Saturday, August 11, 2012
No country for old men - Nhưng người già vẫn phải dấn thân
Một phim đầy rẫy cảnh giết người bạo lực của anh em nhà Coen, đoạt giải Oscar phim hay nhất năm 2008. Phim này mình coi cũng đã lâu và cũng đã chọn ra một ý trong phim để viết một đôi dòng trả lời ý kiến phản hồi trong một bài viết trước đây, mà tác giả đó có những nhận xét không thỏa đáng về những bậc trí thức có tuổi, lão thành của nền giáo dục VN. Tác giả lấy hình ảnh ông cảnh sát già trong phim "No country for old men" để minh họa rằng văn hóa Mỹ luôn loại bỏ người già và so sánh với xã hội VN thì ưu ái, trọng dụng người già trưởng lão quá mức.
Lên mạng đọc báo VN mấy ngày nay. Thấy sự kiện 71 vị nhân sĩ trí thức đồng loạt lại ký tên kiến nghị với Quốc hội VN chuyện quốc gia đại sự về biển Đông. Đọc danh sách thấy thấp thoáng một số người trẻ tâm huyết, còn lại đa số là những người già. Làm mình nhớ lại cái phim "No country for old men". Liệu người già trong 71 vị nhân sĩ trí thức trong bảng kiến nghị sẽ "Không chốn nương thân"? Và có số phận đi theo như cái tựa phim tiếng Việt đã được dịch?
"No country for old men" lấy bối cảnh vùng miền Tây Texas hoang vu, với không gian bức bối và buồn bã, hình ảnh đại diện cho một xã hội được thu nhỏ có sắc thái u ám, khủng hoảng thời hậu chiến vào những năm 1980 của nước Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu với ba nhân vật, có thể được xem là Thiện, Ác, Tà truy đuổi nhau nhưng chưa bao giờ có chung điểm gặp. Nhân vật có máu lạnh Chigurh - đại diện cho cái ác, kẻ đi săn tiền thưởng truy tìm anh chàng Moss, một cựu chiến binh VN, nhưng đã nảy sinh tà tâm khi muốn sở hữu một vali tiền 2 triệu đô la vốn không phải là của mình. Và viên cảnh sát già Ed Tom Bell, đại diện cho luật pháp, một cái thiện đang mệt mỏi ngăn chặn sự tràn lan của bạo lực với tâm thế nhiều chán nản.
Chính sự truy đuổi không khoan nhượng để lần theo dấu vết của đồng đô la, mà những cảnh trong phim "No country for old men" đẫm máu và đầy bạo lực. Chigurh xem giết người là một chuyện bình thường phải làm, để hoàn tất công việc là tìm ra được chiếc vali. Mỗi khi nhân vật này xuất hiện, người xem sẽ cảm thấy lo lắng cho những số phận mà hắn gặp trên đường. Chầm chậm xuất hiện lê lết trong khung hình, nhưng hành động giết người của Chigurh nhanh, gọn, nhẹ. Một đồng xu được quăng lên. Tiếng nổ bụp khô khốc của bình khí nén. Kết thúc một sinh mạng. Kết thúc một cảnh quay.
Phải nói rằng, những cảnh quay giết người trong phim "No country for old men" ấn tượng bởi sự đơn giản trong suy nghĩ của kẻ sát nhân. Nó khiến người xem bị ám ảnh. Hầu như ai muốn nói về phim này, cũng sẽ nhắc đến cảnh quay đồng xu với những lời đối thoại ngắn, triết lý. Số phận của con người nằm trong sự sắp đặt của thượng đế hay chỉ là trò chơi của kẻ giết người? Call it or kill it. Thật là một cảnh quay nhét vào đầu người xem!
