi khi đi Fry's hoặc Best Buy, đến quầy hàng điện máy (electrical) tôi cứ đứng tần ngần và nhớ đến Ba tôi. Hoặc những lần đến nhà người quen, bạn bè, thấy người ta mở đĩa hát Thúy Nga, Asia hoặc DVD ca nhạc mừng Xuân... là tôi lại  nhớ đến ông khôn xiết. Vì biết rằng Ba tôi thích nghe, thích coi đĩa nhạc và thậm chí sưu tầm cho dù là đĩa sang lại.

Với Ba tôi, ngoài chiếc máy may thì chiếc radio là vật gắn liền với cuộc đời ông. Nhớ những năm tháng tuổi thơ được ở cạnh bên ông, trong một đêm ông nghe BBC, đài VOA, theo dõi đài RFI, đài Á Châu Tự Do RFA, và cuối cùng ngủ thiếp đi bởi chương trình tiếng thơ, hoặc đọc truyện đêm khuya của đài Hà nội.

Tôi là đứa con có cuộc sống ít gần gũi với gia đình. Vì vậy những kỷ niệm với Ba tôi cũng không nhiều lắm. Nhớ có một lần, năm đó tôi học lớp 11, tuổi mới lớn lên nên cũng bắt đầu yêu đương lung tung, đàn đúm theo bạn, kết bè, bỏ học bỏ hành, tập tành làm người lớn. Buổi sáng như lệ thường, Ba tôi đi làm, hôm đó một mình tôi ở nhà. Yên tâm nhà vắng không còn ai, tôi khép vội cửa nhà trên và chui xuống bếp hút trộm vài hơi thuốc lá. Bất ngờ cửa mở Ba bước vào, thấy tôi ngậm điếu thuốc, tưởng là chuyến này sẽ có một trận lôi đình, nhưng ông chỉ hỏi một câu: Bữa ni hút thuốc nữa à? mà không một lời la mắng tôi về sự bắt đầu hư đốn. Ba tôi giải thích như để trấn an: "Ba để quên đôi mắt kính ở nhà. Quay lại lấy thì thấy nhà không có ai nên mới đi tìm con như vậy..."

Ba quả là một người cha hiền từ và vị tha.

Ba tôi có tất cả tám người con. Ba gái năm trai. Có hai bà chị và một đứa em trai lập gia đình sống ở gần nhà, riêng đám còn lại thì sống lưu lạc mỗi người một xứ. Vì vậy, sự chăm sóc dành cho Ba chỉ là những lời nói qua điện thoại hoặc thăm hỏi thư từ. Có dịp lễ Tết, giỗ chạp mới về thăm ông. Khi có mặt của đứa này thì vắng mặt đứa kia, nên giữa sự sum vầy của con cái dành cho Ba tôi vẫn ít khi được trọn vẹn.

Nhớ có một năm, mấy anh chị em chúng tôi đều nhận được thư Ba. Rồi liên lạc với nhau xem trong đám con, người nào là quan trọng.  Hỏi: "Nhận được thư Ba chưa? Dạ rồi, của em là bản photo. Hahaha..." Mấy anh em kháo nhau rồi hả hê cười trên điện thoại.
Chả là, Ba tôi viết một lá thư, ông đem photocopy rồi gởi đều cho tất cả. Sau một hồi truy nguyên thì cuối cùng biết được ông anh thứ hai - con trai đầu là người quan trọng vì nhận được lá thư bản gốc.
Sau về thăm, Ba tôi cười giải thích. Gần chỗ Ba may có tiệm photocopy, viết thư cho tụi bây thông báo tình hình ở nhà thì giống nhau, lui tới cũng chỉ có như vầy... Hơn nữa, Ba muốn coi cái máy nó hoạt động thế nào, nên xách cái lá thư qua nhờ anh photocopy cho nó tiện.

Ba thiệt là người biết tận dụng phương tiện khoa học kỹ thuật rất tân thời.

Khi mới qua sống ở xứ này, tôi thường gọi điện thoại về nhà hỏi thăm tình hình sức khỏe. Cuối buổi nói chuyện, Ba cũng dặn dò và chúc tôi sức khỏe. Theo thói quen mới học được của xứ văn minh. Khi nhận lời chúc của Ba thì tôi nói hai chữ Thank you! Ba ngỡ ngàng, buộc miệng: Ui chao! Rồi cả Ba và tôi đều bật lên cười khanh khách.

Ba tôi là người sống đức độ và vị tha. Ngày ông mất tôi báo hung tin cho bà con họ hàng. Ai cũng quý mến ông và ngẩn ngơ buông lời tiếc rẻ.  

Cuộc sống của Ba tôi đơn giản, nhẹ nhàng, ít làm phiền ai. Và khi ra đi ông cũng thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng bận và không mảy may làm phiền vợ con và cháu chắt như cuộc đời của ông vậy đó.

Chúng tôi, những đứa con và cháu của ông, luôn tiếc thương ông và sẽ mãi nhớ đến ông nhiều...

Thursday, June 16, 2011

Ba tôi (1)

Đọc bài viết Bố bên nhà chị Ba Đậu. Ngồi thừ người ra. Nhớ ông Ba của mình quá chừng. Cũng nhờ vậy mới biết rằng: Father Day đang đến. Trước đây ở VN, không có ngày của Cha. Qua sống bên này, thấy mọi người nhắc nhở nhau khi sắp đến tuần lễ có ngày Father Day. Nhưng tôi không có cơ hội để nói những lời yêu thương cho Ba tôi nghe được nữa rồi. Tôi không có được ân sủng làm những điều đẹp nhất để dành cho Ba tôi nữa.Tiếc quá!

Ba tôi mất cách đây 3 năm, giữa một ngày mưa lạnh mùa Đông ở Huế. Khi cơm nước buổi trưa xong, Ba tôi mở đĩa phim về kinh thuyết pháp gì đó cho Mẹ tôi cùng mấy Dì bà con trong xóm ngồi xem. Ông giới thiệu: Hay lắm! Sau đó ông đi nằm vì cảm thấy không khỏe trong người. Ngoài trời, Huế mưa dầm dề. Lạnh. Từ giấc ngủ chiều muộn màng đó. Ba tôi đã không dậy được nữa. Bên này lúc đó khoảng 2 giờ sáng của đêm Chủ nhật, chuông điện thoại rung lên. Nghe tiếng được tiếng mất của đứa cháu gái ở bên kia dàn dụa: "Cậu ơi, cậu ơi.. ông Ngoại đi ngủ, rồi không dậy nữa rồi cậu ơi. Ông Ngoại bỏ tụi con mà đi rồi... Tôi thảng thốt bật dậy. Lạnh sống lưng. Ngồi câm lặng suốt trong đêm mà nước mắt cứ trào. Tôi đã khóc vì tiếc thương Ba tôi trong nỗi niềm của ân hận.

Hồi chiều tối, lúc khoảng 9 giờ. Tính gọi về cho Ba, nhưng nghĩ lại. Thôi. Để sáng mai trên đường lái xe đi làm rồi hẵng gọi. Và kể từ cái ngày Chủ nhật oan nghiệt đó, tôi đã không còn cơ hội nghe được giọng nói của Ba tôi nữa. Tôi là kẻ thật đáng giận.

