Monday, December 24, 2012

Truyện cổ Andersen

Có lẽ, trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn câu chuyện được kể trong mùa Giáng sinh, mỗi người đều có một câu chuyện cho riêng mình. Với tôi, câu chuyện "Cô bé bán diêm" trong cuốn "Truyện cổ Andersen" được đọc từ hồi nhỏ là một câu chuyện gây ấn tượng và luôn làm cho tôi nhớ mãi.

Ấn tượng vì có lẽ là câu chuyện liên quan trong mùa Giáng sinh mà mình được đọc, được biết lần đầu tiên.
Ấn tượng vì đồng cảm về cái đói, cái rét của cô bé trong truyện cũng cùng cảnh ngộ khổ cực như tuổi thơ hồi xưa của những đứa trẻ như mình.
Ấn tượng vì những hình ảnh tia lửa của cây diêm mà cô bé dùng sưởi ấm cho mình để chống lại sự hung dữ của đêm đông giá lạnh. 
Ấn tượng vì mỗi ánh lửa yếu ớt của que diêm là một niềm hy vọng nhỏ nhoi được lóe lên. Cô bé được ăn ngỗng quay, được ôm ấp trong vòng tay của bà mình và được ở trong một ngôi nhà ấm cúng.

Rồi cô bé nằm chết lạnh bên đường. Và có lẽ cái kết đó làm cho tôi nhớ mãi.

Hình như câu chuyện Giáng sinh nào cũng cảm động và mang một chút âm hưởng buồn buồn.
Giáng sinh êm ấm tươi vui, nhưng lại nhớ đến những câu chuyện như vầy, xem đây như là một chút chia sẻ đến với những ai đang còn gặp những nỗi niềm và sự bất hạnh.

Xin cầu chúc cho nhau bình an!

Saturday, December 22, 2012

Lincoln


Viết sách, làm phim tiểu sử về một con người, đôi khi không cần thiết phải tràng giang đại hải. Chỉ cần làm sao cho hấp dẫn về một thời điểm, một việc làm... cũng đủ để khiến mọi người phải tìm giở lại những trang lịch sử để kiếm tìm sự ngưỡng mộ về con người đó.
Phim Lincoln của đạo diễn Steven Spielberg là một dạng như vậy. Nó là một món quà có nhiều giá trị ý nghĩa dành tặng cho mọi người nhân mùa lễ Tạ ơn.

Trong lịch sử nước Mỹ có những nhà lãnh đạo vĩ đại bởi vì họ biết tạo ra những khoảnh khắc vĩ đại. Mọi công dân Mỹ có thể hãnh diện bởi những điều này, nhưng có lẽ may mắn hơn, hạnh phúc hơn nếu những công dân nào được chứng kiến hoặc trải nghiệm cảm xúc của mình vào thời khắc lịch sử tuyệt vời đó.
Phim Lincoln như tái tạo cảm xúc đó cho bạn ngay trong thời hiện tại. Chỉ bằng những khuôn hình trên màn ảnh, người xem như được sống lại vào giai đoạn lịch sử trọng đại cách đây gần 150 năm - nước Mỹ vào năm 1865 dưới thời Tổng thống Lincoln.

Phim về Tổng thống Lincoln nhưng hoàn toàn không phải là phim nói về toàn bộ tiểu sử của Tổng thống Lincoln, phim đơn giản mô tả một chi tiết rất nhỏ trong đời sống chính trị của ông. Bên cạnh những câu chuyện nhỏ liên quan đến cuộc đời của TT Lincoln được nhà kịch bản Tony Kushner và đạo diễn Steven Spielberg đưa vào, bộ phim như là một lát "ham" được cắt rất mỏng trong bề dày lịch sử chính trị của nước Mỹ. Phim Lincoln không chỉ mang lại giá trị thưởng thức mà còn có yếu tố đằng sau của phim là những chiêm nghiệm thực sự.  Trong phim thấy được một Lincoln thông tuệ, lỗi lạc nhưng hết sức bình dị, không xa cách như phong cách thường thấy của kẻ có quyền lực ở nhiều người.

Lincoln là một Tổng thống vĩ đại, sự vĩ đại của ông được khẳng định qua tài năng lãnh đạo của một chính trị gia xuất chúng. Ông nổi tiếng bởi những bài diễn văn với ngôn từ hết sức hùng hồn, những lời lẽ đầy tính thuyết phục... mà nhiều người đã được đọc, hoặc đã từng nghe đâu đó một đôi lần. Đó là những di sản quý giá của Hoa Kỳ. Tổng thống Lincoln là một biểu tượng đầy tự hào của người dân nước Mỹ.

Lincoln tái đắc cử vào thời điểm nước Mỹ rơi vào cuộc nội chiến Bắc Nam kéo dài đã 4 năm bởi sự bất đồng về chế độ nô lệ, điều này làm cho chính trị đảng phái của nước Mỹ vốn đã bị phân hóa trong lưỡng viện quốc hội bấy lâu, nay có thể là nguyên nhân trực tiếp đẩy nước Mỹ rơi vào nguy cơ của sự chia rẽ.

Vậy thì, làm thế nào để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng về chiến tranh? Chấp nhận thỏa hiệp với các bang miền Nam để "cứu" nước Mỹ thoát khỏi tình trạng ly khai và bản thân mình được tại vị yên bề? Hay vẫn tiếp tục theo đuổi một cách cương quyết chính sách bãi bỏ nô lệ mà chấp nhận hy sinh và nhiều mất mát?

Máu đổ ngoài sa trường, hàng vạn người của cả hai phía Bắc Nam đang ngã xuống. Nội chiến kịch liệt xảy ra trong quốc hội, bãi bỏ nô lệ hay không cần thiết phải giải phóng con người?

Xem phim, thấy được tài năng diễn xuất và hóa thân tài tình của nam diễn viên nổi-tiếng-kén-chọn-kịch-bản-và-vai-diễn là Daniel Day-Lewis.
Một Lincoln trầm mặc, u uẩn, lênh khênh cao nhưng hết sức quyết đoán với gương mặt vuông đầy cương nghị, một tổng thống gây nhiều ấn tượng bởi chiếc cầm bạnh.
Một Lincoln có nhiều mẩu chuyện hay, kể cho những chú lính trẻ nghe về nhà toán học thời xưa đã tìm ra định lý toán học về sự giống nhau trong những tam giác đồng dạng.
Một Lincoln lúc trẻ tuổi đã sớm nhận thức về sự thờ ơ là điều không đúng đắn. Ông thấy rằng cha mình mặc dù không đồng ý chế độ nô lệ nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, tìm cách chuyển gia đình qua những vùng khác để sinh sống, là một hành động sai lầm.

Con người giống nhau, cần phải được xem họ có những tính chất như nhau. Ví dụ đơn giản như những tam giác đồng dạng của nhà toán học cổ đại.
Một khi nhận thức được điều gì sai lầm, phải bày tỏ thái độ, hoặc có thể là hành động, đừng vì sự an lành, sợ hãi mang tiếng xấu cho bản thân mà mình lãnh đạm thờ ơ. Bởi, đức hy sinh là điều cần thiết.

Nước Mỹ vốn tạo ra nhiều tiêu chuẩn chỉ để dành cho bản thân họ riêng dùng, những "American Standard" thật không giống ai nhưng khi tìm hiểu cũng có nhiều thú vị. Sinh hoạt chính trị ở Mỹ là một dạng tiêu chuẩn như vậy. Một đoạn phim trong phim Lincoln dựng lại cảnh tranh luận ở hạ viện quốc hội Mỹ thời bấy giờ. Giá trị lịch sử mặc dù đã cũ nhưng khi xem vẫn thấy vô cùng hào hứng.
Quốc hội Mỹ không chỉ đơn giản là "tụi Cộng hòa bảo thủ" hoặc "đám lừa Dân chủ ngu ngơ" suốt ngày ra rả công kích nhau, mà đó là một khối thống nhất đầy năng lượng mỗi khi quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tổng thống Lincoln và những người trong đảng Cộng hòa đấu tranh cho việc bãi bỏ nô lệ, họ không chỉ giải phóng cho 4 triệu người da đen của thời xưa. Mà họ đã giải phóng cho cả hàng trăm năm mai hậu.

Tổng thống Lincoln đã để lại cho nước Mỹ một di sản, một giá trị vĩ đại. Di sản đó không chỉ đơn giản là điều luật thứ 13 được bổ sung trong hiến pháp, giải phóng nô lệ, mà nhìn kỹ, rõ và sâu xa hơn rằng, con người không còn bị phân biệt, điều này làm nên sức mạnh của nước Mỹ. Sức mạnh về sự hợp nhất lòng người đã tạo ra sự vĩ đại và làm nên những giá trị của nước Mỹ ngày nay.

Phim khởi đầu đã lâu, bắt đầu từ mùa lễ Thanksgiving, hiện tại lác đác vẫn đang còn trình chiếu. Mời quý vị tìm xem phim này (vẫn còn kịp), rồi tự bình chọn trước khi phim được giải Oscar.

Friday, December 14, 2012

Cầu nguyện cho những thiên thần


Thảm kịch cuối năm đã đến với thị trấn Newtown, bang Connecticut. 20 trẻ em bị bắn chết bởi một "thằng điên". Vì hoàn toàn không ai biết bởi lý do gì, hung thủ giết chết mẹ mình tại nhà, xách súng đến trường tiểu học Sandy Hook - nơi mẹ mình dạy học, xả súng loạn xạ vào hai lớp học, rồi tự sát.

Thật bàng hoàng khi nghe tin này, đặc biệt các vị phụ huynh có con em cùng độ tuổi tiểu học.

Nước Mỹ để tang năm ngày. Treo cờ rũ.

Mùa Giáng sinh đang đến với Newtown không quà tặng mà có quá nhiều mất mát.

Xin cầu nguyện cho những thiên thần. Cầu nguyện cho Newtown.

Tuesday, November 6, 2012

Thank you Ohio!


Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau khi đã biết thắng 18 phiếu đại cử tri ở tiểu bang Ohio và tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ.
Thank you Ohio của chị Hằng ! :)

Người dân Mỹ có thể tự hào về Tổng thống của họ, nhưng vượt lên trên hết, người Mỹ tự hào về lá phiếu mà họ đã bầu, quyền bầu cử của họ được tôn trọng và được sử dụng có ý nghĩa.

Bầu cử xứ Mỹ hấp dẫn dã man (lời chị PD).
Ngồi theo dõi đếm phiếu từng tiểu bang mà hồi hộp như coi một trận football. Hihihi..

Chúc mừng Tổng thống Obama.
Chúc mừng nước Mỹ.

Tuesday, October 23, 2012

Chạm đến sự tuyệt đối

Thư gởi vong linh cháu gái lớp trưởng

SGTT.VN - Thật tiếc là tên cháu chỉ được viết tắt bằng chữ L gọn lỏn, trong mẩu tin: “Làm lớp trưởng, không may bị mất 500.000 đồng tiền quỹ lớp, em Nguyễn Thị L. (sinh năm 1997, học lớp 10 trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử”.

Có lẽ cháu chưa đọc Albert Camus, người từng viết: “Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học”.

Có lẽ cháu chưa tin người lớn có thể cướp đi một lượng tài sản công lớn gấp hàng vạn lần con số nửa triệu đồng quỹ lớp kia mà không một chút áy náy.


Có lẽ cháu chưa biết mình có thể đơn giản là ra trước lớp xin lỗi rồi từ chức, thì mọi việc xem như khép lại.


Cháu chỉ biết là một lớp trưởng mà làm mất tiền bạn học, thì đó là nỗi ô nhục. Và trong những cách để chứng tỏ mình trong sạch, cháu quyết định chọn cái chết, một hành động có sức thuyết phục tuyệt đối.


Cháu thật dại dột, bởi khi chọn cái chết, câu trả lời của cháu cho câu hỏi Camus từng nhắc đến, trớ trêu thay chính là: một người tự trọng như cháu, đáng sống biết chừng nào!