Trước sự gia tăng của bạo lực mà những người tâm huyết không thể làm ngơ. Cái ác cái tà truy bức nhau không ngưng nghỉ và cận kề, viên cảnh sát già Ed Tom Bell đành phải nhập cuộc. Coi phim Mỹ nhưng tôi có những liên hệ với VN. Vì xã hội Mỹ, xã hội VN hay bất kỳ ở xã hội nào đều cũng có bàn tay nhúng chàm của bạo lực. Nhưng ở VN công lý không bằng một ký lông (Bùi Chí Vinh). Đôi khi sự nhiễu nhương, cái ác cái bất công được hình thành một cách tự nhiên trong xã hội. Thì những công dân già như viên cảnh sát trong Ed Tom Bell trong phim "No country for old men" hoặc những trí thức có tuổi về hưu trong danh sách 71 vị ở VN như giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Nguyễn Huệ Chi... cũng phải lên tiếng và nhập cuộc.
Vì vậy, trong phim này, tôi không nghĩ rằng những người già đáng bị loại bỏ, mà ngược lại tuy họ sức kiệt tàn hơi nhưng tâm huyết vẫn còn khiến họ phải dấn thân. Họ không thể đứng ngoài bạo lực vì cái tuổi già mà giới trẻ xem đó là lạc hậu. Những con người được xem không còn là hợp thời. Họ mệt mỏi, họ chán ngán trước sự leo thang của tội ác nhưng vẫn phải đương đầu không bỏ cuộc.
Nhân vật trong phim, viên cảnh sát Ed Tom Bell muốn về hưu, ông cần có một môi trường sống yên bình, một xã hội không bạo lực… để an hưởng những năm tháng còn lại của đời mình, khi đã vất vả cống hiến tuổi thanh xuân. Nhưng ý thức và trăn trở trước một xã hội đầy rẫy tội ác, bạo lực, Ed Tom Bell phải vào cuộc để hầu ngăn chặn cái ác với tâm thế chậm chạp, và nhu nhược.
Tương tự, những bậc trí thức cao tuổi, các vị giáo sư già trong danh sách kia cũng mang tâm trạng chán chường, đôi khi muốn nhắm mắt làm ngơ giống như ông cảnh sát già kinh nghiệm Ed Tom Bell. Nhưng họ không phải là những người đơn giản, trí thức thì họ cất lên tiếng nói kêu gọi sự đúng đắn còn người thực thi công lý thì cố gắng tìm cách ngăn chặn tội ác cho dù sức kiệt tàn hơi.
Vẫn biết rằng thế giới sẽ thay đổi, xã hội sẽ thay đổi, thế hệ trẻ sẽ thay thế hệ già. Nhưng một khi người già có ý thức dấn thân, những người trẻ cần phải lắng nghe tiếng nói của những người đi trước, đứng về phía họ, cổ động họ và cùng họ dựng xây cuộc sống. Đừng đẩy họ ra ngoài lề để "không chốn dung thân" như tựa phim đã dịch.
Labels:
Oscar 2008,
Phim
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
this is one of my favorite movies. Chú Gác reviewed hay. Film này phải coi hai ba bốn lần mới thấm thía. Ông sheriff trong film là một người thuộc loại biết người biết ta. Chú Gác cảm nhận là chàng mật mỏi cũng đúng. Mà theo Lún là nếu chàng có nổ lực stop cái chàng Chigurh kia, thì cũng không làm chi được. nên khúc cuối đã sắp đụng mặt thì ông give up bỏ đi. Vì ông biết chàng kia quá trên cơ của ông. Diễn viên đóng Chigurh quá xuất sắc. Từ đầu tới cuối. Ngay cái cảnh đụng xe lòi một khúc xương. Nổi da gà.
ReplyDeleteNo country for old men.
Mình thích, vì chắc mìng thấy mình già rồi chăng.
đây là 1 trong những cuốn film rất là hay. Mình cũng thích cuốn film này. Đọc cái review làm muốn xem lại nữa :)
ReplyDeleteLún và Tuấn: Phim này ra DVD là tìm mua để được coi lại nhiều lần. :)
ReplyDelete