Khi bắt đầu cuộc sống ở xứ này. Mọi dự định sẽ làm cho Ba tôi vui mãi mãi ở lại trong dự tính và không bao giờ được thực hiện. Tôi chưa kể gì nhiều về cuộc sống ở bên này cho Ba tôi nghe. Tôi đã lần lữa không tâm sự hay kịp chia sẻ những niềm vui tôi có được thì Ba tôi đã đi rồi. Tôi đã hẹn với Ba tôi trong ngày gặp mặt. Tôi đã trễ hẹn và mãi mãi là đứa con trễ hẹn.

Một người bạn đã từng nói với tôi rằng: Khi ông ba mất thì con trai là những thằng ân hận nhất. Tôi đã nghiệm ra cho chính bản thân mình. Và điều đó khiến lòng tôi ray rứt mãi.

Ba tôi là thợ may. Trước 1975, ở Đà Nẵng, ông đứng thợ chính thức cho bà chủ tiệm may hiệu Kim Thoa. Ông đứng lớp phụ trách giảng dạy cắt may cho cơ sở của bà Đại Lượng. Học trò của ông có cả hàng trăm người. Khi chạy tản cư, ông đã bỏ lại nhà cửa, tài sản cho người ở lại. Tôi đã chứng kiến ánh mắt tuyệt vọng của Ba tôi khi đứng nhìn ông chủ ghe cắt đứt sợi dây neo ác nghiệt để cướp đi toàn bộ của cải, hành lý, tư trang của toàn bộ gia đình khi tính vào tử thủ ở Saigon.
Sau 1975 quay lại Đà Nẵng thì tất cả đã sang trang, và hàng xóm là những người dường như nhìn nhau xa lạ. Dắt díu vợ con về Huế.  Từ một thị dân, Ba tôi đã phải vác cuốc lên vỡ đất khai hoang trồng sắn, trồng khoai ở Bastogne, Bình Điền, Hương Mai... Dẹp cây kim, cuộn chỉ, Ba tôi nhận luôn cả mảng ruộng trên đồng An Cựu để trồng rau muống.
Với một gia đình đông con đến 8 miệng ăn. Ba tôi đã không từ chối bất kỳ một điều kiện gì để kiếm gạo phụ giúp Mẹ tôi chạy ăn từng bữa.
Và cũng vì kiếp sống mưu sinh. Ba tôi lưu lạc vào tận xứ người ở miệt Bạc Liêu, đạp chiếc máy may cọc cạnh để hàng tháng gửi tiền cho Mẹ tôi. Nhưng cuộc sống hào phóng của miền Nam cũng không giữ chân được Ba tôi, ông lại quành trở ra vì vợ vì con vì ông Nội  và vì quê hương bản quán.
 

Thời cuộc tuy đã thay đổi, đời sống có những khó khăn, chật vật hơn nhưng Ba tôi vẫn cố gắng duy trì nếp sống của một thị dân. Cứ mỗi cuối tuần, Ba tôi lại đưa anh chị em chúng tôi, những đứa còn nhỏ, đến rạp xi-nê để thỏa trí tưởng tượng của mình trong thế giới điện ảnh. Được coi xi-nê, được ăn chè ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Rồi được biết thế giới bên ngoài còn có chuyện cổ tích Grim, có ông thần thời gian ngồi quay mãi chiếc bánh xe. Đứng mút cây cà-rem  mà mơ ước mình có Con ngỗng vàng, hoặc Ba hạt dẻ nhiệm màu như cô bé lọ lem trong phim truyện...

Thế giới vẫn còn có nhiều màu sắc đã hình thành trong tôi. Niềm đam mê phim ảnh của tôi đã bắt đầu từ đó!


Ba tôi là một người hiền từ. Hầu như tôi chưa bao giờ thấy ông la mắng vợ con bao giờ cả. Sống gửi rể ở làng Ngoại, ông đã chiếm trọn cảm tình của bà con từ làng trên xóm dưới. Ngày Ba tôi mất, nhiều người đến thăm đông lắm. Có nhiều người sống ở làng kế bên cũng tìm ghé qua, thắp cho ông một cây nhang, vái hai lạy thay cho lời từ giã. Đến lúc đó, anh chị em trong nhà mới thấy được ý nghĩa trọn vẹn qua cuộc sống của Ba tôi.

Là một người cha hiền từ, Ba tôi luôn tôn trọng ý kiến cá nhân của anh chị em tôi theo từng người một.Bà chị đầu lập gia đình với anh bộ đội phục viên ông cũng không cấm cản. Ông anh thứ nhì chống lệnh điều động công tác ở vùng sâu Ba tôi cũng chỉ nói những lời khích lệ, động viên. Ông anh thứ ba bán cái sản nghiệp của Ba là chiếc máy may hiệu Singer để tìm cách vượt biên, ông cũng chỉ đứng lặng mỉm cười. Thằng tôi là một đứa con cứng đầu, học hành dở dang, làm theo ý thích của mình, tự động rút toàn bộ hồ sơ xin chuyển trường, Ba chỉ hỏi một câu: Sao vậy con, rồi ông cầm bút lên ký giấy...

Sunday, June 12, 2011

Đẹp về hình thức lẫn nội dung

Lên facebook dạo này có nhiều người post hình đẹp. Từ hình biểu tình, đến hình đi chơi.
Nhà Nhảm có cái hình Em bé Saigon. Rất sống động. Thích. Nhưng phát hiện thêm trong "tàng hình face" (bắt chước lối nói : tàng kinh các) có cái hình này rất độc đáo .

Nguồn: Facebook

Đây là một tấm hình đẹp. Ngoài cái chuyện bố cục hình ảnh, tính hợp lý chất liệu, kỹ thuật... như em bé ngồi trên vai, góc máy cận cảnh, đặc tả nụ cười tươi rói của ông bố (đoán thế)...phân tích những cái này dành cho các bác chuyên gia. Thì tấm hình này đẹp thêm ý nghĩa về mặt nội dung. Những chữ viết trên mảnh giấy.

Lòng yêu nước của người Việt đã bộc phát ra một cách vô tư, nhưng chính lối biểu đạt này cho thấy tính tự nhiên sẵn có trong con người thật là đặc biệt.

Không thể áp đặt bất kỳ một điều gì lên ý thức của con người được.

Một khi ý thức muốn được bộc lộ một điều gì đó về sự vui, cái buồn hay nỗi giận dữ... thì sẽ tạo ra những phản ứng minh họa đi kèm rất tự nhiên.

Cái hình trên nói rõ về cái tính tự nhiên của sự phản kháng.

Friday, June 10, 2011

Việt nên vãi chưởng gì để cưỡng khựa?

Hóng hớt chuyện bên nhà của 5xu. Chả là nhà Xu béo hứng điên quạt mo cho Việt một entry làm gì để cưỡng khựa?. Khựa đâu chả thấy, thấy Xu béo thọc tiết Vịt. Thâm - đặc sản vịt hấp xì dầu.

