Wednesday, August 31, 2011

"Đôi dép Empedocle"

Mấy tuần rồi, bà con bloggers lên tiếng hà rầm về cái vụ anonymous ghé nhà quăng đá. Và có người đã nổi máu xung thiên lượm đá ném lại, rồi lời qua tiếng lại, rồi thể hiện cái quyền làm chủ của blogger nên delette cái còm, rồi có nhà phát bệnh mà đóng cửa, khiến cho bạn bè hớ hớ không biết chuyện chi? Hihihi..

Đến lúc chị Cáp đưa cái vụ án mạng xảy ra giữa thật - giả rối rắm của người và nickname, mà đài ABC có phát trên TV thì xem ra thế giới online cũng lắm nhiều điều phức tạp. Nghĩ đến mấy chuyện vừa rồi, khiến cho tôi lại nhớ đến đoạn văn ngắn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trên báo Thanh Niên, tôi được đọc cũng khá là lâu, khi ông nói về Empedocle.

Empedocle là một triết gia, nhà y học và cũng là nhà thơ cổ đại người Hy Lạp. Cái chết của Empedocle đã trở thành huyền thoại khi ông nhảy vào miệng núi lửa Etna và ông tin sẽ được như thần linh, khi ông chết để lại đôi dép trên miệng núi.

Tôi nhớ và tôi ấn tượng cái mẩu viết rất ngắn đó khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn hình ảnh "đôi dép Empedocle" để luận bàn về chữ danh của người nghệ sĩ, của nhà văn, và suy rộng ra là về sự hiếu danh của con người. Cũng theo nhà văn họ Hoàng thì những người nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ.. để lại trước tác của mình như vết tích đôi dép của Empedocle. Đó là sự lưu danh và họ trở thành bất tử.

Nay có mấy chuyện lình xình vừa rồi. Tôi ngẫm nghĩ...
Trước tiên là xin lỗi mấy bác anonymous có tên có tuổi nha. Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh hạnh của gia đình xóm blog chúng tôi. Kính!
Nhưng với mấy bác anonymous mà mợ Lún gọi là tặc danh? Họ thì chắc chắn là không bất tử, nên họ càng  không muốn lưu danh. Ặc ặc..

Vậy chớ có cần để lại tên không? Để tên lại mà làm giề?

Tất nhiên, trong đời thường, xem nhẹ chữ danh là một điều tích cực nếu đem đối sánh với những kẻ hám danh phù phiếm. Nhưng về thực chất. Danh, cái tên gọi là khẳng định sự hiện hữu của mình trên đời. Nó như là một điều nói lên sự công bằng và tính minh bạch cho sự tồn tại, có tên gọi để phân biệt chính anh là ai, mà không thể lẫn lộn với người nào khác?!

Đời thường thì cần danh mà kêu, còn ở trên cyber world thì càng lại phải lưu danh để có trách nhiệm với những gì liên quan đến bản thân mình, với những gì mình viết ra. Internet là phương tiện hữu hiệu của thế giới văn minh. Sử dụng cái công cụ văn minh thì cần phải thể hiện cái sự biết của mình. Đó là tự do đi kèm với lòng tôn trọng.

Kể ra mà nghe: Trước khi có blog, tôi thường tham gia vào các forum, các diễn đàn và chọn cho mình một cái nickname. Dùng nickname của mình như một thứ vũ khí để mà đi đấu khẩu. Sau này tôi nghĩ, nếu mình lấy cái tên thật của mình, cũng chả có ai biết mình là ai. Chẳng lẽ người ta theo mình về nhà để lôi đầu mình ra dần cái tội là chuyên đi chưởi lộn? Hoặc giả sử, nếu có lỡ miệng nói nặng với ai điều gì, khi mình đi ra ăn phở ngoài Bolsa, chả lẽ người ta gặp mình rồi la toáng lên bớ làng bớ xóm thằng này chưởi tui trên diễn đàn "chơi chim cá kiểng"? Hahaha.. Thiệt là chuyện hoang đường!
Rồi từ đó về sau, tôi lấy tên tôi đàng hoàng. Thanh Nguyễn hoặc Nguyễn Thanh thì có mà nhiều như rác! Tôi lại tham gia các diễn đàn và cũng tranh luận tùm lum. Cũng bị mắng là dốt, là khờ nhưng lại nhận được cách xưng hô là "bác" chứ không phải là "cu Cá Kèo", "thằng Hotdog" như hồi xưa kia nữa. Có tên có khác!

Và một khi tôi không còn là vô danh, không còn thời của những nickname, tôi nhận ra một điều rất hay là tôi đã vượt qua chính bản thân mình. Tôi điềm tĩnh và tự tin hơn và đặc biệt là không trở nên hèn hạ. Tôi đã không còn sợ hãi. Vì điều hay lẽ phải mà tôi biết tôn trọng người ta và đòi người ta cũng phải tôn trọng lại mình. Fair!