Ra đi trong ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, trong ý nghĩa dám chết cho điều mà mình tin là đúng, cháu xứng đáng là con em huyện Mê Linh, hậu duệ hai bà Trắc, Nhị. 


Thôi thì cứ cho L. là chữ viết tắt của Liêm Khiết.
Xin vĩnh biệt công dân Liêm Khiết của tương lai.

Người già chuyện

Nguồn: Báo SGTT 

Đọc mẩu tin trên mục này, có cảm giác gai gai rợn rợn lên trong người, như chạm được vào sự tuyệt đối. 

Tuesday, October 16, 2012

Lâu lâu một tấm hình (18)


Hình lượm trên facebook. Thoạt trong đầu nghĩ đây là trò đùa, sự phá bĩnh của dân mạng. Nhưng nghĩ lại thì nó là như vậy.

Các đồng chí tin tôi đi. :)

Tuesday, October 2, 2012

Sự bất khuất

(Nguyễn Chí Thiện 1939 - 2012)
Tôi thường nhìn thấy ông đi bộ trên phố Bolsa. Đã từng gặp ông một đôi lần trong tòa soạn báo NV, hoặc trong những lần sinh hoạt cộng đồng của người Việt ở quận Cam.
Nghe người ta nói và kể nhiều chuyện về ông. Từ những người kể khác nhau, có nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng có một nội dung không bao giờ khác. Người ta luôn nhắc đến tinh thần không thể nào bị bẻ gãy của một người tù. Hình thành nên nhân cách của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Sự bất khuất.

Ông dong dỏng cao. Chẳng thấy có một chút nào ngang tàng. Trông ông có dáng vẻ của một ông già hiền lành, sự hiền lành đúc nên một khối điềm tĩnh đến kỳ lạ. Với ông. Hình như ngục tù là chuyện nhỏ.

Và đời coi như pha...

Bây giờ ông đã đi. Nhưng người ta sẽ nhắc đến ông. Tôi thấy người đời đã dùng từ chính xác khi gọi ông là.

Chí sĩ Nguyễn Chí Thiện.

Tuesday, September 25, 2012

Duma quốc gia

"Tôi thật thất vọng vì sự thiếu vắng công lý, nạn tham nhũng và chế độ độc tài không đại diện cho Nhà nước mà chỉ cho một số cá nhân" (Blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải).

Viết blogs rồi bị tù 12 năm. Bạn tin không? Đừng có tin. Vì nếu tin thì chỉ có tức ói máu và phải văng tục. Nhưng đó là chuyện có thật. Coi tin này xong thì chỉ có "duma quốc gia Nga" mới nói hết cái nực cười và sự cay đắng đang xảy ra nơi xứ Việt. Chính phủ, nhà nước thì suốt ngày ra rả chém gió mị dân . Báo chí Việt thì mải mê đi tìm sự thật bố chồng-nàng dâu. Còn người dân thì cố tìm gặm mẩu bánh mì sự thật thì bị án tù. Bị mắng chưởi là Tự do cái con c**c (sic).

Anh em, bạn bè, bà con, và người dân VN... đang sống chung với rác, một đống rác vô tận. Không nhìn thấy rác mới là lạ?

Tuesday, September 11, 2012

Stars



Bài này tình cờ nghe được trên TV - chương trình Tonight Show của Jay Leno. Bài hát hút người nghe ngay từ những giai điệu đầu tiên, có cảm giác như bị cuốn theo tro bụi và loãng tan đi cùng sự mất mát khi nghe giọng ca của Grace cất lên.
Lục tìm trên Youtube, không tìm thấy version mà Grace hát trên NBC. Nghe tạm cái này.

Post dành cho hôm nay.
Và cũng dành tặng cho mọi người nhớ mãi về sự mất mát của mình.

Stars - Grace Potter & The Nocturnals

I lit a fire with the love you left behind,
And it burned wild and crept up the mountainside.
I followed your ashes into outer space
I can't look out the window,
I can't look at this place,

I can't look at the stars,
They make me wonder where you are
Stars,
Up on heaven's boulevard
And if I know you at all,
I know you've gone too far
So I, I can't look at the stars

All those times we looked up at the sky,
Looking out so far,
We felt like we could fly.
And now I'm all alone in the dark of night,
The moon is shining,
But I can't see the light,
And I can't look at the

Stars,
They make me wonder where you are
Stars,
Up on heaven's boulevard
And if I know you at all,
I know you've gone too far
So I, I can't look at the stars

Stars,
Stars,
They make me wonder where you are
Stars,
Up on heaven's boulevard
And if I know you at all,
I know you've gone too far
So I can't look at the stars.

Sunday, September 9, 2012

Mỗi ngày một tấm hình (17)


Hình này tag được trong album "Việt Nam vô đối" trên FB. Vô đối có nghĩa là không có đối thủ, không đối đáp lại nổi, không thể nào so sánh hoặc cạnh tranh nổi...


Và hình này nhận được rất nhiều lời bình, khen có chê có. Có những nhận xét, bình phẩm cho tấm hình được nâng lên hàng quốc gia đại để như là: Ôi, thật nhục cho quốc thể. Hoặc quy nạp rất chung chung kiểu: Đàn ông VN chỉ biết ăn nhậu hưởng thụ... Thật là những lời bình rất là vô đối. Hehehe..

Tất nhiên, cũng có những lời bình vui như:

- Dân chơi không sợ mưa rơi.
- Mưa rơi không ướt áo dân chơi.
- Chưa say sao về?
- Ý chí sắt đá.
- Lỡ rồi, chơi luôn.
Hoặc một chữ: Ngất!
Nhìn hình đúng là ngất. Cười ngất vì khoái chí. Hehehe..

Hình này vui. Lượm về post lên phục vụ các anh, và cũng mong mấy chị hưởng ứng cái sự tếu táo ham vui của giới mày râu. Hỉ?


Saturday, September 8, 2012

Những diễn từ trích đoạn từ DNC 2012


1. Ngày đầu tiên: Đệ nhất phu nhân Michelle Obama - Bài học về nhân cách

Barack hiểu giấc mơ Mỹ bởi vì anh ấy đã sống với nó … và anh ấy muốn tất cả mọi người trên đất nước này phải có cơ hội như nhau, bất kể chúng ta là ai, bất kể chúng ta đến từ đâu, hay diện mạo của chúng ta như thế nào, hay những người chúng ta yêu thương là ai.

Và anh ấy tin rằng khi các bạn đã làm việc chăm chỉ, và các bạn đã hoàn thành tốt, và đi qua cánh cửa cơ hội … các bạn không bị nó đóng lại sau lưng… các bạn trở lại, và cho người khác cùng cơ hội đã giúp các bạn thành công.
Cũng giống như nhiều gia đình người Mỹ, gia đình của chúng tôi không đòi hỏi nhiều.
Họ (gia đình chúng tôi) không cảm thấy ghen tị với sự thành công của bất cứ người nào, hoặc sự quan tâm mà những người khác có được nhiều hơn họ có… họ rất tôn trọng điều đó. Đơn giản là họ chỉ nhìn vào triển vọng căn bản của nước Mỹ, ngay cả khi các bạn không có nhiều thứ để bắt đầu. Nếu các bạn làm việc chăm chỉ và làm những gì các bạn phải làm, thì các bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình và thậm chí một cuộc sống tốt hơn cho con cháu của các bạn.

Đó là cách mà gia đình đã nuôi dạy chúng tôi … đó là những gì chúng tôi đã học được từ tấm gương của họ. Chúng tôi đã học được về nhân phẩm và đạo đức, rằng bạn làm việc siêng năng như thế nào thì quan trọng hơn là bạn kiếm được bao nhiêu tiền… rằng giúp đỡ người khác có ý nghĩa hơn chỉ giúp chính mình thăng tiến.

Chúng tôi đã học được về lòng trung thực và tính chính trực, rằng sự thật mới là quan trọng… rằng bạn đừng đi đường tắt hoặc chơi bằng cách thiết lập các quy tắc của riêng mình … và sự thành công sẽ không được tính, trừ khi bạn có được từ sự công bằng và lương thiện.

Chúng tôi đã học về lòng biết ơn và sự khiêm nhường mà rất nhiều người đã đóng góp vào sự thành công của chúng tôi, từ những người giáo viên đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, cho tới những người lao công giữ trường học của chúng ta được sạch sẽ … và chúng tôi đã được dạy phải biết quý trọng công sức đóng góp của tất cả mọi người và đối xử với mọi người bằng sự tôn kính. Đó là những giá trị mà Barack và tôi – và rất nhiều người trong các bạn – đang cố gắng truyền lại cho con cái của chúng ta.
Chúng ta là như thế.

2. Ngày hai: Cựu Tổng thống Bill Clinton - Chia sẻ và hợp tác

Tôi muốn đề cử một người đàn ông tuy có cuộc sống riêng, nhưng đã biết công bằng chia sẻ những nghịch cảnh và những điều không chắc chắn. Tôi muốn đề cử một người tranh cử tổng thống để thay đổi quá trình của một nền kinh tế đã yếu của chúng ta. Một người có vẻ trầm tĩnh ở bên ngoài nhưng làm cháy nước Mỹ ở bên trong.
Tôi muốn người đó có niềm tin, và không nghi ngờ rằng chúng ta có thể xây dựng một nền kinh tế giấc mơ Mỹ mới, được thúc đẩy nhờ sự cách tân và sáng tạo, dựa vào nền giáo dục và sự hợp tác.

Chúng tôi đảng Dân chủ - nghĩ rằng đất nước hoạt động tốt hơn với một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ, với những cơ hội thực sự cho những người nghèo làm việc theo cách của họ, đất nước này vận hành sẽ tốt hơn với sự tập trung không ngừng vào tương lai, giữa doanh nghiệp và chính phủ làm việc với nhau một cách thực sự để thúc đẩy tăng trưởng và rộng rãi chia sẻ sự thịnh vượng. Bạn thấy đấy, chúng ta tin rằng "chúng ta đang ở cùng nhau" một triết lý tốt hơn nhiều so với "bạn đang ở phía của riêng bạn."

Thật không may, phe được đề cử của Đảng Cộng hòa không nhìn thấy như vậy. Họ luôn luôn nghĩ chính phủ là kẻ thù, họ nghĩ là họ luôn luôn đúng, xem sự thỏa hiệp là yếu kém. họ đã loại bỏ hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bởi vì những người này dám hợp tác với đảng Dân chủ về các vấn đề quan trọng đối với tương lai của đất nước, thậm chí là an ninh quốc gia. Họ đánh bại một dân biểu hạ viện vì anh ta nhận thấy rằng không có gì phải ghét hay không đồng ý với Tổng thống..

Tổng thống Obama bắt đầu với một nền kinh tế yếu hơn thời điểm tôi nhậm chức. Không có một Tổng thống nào, ngay cả tôi, không có bất kỳ một Tổng thống tiền nhiệm nào có thể sửa chữa tất cả các thiệt hại một cách hoàn toàn mà ông ta tìm thấy trong vòng chỉ bốn năm.

Tất cả chúng ta, những người Mỹ, trong hội trường lớn này và mọi người đang xem ở nhà, khi chúng ta bỏ phiếu cho cuộc bầu cử lần này, chúng ta sẽ quyết định chúng ta muốn sống trong một đất nước thuộc loại gì. Nếu bạn muốn người chiến thắng-có-tất cả, xã hội là của riêng mình, bạn nên hỗ trợ đảng Cộng hòa. Nhưng nếu bạn muốn có một đất nước biết chia sẻ cơ hội và trách nhiệm, chúng ta là xã hội cùng nhau, bạn nên bỏ phiếu cho Barack Obama và Joe Biden.