Cưỡng khựa mà không nhắm thẳng khựa, quạt mo của Xu béo không gãi ngứa được mông em Khương Du. Tiếp sức nhà Xu tung ra một vài chưởng nè:

 1. Sách lược "cây lương thực lâu dài":

+ Việt ta nhiều gái đẹp. Cụ Triết từng quảng cáo thế, vậy nên mở dịch vụ tuyển gái Việt gả cho Mỹ. Khỏi mất công làm dâu xứ Hàn, xứ Đài rồi chết thảm. Biết đâu sẽ có ngày, có em lên làm First Lady. Nhà đài, báo chí nước nhà tha hồ giật tít. Đại loại như "cả dân tộc vùng dậy sáng lòa" "Người đàn bà Á Châu đầu tiên có quyền lực nhất thế giới".. . Sướng hơn fiêu nhiều. Khựa sẽ ứa máu vì uất. Bởi lâu nay khựa áp dụng chiến dịch "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", đẻ ra gái là bọp mũi. Có gái đâu mà gả cho Mỹ? Ác giả ác báo. Ghi bàn nhé: 1-0

+ Đưa thành nghị quyết, viết thành công văn chương trình phổ cập hóa tiếng Mỹ. Nếu cần thì họp Quốc hội đếm số giơ tay đưa vào phần bổ sung của Hiến pháp: "Tiếng Mỹ là số một, sau tiếng mẹ đẻ". Chả là,chứng chỉ B, C ngoại ngữ English (Mỹ) luôn là điều kiện tiên quyết của tốt nghiệp đại học, hoặc nằm trong đơn xin việc bấy lâu nay nhưng chưa được pháp chế hóa.
Nhìn lãnh đạo nhà mình thì  biết. Bác nào lên chức lớn cũng mướn thầy dạy kèm English. Chả có bác nào học tiếng Trung Quốc (mặc dù tư tưởng được đánh giá là thân khựa). Lại còn muốn công du qua sờ giày cụ Harvard nữa chứ! Công khai và hiến pháp hóa tiếng Mỹ như vậy thì khựa tức ách cổ. Biết đâu khựa chuyên gia cọp bi, nhái theo chính sách của Việt nam. Oách! 2- Nho.

2. Chiến thuật "cây hoa màu ngắn ngày":

+ Mở cảng Cam Ranh cho quân đội Mỹ vào thuê. Vừa có tiền tươi lại được hưởng lợi ở các dịch vụ đi kèm. Vô số kể. Tàu hạm đội của Mỹ nằm chành ành ngay đó thì lưỡi bò khựa coi như thụt lại. Biển Đông không còn dậy sóng mà đúng là Thái Bình Dương theo nghĩa bóng lẫn đen. Thuê Mỹ giữ nhà để VN và Cuba tha hồ hú hí khỏi cần thay phiên thức - ngủ. Vừa có tiền lại vừa có quyền. Khựa, you no door, nhé! 3-0.

+ Thả cửa bang giao với Mỹ. Walk -in welcome. Little Saigon không chỉ có một như hiện tại, mà cả chục cái trên toàn nước Mỹ. Lại còn Tiểu Hanoi, Big Cầnthơ mọc lên khắp nơi. Cách xa cả một đại dương vẫn có cảm giác như ở sân nhà. Việt kiều đầu tư  mua đất ở VN được cấp sổ đỏ ngay tại Phước Lộc Thọ. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc không gì so sánh nổi. Hàng hóa Made in Vietnam đè bẹp thương hiệu Made in China. Khựa lép vế. Thua 4 bàn đếu gỡ được.

Vãi bốn chưởng thế thôi. Khựa là kẻ thù ngàn đời. Còn chưởng dài dài đâu cần chi mà vội vàng gấp gáp!

P/s: Dành cho bác nào kèn Khựa, ko ưa Mỹ nhưng cực kỳ khoái đô-la. Muốn con mình có học bổng ở Harvard.  Thái độ đánh đĩ, đu dây trong bụng khoái chết cha mà còn bày đặt ngoài mặt tinh sạch, ỡm ờ.  Hahaha..

Hiến tặng..

Wednesday, June 8, 2011

Hậu chấn (3)

Thấy ghét thì phải hét lên!

Năm 2003, lần đầu tiên trong đời tôi đi biểu tình. Có khoảng 1.000 người tập trung trước ĐSQ Mỹ ở Hà Nội, với rất nhiều biểu ngữ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tấn công Iraq. Vừa xong tiết học chán ngắt ở giảng đường tôi vội về nhà để vẽ biểu ngữ trên cái bìa giấy cứng, nội dung có hai câu "Hãy để những người lính trở về nhà!" và "Không giết hại thường dân vô tội". Dĩ nhiên chiến tranh vẫn xảy ra, mặc dù tôi cũng không thích chế độ độc tài của Saddam, nhưng đã có hàng nghìn người lính và người dân vô tội đã chết trong cuộc chiến tranh này. Một người bạn của tôi bảo "500 người Iraq chết cũng không bằng sứt một mẩu nhỏ ở đầu ngón tay!". Hiểu ở một góc độ nào đó, anh ta có vẻ đúng. Tôi chả biết nước Iraq thế nào, tôi chả biết người Iraq ra sao, nhưng tôi thấy ghét chiến tranh, tôi không thích khi thấy trên truyền thông có nhiều hình ảnh phụ nữ và trẻ em chết nhiều như thế.


Tôi đi, vì tôi yêu hòa bình. Có được không?!


Bốn năm sau, tôi xuống đường đi biểu tình lần thứ hai trong đời. Đó là những ngày mùa đông năm 2007. Trung quốc tuyên bố thành lập Tam Sa và thè ra cái lưỡi bò muốn liếm hết biển Đông. Mặn phết đấy. Sự việc này đã dấy lên bức xúc của người Việt Nam, và một phong trào chống tàu khựa nổi lên trên mạng Internet và đặc biệt đã thông qua trang mạng xã hội khi ấy là Blog Yahoo 360 để biến thành lời kêu gọi tuần hành biểu tình để phản đối. Số người tham gia cũng phải tới con số nghìn người, với một màu đỏ rực của sắc áo và cờ sao vàng. Năm ấy có rất nhiều biểu ngữ, có rất nhiều hình ảnh đẹp mà bây giờ có thể xem lại trên mạng. Có lẽ đã bao nhiêu năm rồi Việt Nam mới có một cuộc biểu tình như thế. Không những ở trong nước là Hà Nội và Sài Gòn mà biểu tình đã đồng loạt nổ ra tại nhiều nước khác như Mỹ, Pháp, Anh, Ba Lan,... Lần ấy an ninh VN ra tay khắc nghiệt, từ những rùi cui ngay tại cuộc biểu tình cho đến một loạt các trấn áp sau đó. Rất nhiều người đã bị bắt và còn bị gây khó khăn đến tận bây giờ.


Này, yêu nước có phải là một cái tội không?!


Lại đúng sau bốn năm, với sự kiện ngày 5/6/2011 vừa qua tôi xuống đường để đi biểu tình lần thứ ba trong đời. Nhưng lần này cảm giác và suy nghĩ của tôi có nhiều khác biệt. Lời kêu gọi trên mạng có trước đấy một tuần nhưng xem ra tôi hơi dửng dưng. Tôi nhớ lại thời kỳ của năm 2003, với một sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi nhớ lại thời kỳ của năm 2007 với biểu hiện trong sáng rồi bị dập vùi. Còn bây giờ, tôi cũng như nhiều người khác, ngồi nhìn lời kêu gọi trên màn hình máy tính, trong lòng không gợn sóng. Người ta gọi như vậy là trưởng thành ư?! Sự hiểu biết ít hay nhiều của con người không phụ thuộc vào thời gian mà họ sống, còn cảm nhận - có người cả đời cũng không thể hình thành.
Tôi ủng hộ những người xuống đường, và tôi không có ý kiến với những người im lặng. Nhưng tôi thích và muốn lên tiếng với những người phản đối.


- Xúi giục, lôi kéo, kích động ư? Hãy nói những điều đó với bọn trẻ con nếu bạn muốn lừa chúng. Tôi coi cả những người đã sống lâu mà thiếu hiểu biết cũng là trẻ con.
- Đây là việc riêng của Nhà nước ư? Nhà nước là một dạng chính thể, được sinh ra để làm công tác quản lý. Còn "Tổ Quốc" nó thuộc về Nhân Dân.


