Wednesday, June 8, 2011

Hậu chấn (3)

Thấy ghét thì phải hét lên!

Năm 2003, lần đầu tiên trong đời tôi đi biểu tình. Có khoảng 1.000 người tập trung trước ĐSQ Mỹ ở Hà Nội, với rất nhiều biểu ngữ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tấn công Iraq. Vừa xong tiết học chán ngắt ở giảng đường tôi vội về nhà để vẽ biểu ngữ trên cái bìa giấy cứng, nội dung có hai câu "Hãy để những người lính trở về nhà!" và "Không giết hại thường dân vô tội". Dĩ nhiên chiến tranh vẫn xảy ra, mặc dù tôi cũng không thích chế độ độc tài của Saddam, nhưng đã có hàng nghìn người lính và người dân vô tội đã chết trong cuộc chiến tranh này. Một người bạn của tôi bảo "500 người Iraq chết cũng không bằng sứt một mẩu nhỏ ở đầu ngón tay!". Hiểu ở một góc độ nào đó, anh ta có vẻ đúng. Tôi chả biết nước Iraq thế nào, tôi chả biết người Iraq ra sao, nhưng tôi thấy ghét chiến tranh, tôi không thích khi thấy trên truyền thông có nhiều hình ảnh phụ nữ và trẻ em chết nhiều như thế.


Tôi đi, vì tôi yêu hòa bình. Có được không?!


Bốn năm sau, tôi xuống đường đi biểu tình lần thứ hai trong đời. Đó là những ngày mùa đông năm 2007. Trung quốc tuyên bố thành lập Tam Sa và thè ra cái lưỡi bò muốn liếm hết biển Đông. Mặn phết đấy. Sự việc này đã dấy lên bức xúc của người Việt Nam, và một phong trào chống tàu khựa nổi lên trên mạng Internet và đặc biệt đã thông qua trang mạng xã hội khi ấy là Blog Yahoo 360 để biến thành lời kêu gọi tuần hành biểu tình để phản đối. Số người tham gia cũng phải tới con số nghìn người, với một màu đỏ rực của sắc áo và cờ sao vàng. Năm ấy có rất nhiều biểu ngữ, có rất nhiều hình ảnh đẹp mà bây giờ có thể xem lại trên mạng. Có lẽ đã bao nhiêu năm rồi Việt Nam mới có một cuộc biểu tình như thế. Không những ở trong nước là Hà Nội và Sài Gòn mà biểu tình đã đồng loạt nổ ra tại nhiều nước khác như Mỹ, Pháp, Anh, Ba Lan,... Lần ấy an ninh VN ra tay khắc nghiệt, từ những rùi cui ngay tại cuộc biểu tình cho đến một loạt các trấn áp sau đó. Rất nhiều người đã bị bắt và còn bị gây khó khăn đến tận bây giờ.


Này, yêu nước có phải là một cái tội không?!


Lại đúng sau bốn năm, với sự kiện ngày 5/6/2011 vừa qua tôi xuống đường để đi biểu tình lần thứ ba trong đời. Nhưng lần này cảm giác và suy nghĩ của tôi có nhiều khác biệt. Lời kêu gọi trên mạng có trước đấy một tuần nhưng xem ra tôi hơi dửng dưng. Tôi nhớ lại thời kỳ của năm 2003, với một sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi nhớ lại thời kỳ của năm 2007 với biểu hiện trong sáng rồi bị dập vùi. Còn bây giờ, tôi cũng như nhiều người khác, ngồi nhìn lời kêu gọi trên màn hình máy tính, trong lòng không gợn sóng. Người ta gọi như vậy là trưởng thành ư?! Sự hiểu biết ít hay nhiều của con người không phụ thuộc vào thời gian mà họ sống, còn cảm nhận - có người cả đời cũng không thể hình thành.
Tôi ủng hộ những người xuống đường, và tôi không có ý kiến với những người im lặng. Nhưng tôi thích và muốn lên tiếng với những người phản đối.


- Xúi giục, lôi kéo, kích động ư? Hãy nói những điều đó với bọn trẻ con nếu bạn muốn lừa chúng. Tôi coi cả những người đã sống lâu mà thiếu hiểu biết cũng là trẻ con.
- Đây là việc riêng của Nhà nước ư? Nhà nước là một dạng chính thể, được sinh ra để làm công tác quản lý. Còn "Tổ Quốc" nó thuộc về Nhân Dân.