Vì vậy, thưa mấy bạn anonymous!
Thế giới  bên ngoài, thế giới online hay ảo thực lẫn lộn của thế giới blog, của cyber world. Tất cả diễn ra chỉ là những điều không có gì bền vững. Nhưng không vì vậy mà mình trở nên lẫn khuất. Hãy để lại dấu chân, để lại cái tên, hoặc để lại dấu tích đôi dép của mình... theo chiều hướng của sự tự do nhưng biết cách tôn trọng để thấy mình mạnh dạn và có tự tin hơn như Empedocle đã làm là gieo mình xuống lửa.

Sunday, August 28, 2011

Make Art. Create Community


Làm nghệ thuật. Tạo dựng cộng đồng. Đó là câu slogan của VAALA. (Vietnamese American Art & Letter Associantion)

Tối hôm thứ Sáu đi dự buổi khai mạc "Marvelous Metaphors: Art as Visual Poetry" (tạm dịch: Phép ẩn dụ nhiệm màu - Nghệ thuật như một bài thơ thị giác). Nội dung, mục đích của buổi triển lãm này thì miễn bàn vì phải đến xem, phải tham dự mới cảm nhận được cái cảm xúc của những người nghệ sĩ. Tuy nhiên, người nào thực sự quan tâm về nghệ thuật thì có thể tham khảo qua cái link ở đây hoặc ở đây.

Điều mà tôi muốn nói  là VAALA. Như cái câu slogan trên mà VAALA đề cập. Đến với cộng đồng người Việt ở California nói riêng hay người Việt hải ngoại khắp nơi trên thế giới không chỉ có phở, bún, cháo, ăn ăn và chỉ ăn. Mặc dù ăn được nâng lên tầm nghệ thực, nhưng bản chất miếng ăn vẫn là miếng tồi tàn.

Với người dân VN ở trong nước, muốn thế giới nhìn vào VN để thấy cái văn hóa của nước mình. Vậy với người dân sống lưu vong cũng vậy, muốn các sắc dân khác nhìn thấy được cái gì ở cái sắc tộc mà mình đang mang. The car you drive? The diamond you wear? The money you get? Nah! Chỉ có làm nghệ thuật để tạo dựng cộng đồng như VAALA đang làm.



VAALA tổ chức liên hoan phim, tổ chức triễn lãm tranh, tổ chức thi vẽ tranh Trung thu cho các cháu nhỏ, mở lớp học hát bội, mở lớp học múa rối...

VAALA đang nỗ lực vẽ lên diện mạo cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Và đặc biệt hơn, các thành viên trụ cột của VAALA lại toàn là phụ nữ. Đàn ông chỉ lo đi làm, về nấu ăn, rồi giữ con và chở vợ đi chợ thôi sao? Thả cho mấy ảnh chơi và vẫy vùng chút đi mấy chị. Hehehe..

Vẫn biết rằng, nơi nào có đông người Việt, thì sinh hoạt cộng đồng ở đó sẽ lớn mạnh. Điều đó chỉ đúng với cái điều kiện là tính chất hoạt động sinh hoạt gì ? Thật nhiều quán phở trên toàn thế giới? Thật nhiều phòng khám bác sĩ  với những bảng hiệu tên VN đủ loại màu sắc xanh đỏ tím vàng? Hay một buổi đọc thơ, giới thiệu sách? Hoặc một buổi trình diễn âm nhạc, triễn lãm tranh, nghệ thuật nhiếp ảnh, hoặc một buổi chiếu phim của người Việt bình thường?
Những hoạt động có tính chất duy nhất và riêng lẽ đó sẽ là những viên gạch đầu tiên tạo dựng cộng đồng. Nơi đó, người Việt đến không chỉ để làm ăn mà họ đến ở và sống một cách thực thụ.

Làm - Ăn  để mà Chơi Nghệ thuật. Ba bước tiến trình văn minh của cuộc sống.

Wednesday, August 24, 2011

Đọc báo cọp và câu chuyện triết học

1. Nhân vụ cọp báo ở nhà Ngọc Lan, làm tôi nhớ lại hồi xưa tôi là một "con ma" đọc báo cọp. Đọc báo cọp vì không có tiền mua. Báo ở Sài gòn gửi ra Huế chậm hai ba ngày với số lượng cũng khá ít ỏi. Tờ báo được đọc cọp nhiều nhất là tờ Kiến Thức Ngày Nay. Mới đầu là nguyệt san, sau đó là bán nguyệt san, rồi sau nữa bán chạy như tôm tươi thì ra tuần san hay weekly gì gì đó. Thường thì đọc cọp thì phải đọc cho lẹ và nhớ kỹ. Vì không có cơ hội đọc lại lần hai.
Sau này vô Sài gòn, có thời gian cùng với thằng bạn đứng phụ bán báo ở khu vực Lăng Cha Cả - đường Cộng hòa. Lúc này thì không có đọc cọp nữa mà đọc vì nghề. Đọc để mà nắm tin tức còn biết mà múa mép xúi cho người ta mua báo. Một ngày, cả hàng chục loại báo đổ xuống, hai thằng căng mắt ra đọc muốn lòi tròng. Lúc này dân Sài gòn người ta ào ào đọc báo An ninh thế giới, báo đủ loại Công an tin về các vụ án giết người, cướp của...Trước đây, báo chí SG đổ ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Vậy mà giai đoạn này ở Sài gòn tờ An ninh Thủ đô, tờ Công an Quảng nam Đà nẵng bán cũng rất chạy. Nhớ lại một thời hoàng kim bán báo ở Sài gòn. Sướng!