Nhổ toẹt sự thật ra, thì tại sao chính quyền lại cấm đoán biểu tình đến vậy? Làm cho các đồng chí tàu khựa mất lòng là một điều nhỏ thôi. Điều sâu kín mà người ta sợ nhất đó chính là "thói quen" sẽ hình thành trong dân chúng. Ở các nước văn minh, người ta có thể xuống đường để phản đối một chính sách nào đó của chính phủ mà họ thấy không hợp lý hợp tình. Đó là một cư xử rất có tính xây dựng chứ không phải phá hoại. Bởi khi có sự tương tác giữa các bên có liên quan về quyền lợi và nghĩa vụ thì kết quả bao giờ cũng tốt hơn. Đó là một câu chuyện khá dài về dân chủ.


Nhưng năm nay tôi cho rằng chính quyền cũng không muốn cấm hẳn, hoặc là không thể làm rắn hơn. Bởi sự phản ứng của chính quyền VN lần này khác hẳn với năm 2007. Báo chí đã được đưa tin về các xung đột, thậm chí còn cho giật tít với khẩu khí rất mạnh. Xem ra, đó cũng là một bước tiến đáng khen rồi. Dĩ nhiên, thế trận ngoại giao quá nhiều lắt léo, trên bàn hội nghị Shangri-la ở Singapore thì tướng Thanh, tướng Vịnh cương nhu cũng được dễ hơn khi ở hậu phương một số báo chí hàng đầu VN đã được phép "chiến đấu", và hai cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn được diễn ra dù luôn trong tình trạng được kiểm soát mức độ. Hãy cứ tạm coi mình như một con cờ để họ sử dụng đi, trong trường hợp mà quyền lợi của bạn đang nằm trong đấy thì sao phải nghĩ! Nếu chính quyền muốn cấm đưa tin, dẹp biểu tình có được không? Ơ hay, chuyện đó với những người cộng sản dễ như trở bàn tay!


Biểu tình có thể nguy hiểm. Không phủ nhận điều này. Nhưng biểu tình cần diễn ra. Nó có ích lợi cả trước mắt và lâu dài. Hai cuộc biểu tình vừa qua đã diễn ra quá ôn hòa, thật may mắn vì điều này. Đừng có nghĩ rằng ai cũng có điều kiện ngồi trước máy tính truy cập mạng và đọc các nguồn thông tin nhiều chiều để có thể biết đến sự thật. Nhiều người VN hoàn toàn còn chưa biết Hoàng Sa đã mất vào tay tàu khựa từ năm 1974. Các mốc biên giới trên bộ đã chịu thiệt thòi và lãnh hải hiện nay đang bị xâm phạm thế nào.


Biểu tình có đòi lại được đảo không? Trước mắt thì là không. Vậy biểu tình làm cái đếu giề? Đến đây thì tôi không muốn trả lời nữa.


Đêm trước ngày biểu tình, tôi ngồi với vài người bạn và anh bạn Tie Suc có hài hước rằng "nhiều người vốn cũng có tí hay ho trên mạng có nói rằng, yêu nước bây giờ là đi xe ra phố không được bấm còi!". Đúng đấy, việc đáng làm như thế thì yêu nước rồi còn gì. Và còn nhiều việc khác phải làm nữa, như học giỏi này, kiếm tiền này để xây dựng nước nhà vững mạnh, quân đội hoành tráng (!!!). Nhưng đó là những việc bạn nên làm cả đời, còn biểu tình, nó là việc của một thời điểm. Nữ nhà thơ Dạ Thảo Phương đưa con trai của mình cùng đi biểu tình, trong bài viết của chị, tôi thích một ý nhất, đó là dạy cho con biết phản ứng về một hành động xấu. Bạn đồng nghiệp Codet Hanoi của tôi thì nói rằng "cũng chẳng hay ho gì cái chuyện diễu hành trên phố, nhưng đi thì cứ đi thôi!". Vâng, đi thì cứ đi thôi, ở nhà thì cứ ở nhà thôi. Đâu có ai ép buộc, lôi kéo, xúi giục!


Kích động thì có đấy! Những ngư dân VN bị tàu lạ khựa bựa chèn ép, cấm đoán, thậm chí đã cướp tài sản rồi hành hạ trong suốt thời gian dài vừa qua. Họ có lí do để nổi giận! Họ có lí do để phản kháng. Còn chúng ta phải đợi tàu khựa sọc lưỡi lê vào nồi cơm của mình mới lên tiếng hay sao?!


Vâng, tất cả bọn tôi đã ăn cơm nhà rồi đi vác tù và hàng tổng!
Vâng, chúng tôi thừa thời gian, thừa cơm, hão huyền, lắm chyện, rách việc...!
Ờ, thì thế đếu nào chả được!


Thế khi tàu khựa tấn công thì những người biểu tình, những người "nói to nói nhỏ" yêu nước có cầm súng ra trận không? Xin đừng hỏi mãi nhưng câu ngây thơ như thế nữa được không? Ơ hay tôi đang hỏi anh mà?! Dạ vâng, thế iem xin giả nhời: Ở một đất nước có quân đội thì nghĩa vụ của họ là bảo vệ tổ quốc cả trong thời bình và khi có chiến tranh. Họ được nhân dân bỏ tiền ra nuôi để làm việc ấy. Trong thời bình thì chỉ cần quân đội đủ thị uy, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì tổng động viên tất cả phải ra chiến trường. Quyết định vậy đi nhé! Súng kề vào đầu thì không muốn cũng phải đi! Trừ khi có tiền có quyền vượt biên về miền cực lạc!


Chiến tranh đau thương lắm, có biết không hả?!! Đừng bao giờ hỏi những câu hiển nhiên như thế nữa.
Chính quyền từng đánh đồng "yêu nước" là "phản động" qua những lần biểu tình lần trước. Nhưng một số bạn trên mạng cũng đừng có ngây thơ lải nhải "biểu tình" là "muốn chiến tranh". Chiến tranh không dễ xảy ra đến thế. Nó không phải muốn mà được, không phải tránh mà dễ thoát.


Mỗi người có cách biểu hiện của riêng mình. Chưa nói đến yêu nước hay không. Chỉ nhân có cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc này tôi muốn nói dài dòng như rứa chỉ bởi đã đọc những lời lẽ khiến tôi muốn nhếch mép.


Bốn năm sau cuộc biểu tình năm 2007, người ta vẫn còn nhắc đến nó. Nhiều năm sau cuộc biểu tình năm 2011 người ta sẽ còn nhắc đến. Xuống đường sát cánh với nhau hay can ngăn phản đối đều đã đi vào lịch sử theo những cách khác nhau. Tôi chưa thấy một ai sau khi đi biểu tình về nói lời hối tiếc. Đã ba lần tôi xuống đường và chưa một giây phút nào tôi phải ân hận vì điều đó.


Người VN yêu bóng đá lắm, ngồi trong sân vận động quốc gia giữa 40.000 người là một biển màu cờ sắc áo hò hét cổ vũ cho đội tuyển thân yêu. Rồi khi chiến thắng là đổ ra tràn ngập phố phường! Những cảm giác đó sướng lắm.


Bạn không cần phải hô khẩu hiệu, không cần phải mặc áo cờ đỏ sao vàng. Cứ mặc đồ bình thường thôi nếu bạn muốn thế, cứ im lặng đi giữa mấy trăm người thôi nếu bạn muốn thế, nhưng bạn sẽ vẫn có cảm giác khác lắm. Xung quanh bạn có những người già, người trẻ, con trai con gái,... họ hát quốc ca, họ lên tiếng phản đối những hành động xấu, họ đấu tranh cho hiện tại và tương lai của chính họ, gia đình họ và đồng bào của họ.