Và nếu bạn nghĩ rằng tổng thống đã đúng khi mở cánh cửa cơ hội cho tất cả những người nhập cư trẻ tới đây để họ có thể phục vụ trong quân đội hoặc đi học đại học, bạn phải bỏ phiếu cho Barack Obama. Nếu bạn muốn có một tương lai của sự thịnh vượng chung, tầng lớp trung lưu phát triển, giảm nghèo đói, giấc mơ Mỹ đang sống thực sự và nơi đó Hoa Kỳ duy trì sự lãnh đạo của nó như là một lực lượng vì hòa bình, công lý và thịnh vượng. Bạn hãy bỏ phiếu cho Barack Obama.

3. Ngày ba: Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama - Chọn lựa và quyết định đúng đắn

Sự lựa chọn mà bạn phải đối mặt sẽ không chỉ giữa hai ứng cử viên hoặc hai bên. Nó sẽ là một sự lựa chọn giữa hai con đường khác nhau cho nước Mỹ.

Bạn bè của chúng ta ở Tampa, tại đại hội đảng Cộng hòa đã hạnh phúc hơn khi nói về tất cả mọi thứ mà họ nghĩ là sai đối với nước Mỹ, nhưng họ không có nhiều điều để nói về cách họ làm sao cho đúng. Họ muốn lá phiếu của bạn, nhưng họ không muốn bạn biết kế hoạch của họ. Và tất cả những gì họ cung cấp là các quy định của họ, đã không thay đổi  và đã có trong 30 năm qua.
Cần phải biết điều này, những vấn nạn của chúng ta có thể giải quyết được. Các thách thức của chúng ta có thể được đáp ứng. Con đường chúng tôi đưa ra có thể là khó khăn hơn, nhưng nó dẫn đến một nơi tốt hơn. Và tôi yêu cầu bạn chọn lựa tương lai đó.

Kế hoạch của tôi sẽ tiếp tục giảm thiểu ô nhiễm carbon đang làm nóng hành tinh của chúng ta, bởi vì biến đổi khí hậu không phải là một trò lừa bịp. Hạn hán, lũ lụt và cháy rừng không phải là một trò đùa. Chúng là mối đe dọa cho tương lai của con em chúng ta. Và trong cuộc bầu cử này, bạn có thể làm điều gì đó về nó.

Không đảng phái nào độc quyền về trí tuệ. Không thể chế Dân chủ nào hoạt động mà không có sự thỏa hiệp. Tôi muốn chuyện độc quyền trí tuệ được chấm dứt và chúng ta nên cho nó chấm dứt. Nhưng khi Thống đốc Romney và bạn bè của ông ấy trong Quốc hội cho biết rằng, với một cách nào đó chúng ta có thể làm giảm thâm hụt ngân sách của chúng ta bằng cách giảm hàng ngàn tỉ thuế cho người giàu. Bill Clinton gọi nó là gì? Bạn làm các phép tính số học. Bạn làm toán. Tôi thì từ chối đi chung đường đó. Và một khi vẫn còn tại vị, tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ.

Tôi không bao giờ nói rằng cuộc hành trình này sẽ dễ dàng, và tôi cũng sẽ không hứa hẹn nó dễ dàng từ lúc này. Đúng vậy, con đường của chúng ta khó khăn hơn, nhưng nó dẫn đến một nơi tốt hơn. Con đường của chúng ta đi sẽ lâu hơn, nhưng chúng ta luôn đi cùng nhau. Chúng ta sẽ không quay trở lại. Chúng ta không để lại một ai ở phía sau. Chúng ta kéo lẫn nhau.
Chúng ta rút ra sức mạnh từ chiến thắng và biết học hỏi từ những sai lầm, nhưng vẫn giữ cho đôi mắt của chúng ta kiên định hướng về chân trời xa đó, thần Giám hộ (Providence) đang ở bên cạnh, và chắc chắn ban phước lành cho chúng ta, những công dân của quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất.

Dịch thuật và hiệu đính dưới sự giám sát của bác thông ngôn Google Trần Sư Lê. Hihihi..

*****
Tìm cho đỏ con mắt cũng không thấy ông bà lãnh đạo đảng nào ở VN có một bài diễn văn cho ra hồn. Cho nên miễn bàn.

Wednesday, September 5, 2012

Utah - đất rộng người thưa

Sẵn đà làm tới, theo lời đề nghị của Mrs. Trương, kể chuyện đi chơi nhân dịp nghỉ lễ tuần rồi cho nó nóng sốt, vì vụ này để lâu nguội, không microwave lại được. Mất ngon.


Đứa em cousin con ông chú, chồng ở bên này về cưới rồi đem qua định cư ở bang Utah. Tròm trèm cũng được 6 năm, nhưng lớ xớ vỡ kế hoạch đẻ một lèo 3 đứa con theo số thứ tự 5-3-2. Vợ chồng nó bận bịu con cái suốt ngày, không đi đâu được. Tội nghiệp. Gọi điện hỏi tụi nó cần mua gì, xách lên cho. Khỏi. Anh lên đây thăm tụi em là vui rồi. Nhưng trước khi cúp phôn con vợ thòng một câu: Biết mắm ngon ở đâu thì mua cho một hũ. Thèm quá! Híhíhí.. Quát lại: Dẹp vụ mắm đi. Đi máy bay làm sao xách theo. Hôi.

Tính đi đường bộ nhưng nghĩ lại quãng đường dài mà thời gian không có nhiều. Lái đi về mất hết hai ngày, chả lẽ lên giao hũ mắm rồi về à? Hơn nữa, ngang cái đoạn Las Vegas chắc chắn sẽ thấy trong người mệt mỏi thế nào cũng ghé vô nghỉ một chút. Nghĩ đến cái màn kẹt xe nên biết đâu mình cũng bị kẹt lại. Rồi thất hẹn. Không nên. :)

Đóng đầy một cái vali gồm chả đòn quà cho ông nội của 3 đứa nhỏ, chả ốc (thẻ) cho chồng nó nhậu, bánh lọc cho con em cousin, và bánh nậm cho 3 đứa nhỏ. Vậy là đuề huề cho ba thế hệ.

Rớt xuống Salt Lake City thấy hồ rộng mênh mông. Xách đồ lên cho tụi nó kịp bỏ vô tủ đá kẻo hư. Con em đi làm 9 giờ tối mới về. Cuối tuần. Hốt hụi ngày lễ thì không bỏ được. Đi một vòng cho biết down-town. Gọi là city tour nhưng chủ yếu là ghé tham quan nhà thờ đạo Mormon. Trời mưa. Thôi. Về nhà cho rồi. Xách tụi nhỏ đi đâu cho ướt át. Bày mồi chả ốc ra nhậu với ken sương sương.

Mặt bên phải của nhà thờ đạo Mormon

Tiểu bang Utah đất rộng người thưa. Là vùng đất mà tín đồ đạo Mormon chọn để xây dựng nên thánh địa của họ. Đạo này hình thành ở miền Đông nước Mỹ vào những năm 1820 từ Vermont, vùng New York và phát triển dần dần về phía Tây. Hiểu về đạo này cặn kẽ như thế nào thì có lẽ ít người Việt biết rõ, ngoại trừ sự ngạc nhiên thấy những người truyền giáo trẻ, ăn mặc lịch sự, rành rẽ tiếng Việt đến gõ cửa từng nhà. Và đặc biệt ai cũng biết về đạo này cho phép đàn ông lấy được nhiều vợ để sinh ra con đàn cháu đống.
Mình đùa với vợ chồng con em rằng tụi mày chưa phải là tín đồ của đạo Mormon, nhưng tiêu chuẩn về con cái thì coi như có đủ.

Đạo Mormon khuyến khích tín đồ không dùng chất kích thích như thuốc lá rượu bia. Nhớ một lần cách đây mấy năm, nhân dịp đi chơi Lake Powell, ghé vô một nhà hàng thuộc địa phận bang Utah, sau khi order thức ăn thì mình cùng anh bạn kêu beer. Nhân viên nhà hàng sorry, we just have root beer. Cả hai tên ngớ người ra rồi ok, no problem, root beer cũng được. Chồng con em kể: em có một vài người bạn đạo Mormon. Party mời họ tới nhà và họ cũng uống beer. Rồi họ tự nhận họ là "black mormons". Mình nghĩ họ không black (xấu) mà ngược lại "nice mormons" thì có.

Chủ nhật, theo quy định nghiêm ngặt của tôn giáo thì coi như tiệm tùng thuộc tín đồ đạo này đóng cửa, ngoại trừ mấy nhà hàng của dân Á Châu và Mỹ Latin. Vậy thì lái xe ngắm cảnh núi non. Lác đác có một vài chòm cây lá trở mình đổi màu. Xanh, đỏ, vàng trộn lẫn vào núi đá, họa nên một bức tranh có nhiều màu sắc.













Những bụi cây nhìn giống đàn cừu

Thêm điều nữa là ở Utah đang áp dụng một kiểu chạy xe rẽ trái cũng khác lạ. Dân vùng khác tới, quen kiểu chạy xe phổ cập lâu nay thì coi như lớ ngớ. Đèn rẽ trái được đặt trước vài trăm mét khi chưa đến ngã tư có trafic light, xe chạy cắt chéo đường ngược chiều, xong rồi dừng lại vào lane trái sát mép đường, được xây song song phía bên kia của đường ngược tuyến. Kiểu này ai đi lạc đường, muốn U-turn, quay đầu xe, thì coi như chết đứng. Không biết GPS của nhà anh Vịt có xài được ở Utah không? Hihihi..
Tất nhiên, kiểu rẽ trái này chỉ áp dụng một số vùng có khu dân cư mới. Đất rộng, đường to thì mới xây thêm được lane nép-bên-trong-phía-trái như vầy. Thiệt ngộ.

Lòe nhòe con đường rẽ trái

Downtown của Salt Lake City

Ba ngày ở Utah chỉ có vậy, gọi là đi chơi nhưng chủ yếu là đến thăm gia đình đứa em. Có ngày nghỉ là xách gói ra khỏi Cali. Đi bất cứ chỗ nào, ở lại một vài ngày, chạy lòng vòng coi ngó. Biết cảnh vật, thấy con người rồi tự khắc sinh cảm tình vùng đất đến. Sống lâu một nơi tình cảm con người dễ trở nên chai sạn. Xách gói đi để refesh lại bản thân mình. Hehehe..

Monday, September 3, 2012

Truck xuyên bang

Hưởng ứng theo lời kêu gọi của kiều bào ta ở nơi xa xôi và hẻo lánh. Hôm nay mình kể chuyện đi chơi. Nhưng mà chuyến đi không phải của năm này mà là  3 năm về trước, và cũng không phải rơi vào mùa hè, mà là mùa đông. Hihihi..

Freeway 10 - Con đường huyết mạch của các vùng ở miền Nam
Trong số bạn bè quen biết ở Orange County, mình cũng thường giao du cafe nhậu nhẹt với mấy anh lái xe truck xuyên bang. Có một bận hãng cho nghỉ cuối năm dài ngày, rảnh rang ngồi đồng cafe hoài cũng oải, mình theo xe của hai anh tài tên Chánh và Quang làm một chuyến đi từ miền Tây Nam bang California chéo lên đến tận Boston, vùng Đông Bắc nước Mỹ. Tính sơ sơ bận đi cỡ chừng khoảng 3000 miles, tức là hơn 4 ngàn 800 cây. Còn bận về thì từ Boston chạy thẳng xuống South Carolina, giáp giáp Florida nhận chuyến hàng rồi đạp về Cali và phải băng ngang qua bang Georgia, Alabama, Mississippi, Louisiana, Texas.. mấy tiểu bang miền Nam nước Mỹ.

Hồi trước ở VN, coi bộ phim truyền hình "18 bánh xe công lý", thấy chiếc xe dài và to vật vã, có anh cảnh sát chìm đi phá án lòng vòng.., không bao giờ nghĩ có ngày mình ngồi lên chiếc xe như vậy. Đến khi thực tế chứng kiến, không những được ngồi mà còn đi tới đi lui trên xe, có thể thẳng lưng vừa nằm hút thuốc vừa coi phim bộ Hongkong kiếm hiệp mấy ngày, rồi thi thoảng mở cửa sổ ngắm cảnh vật bên ngoài, ngất ngưởng ngồi trên cao dòm xem thiên hạ đang lái xe bên dưới. Phê không tả được!

