Saturday, December 22, 2012

Lincoln


Viết sách, làm phim tiểu sử về một con người, đôi khi không cần thiết phải tràng giang đại hải. Chỉ cần làm sao cho hấp dẫn về một thời điểm, một việc làm... cũng đủ để khiến mọi người phải tìm giở lại những trang lịch sử để kiếm tìm sự ngưỡng mộ về con người đó.
Phim Lincoln của đạo diễn Steven Spielberg là một dạng như vậy. Nó là một món quà có nhiều giá trị ý nghĩa dành tặng cho mọi người nhân mùa lễ Tạ ơn.

Trong lịch sử nước Mỹ có những nhà lãnh đạo vĩ đại bởi vì họ biết tạo ra những khoảnh khắc vĩ đại. Mọi công dân Mỹ có thể hãnh diện bởi những điều này, nhưng có lẽ may mắn hơn, hạnh phúc hơn nếu những công dân nào được chứng kiến hoặc trải nghiệm cảm xúc của mình vào thời khắc lịch sử tuyệt vời đó.
Phim Lincoln như tái tạo cảm xúc đó cho bạn ngay trong thời hiện tại. Chỉ bằng những khuôn hình trên màn ảnh, người xem như được sống lại vào giai đoạn lịch sử trọng đại cách đây gần 150 năm - nước Mỹ vào năm 1865 dưới thời Tổng thống Lincoln.

Phim về Tổng thống Lincoln nhưng hoàn toàn không phải là phim nói về toàn bộ tiểu sử của Tổng thống Lincoln, phim đơn giản mô tả một chi tiết rất nhỏ trong đời sống chính trị của ông. Bên cạnh những câu chuyện nhỏ liên quan đến cuộc đời của TT Lincoln được nhà kịch bản Tony Kushner và đạo diễn Steven Spielberg đưa vào, bộ phim như là một lát "ham" được cắt rất mỏng trong bề dày lịch sử chính trị của nước Mỹ. Phim Lincoln không chỉ mang lại giá trị thưởng thức mà còn có yếu tố đằng sau của phim là những chiêm nghiệm thực sự.  Trong phim thấy được một Lincoln thông tuệ, lỗi lạc nhưng hết sức bình dị, không xa cách như phong cách thường thấy của kẻ có quyền lực ở nhiều người.

Lincoln là một Tổng thống vĩ đại, sự vĩ đại của ông được khẳng định qua tài năng lãnh đạo của một chính trị gia xuất chúng. Ông nổi tiếng bởi những bài diễn văn với ngôn từ hết sức hùng hồn, những lời lẽ đầy tính thuyết phục... mà nhiều người đã được đọc, hoặc đã từng nghe đâu đó một đôi lần. Đó là những di sản quý giá của Hoa Kỳ. Tổng thống Lincoln là một biểu tượng đầy tự hào của người dân nước Mỹ.

Lincoln tái đắc cử vào thời điểm nước Mỹ rơi vào cuộc nội chiến Bắc Nam kéo dài đã 4 năm bởi sự bất đồng về chế độ nô lệ, điều này làm cho chính trị đảng phái của nước Mỹ vốn đã bị phân hóa trong lưỡng viện quốc hội bấy lâu, nay có thể là nguyên nhân trực tiếp đẩy nước Mỹ rơi vào nguy cơ của sự chia rẽ.

Vậy thì, làm thế nào để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng về chiến tranh? Chấp nhận thỏa hiệp với các bang miền Nam để "cứu" nước Mỹ thoát khỏi tình trạng ly khai và bản thân mình được tại vị yên bề? Hay vẫn tiếp tục theo đuổi một cách cương quyết chính sách bãi bỏ nô lệ mà chấp nhận hy sinh và nhiều mất mát?

Máu đổ ngoài sa trường, hàng vạn người của cả hai phía Bắc Nam đang ngã xuống. Nội chiến kịch liệt xảy ra trong quốc hội, bãi bỏ nô lệ hay không cần thiết phải giải phóng con người?