2. Đây là câu chuyện nhớ là đọc trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, không có liên quan gì đến vụ cọp báo ở trên kia, và cũng không nhớ là đã đọc cọp ở Huế hay ở Sài gòn. Nhưng nội dung câu chuyện này thì nhớ vì nó làm "nhức đầu", và nhớ luôn cả cái tựa là "Câu chuyện triết học". Nay chia sẻ với mọi người câu chuyện đáng nhớ nhiều suy nghĩ này:

Xưa, ở một thành nọ, có một ông lão hành khất hàng ngày đứng ở cổng thành chờ người qua lại để xin của bố thí. Một hôm, như thường lệ, cổng thành mở và nhiều thương gia và khách  bộ hành qua lại buôn bán và giao thương. Bất ngờ, lão hành khất chặn một người đang đi trên đường và kính cẩn cúi mình cất tiếng:

- Xin ngài rủ lòng thương.

- Ta không có gì cả. Lão già ạ!  Khách bộ hành trả lời.

- Thưa ngài, xin ngài hãy bố thí cho kẻ hèn mọn này. Ông lão vẫn van nài.

-Đừng cản trở công việc và thời gian của ta. Vị khách trả lời. 

- Ngài là một thương gia giàu có của thành này. Xin ngài hãy tỏ lòng thương xót già này. Lão hành khất vẫn kiên nhẫn và nhã nhặn.

Ngạc nhiên trước lời nhận xét và thái độ của ông lão. Vị khách bộ hành cất tiếng:
- Này ông lão, ta đúng là một thương gia giàu có của thành này. Nhưng ta không bao giờ bố thí cho ai một khi phải có điều kiện. Nếu ông trả lời được câu hỏi của ta. Thì ý muốn của ông sẽ được toại nguyện.

- Vâng, tôi xin hầu chuyện ngài. Lão hành khất nghiêng mình trả lời.

Một chút điềm tĩnh và tự tin, vị thương gia đưa ra câu hỏi: 
- Trong hai con mắt của ta, có một con mắt giả, được một thợ kim hoàn giỏi nhất vùng tạo tác và gắn cho ta. Chưa có ai có thể phân biệt được nó. Vậy nếu ông đoán được đâu là con mắt giả của ta. Ta sẽ nhường cho ông một nửa gia sản mà ta đang sở hữu.

Một chút bối rối thoáng qua. Ông lão ngước nhìn vị thương gia rồi kính cẩn:
- Thưa ngài đó là con mắt bên trái phải không ạ?

- Tại sao lão lại biết được điều đó?

Một thoáng tinh anh trên đôi mắt, lão hành khất vẫn cúi đầu và nhã nhặn trả lời:

- Thưa ngài, tôi đã nhìn thấy ở nơi khóe của con mắt đó có một giọt nước mắt.



Hết chuyện rồi, nhức đầu mà suy nghĩ đi nha! Hehehe..


Nhậu xuyên bang

Lịch sử nước Mỹ hình thành và phát triển từ bờ Đông qua bờ Tây. Cuối tuần vừa qua tôi lại làm một hình trình ngược lại, vác ba lô bay từ miền Tây qua miền Đông nước Mỹ để mà nhậu một trận ra trò.
Chuyện nhậu nhẹt hát hò hét thì chị Ba Đậu Lừng kể rồi, khỏi nhắc lại làm chi mà có người ganh tỵ. Hihihi..

North Carolina là tiểu bang được đại diện cho một cái sọc màu đỏ hoặc trắng trên lá cờ Mỹ. Sọc thứ mấy thì tôi không biết nhưng chắc chắn là một trong 13 "tiểu bang lập quốc" đầu tiên của Hoa Kỳ khi đòi quyền độc lập từ khối thuộc địa Anh.
Khi rớt xuống tiểu bang này, thấy câu "First in Flight" trên cái bảng số xe khiến cho tôi nhớ đến bài học về gương sáng tạo trong khoa học của anh em nhà Wright đã cho thử nghiệm chiếc máy bay đầu tiên. Và đó là niềm tự hào của người dân ở xứ này.

Đây cũng là xứ sở của thuốc lá và cây bông vải, vì vậy khi đến tiểu bang này gợi lên cái không khí của đồn điền và kiến trúc thuộc địa. Nhà sáu phòng, hai tầng cao ngất ngưởng nhìn rất thoáng, hầu như được làm bằng gỗ vì xứ sở của cây rừng. Màu xanh của cây ngút ngàn trông rất mát con mắt. Có loại thông lá kim như ở trên Đà lạt. Nội cái chuyện mấy cái xà làm bằng gỗ ở sân bay Durham cũng đủ thấy xứ này cây gỗ dư thừa đến mức nào rồi.