Thấy ghét thì phải hét lên, cảm giác đó cũng sướng lắm!

 Nguồn: Facebook của Dino Trung

Cảm ơn bài viết của Dino. Người Việt nam cần phải có thói quen mở miệng thẳng thắn như thế này để bớt đi cái tính xấu hay càm ràm và nói xấu sau lưng. Mở miệng thì sẽ mở được lòng và ắt là sẽ có mở mắt.

Đừng khóc. Hãy hét lên, ôi quê hương yêu dấu!

Monday, June 6, 2011

Phục vụ đồng bào xa tổ quốc(2)

CHÚNG TÔI KHÔNG NGÂY THƠ

Ngày hôm nay, suốt hơn bốn tiếng đồng hồ biểu tình và một tuần trước đó, chúng tôi đã nhận được nhiều lời khuyên răn, nhắc nhở. Có lẽ phải viết cái note này gửi tặng quý vị.
Trước ngày biểu tình, trên nhiều diễn đàn, FB của các cá nhân, FB của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều người khuyên răn không nên biểu tình. Họ cho rằng đó là lời xúi giục của Việt Tân. Dạ xin thưa, ở xứ này, hiếm hoi lắm trên báo chí mới thấy từ “Việt Tân”, còn hai từ “tàu lạ” thì xuất hiện liên tục. Và chúng tôi xuống đường vì chúng tôi không chấp nhận hành vi xâm lược của Trung Quốc, chủ nhân của những chiếc “tàu lạ” đó. Nhiều anh chị cũng cho rằng chúng tôi bị bọn xấu lợi dụng, kích động. Cảm ơn anh chị đã lo cho chúng tôi. Chắc anh chị nghĩ chúng tôi dễ bị nhồi sọ quá. Mà anh chị cũng quên rằng ngoài cái đầu, chúng tôi còn có trái tim, còn biết xót xa khi nhân dân mình bị bắn chết ngoài biển Đông. Chúng tôi không thể để trái tim mình nguội lạnh bằng cách ngày ngày cầu nguyện: “tiền, chứng khoán, xe hơi, nhà lầu, túi xách, giày dép”.
Khi chúng tôi xuống đường, mấy chị của hội liên hiệp phụ nữ liên tục khuyên răn. “Chuyện đó của nhà nước lo. Mấy em về đi. Biểu tình thì phải do nhà nước tổ chức chứ!” Dạ thưa các chị, cái Thành Đoàn nằm chành ành bên Phạm Ngọc Thạch, nhà Văn hóa Thanh niên cũng nằm kế đó, cách lãnh sự quán Trung Quốc có vài chục bước chân thôi ạ. Bao nhiêu năm qua, đã có lần nào Thành Đoàn tổ chức cho chúng tôi một cuộc biểu tình chưa? Nếu có chăng là treo cờ sau xe, cùng Đàm Vĩnh Hưng làm từ thiện, uống trà xanh không độ thôi. Kiểu biểu tình ấy, chúng tôi xin nhường cho Thành Đoàn. Chúng tôi làm phận sự một công dân, khi thấy kẻ thù xâm lược, chúng tôi phải lên tiếng. Chúng tôi có nhảy qua Singapore làm thay việc của tướng Vĩnh đâu mà quý vị phải lo. Khuyên răn không được thì các chị chuyển sang điều tra coi ai là kẻ cầm đầu cuộc biểu tình này. Với suy nghĩ các chị, hành vi biểu tình vô vụ lợi, nhiều nguy cơ như chúng tôi hẳn phải có lợi lộc gì đó mới đi, hoặc có kẻ nào xúi giục xúi dại thì mới vác xác ra đường. Hồi nào tới giờ, tôi nghĩ các chị bị tẩy não, ai dè các chị còn bị thay máu nữa.
Trên FB của tôi, có bạn khá giàu có, lấy chồng tây, đi xe hơi, ăn cheese cake, uống rượu vang lên than vãn. Biểu tình đã khiến các bạn ấy không đi spa được, không tập gym được, kẹt xe, biểu tình làm ảnh hưởng đến các bạn. Dù bạn nói đùa hay nói thật, tôi cũng thấy shock. Và tôi hiểu ra, với các bạn, ông chồng ngon, cái xe lành, nhà penthouse và rượu vang chất chồng thì cũng khó để các bạn từ bỏ mà xuống đường biểu tình. Và bởi chưng, các bạn tự thấy mình không liên quan gì đến hành vi xâm lược Trung Quốc, ngư trường đánh bắt của ngư dân. Nếu ngày mai Trung Quốc không ở biển Đông nữa mà tràn vô Sài Gòn, các bạn cũng vẫn ấm thân. Các bạn có thể đi Mỹ do gia đình bảo lãnh, đi Châu Âu theo chồng con và tiếp tục cuộc đời cheese cake, rượu vang, gym, massage, spa, chồng tây. Các bạn quên rằng các bạn vẫn ăn cá, ăn nước mắm. Con các bạn ăn cơm ở Việt Nam. Ai trồng lúa, ai bắt cá, ai làm nước mắm cho bạn và con bạn ăn vậy?
Người được “khinh bỉ” nhất trước khi biểu tình có lẽ là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp. Với công văn cấm sinh viên đi biểu tình, nổi nhục này của ông Hiệu trưởng không biết bao giờ mới rửa nổi. Nhưng không sao, ông không lẻ loi. Ở cuộc biểu tình hôm nay, cùng đứng bên ông còn có giảng viên trường ĐH KHXH và NV, cùng vị tướng Hải quân nữa. Những người đáng tuổi cha chú của chúng tôi đứng đó, lặp lại những điều bà Phương Nga đã nói (có khi bà Phương Nga cũng lặp lại của ai đó, tôi đoán vậy). Thưa các thầy, chúng tôi nghe đủ rồi. Các thầy cứ nói, cứ thuyết, rồi được gì? Các thầy sẽ lên chức ư? Hay được khen đã có công giải tán biểu tình? Các thầy ạ, các thầy già rồi, thế cũng đủ cho một đời danh vọng rồi. Tôi không biết ngày đầu tiên cắp sách đi dạy, các thầy đã hứa với lòng mình điều gì? Đào tạo một thế hệ tài đức hay đào tạo một thế hệ hèn nhát? Thầy muốn chúng tôi học Đại học xong, ôm đống kiến thức cũ mèm đó đi làm mướn và cắm cúi làm mướn trọn đời, đừng ngước mặt lên, đừng nhìn xung quanh mình làm gì. Nếu Trung Quốc đến cảng Sài Gòn, chắc thầy vẫn còn ra rả khuyên chúng tôi về đi, họ mới ở cảng Sài Gòn, đã vào Dinh Độc Lập đâu mà sợ. Giờ thì tôi sợ thầy rồi đó!
Sáng nay khi chúng tôi xuống đường, những người từng tham gia biểu tình năm 2007 hoặc bị mời đi uống trà, hoặc bị canh gác. Họ còn phá sóng điện thoại tại khu vực biểu tình. Tôi nghĩ họ sai rồi. Tình yêu nước không truyền qua đường truyền internet hay điện thoại di động. Nó ăn trong máu chúng tôi rồi, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Trần Tiến Dũng, nhà thơ Bùi Chát có bị đuổi ra khỏi Sài Gòn, chúng tôi vẫn xuống đường. Chúng tôi xuống đường vì ông nội tôi từng là cảm tử quân, giờ chỉ có mộ gió. Chúng tôi xuống đường vì xung quanh chúng tôi, ai cũng có cha, chú, ông, bà đổ xương máu cho đất nước này. Chúng tôi xuống đường vì chúng tôi không chấp nhận hành vi ngang ngược của chính phủ Trung Quốc. Cách hành xử hàm hồ của họ có thể thành công ở Trung Quốc nhưng nó chắc chắn bị phản đối ở Việt Nam. Tôi thật nể phục một anh trung niên người miền Trung khi anh ta đặt câu hỏi cho những anh công an: “Nếu chiến tranh xảy ra, ai sẽ là người cầm súng đánh kẻ thù? Chúng tôi hay các anh? Để bảo vệ ai? Bảo vệ con tôi, và con của các anh nữa!”
Cuộc biểu tình sáng nay tan từ trưa cũng nhờ vào phần lớn công lao chia rẽ nội bộ của mấy anh chị Thành Đoàn. Có thể nói dù không lãnh đạo thanh niên đi biểu tình nhưng Thành Đoàn rất xuất sắc trong việc dẫn dắt anh em ra về. Viết đến đây, tôi thấy rùng mình khi nghĩ về một cái vòng lẩn quẩn. Một sinh viên sau khi ra trường, hoặc làm cho Thành Đoàn rồi leo lên chức Bí thư Đoàn và mang theo đống tư duy ấy. Già rồi thì chắc lại ra thuyết phục thanh niên như bác tướng Hải Quân kia. Hoặc là tốt nghiệp xong rồi được giữ lại trường, lại thành ông giảng viên trường Nhân văn hoặc ông Hiệu trưởng trường Công nghiệp.
Ối giời, thế thì tôi còn mong chờ gì ở quý vị nữa!