Nhổ toẹt sự thật ra, thì tại sao chính quyền lại cấm đoán biểu tình đến vậy? Làm cho các đồng chí tàu khựa mất lòng là một điều nhỏ thôi. Điều sâu kín mà người ta sợ nhất đó chính là "thói quen" sẽ hình thành trong dân chúng. Ở các nước văn minh, người ta có thể xuống đường để phản đối một chính sách nào đó của chính phủ mà họ thấy không hợp lý hợp tình. Đó là một cư xử rất có tính xây dựng chứ không phải phá hoại. Bởi khi có sự tương tác giữa các bên có liên quan về quyền lợi và nghĩa vụ thì kết quả bao giờ cũng tốt hơn. Đó là một câu chuyện khá dài về dân chủ.


Nhưng năm nay tôi cho rằng chính quyền cũng không muốn cấm hẳn, hoặc là không thể làm rắn hơn. Bởi sự phản ứng của chính quyền VN lần này khác hẳn với năm 2007. Báo chí đã được đưa tin về các xung đột, thậm chí còn cho giật tít với khẩu khí rất mạnh. Xem ra, đó cũng là một bước tiến đáng khen rồi. Dĩ nhiên, thế trận ngoại giao quá nhiều lắt léo, trên bàn hội nghị Shangri-la ở Singapore thì tướng Thanh, tướng Vịnh cương nhu cũng được dễ hơn khi ở hậu phương một số báo chí hàng đầu VN đã được phép "chiến đấu", và hai cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn được diễn ra dù luôn trong tình trạng được kiểm soát mức độ. Hãy cứ tạm coi mình như một con cờ để họ sử dụng đi, trong trường hợp mà quyền lợi của bạn đang nằm trong đấy thì sao phải nghĩ! Nếu chính quyền muốn cấm đưa tin, dẹp biểu tình có được không? Ơ hay, chuyện đó với những người cộng sản dễ như trở bàn tay!


Biểu tình có thể nguy hiểm. Không phủ nhận điều này. Nhưng biểu tình cần diễn ra. Nó có ích lợi cả trước mắt và lâu dài. Hai cuộc biểu tình vừa qua đã diễn ra quá ôn hòa, thật may mắn vì điều này. Đừng có nghĩ rằng ai cũng có điều kiện ngồi trước máy tính truy cập mạng và đọc các nguồn thông tin nhiều chiều để có thể biết đến sự thật. Nhiều người VN hoàn toàn còn chưa biết Hoàng Sa đã mất vào tay tàu khựa từ năm 1974. Các mốc biên giới trên bộ đã chịu thiệt thòi và lãnh hải hiện nay đang bị xâm phạm thế nào.


Biểu tình có đòi lại được đảo không? Trước mắt thì là không. Vậy biểu tình làm cái đếu giề? Đến đây thì tôi không muốn trả lời nữa.


Đêm trước ngày biểu tình, tôi ngồi với vài người bạn và anh bạn Tie Suc có hài hước rằng "nhiều người vốn cũng có tí hay ho trên mạng có nói rằng, yêu nước bây giờ là đi xe ra phố không được bấm còi!". Đúng đấy, việc đáng làm như thế thì yêu nước rồi còn gì. Và còn nhiều việc khác phải làm nữa, như học giỏi này, kiếm tiền này để xây dựng nước nhà vững mạnh, quân đội hoành tráng (!!!). Nhưng đó là những việc bạn nên làm cả đời, còn biểu tình, nó là việc của một thời điểm. Nữ nhà thơ Dạ Thảo Phương đưa con trai của mình cùng đi biểu tình, trong bài viết của chị, tôi thích một ý nhất, đó là dạy cho con biết phản ứng về một hành động xấu. Bạn đồng nghiệp Codet Hanoi của tôi thì nói rằng "cũng chẳng hay ho gì cái chuyện diễu hành trên phố, nhưng đi thì cứ đi thôi!". Vâng, đi thì cứ đi thôi, ở nhà thì cứ ở nhà thôi. Đâu có ai ép buộc, lôi kéo, xúi giục!


Kích động thì có đấy! Những ngư dân VN bị tàu lạ khựa bựa chèn ép, cấm đoán, thậm chí đã cướp tài sản rồi hành hạ trong suốt thời gian dài vừa qua. Họ có lí do để nổi giận! Họ có lí do để phản kháng. Còn chúng ta phải đợi tàu khựa sọc lưỡi lê vào nồi cơm của mình mới lên tiếng hay sao?!