Phim bộ võ hiệp HK trên xe - phục vụ tận răng

Ở Mỹ, con người ta làm lụng quần quật suốt ngày. Mọi người chủ yếu chỉ lui tới có hai nơi, đó là chỗ làm và nhà, nó chiếm trọn biết bao nhiêu là thời gian, bao nhiêu là suy nghĩ và do đó mọi người ít để ý đến những thứ khác. Dân ở tiểu bang nào cũng vậy, tất cả đều bận bịu theo một kiểu giống nhau. Chỉ khi nào lên "free way" thì lúc đó mới thực sự thấy và biết về nước Mỹ. Thấy nước Mỹ thiệt là nhộn nhịp.

Chuyến xe của mình đi có hai tài thay phiên nhau lái ngày và đêm. Công việc đơn giản của dân xe tải là đưa chuyến hàng đi đến đúng hẹn và khi quay đầu về làm sao vẫn có hàng đầy xe. Điều khiển chiếc xe với chiếc thùng dài 52 feet, mấy trăm pounds hàng, có đến 17-18 số đòi hỏi người tài xế phải ra những động tác phối hợp sao cho ăn ý để chiếc xe lướt trên đường nhẹ nhàng, hoặc khi ở những nơi chật hẹp đông đúc người, xe đậu lại vẫn gọn gàng là vấn đề không dễ. Chưa kể những sự cố trên đường xảy ra không ai lường trước được. Lái xe qua những vùng lốc xoáy, mưa bão, hoặc tiểu bang lạnh tuyết rơi, đường trơn mà vẫn nguyên vẹn đi về thì vấn đề không còn đơn giản như đã nghĩ ban đầu.
"Nghề này cần bình tĩnh". Anh Quang nói với tôi. Bình tĩnh để xử lý những tình huống bất ngờ trên đường. Thế còn chuyện yêu đương giang hồ trong giới tài xế xuyên bang thực hư ra làm sao? Vừa pha cho anh ly cafe để uống khuya và tôi đưa ra câu thắc mắc mà nhiều người lâu nay muốn biết. Anh cười trả lời: Đồn đãi thôi. Những người có gia đình, có vợ con như tụi anh thì đâu dễ gì. Chở được hàng thì mong đến nơi. Giao hàng xong thì mong có hàng quay về liền. Nếu có bỏ chút tiền vào đầu tư cái đầu máy, cái thùng xe chạy hàng lạnh thì coi như suốt ngày dành cho cái xe. Lo kiểm tra xe, lo máy lạnh cho cái thùng... đâu có thời gian lung tung đâu chú! Ngoại trừ mấy "thằng" còn độc thân và chạy thuê cho chủ. Nhưng mà chủ xe ở nhà cũng xoay hàng xoành xoạch đâu có cho mình rảnh rang? Nếu có lo thì tụi này không chỉ lo chuyện trên đường, mà nhiều khi lo cho mấy bà ở nhà thì có! Nói xong anh cười to. Ráng thức khuya theo anh tài lái đêm, nhưng đôi khi mình cũng cảm thấy bức. Rớt vào giấc ngủ gật hồi nào không hay.

Đến khi tới New York thì anh Quang kêu tôi dậy. New York rồi, dậy mà ngắm! Mắt nhắm mắt mở đưa máy hình chụp vội vài tấm trong khi xe lái tốc độ rất nhanh trong đường hầm. Âm thanh của mọi loại động cơ, đường hầm hun hút khiến cho tôi có cảm giác New York như một con khủng long ngoác cái miệng lớn để nuốt chửng mọi vật vào trong bụng của nó.


Một vài tấm hình chụp trên đường đi, khi xuyên qua các tiểu bang:

Khủng long New York
Mahattan - nhìn từ xe truck

Đường sá ở vùng miền Nam
Tuyết ở Virginia

Núi và sa mạc

Hoàng hôn miền viễn Tây

Tự khắc phục khi gặp trục trặc giữa đường
Mỳ ly -  Dành cho dân thích du lịch mà low-income

Chuyến đi mất hết một tuần, chạy một lượt qua gần 20 tiểu bang. Chỉ là ngồi trên xe lướt qua chừng đó tiểu bang thôi cũng đủ thấy đã đời rồi, huống chi mình có dịp biết thêm về cuộc sống của giới cầm vô lăng đường dài, chứng kiến sự vất vả của dân tài xế lái xe 18 bánh. Được trải nghiệm và được chia sẻ nhiều câu chuyện kể trên đường. Biết được những thứ không bao giờ có trong sách vở. Thật là một chuyến đi có nhiều  cảm giác vô cùng lý thú.

Friday, August 31, 2012

Aging gun - Clint Eastwood

1. Phải nói là chính trị Mỹ thiệt là fun. RNC - Đại hội Đảng Cộng hòa trên toàn nước Mỹ được tổ chức tại Florida. Có diễn viên gạo cội, đạo diễn Clint Eastwood đến diễn trò, make a joke cho mọi người cười.

Clint Eastwood thuộc đảng Cộng hòa, nhưng không quá bảo thủ. Ông ủng hộ hôn nhân đồng tính, quyền lựa chọn phá thai, nữ quyền.. Ông đã từng ủng hộ Nixon, Reagan, John McCain và lần này là Mitt Romney. Đảng Cộng hòa chọn ông nhằm gieo sự kính trọng "một biểu tượng của nước Mỹ" vào cử tri và qua đó tái khẳng định về thanh thế. Nhưng tối hôm qua Clint Eastwood nhập vai đúng là "ugly" như cái tựa phim cao bồi "The Good, the Bad and the Ugly" mà ông đã đóng. Có nhiều đoạn thấy Clint Eastwood quá phô và đi hơi quá trớn .

Cảnh này Clint Eastwood vừa làm đạo diễn vừa đóng thì chớ, nếu mà mình đạo diễn thì chắc là sẽ bắt ổng đóng lại vài chục lần. Không đạt thì "cut" luôn.

Thiệt là "aging gun". Hehehe..

2. Bonus thêm tấm hình share được trên FB cũng funny không kém. Ban tổ chức đại hội Đảng Cộng hòa làm cái bảng này. Không chối cãi được. Ai trồng khoai đất này nữa? That's right! :)



Saturday, August 25, 2012

Man on the Moon

"That's one small step for a man, one giant leap for mankind." (Neil Armstrong)
Một bước nhỏ của một con người nhưng là một bước nhảy vĩ đại của nhân loại. Neil Armstrong, phi hành gia người Mỹ, người đã thốt lên câu nói đó khi ông là người đầu tiên của trái đất, đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969. Từ đó, tinh thần của Neil Armstrong đã trở thành đại diện cho tinh thần của Mỹ quốc. Tinh thần đó không còn bị giới hạn chật hẹp ở trái đất mà đã được đưa lên ở tầm mức cao hơn, xa hơn, lên tận mặt trăng để nhân loại nhìn thấy rõ hơn. Nước Mỹ kiêu hãnh vì điều này.

Một bước nhỏ của Neil Armstrong trên mặt trăng đánh dấu một thành tựu vĩ đại không bao giờ bị lãng quên của con người.
Từ nay, mọi người sẽ nghĩ đến ông, hình dung hình ảnh của ông mỗi khi nhìn ngắm mặt trăng vào mỗi tối. Và biết đâu, mọi người sẽ mấp máy môi, thầm hát hoặc gọi tên ông trong suy nghĩ. Neil Armstrong. The Man on the Moon.

Wednesday, August 22, 2012

Vỗ mông bên lề

1. Hôm qua đi làm về, lên internet thì thấy bà con bàn tán nháo nhào vụ Bầu Kiên bị bắt. Ông này giờ trở thành  hot-man, tâm điểm của mấy tờ báo Việt Nam. Vô facebook thấy hình này với một câu bình luận khiến mình sặc cười. Tinh thần Nguyễn Đức Kiên bất diệt!


Trong hình là mấy chú bảo vệ nhà anh Kiên, muốn tỏ ý bênh vực ông chủ nên đã đương đầu với ống kính báo chí như vậy. Thật là một sự cổ võ hết sức nhiệt tình. Tất cả vì tinh thần của anh Kiên. Anh Kiên đang bị tạm giam, thấy hình này chắc tinh thần cũng lên giây cót.

2. Nhìn tấm hình trên, làm mình nhớ đến tấm hình dưới đây, cũng tương tự, khi đọc bên blog Mr. Nhảm. Hình này chỉ khác về địa điểm. Nhưng lại giống với hình trên về động thái và tinh thần đương đầu. Cũng hết sức nhiệt tình. Tất cả vì tinh thần của Dân chủ. Nhưng mấy nhà đấu tranh cho Dân chủ, chắc là nhăn mặt khi thấy tấm hình này. Xuống tinh thần.


3. Luận về nội dung, ý nghĩa của hai tấm hình thì xin miễn. Chỉ lạm bàn về chuyện bên lề của hình ảnh mông má mà thui. Hai tấm hình trên là của ta, tây mà nhìn vào thì choáng. Tây nó không xài hình ảnh tượng trưng như trên (sau khi đã thử gú gồ) mà xài ngôn ngữ. LMAO. Trí tuệ hơn nhiều. Nói chung là có động não.

Còn ta thì ngược lại, cả hai tấm hình trên thể hiện hình thức cổ xúy cho tinh thần rất rõ. Nhưng vì không muốn suy nghĩ chi nhiều nên phải động mông.
Vị tinh thần nên bất cần thân thể. Dụng mông thì khỏi dụng đầu. Khỏe re.

Tuesday, August 21, 2012

Ruby Sparks - Liệu ngôn ngữ có là quyền năng tối thượng?

Để trốn cái nắng và nóng ở California, thì đi kiếm những nơi có máy lạnh, có không khí điều hòa như các khu shopping, hoặc đi coi ciné. Mình chọn cái thứ hai. Rẻ hơn nhiều.

Xong cái phim thứ nhất, cháy nổ đùng đùng đã mắt, đã tai. Ra khỏi phòng chiếu nhìn ra ngoài trời vẫn nắng chói chang. Còn sớm. Đảo quanh một vòng, thấy phòng chiếu phim Ruby Sparks còn 5-10 phút nữa là vô. Quá perfect. Chui vô coi cọp. Không biết là phim gì, thấy tựa nghĩ là phim action, thế nào cũng có vụ cướp của giết người và đuổi bắt ngoạn mục. Nhưng lầm. Đây là thể loại phim hài, chính kịch và có pha chút hư cấu. Tiết tấu phim chậm rề rề làm cho mình có đôi lần ngủ gục. Đây cũng là lý do mà mình thích đi coi phim một mình. Nếu có ngủ gục, lỡ có ngáy to thì cũng không làm phiền người bên cạnh và cũng không sợ bị quê. Hehehe..

Thật ra, Ruby Sparks là một phim đáng xem bởi nội dung và cách đặt vấn đề của phim liên quan đến tính nhị nguyên trong đời sống. Làm thế nào để có sự hài hòa giữa hiện thực và hư cấu, sự cân bằng có thể giữa bản ngã và người khác, độc lập hay ràng buộc, nữ tính hay nam quyền, tự do sáng tạo hay ràng buộc duy lý..

Liệu một người viết văn, có tìm thấy được chính mình hay đã đánh mất mình trong quá trình sáng tạo? Trong phim, Calvin là một nhà văn trẻ. Sớm thành công ở tuổi 19, nhưng tiếp sau đó 10 năm, anh vẫn chưa có thêm một cuốn sách nào và tất nhiên anh cũng chẳng có một thành công nào thêm ở tuổi 29. Rơi vào sự trầm uất. Anh mơ ước tạo ra một nhân vật có thể làm thay đổi thực tại mà anh đang gặp phải. Và điều đó xảy ra. Calvin say đắm với nhân vật của anh. Bằng vũ khí tối thượng của ngôn từ, quyền năng giảo hoạt của chữ nghĩa, nhà văn Calvin có thể áp đặt toàn bộ suy nghĩ, ý muốn của mình lên nhân vật, thay vì tạo ra một nhân vật khác mình? The question is very interesting!