Nguồn: Facebook của Lan Phương


Cảm ơn Lan Phương và các bạn của Lan Phương, những người đã có mặt trong buổi biểu tình. Thật đáng khâm phục khi các bạn đã dám hành động, dám lên tiếng. Riêng những kẻ coi thường hành động của ngày 05/6/2011, họ cũng không ngây thơ, họ là những kẻ ranh ma không biết hổ thẹn và đáng bị sỉ nhục.

Phục vụ đồng bào xa tổ quốc (1)

BIỂU TÌNH
Lúc 7g30, vài người đứng lẻ tẻ xung quanh khu vực công viên 30-4, nhà thờ Đức Bà. Công an chìm nổi chạy qua chạy về, chỉ đạo tác chiến. Từ nhà thờ Đức Bà, một nhóm người lớn tuổi, hình như là Nguyễn Đình Đầu, Hồ Cương Quyết và vài người nữa xuất hiện. Một chị trung niên, tay cầm cuốn sách Quang Trung Nguyễn Huệ cũng tiến đến. Khoảng vài chục người đi lại sát lãnh sự quán Trung Quốc, công an bắt đầu chặn lại. Hai người lớn tuổi và ông Hồ Cương Quyết (ông này người Pháp hay sao á) bắt đầu tranh luận với công an. “Chúng tôi tỏ thái độ phản đối với chính phủ Trung Quốc, chúng tôi phản đối hành vi xâm lược của họ”. Có một anh công an chìm, mặc thường phục ra điều đình. “Đây là khu vực an ninh, anh chị không được đến”. Họ bắt đầu chặn hàng rào. Một chị chắc là của hội phụ nữ: “Chuyện này để Đảng và nhà nước giải quyết”. Những người biểu tình phản bác: “Chị cứ về với Đảng và nhà nước. Còn chúng tôi phải biểu tình”. Một anh nữa lại ra nằn nỉ: “Các anh chị thông cảm…” “Ô, thông cảm gì hả anh? Thông cảm cho hành vi xâm lược của Trung Quốc à!” Lúc đó, nhiều người từ phía công viên 30-4 tràn qua. Từ trên lầu của lãnh sự quán Trung Quốc, vài ba người ghé xuống nhìn, chụp hình. Đoàn người biểu tình ngước lên hô to: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đoàn người biểu tình đi qua bên kia đường, ngay nhà văn hóa thanh niên và bắt đầu hô to nhiều khẩu hiệu: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” “Không dùng hàng Trung Quốc”… Số người biểu tình tăng lên nhanh chóng. Một anh chừng 50 tuổi sau khi điều đình không được đã nổi cáu, dằn cuốn sách Quang Trung Nguyễn Huệ của chị kia. Cả đám nhào vô, la to: “Sao anh đánh nhân dân? Anh có ăn cơm uống nước của nhân dân không mà anh đánh người ta?” Anh ta lủi đi, sau đó quay lại và xuống giọng: “Mấy anh chị cố gắng trật tự giùm”.
Đoàn người di chuyển qua bên phía Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện lãnh sự quán Trung Quốc và tiếp tục biểu tình. Nhiều người nhập cuộc hơn và họ bắt đầu chặn đường. Số lượng người biểu tình tiếp tục tăng lên. Mọi người hát hò xong thì lại quay đầu, đi vòng qua bên Phạm Ngọc Thạch, xuống Lê Duẩn, qua Pasteur, vòng về lại Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi thỏa chí la hét, họ bắt đầu đi từ Phạm Ngọc Thạch, qua nhà thờ Đức Bà, theo đường Đồng Khởi đi về nhà hát thành phố. Không biết có bao nhiêu người nhưng khi tốp đầu quẹo đến Lê Lợi, trước UBND thành phố thì cái đuôi của đoàn biểu tình vẫn còn ở  nhà thờ Đức Bà.
Đoàn biểu tình đi theo đường Lê Lợi, xuống chợ Bến Thành, qua Trương Định, lại Nguyễn Thị Minh Khai, quẹo Nam Kỳ Khởi Nghĩa vì bị chặn, qua Lê Duẩn, dừng ở lãnh sự quán Mỹ 10p, qua trường Nhân văn, Đinh Tiên Hoàng, quẹo xuống Nguyễn Thị Minh Khai. Hàng rào, công an chìm, thành đoàn, cảnh sát cơ động đứng chặn hết, không cho vào khu vực đối diện lãnh sự quán, cả bên Nguyễn Thị Minh Khai lẫn bên Phạm Ngọc Thạch. Và thế zồi, một bác già già hình như là tướng gì đó bên Hải Quân ra thuyết trình. Dài dòng lắm, các bác muốn biết thì cứ lên youtube, coi chị Phương Nga nói sao là bác í nói vậy đó. Khi hỏi: “Bác có ăn cá hông? Bác có nợ ngư dân Lý Sơn hông?” thì bác hông giả nhời. Nhiều lời la hét vang lên: “Im đi, im đi”, “Kiên nhẫn mấy mươi năm rồi!” Bác bảo chúng ta hy vọng vào tình hữu nghị giữa hai bên, mọi người la lên: "không hy vọng, hãy hành động đi!". Bác í bảo là bộ trưởng quốc phòng ba tàu nói vụ cắt cáp tàu bình minh 2 không phải do Trung Quốc. Mọi người hỏi to: “Tàu lạ là tàu nào? Sao bắn chết ngư dân Quảng Ngãi?”. Mọi người không nghe bác ấy nói nữa. Họ đòi phá hàng rào, kêu đại diện phía Trung Quốc ra điều đình. Hiển nhiên là không ra rồi! Bác í lại nói tiếp, bên thành đoàn rất chi là chăm sóc bác ấy, tranh thủ trà trộn, khuyên nhủ anh em ra về.
Vui nhất vẫn là mấy chị bên hội phụ nữ, ra hỏi chứ em sinh viên trường nào. “Dạ em sinh viên trường ĐH Công nghiệp”. “Ai tổ chức cho tụi em đi biểu tình?” “Dạ thầy hiệu trưởng đó chị!” Chị ấy hiểu hàng, lặng lẽ ra đi.
Bà con phản đối quá, bác Hải quân hai quần kia ra đi, một bác khác xuất hiện. Mọi người hỏi to: “Bác là Trung Quốc hay Việt Nam?” “Tôi là giảng viên trường nhân văn”. Sau đó thì thầy giáo tháo giày vẫn nói như chị Phương Nga, mọi người lại phản đối. Khi hỏi thầy: “Chuyện ngoại giao là của nhà nước, vậy tuổi trẻ phải làm gì? Đứng yên nhìn Trung Quốc xâm lược à?” Thầy bí, hí hí. Thầy vẫn diễn thuyết, rằng chuyện phản đối Trung Quốc của Việt Nam, nhiều nước ủng hộ. “Ai ủng hộ? Cuba hay Triều Tiên hay Miến Điện?” Bác xe ôm cười toe toe: “Cuba ngủ thì Việt Nam thức, chia nhau canh giữ hòa bình”. Mọi người cười ồ lên. Sau đó có một bạn nhào vô, vật ông thầy. Bởi chưng ông thầy nói chúng ta phải bình tĩnh, hành động đúng pháp luật. Bạn kia nói: “Theo điều 69 của hiến pháp năm 1992, chúng em được phép biểu tình!” Mọi người vỗ tay rần rần, phía dưới kêu lên: “Thầy ơi, về học lại môn luật đi thầy!” Ông thầy lại bô bô tiếp, phía dưới có người hát: “Hey, teacher, leave them kids alone!” Mọi người lại cười ồ.
Sau đó thì tùm lum các loại nhóm chia ra. Bạn Alec người Mẽo đang đứng cười phè phè thì bị hai chú công an vô kêu ra: “Sir, please go out!” Và sau đó thì hông thấy bạn í đâu nữa. Từ lúc đứng lại chỗ lãnh sự quán, theo thông tin hành lang thì bên ngoài còn nhiều nhóm khác bị cắt đuôi, không cho vô. Nhóm từ Đà Lạt xuống, Vũng Tàu, Bình Dương lên đều bị cô lập ngoài nhà thờ.
Còn sau đó, qua dân làm báo, người việt đọc giùm đi, mình ko có hình ảnh và ko nắm rõ tình hình sau đó. Nói chung là quành tráng, thắng lợi, ôn hòa, vui vẻ. 
P/s: Note này dành tặng anh em nào bị cắt đuôi, ko tham gia biểu tình, bị giam lỏng ở nhà. Hẹn gặp lại tuần sau.