Ngoài ra, dân North Carolina tự hào có "Research Triangle" nối liền với ba địa danh có ba trường đại học lớn đó là NCSU ở Raleigh, Duke University ở Durham và UNC ở Chapel Hill. Ai có con em muốn đầu tư chuyện học hành, cũng nên tìm hiểu hệ thống trường ở đây, vì xứ này có lịch sử  bề dày và chuyện học hành được người dân ở đây coi trọng.

Chủ nhân ở North Carolina là một blogger nổi tiếng khỏi cần phải nói tên mà ai cũng biết. Chúng tôi lếch tha lếch thếch từ DC, Pennsylvenia và California kéo về NC để có một bữa nhậu hoành tráng với cua xanh mùa sáng trăng, nhưng ăn rất là ngon. Seafood miền Đông bao giờ cũng fresh!
Tôi thì có uống nhiều bia hơn vì có công sửa lỗi chính tả trên blog chị Ba cũng khá khá do bởi có giao kèo (trước đây) là một lỗi chính tả thì đổi bia chứ hông có lấy kẹo.
Sau bữa nhậu tối thứ bảy thì dân California có ca cẩm karaoke một vài bài và đặc biệt để tạ ơn chủ nhân nên đã có tặng lại quà cho cả nhà bằng một trận ngáy rớt ngay trên sofa vang trời rầm đất vì xỉn quá! Khiến cho chiều chủ nhật hôm sau vùng NC có một trận mưa mát mẻ cuối mùa hè. Thiệt là kỷ niệm...


Thank you North Carolina! Cám ơn cái tình cảm của đại gia đình Bố, Mẹ, anh chị em, và đặc biệt là của vợ chồng anh chị Ba. Chỉ cần một cái click chuột, một cái account trên blogspot của google, cuộc sống tưởng như phức tạp, khó khăn bỗng trở nên đơn giản hơn, vui tươi hơn, gần gũi hơn, bởi tình cảm chân thành của những con người vốn trước nay không quen biết.

Niềm vui khởi sự từ lòng chân thành. Offline đi bà con!

Tuesday, August 23, 2011

Wind of change in Libya



Chúc mừng cho người dân nước Libya.

Thay đổi. Chấn động. Đổ sập.

Cuộc sống con người cần phải có những khoảnh khắc như vậy.

Tôi muốn được chứng kiến, được trải qua và thèm được sống trong những khoảnh khắc như vậy. Nó là một cảm giác đầy ngoạn mục khó mà quên.

Friday, August 12, 2011

Lê Uyên Phương và Yêu

Giờ này còn gần nhau
Gần thắm thiết trong mối sầu, gần bối rối biên giới từ lòng đau...
Tiếng hát của một đôi song ca và tiếng guitare bập bùng, đã lôi đầu tôi dậy khỏi một giấc ngủ chiều, trên căn gác trọ trong một con hẻm ở quận Phú Nhuận. Sau một tuần nằm bẹp dí vì chán chường. Muốn bỏ học và đi một nơi nào đó thật xa.

Nhạc của ai viết vậy? Lời nhạc, giai điệu của bài hát.. cuốn người nghe đi theo một cách quái lạ. Tôi đã nghe nhạc của Lê Uyên Phương ở Sài gòn khi một ngày bắt đầu của tôi là một chiều rất muộn như vậy đó.

Nếu Paris hoa lệ đã từng ngập tràn sặc mùi nôn mửa bởi Jean Paul Satre. Thì Sài gòn của tôi và em lăn lóc yêu đương đẫm chất hiện sinh trên từng vỉa hè, góc phố với nhạc của Lê Uyên Phương. Sài gòn có những lúc chán chường, tôi đã theo em xuống phố. Quay cuồng say vì yêu nhau. Và chúng tôi tìm đến nhạc của Lê Uyên Phương, say sưa gõ nhịp thùng guitare. Và lại kéo nhau về Đà Lạt. Những bài ca về tình yêu rượt đuổi ở trên đồi.

Nhạc của Phương gợi lên cái bản năng hoang dã của tình yêu. Ngợi ca tình yêu. Cho dù tình yêu rỉ máu.
Nhạc của Phương như có lửa, hừng hực cháy. Chơi hết mình và yêu đam mê.

Khác với những ca khúc với những lời ca đầy chất siêu hình như của Sơn. Đưa con người tìm đến với ngọn nguồn, đặt câu hỏi lên trên số phận. Giai điệu âm nhạc của Phương là thực tại cuộc sống đang ngồn ngộn chảy, là rạo rực dâng tràn, chỉ có tình yêu hiện tại ở bên mình.

Phương viết không nhiều, chỉ có một vài bài phổ biến được nhiều người biết. Nhưng một khi nhạc của Phương cất lên. Cảm thấy lòng mình động đậy. Cuộc sống tuôn chảy ở trong người.

Đến với nhạc của  Lê Uyên Phương. Buông thả. Rơi, trong tình yêu. Cảm giác tự do. Dâng hiến. Trọn vẹn.