Đôi khi xem phim, chúng ta cần phải chấp nhận những yếu tố hư cấu, sự giả định của những nhà làm phim để truy tìm cái kết quả theo xu hướng mà vấn đề đã đặt. Tôi thích kịch bản này bởi cách đặt vấn đề và chọn yếu tố giả định để giải quyết vấn đề rất thông minh. Tác giả (Zoe Kazan) đã cho nhân vật của nhà văn Calvin tồn tại và chính nhân vật này đã tác động ngược lên người sáng tạo ra mình. Có thể xem đây là ý thức phản tỉnh đối với những nhà làm nghệ thuật. Điều này là cần thiết.

Sự phản tỉnh trong công việc sáng tạo, làm cho người nghệ sĩ vượt ra khỏi những khái niệm gây tranh cãi bấy lâu nay là nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh.
Trong phim Ruby Sparks, ý thức phản tỉnh đã làm cho nhà văn Calvin trở lại đúng vị trí trong lằn ranh của mình. Anh để cho nhân vật trong truyện được tự do. Và  nhờ vậy anh cũng cảm thấy được tự do trong ngòi bút.

Phim này là một tuyên ngôn về nghệ thuật? Không dám! Chỉ đơn giản là một câu hỏi nhỏ trong lĩnh vực viết văn nhưng khiến cho người xem suy nghĩ để có thể mở rộng ra nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, một phim nhỏ, kinh phí nhỏ, nên cũng chỉ hấp dẫn lượng người xem rất nhỏ.

Sunday, August 19, 2012

Mỗi ngày một tấm hình (16)


Sáng 19/8, ở Hà Nội sau một đợt mưa lớn làm mát mẻ, dịu đi cái nóng bức cuối mùa hè. Thì. Toàn bộ mặt đường thuộc làn phía Lê Văn Lương đi Khuất Duy Tiến bị sạt lở nghiêm trọng, đường kính lên tới khoảng 20m, sâu 5 - 7m.
Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thông xe đã được hơn một năm nay. (Tiền Phong online)

Tất nhiên, kết luận đầu tiên là tìm ra được nguyên nhân là từ phía khác. Làm nhà mà gây nên sập đường.

Trong khi đó, trên wall facebook của BBC Vietnamese trước đó mấy ngày thì :"Cơ sở hạ tầng Hà Nội rất tốt" , Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, tiến sĩ Lê Hồng Thăng phát biểu trước các nhà đầu tư nước ngoài trong Hội nghị thương mại Việt-Anh tại London ngày 14/8.
Cái này ý nói là kẹt xe, người đông, Hà Nội thành sông sau mưa là những chuyện lẻ tẻ.

Rồi đường sập cái ình. Rất là bất thình lình.

Thiệt tình, cũng không biết nói sao. Vì mấy từ chém gió, chém mưa, ngôn ngữ văng mạng đã dành tặng hết rồi.

Saturday, August 18, 2012

Tiệm ăn Đại Hàn, Khánh Ly và Sự quen thuộc

1. Đầu tuần rồi, đi ăn với người bạn ở tiệm Đại Hàn. Một quán ăn quen thuộc. Nuôi mình mấy năm nay. California liên tục mấy ngày qua, trời nóng như đốt lửa, người ta đổ xô đi ăn ngoài càng đông. Quán đông khách. Có bàn trống là nhân viên đưa khách vô. Được xếp ngồi trong một cái bàn dài. Không câu nệ. Một đôi khác cũng được xếp kế tiếp mình. Chàng và nàng tỏ vẻ không thích. Muốn có không gian riêng tư cho chuyện tình tự. Yêu cầu đổi chỗ. Chiếc bàn dài lại trống. Nhân viên lại xếp khách vào. Là người ngồi trước, thấy có người lại đến ngồi chung bàn, giữ phép lịch sự tối thiểu mình quay qua chào. Ngờ ngợ. Ngó trật lại, ui chao, ca sĩ Khánh Ly! Để cho cô được tự nhiên, mình chỉ gật đầu nhẹ: Chào cô. Rồi quay qua tiếp tục ăn.

Vợ chồng cô KL đi ăn cùng gia đình. Trong khi chờ đợi người nhà, cô KL tự nhiên, chủ động quay qua bắt chuyện. Người bạn mình chưa nhận ra người bắt chuyện là ai. Sợ bị hớ, mình nói: Cô Khánh Ly đó! Cô KL quay qua cười. Rồi nói: Quán này cũng đông người Việt mình đến ăn nhỉ?! Mình trả lời: Dạ. Quán này thức ăn ngon và phục vụ rất "nice". Cháu đi ăn lòng vòng thử vài quán xung quanh, nhưng cuối cùng cũng quay lại đây và cũng quen order mấy món này. Cô bảo: Ừ, cô cũng vậy. Vùng trên cô ở cũng có nhiều người Đại Hàn. Nhưng mỗi lần muốn ăn đồ nướng cô lại vào đây. Quán này là do con của cô giới thiệu. Mình nói: dạ đúng rồi cô. Đổi cũng khó lắm. Nhất là món ăn và quán ăn quen. Ăn món gì ngon, quen với nhà hàng nào rồi thì cứ tìm lại hoài.
Tính nói thêm câu này: Giống như tụi cháu quen nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà cô Khánh Ly hát vậy. Nhưng thôi. Mình đâu có phải là kẻ nịnh đầm quá xá cỡ mà xạo xự như vậy. Để cho câu chuyện được tự nhiên như vậy đi. Nói ra cũng đâu có được cô KL bao chầu này đâu. Hihihi..

Cô Khánh Ly nhìn bên ngoài giản dị, và có phần trẻ trung hơn ca sĩ Khánh Ly thường thấy ở trên sân khấu. Tóc cô cột túm lại phía sau chứ không xõa dài đài các như trên băng đĩa nhạc. Có lẽ đây là yếu tố khiến cho nhiều người không nhận ra cô. Quán ăn đông người Việt ra vô, nhưng mình chưa nghe có ai xầm xì xầm xồ kêu tên, hoặc đứng xa chỉ trỏ Khánh Ly đó, hoặc Khánh Ly kìa. Một thói quen ngưỡng mộ người nổi tiếng theo cái cách thường thấy của người Việt.
Ở Quận Cam, ra đường gặp giới celebirity không phải là quá khó. Nhưng hôm đó, gặp cô KL và được nói chuyện với cô thì mình quả thật là may. Nhất là người lâu nay mình mến mộ. May quá rồi còn gì. Nếu như cái cặp chàng và nàng kia không khó chịu đổi bàn, thì mình cũng chỉ đứng xa chỉ trỏ xì xồ với bạn bè là ca sĩ Khánh Ly là cái bà mặc áo xanh, tóc cột túm ngồi bàn kia, đó đó! Hehehe..

Chuyện vãn tới lui cũng vừa phải. Mặc dù trước đây mình có nghe đồn là cô KL tính về hát ở trong nước. Rồi gần đây đọc những bài báo công kích đời sống riêng tư của vợ chồng cô KL. Đề cập và hỏi những câu như này ở tiệm ăn thì thật là lố bịch. Cần phải tôn trọng sự riêng tư của người khác. Ăn xong, không nán lại lâu. Khách của cô KL cũng vừa đến. Mình đứng dậy chào và không quên chúc cô chú và mọi người ngon miệng khi ra về. Cô chúc lại: Lái xe cẩn thận.

2. Thật sự, với những ai đã từng nghe nhạc TCS, chí ít chỉ một vài bài, thì những bài hát đó đều nghe qua giọng ca của Khánh Ly.
Huống chi, với những ai yêu thích những vô vàn sáng tác của nhạc sĩ này, thì chắc chắn, Khánh Ly hát nhạc TCS là điều bất khả phân trong sự chọn lựa.

TCS viết nhạc đơn giản, mỗi bài hát như là một câu chuyện kể về thân phận bình thường, nhưng qua giọng ca của Khánh Ly thì bỗng trở thành những lời tự sự chất ngất với nhiều cảm xúc. Nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, cảm giác thanh thoát. Và như muốn được vỡ òa.
Không chỉ riêng với nhạc TCS mà những sáng tác của nhiều nhạc sĩ khác, giọng hát của ca sĩ Khánh Ly có những sắc thái phản ánh khác nhau theo từng câu chuyện khác nhau mà không quá phô trương kỹ thuật. Chừng mực nhưng lại thấy trãi lòng. Đỉnh!

Sự tồn tại của âm nhạc là nhờ được truyền đạt. Giọng hát Khánh Ly đã đưa những ca khúc của Trịnh Công Sơn đi vào lịch sử, điều này không thể chối bỏ được dù muốn dù không. Một khi nghe giọng ca của Khánh Ly cất lên, những ngổn ngang của đời sống quen thuộc bấy lâu nay bỗng có chút sâu lắng đến ngỡ ngàng. Bạn sẽ thấy không ai hiểu mình ngoài ca sĩ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Vậy đó!

3. Trên đường đi về, mình nghĩ đến chữ quen thuộc qua câu chuyện trao đổi với cô Khánh Ly. Quen thuộc tạo cho con người sự gần gũi, thân thiện. Một trạng thái tâm lý có sự tham gia của ý thức nhưng dễ bị xóa nhòa để rồi tưởng như là hành động bản năng. Nghe nhạc TCS qua giọng ca của Khánh Ly, đi ăn nhà hàng chọn những quán quen, mấy chị đi shopping thì chọn hiệu thường dùng, mấy anh sắm đồ cũng không ngoài những gì đã biết... là những chọn lựa ý thức hết sức bản năng.
Nghĩ cũng đúng. Con người ta đôi khi vượt xa hàng ngàn cây số chỉ để về quê ngó nhìn cái góc vườn, cái chái bếp vì muốn tìm về sự quen thuộc. Hoặc nghe có vẻ trái ngược khi có người bươn chải sống xa hàng vạn dặm, cũng quanh quẩn dựng xây sự quen thuộc nào đó ở quanh mình.
Đôi khi có những người đang lang thang ở một phương trời nào đó rất lạ rất xa, nhưng lại thú vị, hoặc có trạng thái tần ngần trước một vật vốn quen dùng khi bắt gặp. Kể cũng lạ. Cho dù có đổi thay đến mấy nhưng cũng vẫn vui khi tìm thấy điều gì đó thân quen.
Lạ thiệt, nhưng đó là sự quen thuộc. Biết sao giờ.

4. Post bài nhạc được viết và chơi theo lối hiếm hoi, ít thấy của TCS, qua giọng ca quen thuộc KL.

Saturday, August 11, 2012

No country for old men - Nhưng người già vẫn phải dấn thân


Một phim đầy rẫy cảnh giết người bạo lực của anh em nhà Coen, đoạt giải Oscar phim hay nhất năm 2008. Phim này mình coi cũng đã lâu và cũng đã chọn ra một ý trong phim để viết một đôi dòng trả lời ý kiến phản hồi trong một bài viết trước đây, mà tác giả đó có những nhận xét không thỏa đáng về những bậc trí thức có tuổi, lão thành của nền giáo dục VN. Tác giả lấy hình ảnh ông cảnh sát già trong phim "No country for old men" để minh họa rằng văn hóa Mỹ luôn loại bỏ người già và so sánh với xã hội VN thì ưu ái, trọng dụng người già trưởng lão quá mức.


Lên mạng đọc báo VN mấy ngày nay. Thấy sự kiện 71 vị nhân sĩ trí thức đồng loạt lại ký tên kiến nghị với Quốc hội VN chuyện quốc gia đại sự về biển Đông. Đọc danh sách thấy thấp thoáng một số người trẻ tâm huyết, còn lại đa số là những người già. Làm mình nhớ lại cái phim "No country for old men". Liệu người già trong 71 vị nhân sĩ trí thức trong bảng kiến nghị sẽ "Không chốn nương thân"? Và có số phận đi theo như cái tựa phim tiếng Việt đã được dịch?