Nguồn: Facebook của Lan Phương


Ôi, yêu cái tinh thần Việt quá đi!

Sunday, June 5, 2011

Cảm ơn những hạt giống không sợ hãi

Sáng nay online, gặp thằng bạn trên facebook đang update tin tức, hình ảnh cuộc biểu tình sáng chủ nhật ở Saigon. Thấy nó bình yên vô sự, thế là mừng.
Lướt qua một vài trang blog khác, thấy mọi người tường trình về cuộc biểu tình, coi một số hình ảnh mà trong lòng vui mừng quá đỗi. Cảm động trước cái tinh thần yêu nước của tất cả con dân Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại.

Cám ơn tất cả mọi người đã tham gia biểu tình ở Hanoi, Saigon, Los Angeles... và những thành phố khác nữa. Họ là những người Việt Nam yêu nước một cách chân chính, yêu nước không vụ lợi. Xin nghiêng mình cảm ơn các bạn, cảm ơn mọi người.
Họ là những người yêu nước chân chính, không vụ lợi (Photo: Facebook)
Sau cái tin nóng hổi vể biểu tình chống TQ ở Saigon, Hanoi... Ở bên này là buổi sáng Chủ Nhật thì VN đã bước vào đêm. Những tưởng đêm sẽ xuống yên bình sau một ngày nhiệt huyết vì lòng yêu nước. Niềm vui mừng cho thằng bạn mình gặp trên facebook sáng nay chưa kịp hết, đang viết vội vài hàng cám ơn những người biểu tình thì cái tin thằng khác bị bắt giam khiến cho mình hoảng hốt và cảm thấy lo lo.
Lòng yêu nước bị tước đoạt. Đêm không bình yên như mình nghĩ.

Tiếng gõ cửa của lũ âm binh lại khuấy động lòng người. Chúng lại vào từng nhà và bắt người đem đi.

Bị ám ảnh về những hình ảnh về đấu tố, cải cách ruộng đất 1954 ở miền Bắc, thảm sát Mậu Thân - Huế 1968 do hiểu biết qua lịch sử. Rồi tận mắt chứng kiến sự phân ly của nhiều gia đình người Việt sau 1975 ở miền Nam, sự liều mình gạt nước mắt ra đi của nhiều người Việt khác nữa năm 1979, rồi cảm giác thảng thốt cảnh giác giữa đêm khuya thanh vắng khi nghe tiếng chó sủa, tiếng động lạ sau hè nhà...khi cùng nằm bên cạnh ông ba, bên cạnh ông cậu để theo dõi tin tức trên chiếc đài bán dẫn...

Sự sợ hãi được gieo mầm và nảy nở từ những sự việc đó. Một giai đoạn lịch sử không mấy gì sáng sủa, mà nhiều người rất muốn quên đi, vẫn đang còn quay lại thì làm sao yên được? Làm sao nguôi ngoai?

Đã hy vọng rằng sau sự kiện sáng Chủ Nhật ngày 5 tháng Sáu, 2011 và sự kiện xa hơn nữa vào năm 2007 thì người Việt sẽ nhìn vào lịch sử ở một trang khác đẹp hơn, tươi sáng hơn, hào hùng hơn. Liệu có được không khi bóng tối âm binh vẫn trỗi dậy? Lần này, chúng cầm theo lưỡi hái để thu hoạch vụ mùa sau khi gieo mầm sợ hãi bấy lâu nay.

Bùi Chát, Mẹ Nấm, Điếu Cày, Người Buôn Gió, Anhbasg... và nhiều người khác nữa. Hạt giống sợ hãi không thể nảy mầm ở trong họ. Lũ âm binh sẽ không thu hoạch được từ họ một chút gì.

Hạt giống sợ hãi chỉ nảy mầm trong trái tim đớn hèn và nguội lạnh của những kẻ vô lương tri. Còn các anh chị, những người không bao giờ bị khuất phục, không chấp nhận bất kỳ một sự thỏa hiệp nào từ phía những kẻ vị danh, hám lợi.
Hạt giống của lòng dũng cảm, sự không khuất phục của các anh chị sẽ được nảy nở, và là một nguồn khởi động, khích lệ cho những tâm hồn yếu đuối.

Một lần nữa, xin cám ơn các anh chị, cám ơn mọi người, những-hạt-giống-không-sợ-hãi. Cầu nguyện cho các anh chị, và mọi người được bình an.

Saturday, June 4, 2011

Kẻ cắp gặp bà già

Tối hôm qua gọi phone về nhà. Bà già kể chuyện tuần rồi trộm viếng nhà lúc khoảng 2 giờ sáng. Gặp bà già tỉnh ngủ. Nhưng vẫn nằm quan sát xem tụi nó làm gì.