Tuesday, August 9, 2011

Mâm cơm của Mẹ tôi

Tôi có nhiều bạn bè ở các vùng miền. Bạn bè tôi thường hỏi câu này: Mấy bà già người Huế khó chịu lắm phải không? Ai về làm dâu mấy bà già Huế chắc là chua lắm? Trong câu hỏi đã có chứa câu trả lời. Gặp những câu hỏi như vậy tôi thường nói: Ồ, chuyện đó cũng tùy thôi. Có người thế này, có người thế kia. Với lại, đâu phải riêng chi Huế, mà bà già của mấy vùng khác cũng vậy.

Nhớ có một lần, ông anh tôi đi dạy ở Daklak về nghỉ hè. Và có đưa vợ chồng người bạn về thăm nhà. Mẹ tôi làm cơm đãi khách. Anh em chúng tôi phụ giúp bà già dọn cơm. Trời mùa hè ở Huế thường rất nóng, chúng tôi trải chiếu ở dưới sàn, dọn cơm ra giữa nhà, cả chủ lẫn khách đều cảm thấy thoải mái mà không hề câu nệ. Mẹ tôi nấu ăn ở dưới bếp, thi thoảng vẫn thường ghé lên nhà trên kiểm tra chúng tôi bày biện ra sao. Bất ngờ, bà già khều nhẹ ông anh xuống bếp nói nhỏ:

- Mặc dù là bạn của con, nhưng vẫn là khách của nhà mình. Hơn nữa, tụi con là thầy giáo thì cái chuyện ăn uống cần phải tươm tất và đàng hoàng một chút. Dọn cơm như vậy là phải có cái mâm.

Nghe vậy, chúng tôi lật đật chạy đi lấy cái mâm và xếp lại mấy dĩa thức ăn cho ngay ngắn.

Tôi không biết đôi vợ chồng bạn của ông anh có nghe được những lời mẹ tôi nói hay không. Nhưng khi thấy chúng tôi sắp xếp lại mâm cơm thì chắc thể nào họ cũng hiểu.

Mấy chuyến hè lần sau về thăm nhà, tôi được nghe ông anh kể lại. Chị vợ của anh bạn, từ đó về sau, luôn sử dụng cái mâm để dọn cơm cho chồng.

Mùa Vu lan đến rồi. Nhớ về bà già bằng một câu chuyện nhỏ.

Monday, August 8, 2011

Sinh ngày Bốn tháng Bảy & Full Metal Jacket

Bữa trước lễ Độc lập nước Mỹ, coi lại cái phim "Born on the 4th of July" của Oliver Stone và tính viết vài hàng. Rồi ham chơi, rồi lại thôi. Khi coi phim này có những cảnh quay về người biểu tình chống chiến tranh VN rất xúc động làm liên tưởng đến chuyện người SG bị trấn áp, cấm đoán, bắt bớ khi biểu tình chống TQ vừa qua. Trong phim, thấy lại cái lá cờ ba màu Xanh Đỏ Vàng thường được gọi là cờ Mặt trận (MTGPMN). Rất thích cái lá cờ này. Vì nó đẹp, vì cái màu xanh dịu làm mát con mắt, vì cái màu xanh nó gợi lên cái trí thức, cái màu xanh hòa bình, mảng xanh của bầu trời khao khát tự do... So với cái cờ Đỏ Vàng hùng hổ tạo nên cái cảm giác nghẹt thở vì máu của hiếu chiến. Và so với cái cờ Vàng Đỏ gợi nên tính bảo thủ, cái vàng chóe của bảo hoàng, sự trì trệ của giản đơn.

 

Phải công nhận là những người biểu tình chống chiến tranh VN đã góp phần làm cho cuộc chiến ở VN kết thúc nhanh chóng. Họ là những người có máu phản kháng. Tóc tai để dài, râu ria thậm thượt, quần ống loe, áo chim cò, make love, not war, chơi nhạc rock...  và rất là hippy. Họ là nhân dân tiến bộ Mỹ.
Nói chung, khi coi bất kỳ phim Mỹ nào về chiến tranh VN, có những cảnh dân hippy chơi nhạc rock, chơi cần sa, biểu tình phản kháng là mình thích. Mình ấn tượng. Rồi mình xúc động. Là mình khen hay.

Vậy mà, sau 1975. Thanh niên VN nào mà quần ống loe, con trai để tóc, dài, hát nhạc ngoại... thì bị xem là không tiến bộ. Là lai căng. Là bị đè đầu ngay giữa đường để cắt tóc. Là bị chận ngay giữa phố để xé ống quần. Cũng bị trấn áp giống như cảnh sát của chính phủ trấn áp người biểu tình. Do vậy, mình lập lại: khi coi phim gặp những cảnh này là mình nhớ, lại làm mình càng xúc động. Mình lại càng khen hay.