"No country for old men" lấy bối cảnh vùng miền Tây Texas hoang vu, với không gian bức bối và buồn bã, hình ảnh đại diện cho một xã hội được thu nhỏ có sắc thái u ám, khủng hoảng thời hậu chiến vào những năm 1980 của nước Mỹ. 

Câu chuyện bắt đầu với ba nhân vật, có thể được xem là Thiện, Ác, Tà truy đuổi nhau nhưng chưa bao giờ có chung điểm gặp. Nhân vật có máu lạnh Chigurh - đại diện cho cái ác, kẻ đi săn tiền thưởng truy tìm anh chàng Moss, một cựu chiến binh VN, nhưng đã nảy sinh tà tâm khi muốn sở hữu một vali tiền 2 triệu đô la vốn không phải là của mình. Và viên cảnh sát già Ed Tom Bell, đại diện cho luật pháp, một cái thiện đang mệt mỏi ngăn chặn sự tràn lan của bạo lực với tâm thế nhiều chán nản.

Chính sự truy đuổi không khoan nhượng để lần theo dấu vết của đồng đô la, mà những cảnh trong phim "No country for old men" đẫm máu và đầy bạo lực. Chigurh xem giết người là một chuyện bình thường phải làm, để hoàn tất công việc là tìm ra được chiếc vali. Mỗi khi nhân vật này xuất hiện, người xem sẽ cảm thấy lo lắng cho những số phận mà hắn gặp trên đường. Chầm chậm xuất hiện lê lết trong khung hình, nhưng hành động giết người của Chigurh nhanh, gọn, nhẹ. Một đồng xu được quăng lên. Tiếng nổ bụp khô khốc của bình khí nén. Kết thúc một sinh mạng. Kết thúc một cảnh quay.

Phải nói rằng, những cảnh quay giết người trong phim "No country for old men" ấn tượng bởi sự đơn giản trong suy nghĩ của kẻ sát nhân. Nó khiến người xem bị ám ảnh. Hầu như ai muốn nói về phim này, cũng sẽ nhắc đến cảnh quay đồng xu với những lời đối thoại ngắn, triết lý. Số phận của con người nằm trong sự sắp đặt của thượng đế hay chỉ là trò chơi của kẻ giết người? Call it or kill it. Thật là một cảnh quay nhét vào đầu người xem!

Trước sự gia tăng của bạo lực mà những người tâm huyết không thể làm ngơ. Cái ác cái tà truy bức nhau không ngưng nghỉ và cận kề, viên cảnh sát già Ed Tom Bell đành phải nhập cuộc. Coi phim Mỹ nhưng tôi có những liên hệ với VN. Vì xã hội Mỹ, xã hội VN hay bất kỳ ở xã hội nào đều cũng có bàn tay nhúng chàm của bạo lực. Nhưng ở VN công lý không bằng một ký lông (Bùi Chí Vinh). Đôi khi sự nhiễu nhương, cái ác cái bất công được hình thành một cách tự nhiên trong xã hội. Thì những công dân già như viên cảnh sát trong Ed Tom Bell trong phim "No country for old men" hoặc những trí thức có tuổi về hưu trong danh sách 71 vị ở VN như giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Nguyễn Huệ Chi... cũng phải lên tiếng và nhập cuộc.

Vì vậy, trong phim này, tôi không nghĩ rằng những người già đáng bị loại bỏ, mà ngược lại tuy họ sức kiệt tàn hơi nhưng tâm huyết vẫn còn khiến họ phải dấn thân. Họ không thể đứng ngoài bạo lực vì cái tuổi già mà giới trẻ xem đó là lạc hậu. Những con người được xem không còn là hợp thời. Họ mệt mỏi, họ chán ngán trước sự leo thang của tội ác nhưng vẫn phải đương đầu không bỏ cuộc.

Nhân vật trong phim, viên cảnh sát Ed Tom Bell muốn về hưu, ông cần có một môi trường sống yên bình, một xã hội không bạo lực… để an hưởng những năm tháng còn lại của đời mình, khi đã vất vả cống hiến tuổi thanh xuân. Nhưng ý thức và trăn trở trước một xã hội đầy rẫy tội ác, bạo lực, Ed Tom Bell phải vào cuộc để hầu ngăn chặn cái ác với tâm thế chậm chạp, và nhu nhược.

Tương tự, những bậc trí thức cao tuổi, các vị giáo sư già trong danh sách kia cũng mang tâm trạng chán chường, đôi khi muốn nhắm mắt làm ngơ giống như ông cảnh sát già kinh nghiệm Ed Tom Bell. Nhưng họ không phải là những người đơn giản, trí thức thì họ cất lên tiếng nói kêu gọi sự đúng đắn còn người thực thi công lý thì cố gắng tìm cách ngăn chặn tội ác cho dù sức kiệt tàn hơi.

Vẫn biết rằng thế giới sẽ thay đổi, xã hội sẽ thay đổi, thế hệ trẻ sẽ thay thế hệ già. Nhưng một khi người già có ý thức dấn thân, những người trẻ cần phải lắng nghe tiếng nói của những người đi trước, đứng về phía họ, cổ động họ và cùng họ dựng xây cuộc sống. Đừng đẩy họ ra ngoài lề để "không chốn dung thân" như tựa phim đã dịch.

Thursday, August 9, 2012

Nhân trường hợp blog bạn Lừng khóa còm

1. Nhà bạn Lừng khóa còm. Mình áy náy vô cùng. Mặc dù không biết có liên quan trực tiếp hay gián tiếp gì đến mình không. Nhưng thành thật xin lỗi Lừng. I am really sorry, man!

Chả là thế này, Lừng viết mấy câu trong một entry rất ngắn nhận xét về trình độ tiếng Anh của người Việt tham dự hội nghị quốc tế. Rồi đưa ra một câu kết luận: "Thế kỷ 21 rồi. Ko biết tiếng Anh là hỏng. Tiếng Anh mở ra cánh cửa thế giới, cả nghĩa đen lẫn bóng". Có ý kiến đồng tình-phản đối qua về. Chuyện bình thường. Tuy nhiên có một bạn đồng tình với Lừng 100%, rồi bảo tiếp rằng thật là nhục khi dân Việt Little Saigon, ở California chỉ lợi dụng, hưởng trợ cấp xã hội, lười biếng, đi shopping chỉ nói tiếng Anh mỗi câu "i return".. blah, blah.. Mình thấy cái ý kiến của bạn này vô lý quá. Mình chỉ trích. Mình mắng bạn ấy tư duy thiển cận, suy nghĩ hẹp hòi. Bạn ấy dỗi, tuy rằng bạn ấy có xin lỗi.

Một bạn khác nhảy vào bênh vực với ý kiến là dân vùng Quận Cam chỉ biết khoe cửa, khoe nhà, không biết tiếng Anh mà chỉ biết khoe xe. Đại ý là khoe khoang. Mình thấy cái ý kiến này cũng chả ăn nhập nghĩa đen nghĩa bóng gì với cái kết luận "tiếng Anh mở cửa ra thế giới" của Lừng cả.
Góp ý kiến tranh luận như hai bạn trên thì đúng là hãi hùng vương.

2. Theo dõi blog của Lừng từ hồi bạn ấy đang còn học ở NO. Trong blog list của mình, blog của Lừng thuộc dạng blog tham khảo chứ không phải là blog để tiêu khiển. Tuy Lừng viết ngắn nhưng đề cập nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, văn hóa, xã hội.. đưa ra những nhận định làm người đọc phải suy nghĩ, phải phản-tư, và thậm chí đụng chạm hoặc gây tranh cãi... Có nghĩa là Lừng chấp nhận phản biện. Mình nghĩ, với kiến thức của Lừng thì Lừng không ngại tranh luận. Ngoại trừ những cái còm rác, mang tính công kích cá nhân và không đem lại sự phản tỉnh nào trong tư duy. Lừng trả lời thẳng thắn, theo sát vấn đề trên tinh thần công bằng, sòng phẳng trong tranh luận.
Mình thích đọc và còm trên blog của Lừng là vậy.

3. Trở lại sự việc, trong cái commment của mình phê phán hai bạn trên mình nhận xét hai bạn đó có tư duy thiển cận và hẹp hòi vì đã đem những yếu tố thuộc về những-kinh-nghiệm-bực-bội cá nhân để đưa vào trong lập luận. Bởi đây là tư duy phân biệt vùng miền. Người Việt ở Virginia, Arizona, bang Florida, hoặc ở Houston Texas sẽ càm ràm sao hai bạn đó "thiên vị", dành riêng cho người Việt Quận Cam những cảm tình đặc biệt?
Tranh luận mà đưa tư duy phân biệt vùng miền vào thì rõ ràng là thiếu tính thuyết phục.

Hơn nữa, những điều mà hai bạn đó đưa ra như: lợi dụng, lười nhác, chỉ muốn hưởng trợ cấp xã hội, thích shopping-i-return, có tính khoe khoang... là những thói xấu của người Việt nói chung ở mọi nơi. Nó hoàn toàn không ăn nhập gì đến chuyện quan niệm của người Việt xem tiếng Anh quan trọng hay không quan trọng trong thế kỷ 21 mà Lừng nhận xét.
Góp ý phản biện mà ra ngoài ý chính của vấn đề thì sẽ dẫn đến tranh cãi nhì nhằng. Cần phải có cái nhìn rõ ràng, thấu đáo vấn đề, nhìn cái gì ra cái đó thì góp ý đó mới khách quan và đúng chủ đề của phản biện.

Theo cách hiểu của mình thì Lừng đề cập đến vấn đề người Việt cần biết tiếng Anh, sử dụng nó như là một phương tiện, là chìa khóa mở cửa ra thế giới. Và qua phương tiện có tính toàn cầu đó, cách sử dụng nó sẽ có thể dẫn đến thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy.

Hai bạn trên chắc chắn là giỏi tiếng Anh, có master key trong tay, nhưng vẫn có cái nhìn mang tính local, tư duy vùng miền cũ như vậy dễ dàng dẫn đến lối suy nghĩ hiềm khích gây chia rẽ.

Một lần nữa, thành thật xin lỗi Lừng về trường hợp này. Bạn khóa còm để tránh rác bẩn hay không muốn comment đụng chạm? Quyền quyết định của bạn. Mình chỉ hy vọng bạn blog trở lại bình thường, lại đề cập nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, và mình vẫn được vào blog của bạn để còm trên tinh thần dân chủ.

4. Phương tiện làm thay đổi nhận thức. Mình tin vào điều này. Còn những người khác thì sao? Có tin không?

Sunday, August 5, 2012

Lội và đua theo London Olympic

Michael Phelps (trái) nhận chiếc HCV cuối cùng ở Olympic

Lội theo Olympic tuần đầu trong hồ bơi và phòng thi gym. Tạm xong phần một. Hai cường quốc cạnh tranh thể thao là USA và China coi như ngang ngửa kẻ nhất người nhì cách nhau một hai huy chương. Tuần tới chủ yếu là các môn trên đường chạy và các môn thi đấu đối kháng. Sẽ có kết quả cách xa. Và cũng sẽ không còn nghe nhắc nhiều China hay là USA nữa.

Michael Phelps, VĐV bơi lội của Mỹ đã đi vào lịch sử của Olympic. Thật khó mà tưởng tượng kể từ Olympic này về sau trên đường đua xanh sẽ không có mặt của Michael Phelps. Sự thưởng ngoạn, niềm hứng thú phần nào sẽ mất đi. Anh tuyên bố giải nghệ ở cái tuổi 27. Quá trẻ. Nhưng tên tuổi của anh sẽ luôn luôn được nhiều người nhắc đến. Một chút cảm xúc dâng lên trong lòng khi chứng kiến sự quen thuộc đã đi vào huyền thoại. Thank you, Michael Phelps!