Xem phim, thấy được tài năng diễn xuất và hóa thân tài tình của nam diễn viên nổi-tiếng-kén-chọn-kịch-bản-và-vai-diễn là Daniel Day-Lewis.
Một Lincoln trầm mặc, u uẩn, lênh khênh cao nhưng hết sức quyết đoán với gương mặt vuông đầy cương nghị, một tổng thống gây nhiều ấn tượng bởi chiếc cầm bạnh.
Một Lincoln có nhiều mẩu chuyện hay, kể cho những chú lính trẻ nghe về nhà toán học thời xưa đã tìm ra định lý toán học về sự giống nhau trong những tam giác đồng dạng.
Một Lincoln lúc trẻ tuổi đã sớm nhận thức về sự thờ ơ là điều không đúng đắn. Ông thấy rằng cha mình mặc dù không đồng ý chế độ nô lệ nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, tìm cách chuyển gia đình qua những vùng khác để sinh sống, là một hành động sai lầm.

Con người giống nhau, cần phải được xem họ có những tính chất như nhau. Ví dụ đơn giản như những tam giác đồng dạng của nhà toán học cổ đại.
Một khi nhận thức được điều gì sai lầm, phải bày tỏ thái độ, hoặc có thể là hành động, đừng vì sự an lành, sợ hãi mang tiếng xấu cho bản thân mà mình lãnh đạm thờ ơ. Bởi, đức hy sinh là điều cần thiết.

Nước Mỹ vốn tạo ra nhiều tiêu chuẩn chỉ để dành cho bản thân họ riêng dùng, những "American Standard" thật không giống ai nhưng khi tìm hiểu cũng có nhiều thú vị. Sinh hoạt chính trị ở Mỹ là một dạng tiêu chuẩn như vậy. Một đoạn phim trong phim Lincoln dựng lại cảnh tranh luận ở hạ viện quốc hội Mỹ thời bấy giờ. Giá trị lịch sử mặc dù đã cũ nhưng khi xem vẫn thấy vô cùng hào hứng.
Quốc hội Mỹ không chỉ đơn giản là "tụi Cộng hòa bảo thủ" hoặc "đám lừa Dân chủ ngu ngơ" suốt ngày ra rả công kích nhau, mà đó là một khối thống nhất đầy năng lượng mỗi khi quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tổng thống Lincoln và những người trong đảng Cộng hòa đấu tranh cho việc bãi bỏ nô lệ, họ không chỉ giải phóng cho 4 triệu người da đen của thời xưa. Mà họ đã giải phóng cho cả hàng trăm năm mai hậu.

Tổng thống Lincoln đã để lại cho nước Mỹ một di sản, một giá trị vĩ đại. Di sản đó không chỉ đơn giản là điều luật thứ 13 được bổ sung trong hiến pháp, giải phóng nô lệ, mà nhìn kỹ, rõ và sâu xa hơn rằng, con người không còn bị phân biệt, điều này làm nên sức mạnh của nước Mỹ. Sức mạnh về sự hợp nhất lòng người đã tạo ra sự vĩ đại và làm nên những giá trị của nước Mỹ ngày nay.

Phim khởi đầu đã lâu, bắt đầu từ mùa lễ Thanksgiving, hiện tại lác đác vẫn đang còn trình chiếu. Mời quý vị tìm xem phim này (vẫn còn kịp), rồi tự bình chọn trước khi phim được giải Oscar.

5 comments:

  1. film nay la trong cai list minh dang muon di xem. Doc xong review cang muon di xem nua. Chuc ban GX mua Noel vui ve!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thank you Tuấn. Chúc bạn cùng gia đình một mùa Noel vui vẻ và ấm áp.

      Hy vọng là phim vẫn còn chiếu rạp. Khi nào Tuấn về lại DC thì xách máy ra tượng đài Lincoln tìm vài góc đẹp đẹp làm vài pose. :))

      Delete
  2. Nói chung là cứ ước thôi, ước VN minh có được ông TT giống như 1 ông của nước Mỹ.

    ReplyDelete
  3. Chúc bác Gác một mùa Giáng sinh vui vẻ nhé.

    ReplyDelete
  4. @Lana: Phải công nhận một điều rằng dân Mỹ quả là may mắn khi có được những nhà lãnh đạo đất nước thực sự biết nghĩ cho người khác.
    Giáng sinh vui vẻ nhé!

    @Chị Hằng: Thank you. Chúc chị và gia đình cũng có một mùa lễ Giáng sinh ấm cúng và tươi vui.

    ReplyDelete