Theo cái còm gợi ý của mợ Lún, của chị Ba Đậu về cái phim Full Metal Jacket của Stanley Kubrick. Lục phim này về coi. Một phim hay về chiến tranh VN mặc dù không có cảnh dân hippy hát nhạc rock và biểu tình nổi loạn chống chiến tranh. Cũng từ những người lính tham gia trong cuộc chiến, Stanley Kubrick đã nhìn cuộc chiến với một góc nhìn rất khác.

Với Ron Kovic trong "Born on the 4th of July" anh tự hào khi phục vụ tổ quốc với tư cách là một công dân. Anh tìm kiếm vinh quang khi tham gia cuộc chiến và anh phải trả giá cho điều đó. Và khi bị mắc sai lầm khiến cho anh dằn vặt. Anh đã tìm cách chuộc lại nó bằng cách đã đi ngược lại với những gì trước đây anh đã theo đuổi, ước mơ. Anh chống lại chiến tranh vì theo anh nó đem lại cho anh những lỗi lầm. Từ sai lầm của riêng cá nhân, anh muốn những năm tháng còn lại trong đời sống được thanh thản, bình yên nên anh chống lại cái hiện tại đang diễn ra trong giai đoạn lịch sử mà anh đang sống.

Với nhân vật Joker trong "Full Metal Jacket" tham gia cuộc chiến VN như một viên đạn "born to kill" khi anh được huấn luyện trong trại lính để thành một thứ vũ khí giết người.Nhưng cuộc sống luôn có tính hai mặt của nó. Con người cũng  vậy và chiến tranh cũng vậy. Joker và bạn bè của anh được huấn luyện một cách hoàn hảo để dành lấy phần thắng của cuộc chiến. Những gì xảy ra trong trại huấn luyện được thể hiện một cách hết sức tự nhiên nhằm ca ngợi những vũ- khí-con-người  là một thứ văn hóa. Thì bên cạnh đó, những suy nghĩ, hành động, lời nói có phần trái ngược của Joker đã nói lên một phần rất khác của cuộc sống. Joker là hiện thân của đạo đức, là mẫu hình về tình bạn chân thành. Là một người hiền lành, anh đến với cuộc chiến vì cuộc chiến đó cần anh. Anh không muốn trở thành người đứng đầu trong đợt huấn luyện, và càng không muốn dành lấy vị trí chỉ huy trong trận truy kích và hành quân. Như những người bạn khác, anh chỉ đơn giản mong muốn cuộc chiến đó kết thúc thắng lợi mà không mảy may nghĩ đến vinh quang. Anh viết trên chiếc nón lính hàng chữ "born to kill" và anh lại đeo biểu tượng hòa bình trên ve áo. Tính hai mặt của cuộc sống, sự nước đôi của con người được thể hiện qua nhân vật Joker đầy nghịch lý.
"Full Metal Jacket" là một sản phẩm đẫm máu như những bộ phim về chiến tranh VN khác. Ở đó cũng tồn tại con người phản diện và những anh hùng. Trong phim có một cảnh quay về hành động của Joker sẽ khiến cho nhiều người băn khoăn, suy nghĩ. Anh đã hành động đúng hay sai khi hạ sát kẻ thù? Quyết định của anh đòi hỏi người khác đánh giá nó có tính nhân văn? Hay chỉ nhận được những lời phê phán, rồi chỉ trích anh là thứ vũ khí giết người không hơn không kém?

Khác với Ron Kovic trong "Born on the 4th of July" là dằn vặt nội tâm khi phạm phải sai lầm. Joker hiền lành trong "Full Metal Jacket" đã giết chết kẻ thù một cách thản nhiên khi anh chứng kiến sự mất mát ra đi của từng đồng đội. Anh cũng đã chứng kiến cảnh mồ chôn tập thể khiến cho anh phải suy nghĩ: "Người chết chỉ biết mỗi một điều: Chết là tốt hơn còn được sống". Do vậy, Joker  không chống lại chiến tranh như Ron Kovic đã làm. Anh đã tìm ra  ý nghĩa của "born to kill" là "kill to peace". Và cuối cùng Joker đã hành động đầy dứt khoát. Anh không còn là chính mình không phải anh đánh mất bản thân anh. Mà hành động của anh đã có thể liên quan từ nhiều người và kết quả đến từ nhiều thứ khác.
Joker cảm thấy hạnh phúc khi vượt qua cái ngưỡng của bản thân và từ nay anh sẽ không còn sợ hãi.

Một phim của Oliver Stone khiến cho mình nhớ, rồi lại khen hay. Một phim của Stanley Kubrick không những khen hay và còn khiến cho bạn suy nghĩ nhiều điều. Người làm phim nào cũng chỉ cần mong có thế!


Saturday, August 6, 2011

Tôi vào đời

Đó là năm tôi học lớp 11. Lúc đó khoảng 17-18 tuổi. Tôi thường hay ngao du, chơi bời với một anh lớn hơn tôi 6-7 tuổi. Thật ra ở trên quê, bạn bè cùng trang lứa đi học giống như tôi cũng không nhiều nhặn gì. Một hai người học ở lớp trên, lại khác trường. Khoảng năm ba đứa học dưới tôi thì lại không cùng buổi.