Nước Mỹ lại đón niềm vui mới. Nụ cười rạng rỡ của nữ VĐV Gabrielle Douglas trên bục nhận lãnh huy chương vàng môn TDDC toàn năng đã phần nào xoa dịu đi cái nỗi niềm sẽ-tiếc-nhớ ở hồ bơi. Chúc mừng cho Gaby! Nữ VĐV da màu đầu tiên đoạt huy chương vàng của TDDC, sẽ làm nóng lên nhiều làn da ở các phòng tập TDDC có nhiều nữ nhí trên toàn nước Mỹ.


Coi thể thao là coi những pha tranh tài ngoạn mục của các VĐV, và họ được tưởng thưởng bởi những giây phút đăng quang trên bục lãnh huân chương vinh dự. Đặc biệt, coi Olympic là coi tinh thần thi đấu, và cũng coi luôn cái tinh thần tập luyện của VĐV. Trong thể thao, sự trung thực, tính cao thượng luôn luôn được đề cao. Và được xem là tiêu chuẩn cơ bản của tinh thần Olympic.

Sự kiện VĐV bơi lội Ye Shiwen của Trung Quốc lập kỷ lục ở hồ bơi trong vòng 50m cuối cùng trong môn thi 400m bơi cá nhân hỗn hợp đã làm xáo động sự nghi ngờ của những người hâm mộ tinh thần Olympic. Rồi Ye đã dành tiếp chiếc huy chương vàng ở môn thi 200m cá nhân hỗn hợp. But, Ye is clean!
Nhưng người ta so sánh cô Ye bơi nhanh hơn VĐV nam Lochte của người Mỹ là điều không thể. Hơn nữa, Ye đã dành thành tích vượt trội như vậy nhưng vẫn không đưa đội bơi của Trung Quốc kiếm thêm huy chương nào ngoài cái kết quả toàn đội bơi là 10 huy chương trong đó chỉ có 5 vàng, 2 bạc và 3 huy chương đồng ít ỏi. Trong lúc đó so sánh với đội bơi Mỹ quốc có 30 cái huy chương đủ kiểu loại trong đó được 16 vàng.

Ye không chơi thuốc tây, nhưng có thể là xài thuốc bắc? Hoặc hồ bơi của Anh quốc tự do nước trong hơn, ít bị kẹp kèm nên thoải mái mà bơi, mà nâng cao thành tích? Hehehe..
Nghi ngờ cứ truy đuổi nghi ngờ. Nhưng dù sao thì huy chương Ye lãnh thì chúc mừng Ye cái đã!

Coi thể thao là coi các VĐV phô diễn tài năng. Và cũng qua thể thao phẩm giá con người được thẩm định. Có thể nói thể thao bảo tồn phẩm cách con người. Ý chí, nghị lực vượt qua hoàn cảnh, vượt qua chính mình của tất cả VĐV đều đáng được xiển dương và trân trọng. Cạnh tranh, đối kháng nhưng phải biết tôn trọng đối phương. Đó là phẩm cách của thể thao đẹp.

Lịch sử Olympic bên cạnh những niềm tự hào của những cá nhân, gia đình, dân tộc và được xem đó là tài sản của những quốc gia. Thì những vết nhơ trong những cuộc so tài cũng không phải là không có. Tính trung thực của thể thao bị vấy bẩn. Lòng cao thượng của tinh thần Olympic đã bị những nỗi khát khao thèm khát huy chương thắng bằng mọi giá làm cho tổn thương.

Trong thể thao thành công được đánh giá và ngợi ca bởi ba thứ: kỹ năng, kiến thức và thái độ.
Kỹ năng có thể được rèn luyện.
Kiến thức có thể được trau dồi.
Nhưng thái độ sẽ quyết định bạn rèn luyện gì và học được kiến thức gì để ghi tên vào trong lịch sử một cách vĩ đại.

Hãy ghi tên vào lịch sử với một thái độ trân trọng, và đẹp đẽ nhất.

Saturday, August 4, 2012

Mỗi ngày một tấm hình (15)


Đây là một trong những hình ảnh vì cái huy chương vàng mặt mũi đầy tự hào của nước lớn Trung Hoa vĩ đại. F*ck China!!!

Nguồn: Vô link này.

Thursday, July 26, 2012

Câu chuyện của nhà văn


Nỗi khổ của dân tộc mình nó lớn như một quả núi. Đó là lời của nhà văn Phan Nhật Nam mà tôi đã được nghe trong câu chuyện ông kể, khi gặp ông một cách hết sức tình cờ tại nhà anh bạn vào tối hôm trước.

Ông Phan Nhật Nam tốt nghiệp trường sĩ quan võ bị Đà Lạt. Phục vụ trong Quân lực VNCH thuộc binh chủng Nhảy dù. Đại úy Phan Nhật Nam cũng là một người bình thường như bao sĩ quan, lính tráng đã từng phục vụ cho chế độ miền Nam trước đây. Nhưng nhiều người biết đến ông trong vai trò một nhà văn. Tác phẩm đầu tay của ông "Dấu binh lửa" được xuất bản năm 1969. Liên tục những năm tiếp theo, trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến Bắc-Nam. Ông cho ra đời những tác phẩm như: "Ải trần gian", "Dọc đường số Một", "Dựa lưng nỗi chết", "Mùa hè đỏ lửa"... đó cũng là lý do nhiều người biết đến ông, nhà văn Phan Nhật Nam, một người lính, một chứng nhân sống động kể về cuộc chiến tang thương tàn khốc của dân tộc Việt.

Trong những câu chuyện thú vị ông kể cho chúng tôi nghe trong buổi gặp gỡ tối hôm đó. Ông nói về chuyện đời, chuyện người và chuyện mình. Những sự kiện éo le mà ông đã gặp. Không một lời trách móc, không một chút nuối tiếc. Ở cái tuổi "thất thập cổ lại hy", ông kiến giải mọi chuyện theo nhãn quan như mọi chuyện đều sắp đặt của số phận, dưới sự an bài của Thượng Đế.

Ngày 29/4. Ngày tàn cuối cùng của cuộc chiến. Mặc dù nằm trong bộ phận liên lạc và sắp xếp cho những người được phép di tản ở sân bay Tân Sơn Nhất nhưng ông lại không nghĩ đến việc đưa gia đình vợ con ra đi khi được người đồng sự nhắc nhở: "your turn".Gia đình ông bị kẹt lại và sau này vợ và con ông phải vượt biên theo ngả Campuchia bằng đường bộ.

Ông kể về những lần đi công vụ nhận và trao trả tù binh. Từ TNS John Mc Cain bây giờ, đến cựu Đại sứ Peterson hồi trước, và hàng ngàn người lính khác nhau ở hai bờ chiến tuyến đã được ông nhận lãnh và trao trả ở Lộc Ninh, ở Cà Mau hay ra tận Nội Bài.

Cụ thân sinh của ông làm ở phòng Nhì- Sở Mật thám của Pháp và đi theo Việt Minh. Sau hòa bình ở miền Bắc thì không còn được tin dùng. Có lần ông cùng phái đoàn quân đội miền Nam đi Hà Nội và đã bị phái đoàn quân đội Bắc Việt dùng hình ảnh ba của ông để chiêu dụ ông quy hàng. Ông kể rằng sau sự kiện đó. Sau khi về lại Sài Gòn, ông bị nhận hình phạt làm lính không lon trong suốt 60 ngày. Cha con không gặp được nhau trong quãng thời gian dài đằng đẵng cho đến khi 1985 cụ thân sinh phải vất vả từ Sài Gòn lặn lội ra Thanh Hóa tìm thăm.

14 năm nếm mùi lao tù. Trong đó có 7 năm biệt giam, bị cùm tay - chân và nhốt trong hầm kín vì tác phẩm "Tù nhân và hòa bình" (in năm 1974) của ông được giải thưởng văn học ở hải ngoại.

Năm 1989 ông được phóng thích nhưng vẫn bị quản chế ở Bình Dương. Sống trong một căn nhà tranh vuông vức với tấm nền là 360 miếng gạch tàu do bạn bè giúp đỡ góp tiền. Ông cho rằng đây là quãng đời hạnh phúc  khi được sống giữa tình bằng hữu.

Làm một người lính chiến, nhưng chữ nghĩa nó vận vào người mà buộc mình phải viết ra sự thật. Cái nợ văn chương nó vậy. Ông nói.

Mang tinh thần cảm khái của một người lính Nhảy dù. Với tâm niệm viết ra cho tận cùng sự thật những gì mình chứng kiến. Nhà văn Phan Nhật Nam khi mới ra định cư ở hải ngoại năm 1993 đã bị không ít nhóm người trong cộng đồng chụp cái mũ "cộng sản" từ Úc châu, đến Âu châu, qua Mỹ quốc. Buồn tình, tôi qua ở hẳn bên Minnesota. Ông kể lại những chuyện đó. Và ông cười.

Sau một cuộc đại phẫu, vì lý do sức khỏe ông chuyển về vùng Nam California sống giữa bạn bè từ năm 2006.

Miên man theo những câu chuyện của một con người có nhiều trải nghiệm thăng trầm trong đời sống, tôi nhận thấy ở trong ông có trái tim nhiều thương cảm của một nhà văn. Có một câu chuyện ông kể làm chúng tôi xúc động.

Trong quãng thời gian khi bị quản thúc ở Bình Dương, ông gặp một đôi vợ chồng bị thương tật. Vợ cụt hai tay, chồng bị mù cùng dắt díu 2 đứa con lội bộ từ Lộc Ninh về Bình Dương khi trời đang sẫm tối. Ông hỏi anh chị đi đâu? Thì được nghe trả lời là tính đi bộ về Tây Ninh vì nghe đâu dưới đó có Chùa đang phát chẩn. Ông bảo: Thôi, lên xe ông chở ra bến xe An Sương. Rồi ông cho tiền để đón xe đò. Nếu đi bộ thì biết khi nào mới đến được? Ông chở người vợ và 2 đứa con đi trước. Dặn dò anh chồng mù ngồi yên, đừng đi đâu chờ ông quay lại. Trên xe, chị vợ kể chị là chiến sĩ diệt Mỹ. Đã từng đi hội nghị ở Cuba. Trong một trận đánh chị ném lựu đạn bị thương cụt tay. Vào bệnh viện gặp anh chồng cũng là thương bệnh binh nên được kết hợp yêu nhau để tiện sau này cùng nhau chăm sóc.
Khi ông quay lại để đón anh chồng mù thì ông lại được nghe tâm sự. Lúc ngồi chờ ở đây em mong là bác đừng quay lại. Và cũng muốn cho con vợ nó bỏ đi luôn. Vì đời em mà nó khổ quá nhiều rồi...

Ông nghẹn ngào khi lập lại lời bộc bạch của người chồng mù. Không giấu được xúc động. Đưa tay lên khóe mắt. Rồi ông nói lớn:

Nỗi khổ của dân tộc mình nó lớn như một quả núi!

Nỗi khổ của dân tộc mình nó lớn như một quả núi. Câu nói của nhà văn Phan Nhật Nam khiến cho tôi cứ bị ám ảnh mấy ngày nay.

Saturday, July 21, 2012

Viết cho Aurora

Vụ nổ súng tại một rạp chiếu phim ở Aurora, tiểu bang Colorado đã một lần nữa gây chấn động nước Mỹ về chuyện súng ống . 12 người chết. 58 người bị thương. Hung thủ, James Holmes - 24 tuổi, đã chọn tấn công những người đến xem xuất chiếu đầu tiên phim "Batman - The Dark Night Rises" ra mắt vào đêm thứ Năm- rạng sáng thứ Sáu. Sự hồ hởi và náo nức mong chờ về một cuốn phim mới. Cái thú đẹp đẽ và nhỏ nhoi là muốn được thưởng ngoạn về phim ảnh của những nạn nhân vô tội đã bị cướp đi bởi một kẻ có học thức nhưng suy nghĩ bất thường.