Khi nhập nhà, việc đầu tiên là tụi nó (2 thằng) lo phòng thân, đi mở cửa trước. Sau đó muốn vào phòng của người em dâu và đứa cháu gái để lục lọi nhưng cửa phòng bị lock. Quành trở ra tụi nó tính dắt xe máy. Lúc đó bà già mới la toáng lên. Người nhà thức dậy, bà con hàng xóm chạy qua thì tụi nó đã thoát mất tiêu rồi.

Hỏi có thấy và biết là ai không? Không. Vì tụi nó khi vào nhà đã tắt hết mấy cây đèn ở bàn thờ nên chỉ thấy dáng người chứ không nhìn rõ mặt.

Nghĩ, ở quê thường cửa nẻo rất chi là hời hợt. Người ta sống bởi lòng tin của nhau. Khóa lòng mới đáng ngại chứ khóa cửa thì nhằm nhò gì.

Thấy cảnh nhà đơn chiếc, vắng người nên có những người sanh lòng bất lương mới làm vậy. Lo lo.

But I have a great mom!

Friday, June 3, 2011

She's gone!

Phải nói là tính tương tác của blog rất cao. Tình cờ, theo đường link từ nhà chị Ba Đậu, mình đọc được cái này. Cũng phải hơi vất vả tí mới đọc được hết vì chủ nhà muốn làm khó. Nhưng cũng ok, vì đã được cảnh báo trước rồi.

Đọc. Và lục lọi tất cả những gì đã qua. Tìm đến nhạc.

Có ai thích rock không? Thao thiết vô cùng.



Cái này viết cho mấy anh giống như cái entry mình đã đọc? Hay lăng xê bài hát của Steelheart?

Thôi. Nghe nhạc đi. She's gone.

Lyric:

She's gone,
Out of my life.
I was wrong,
I'm to blame,
I was so untrue.
I can't live without her love.

In my life
There's just an empty space.
All my dreams are lost,
I'm wasting away.
Forgive me, girl.

(Chorus)

Lady, won't you save me?
My heart belongs to you.
Lady, can you forgive me?
For all I've done to you.
Lady, oh, lady.

She's gone,
Out of my life.
Oh, she's gone.
I find it so hard to go on.
I really miss that girl, my love.

Come back into my arms.
I'm so alone,
I'm begging you,
I'm down on my knees.
Forgive me, girl.

(Chorus x2)

Lady, oh, lady.
My heart belongs to you.
Lady, can you forgive me?
For all I've done to you.

Chỉ thiếu mỗi can đảm

Liên tục cả tuần nay, sự kiện đứt cáp thăm dò dầu khí tàu Bình Minh của PetroViệt Nam do tàu hải giám của chính phủ Trung Quốc gây ra đã làm xôn xao dư luận người Việt sống ở khắp nơi trên thế giới. Và sự phẫn nộ của người dân Việt đổ dồn vào phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như chính phủ Việt Nam. Thông tin báo chí, các trang diễn đàn forum, trang mạng xã hội facebook, các trang mạng cá nhân blog... đều đồng loạt lên tiếng phản đối.

Hình:Google
Phía chính phủ Trung Quốc ngang nhiên lên tiếng bảo vệ hành động gây hấn của mình. Theo lời bà Khương Du, phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc cho rằng: "Những gì mà các cơ quan của Trung Quốc thực hiện đều là hoạt động bảo vệ pháp luật trên biển và giám sát hải dương hoàn toàn bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc."
 
Phía lãnh đạo nhà nước Việt Nam thì chỉ bày tỏ sự quan ngại về tình hình Biển Đông. Theo lời bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam cho rằng: "Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông."

Nhớ sự kiện ngư dân Thanh Hóa, Quảng Ngãi đi biển bị tàu Trung Quốc bắt, đảo Trường Sa bị mất, bị đổi tên thành Tam Sa cách đây mấy năm. Người Việt khắp nơi rần rần biểu tình lên tiếng chống đối, thì Chính phủ VN vẫn bình chân như vại. Vẫn chỉ thị cho Bộ Ngoại giao soạn thảo công văn gửi đi và chờ công văn phúc đáp. Bộ Ngoại giao VN vẫn cứ một giọng đều đều: "Việt Nam có đầy đủ chứng cớ để xác định chủ quyền... blah blah blah..."

Và đến lúc này thì cáp đã đứt. Đảo cũng đã bị chiếm từ lâu. Ngư dân Việt Nam không dám ra khơi trên vùng biển quen thuộc của mình bấy lâu nay. Và máu của người dân Việt khắp nơi lại một lần nữa sôi lên sùng sục. Nhưng Chính phủ VN, Bộ Ngoại giao VN vẫn soạn thảo công văn và vẫn một mực muốn trưng bày chứng cớ.

Ừ, Chính phủ VN luôn có đầy đủ chứng cớ. Nhưng chỉ thiếu mỗi một điều, đó là lòng can đảm.

Wednesday, June 1, 2011

Bánh Xèo vùng Davis

  Chưa đi chưa biết Davis
  Đi rồi mới biết là ri đây nè!

1. Davis của Lún đẹp, đất rộng người thưa, và đa phần là cây. Làng nhỏ yên bình và tình cảm.  Bộ dạng của mợ Lún le te. Phóng từ trên nhà xuống bãi đậu xe. Tay ôm phôn nói chỉ đường, tay kia ngoắc ngoắc vẫy vẫy. Chủ khách gặp nhau, hớn hở cười đến ngoác cái mang tai.
Thiệt là áy náy khi đi thăm mà không chuẩn bị quà cáp gì.Nhờ có hộp kẹo của anh Bi mà Bánh Xèo cho mọi người nhiều dolls, nhiều quà tặng lại anh Bi chu đáo của nhà Lan làm kỷ niệm.

2. Bánh Xèo. Bánh Xèo. Vượt hơn 400 miles từ Little Saigon nhiều của ngon vật lạ lên Davis không phải để ăn cái bánh xèo có nhân bằng hotdog của Mr. Hạo. Mà vì nàng này:


Nàng dễ thương, ngoan, hiền, dịu dàng, và chịu khó. Nàng thừa hưởng cái tố chất Huế truyền thống của Bà Nội.
Nàng có đầu óc sáng tạo, khéo tay, yêu nghệ thuật. Nàng được hưởng cái gene nghệ thuật của Bà Ngoại.
Nàng gần gũi, dễ thân thiện, rất hòa đồng bởi nàng có một người cha vui tính và rất hiền lành.
Nàng có phong thái rất tự tin và có ý chí mạnh mẽ bởi bên cạnh nàng có một người mẹ rất ngầu, và rất cá tính.

 
Nàng sẽ có thể là một vận động viên Olimpic về bơi lội của nước Mỹ. Vì hiện tại nàng là một con kình ngư của vùng Davis.
Nàng sẽ có nhiều fan, và tui sẽ là fan trung thành của nàng.


Hey, Bánh Xèo! Chú Gác will always be a loyal fan của Bánh Xèo.

3. Entry này viết lăng xê cho BX kình ngư nhà Lún, quảng cáo cho họa sĩ Bánh Xèo. Vì hiện tại nàng có nhiều clay doll rất đẹp, nhiều ogrigami để bán gây quỹ cho project  của nàng.
Ai muốn gửi gạo nhờ Lún nuôi Bánh Xèo thì đăng ký bi giờ, nhưng trước hết mua products made in Bánh Xèo giùm cái đi. Hehehe..