Cái anh mà tôi chơi thân hát nhạc vàng rất hay. Biết ca cải lương, biết nói chuyện pha trò nên tôi rất khoái. Đặc biệt, anh lại rất giỏi về cờ bạc. Đánh bài xẹp, bài tứ sắc với người lớn tuổi bao giờ anh cũng giành phần thắng. Đánh bài xì tẩy, binh xập xám với số tiền lớn thì anh cũng là một tay có thứ hạng ở trong làng. Mỗi khi thắng bạc, có tiền là anh lại rủ tôi đi chơi. Đạp xe về phố uống cafe, coi xi-nê ăn chè, ăn cháo. Hoặc đứng coi ca nhạc đoàn xung kích biểu diễn ở công viên Thương Bạc vào những buổi cuối tuần. Bữa nào rủng rẻng thì 2 anh em đi ăn đồ ngon rồi  làm một hai xị rượu, và tôi cũng ráng hầu theo ảnh được 4-5 ly.

Tuổi con nít mới lớn lên cái gì cũng ham, cái gì cũng thử. Có một lần sau chầu rượu ngà ngà anh chở tôi xuống một bến đò trên đường Huỳnh Thúc Kháng ở bến Bạch Đằng.
"Vô đây đi, xuống xuống mau kẻo trên bờ người ta nhìn thấy." Anh giục.
Phần vừa sợ, phần vừa ngại người đi đường nên tay chân tôi líu quíu. Anh vừa nói vừa kéo tay tôi, thoắt một cái chiếc ghe chèo ra cách bờ một khoảng trống không. Nhảy xuống làm sao được đành ngồi chịu cứng ở trên ghe. Từ chiếc ghe nhỏ chòng chành sợ té, tôi phải qua một chiếc đò lớn đậu giữa sông rồi chui vào cái khoang của chiếc đò đang thả neo, cắm sào trên mặt nước.

Trời lúc đó tối thui thui nên tôi cũng chẳng thấy được gì, ngoài cái ánh sáng vàng vọt hắt ra từ chiếc đèn dầu tù mù leo lét. Anh đẩy tôi vô trước. Rồi một cô gái nắm lấy tay tôi kéo vào trong. Phía sau cái bức màn tạm bợ đó tôi run rẩy vào đời với nỗi khiếp đảm của một thằng con nít tập tành làm người lớn.

Hụt hẫng. Đờ đẫn. Và cảm giác trống toang hoác đeo tôi suốt cả một tuần sau. Con người tôi như ngẩn như ngơ, như tiếc rẻ một cái gì tôi vứt bỏ mà không bao giờ có lại. Cái mười bảy, mười tám năm nay để phần, dành dụm. Và tối hôm đó tôi đã bụm lại vứt xuống đò ở bến Bạch Đằng.

Mỗi con người vào đời bởi nhiều quan niệm và theo nhiều cách thức khác nhau. Tôi vào đời hư đốn, non dại và thiệt là ngu ngơ như vậy đó.

Thursday, August 4, 2011

Một ngày để tùy nghi

1. Đó là cái tựa của một mẩu tùy bút của nhà văn Võ Phiến. Kể về một anh Tư muốn có một ngày của riêng anh để làm một điều gì đó mà anh thích, anh muốn làm. Một ngày chỉ để nằm nghĩ ngợi mông lung, nhìn chim én bay, nghe mưa rơi lai rai, nằm thức khuya, ngủ dậy muộn với cô tình nhân bên cạnh. Một ngày trọn vẹn sống cho riêng anh để anh thoải mái dùng dằng, thích đi lúc nào thì đi, thích dừng ở góc phố nào thì dừng, tha hồ vui thú...
Với anh Tư, anh ước ao có một ngày để tùy nghi. Còn mình. Không chỉ có một ngày mà là nhiều ngày. Thậm chí có thể tự cho mình là một người tùy nghi.

2. Hôm qua gặp mợ Lún ở trên FB. Hỏi đã chuẩn bị xong chưa? Mọi thứ đã xong. Chờ cho mấy đứa nhỏ kết thúc khóa bơi, giã từ bè bạn của tụi nó rồi lên đường. Hẹn sẽ gặp nhau ở Seattle. Chắc chắn đi mà, vì sẽ lên đó thăm luôn vợ chồng anh bạn cũng mới move tuần trước. Nghe đi thấy mà ham. Chán California rồi à? Không. Nhưng thích đi đây đó, sinh một nơi, sống nhiều nơi, biết được nhiều chỗ lạ cũng thú vị. Oh, sẽ treo cái câu đó lên header. Hihihi..
Thường thì người đi bao giờ cũng vui, cũng háo hức. Người buồn là người ở lại. Nên mình thích làm người đi là vậy.
Nghĩ cũng thấy tội nghiệp Bánh Xèo và Beo. Đang có đà ổn định, phải xách gói theo cha mẹ đi kiếm job, đi kiếm cơ hội và tụi nó lại đi kiếm bạn mới.  Kinh tế mới đó là đi, đi hoài. All America to Go!
Nhớ có lần đọc ở nhà ai đó (hình như cũng là nhà Lún) được cái câu của một ông nào đó viết, đại khái là một người ở Mỹ, nên sống ở New York một thời gian, sau đó cần phải move đi trước khi trái tim bị chai sạn. Và người ta cũng phải nên sống ở California một thời gian vừa đủ dài, rồi cũng nên từ bỏ mà đi trước khi lòng mình bị mềm yếu đi.
California làm cho người ta nhuyễn ra. California đáng yêu nhiều hơn đáng ghét!