Cuộc sống con người mong manh quá! Nỗi đau đớn của con người không chỉ đến từ những điều ghê gớm như chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên... mà có thể đến từ những gì rất đỗi gần gũi chung quanh mình. Trong lần này là đến từ những ý nghĩ của sự lố bịch và điên rồ.

Thành phố Aurora ở tiểu bang Colorado rơi vào thảm kịch bởi súng ống và kẻ điên. Nước Mỹ treo cờ rũ để cầu nguyện cho các nạn nhân. Chúng ta hãy dành những suy nghĩ cho Aurora. Cầu nguyện cho những con người xấu số.

Thực sự, James Holmes là một người bình thường. Nhưng điểu gì đã làm cho anh ta, từ một người đang ghi danh học Ph.D về thần kinh lại trở nên như vậy?

Súng ống hay là con người? Tôi nghĩ là cả hai.

Tôi là một người thích súng ống. Nhưng không nhất thiết là tôi ủng hộ súng ống 100%.
Và tôi cũng là người thích cảm giác. Nhưng tôi nhìn nhận bất kỳ chuyện gì thì yếu tố về trách nhiệm của con người cũng phải cần được xem xét.

Con người cần phải được dạy dỗ kỹ lưỡng về mục đích và kiến thức súng ống trước khi muốn sử dụng nó. Nếu bạn chưa được chuẩn bị thì đừng chọn. Hãy cẩn thận. Và cũng đừng tạo điều kiện để có một khẩu súng quá dễ dàng mọi lúc mọi nơi, ngay trong ngăn kéo hay ngay dưới băng ghế trong của chiếc xe mình.

Nhân sự kiện bi thảm ở Aurora hôm nay, nhiều người có thêm lý do để yêu cầu kiểm soát súng ống.

Tôi không biết James Holmes có kiến thức gì về súng ống chưa? Nhưng việc anh ta mua được 4 cây súng trong vòng có 2 tháng là điều không thể tưởng tượng được.

Nhưng ai mà biết được, sự việc xả súng vào đám đông trong rạp hát có thể sẽ khác đi nếu trong đêm hôm đó, một trong số người xem phim có người mang theo khẩu súng?

Dành những giây phút thương tiếc cho những nạn nhân ở Aurora. Bạn sẽ thấy mình đứng về phía nào, ủng hộ hoặc bác bỏ đạo luật kiểm soát súng ống?

Thursday, July 19, 2012

Mỗi ngày một tấm hình (14)

Nguyễn Minh Tâm... Mê Nhảy Đầm
Đây là giai đoạn lịch sử mà có thể đặt cho nó một tên gọi hết sức là lả lướt: "Sự va chạm của những nền văn minh". Hoặc cũng có thể gọi một cách ngắn gọn là: "Thời thổ tả". Hehehe..

Nguồn: facebook.com

Monday, July 16, 2012

Tứ cú Thái Bá Tân

Lên internet dạo này, thấy người ta thường chuyền cho nhau đọc và share những cái link có những bài thơ của Thái Bá Tân. Một dịch giả có tên tuổi. Hồi trước, đọc thơ của ông dịch. Bây giờ thơ của ông cần được người khác dịch. 
Đọc thơ tứ cú của Thái Bá Tân có một cái sướng là có thể trích, lượm ra một hoặc hai đoạn mà người đọc thấy tâm đắc để áp vào một phân khúc nào đó trong đời sống mà không cần phải xài hết cả một bài tràng giang đại hải. Rất là phê. Giới thiệu cho mọi người đê. Hêhêhê..
Thái Bá Tân                                             
NHÂN TÀI

... Nhân tài, nhà nước nói,                           
Là nguyên khí quốc gia,
Và rằng kính trọng nó
Không đâu bằng nước ta?

Rất có thể nhà nước
Nói điều ấy thật lòng,
Việc làm của nhà nước
Lại khẳng định là không.

Này nhé, nhà nước nói
Cán bộ hồng và chuyên.
Nôm na là đảng trước.
Tức là phải đảng viên.

Đảng viên mới lãnh đạo,
Không thì thôi, good-bye!
Cả khi anh cực giỏi,
Đức độ và có tài.

Không nói, ai cũng biết
Đã qua rồi cái thời
Vào đảng vì lý tưởng,
Vì xã hội, con người.

Giờ người ta vào đảng
Để kiếm lợi, cầu tài.
Nôm na là cơ hội.
Cơ hội vì bất tài.

Còn những người tự trọng,
Và có học, tất nhiên
Họ sẽ không chịu nhục
Uốn gối vì đồng tiền.

Khó hình dung người giỏi
Như ông Ngô Bảo Châu
Lại tự nguyện vào đảng
Hay nhẫn nhục cúi đầu.

Nhà nước đang khuyến khích
Bọn cơ hội, xu thời
Bọn bất tài vô học
Thành quan, lãnh đạo đời.

Tức là cũng đóng cửa
Mọi con đường công danh
Trước những người tử tế
Không muốn hạ thấp mình.

Theo lẽ thường, người dốt,
Khó chấp nhận người khôn,
Và thế là trù dập,
Và thế là ra đòn.

Và thế là rốt cục
Cán bộ đang nắm quyền
Phần lớn là cơ hội
Ngu dốt và hám tiền.

Thế đấy, ngẫm thì biết,
Nhân tài ở nước ta
Được tôn trọng thế đấy.
Thật buồn và xót xa.

Hà Nội, 17. 7. 2012
 
 

Sunday, July 15, 2012

Customer service (2)

Vượt ra khỏi khuôn khổ của một reply comment về cách đặt vấn đề của anh Diên Hoàng và chị BeBo. Nên em làm tiếp cái ẻn này. Hihihi..

1. Trước hết, không thể có suy nghĩ áp đặt toàn bộ BBT, đồng sự của anh HN phải bỏ việc, từ chức, hoặc đình công... để xem đó là yếu tố chứng minh, hoặc để khẳng định việc anh HN đúng. Quyết định tùy theo suy nghĩ, tâm tư của từng cá nhân. Không thể đòi hỏi và đưa ra kết luận võ đoán như vậy được. Sếp Nhiên làm, sếp Nhiên chịu trách nhiệm với cấp trên. Vậy thôi.
Đồng nghiệp trong BBT tờ NV có hèn hay không? Chỉ có họ biết. Họ tự vấn. Và họ sẽ có câu trả lời nếu xét trên góc độ tính chất của nghề nghiệp. Không ai có thể kết luận hay giải quyết chuyện sang- hèn trong vần đề này ngoài chính bản thân họ. Hơn nữa, họ là nhân viên cấp dưới. Không thể đặt trách nhiệm ra ngoài vị trí mà họ đang đứng.

2. Trong entry trước của em, em gọi Ban lãnh đạo tờ NV là hèn nhát dựa trên tính chất hành động của họ. Cho dù (em nói là "cho dù" thôi nghe) thuộc cấp của mình phạm lỗi lầm gì. Việc hành xử bằng cách đuổi việc để nhằm xoa dịu dư luận là việc làm của những người không tử tế. Khỏi cần phải đưa quá nhiều những điều kiện dài dòng mà em nghĩ là vụn vặt, và "nhảm" nào là: nhà báo, lương tâm con người, đạo đức nghề nghiệp, cách hành xử đối với "người có công với cách mạng".. Khỏi cần phải đao to búa lớn, dùng ngôn ngữ tầm tầm bậc trung để xét hành động tệ hại cũng đã ok rồi.
Nhìn bề ngoài, đó là hành động quyền uy của lãnh đạo đối với thuộc cấp, về mặt biểu hiện. Nhưng xét sâu hơn, tính chất hành động, là sự hèn nhát, chạy trốn trách nhiệm của cấp trên, của các ông lớn. Kết luận. Hèn đại nhân.
Hẹp hơn một chút nữa, xét trên đặc trưng hoạt động của công việc. Với tên gọi là báo chí, ngôn luận, cái gọi là công tác hoạt động trong lĩnh vực truyền thông (dù là đơn thuần làm báo kiếm tiền)... Lại đang hít thở cái không khí của xã hội tự do (rất nhiều anh vỗ ngực tự hào) như Hoa Kỳ này, nhưng có hành động phủ đầu, rất là đáng chê trách, đối với một người làm báo đang đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong tòa báo của họ.
Nghĩ xem. Liệu một  kẻ hủ nho, ương ngạnh, không có học thức, hoặc dễ dàng phản bội, dễ bị kích động giật dây hùa theo cộng sản lại được các sếp lãnh đạo của một tờ báo có tiếng như NV, được tin cậy, giao cho chức TBT hay không?
Mở rộng thêm hướng khác trên những điều em vừa nêu. Nói luôn cho khỏi mắc mớ để rơi vào vòng tranh cãi nhì nhằng. Em nghĩ rằng, hiện tại, nhân sự việc "got fired tập 2" này, không ít người sẽ xem mr. Nhảm là làm báo kích động, là người gàn dở và thích nổi tiếng... Nhất là cái thời buổi tao loạn này (chữ của Mẹ Titi, thank you), những cái gì được xem là đạo đức, là trí tuệ, là đi trước người khác một bước trong suy nghĩ... sẽ được xem là trò hề trong lịch sử. Huống chi ở cái cộng đồng ở hải ngoại nhỏ bé này. Những suy nghĩ cực đoan không thiếu. Những kẻ có suy nghĩ bảo thủ, hẹp hòi, GATO...sẽ không thích mr. Nhảm là chuyện đương nhiên. Nên phần nào họ không nhìn thấy rõ cái tầm làm báo của anh này. Đó là điều đáng tiếc!

Good point!

Có lẽ anh Hoàng hay nhiều người khác, nếu có quan tâm đến chuyện này sẽ dễ dàng tìm vào những cái link trên tờ NV, trang web BBC để biết chuyện. Sẽ biết mistake gì. Entry trước không đề cập nhiều vì em nghĩ là không cần thiết và mọi người đã biết.
Một bài viết của độc giả vào tháng 4, một bài viết đáp lại của độc giả khác vào tháng 7. Sự việc này xảy ra liên quan đến 2 thời điểm cách nhau khá xa. Trên cái mục gọi là Diễn đàn. Một trang báo mà chủ trương của tờ NV là giành cho độc giả "xả xú páp". Xả qua, thì phải cho người ta xả lại chứ! Đúng như anh Hoàng đã nhìn nhận vấn đề của cuộc sống là có này, có nọ, có kia.
Thực sự, có mấy ai quan tâm đến trang Diễn đàn này ngoài những vị có viết bài và gửi vào cho tờ NV??? Tờ NV đã cho đeo khiên, mặc áo giáo cho trang này rồi. Trích lại:  "Các bài viết đăng tải trên phụ trang Diễn Ðàn Người Việt không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Nhật Báo Người Việt, mà chỉ là quan điểm riêng của từng tác giả". Quá hoàn hảo. Giáp dày thế việc gì phải sợ?
Khi sự việc được "phát hiện" ra, Ban lãnh đạo tờ NV đã có lối xử lý rất là không thông minh -> sợ trách nhiệm -> ích kỷ-> cuống cuồng ra tay trảm tướng -> hèn hạ. Mũi tên ắt sẽ còn dài. Nhưng thôi. Dừng ngang đó là đủ thấy bản chất của hành động rồi. Kéo dài chi thêm tệ hại.

Em cho chuyện này là mistake. Nếu xét sâu thì chưa chắc à nghe. Như vậy trái banh đá về cho phía Ban lãnh đạo NV rồi còn gì?! Hành động diễn ra, kết luận kịp thời. Trong chuyện này kẻ thì tiếc, người thì cho là bình thường. Done! Ở xứ này, mất việc này kiếm việc khác. Nhưng mất người thì khó kiếm. Nhất là thời buổi "Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì quá chừng" như này. Mr. Nhảm mất cơ hội để thể hiện khả năng làm báo tài giỏi của mình. Ác! Mất một người đối với họ thì không sao. Làm mất nhiều thứ của một người mới ác nghiệp. Cho nên. Cảm tính hay khách quan bây giờ chắc là anh em mình không nên bàn cãi.