Vâng, tất cả bọn tôi đã ăn cơm nhà rồi đi vác tù và hàng tổng!
Vâng, chúng tôi thừa thời gian, thừa cơm, hão huyền, lắm chyện, rách việc...!
Ờ, thì thế đếu nào chả được!


Thế khi tàu khựa tấn công thì những người biểu tình, những người "nói to nói nhỏ" yêu nước có cầm súng ra trận không? Xin đừng hỏi mãi nhưng câu ngây thơ như thế nữa được không? Ơ hay tôi đang hỏi anh mà?! Dạ vâng, thế iem xin giả nhời: Ở một đất nước có quân đội thì nghĩa vụ của họ là bảo vệ tổ quốc cả trong thời bình và khi có chiến tranh. Họ được nhân dân bỏ tiền ra nuôi để làm việc ấy. Trong thời bình thì chỉ cần quân đội đủ thị uy, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì tổng động viên tất cả phải ra chiến trường. Quyết định vậy đi nhé! Súng kề vào đầu thì không muốn cũng phải đi! Trừ khi có tiền có quyền vượt biên về miền cực lạc!


Chiến tranh đau thương lắm, có biết không hả?!! Đừng bao giờ hỏi những câu hiển nhiên như thế nữa.
Chính quyền từng đánh đồng "yêu nước" là "phản động" qua những lần biểu tình lần trước. Nhưng một số bạn trên mạng cũng đừng có ngây thơ lải nhải "biểu tình" là "muốn chiến tranh". Chiến tranh không dễ xảy ra đến thế. Nó không phải muốn mà được, không phải tránh mà dễ thoát.


Mỗi người có cách biểu hiện của riêng mình. Chưa nói đến yêu nước hay không. Chỉ nhân có cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc này tôi muốn nói dài dòng như rứa chỉ bởi đã đọc những lời lẽ khiến tôi muốn nhếch mép.


Bốn năm sau cuộc biểu tình năm 2007, người ta vẫn còn nhắc đến nó. Nhiều năm sau cuộc biểu tình năm 2011 người ta sẽ còn nhắc đến. Xuống đường sát cánh với nhau hay can ngăn phản đối đều đã đi vào lịch sử theo những cách khác nhau. Tôi chưa thấy một ai sau khi đi biểu tình về nói lời hối tiếc. Đã ba lần tôi xuống đường và chưa một giây phút nào tôi phải ân hận vì điều đó.


Người VN yêu bóng đá lắm, ngồi trong sân vận động quốc gia giữa 40.000 người là một biển màu cờ sắc áo hò hét cổ vũ cho đội tuyển thân yêu. Rồi khi chiến thắng là đổ ra tràn ngập phố phường! Những cảm giác đó sướng lắm.


Bạn không cần phải hô khẩu hiệu, không cần phải mặc áo cờ đỏ sao vàng. Cứ mặc đồ bình thường thôi nếu bạn muốn thế, cứ im lặng đi giữa mấy trăm người thôi nếu bạn muốn thế, nhưng bạn sẽ vẫn có cảm giác khác lắm. Xung quanh bạn có những người già, người trẻ, con trai con gái,... họ hát quốc ca, họ lên tiếng phản đối những hành động xấu, họ đấu tranh cho hiện tại và tương lai của chính họ, gia đình họ và đồng bào của họ.


Thấy ghét thì phải hét lên, cảm giác đó cũng sướng lắm!

 Nguồn: Facebook của Dino Trung

Cảm ơn bài viết của Dino. Người Việt nam cần phải có thói quen mở miệng thẳng thắn như thế này để bớt đi cái tính xấu hay càm ràm và nói xấu sau lưng. Mở miệng thì sẽ mở được lòng và ắt là sẽ có mở mắt.

Đừng khóc. Hãy hét lên, ôi quê hương yêu dấu!

3 comments:

  1. dạo này bác Gác tòn post bài của người ta.
    Nhưng ai "Thấy ghét thì phải hét lên" thi join "Yelling Clinic " của bạn Lùn Ghẻ đê.
    Hét lên cũng là một cách trị liệu á. "cảm giác đó cũng sướng lắm".

    ReplyDelete
  2. Mợ Lún bình tĩnh nào. Đang trong lúc ở nhà "hỏa bốc" như thế này mà mình ở đấy đứng bứt ngọn lá, hỏi cành cây: yêu chưa? chưa yêu? hoặc ngớ ngẩn hỏi con cá mày có biết nói không? thì ối! ối! đây em chã!!! Hêhêhê..

    ReplyDelete
  3. bai viet rat hay.. "me like me like"

    ReplyDelete