3. Tính text để kêu "họp chị bộ" định kỳ, nhưng nhân vật quan trọng đã cùng gia đình đi chơi Texas rồi. Không có ai tính toán sổ sách và chi tài chính. Ráng nhịn cười thôi.

4. Hôm qua theo chị Ba Đậu vô check stats. Phát hiện blog của mình có viewer ở tận Jamaica. Wow! Có người Việt ở bên đó sao? Đang muốn move out, chắc là qua Jamaica mở tiệm bún bò. Ooops, No! Nhà chị Ba Đậu đang vacation bên đó. Hehehe.. Mừng hụt!

5. Sáng nay đi làm thấy trời se se lạnh. Sương đẫm, đọng kín xe. Mới qua tháng Tám có mấy ngày. Vẫn còn mùa hè mà. Hay là Thu len lén đến sớm?

Wednesday, August 3, 2011

Lòng nhân đạo

1. Thực sự, tâm trạng mấy ngày qua không được vui. Sáng nay trong lúc nói phone với bà chị, nói to tiếng. Thật là vô lý khi đem cái bực bội của riêng mình trút qua cho bà chị. Biết chị rất thương em, không giận gì em.
Đi làm mà lòng không vui chút nào. Về nhà, chui vô blog, tình cờ đọc được mấy bài này từ nhà chị BeBo. Cảm phục cái tinh thần thiện nguyện của chị BeBo và mấy người bạn của chị quá. Thấy mình quá nhỏ nhoi. 
Giận mình hôm nay. Sáng ngày mai, trên đường đi làm sẽ gọi về xin lỗi bà chị.

2.Nhớ lại hôm trước, đi Davis lên nhà Lún với Mr. Nhảm và nhà Lan. Gặp chuyện bất ngờ hết sức rất tình cờ, cả bọn lái xe đến thăm cô học trò của nhà Lan có con nhỏ đang ở bệnh viện Shrines ở Sacramento. Đây là một chuỗi hệ thống bệnh viện chuyên về trị bỏng dành cho nạn nhân là trẻ em trên toàn thế giới (Shrines Hospitals for Children). Được biết, hoạt động của Shrines sống nhờ vào quỹ đóng góp của các nhà hảo tâm.

Nếu không có hệ thống của chuỗi bệnh viện này, không biết những nạn nhân có con nhỏ như cô học trò của chị Lan, những nạn nhân trẻ em ở các nước nghèo như Việt Nam, Mexico, hoặc những nước ở Phi Châu có được chữa trị kịp thời hoặc cứu sống không nữa?

Lòng hảo tâm thật là vĩ đại khi mình thấy hai tấm bảng lớn được treo trang trọng ngay tiền sảnh lối vào của bệnh viện. Lòng tốt của con người ta quả thật bao la. Và xứng đáng được trân trọng.

Còn mình thì sao? Quá ít ỏi. Thi thoảng. Năm thì mười họa mới chỉ vò tờ một đồng rồi ném vội qua cửa xe khi exit khỏi freeway hoặc đứng ở ngã tư chờ đèn xanh rồi phóng đi cho lẹ. Vậy thế mà mình cũng nhận được lời đáp trả: God bless you. Have a great day.. từ những người homeless nói đuổi theo như tỏ lòng biết ơn. Tệ hại hơn, đôi khi mình có những lúc còn đắn đo, nghía mắt xem xét những kẻ hành khất đó là già hay trẻ, là đàn bà hay là thanh niên rồi mới chịu ném một đồng nhúm nhó để bố thí. 


3. Mình không phải là tín đồ của đạo Thiên Chúa. Thời gian này cũng không phải là Mùa Thương Khó, nhưng ý nghĩa về bài giảng của Mùa Thương Khó mình được nghe qua một lần trên radio khi lái xe đi làm. Cảm thấy rất hay rồi tự nhiên lại nhớ. Đại ý nói rằng, trong cuộc sống thì nên cho nhiều hơn nhận. Nếu mình cho nhiều đến nỗi mình cũng cảm thấy túng bẫn như người kia. Trải nghiệm qua cái sự nghèo khó, thấy được sự thiếu thốn, mất mát khiến cho mình cũng khốn khổ như nạn nhân... thì lúc đó mình mới cảm nhận cái cao cả của sự hy sinh. Mới thấy hết được cái ý nghĩa của Mùa Thương Khó.

4. Nghĩ về những điều này trong một tâm trạng hết sức lộn xộn. Viết ra.