Saturday, April 30, 2011

Bolinao 52- Kiếm tìm sự cảm thông

Hôm nay 30/tháng Tư, tại tòa soạn của nhật báo Việt Herald ở miền Nam California chiếu phim tài liệu Bolinao 52. Bài này viết đăng trên báo Người Việt đã lâu, lục kiếm lại và đưa lên như một lời cầu nguyện cho những phận người xấu số mỗi khi tháng Tư về.




Trong mỗi một con người đều có một địa danh để đến viếng thăm, với ai đó là Paris tráng lệ, là Roma uy nghi, hoặc thành Viên cổ kính... nhưng với chị Trịnh Thanh Tùng, một thuyền nhân người Việt Nam, thì địa danh đó là Bolinao. Bolinao là thiên đường trên địa giới hay địa ngục của trần gian? Bolinao là một làng chài nhỏ ở Philippines có tình người và chứa đầy sự cảm thông toàn vẹn.

“Bolinao 52” là một bộ phim kể về câu chuyện của những thuyền nhân tị nạn Việt Nam. Vào năm 1988, tại Bến Tre, miền Nam Việt Nam, có 110 người đã đào thoát khỏi Việt Nam trên một chiếc thuyền nhỏ bé, hướng ra biển khơi để bắt đầu chuyến hải hành đi tìm tự do, đi tìm nguồn sống mới. Ngay từ ngày đầu tiên trên biển họ đã gặp cơn bão lớn, người tài công quyết định ngưng máy và chờ cho cơn bão qua đi để tiếp tục chuyến hải hành.

Nhưng khi động cơ ngưng rồi thì không hoạt động lại được nữa. Và đó là sự khởi đầu bi thương của những số phận bị trôi dạt. Năm ngày, 10 ngày, rồi 19 ngày sau... Chị Tùng, người dẫn chuyện trong phim, kể lại câu chuyện bằng những ngôn từ mộc mạc, bình dân và chân thành: “Mọi người chết từ từ, mỗi ngày đều có người chết.” Chị nói về cái chết, về sự mất tích của những người đồng hành cách đây 17 năm như chính câu chuyện mới xảy ra hôm qua. Ra đi, họ hy vọng sẽ đến được bờ tự do nếu có sự cứu vớt, giúp đỡ... nhưng hy vọng đã quay lưng với họ.

Với quốc tế, tên gọi “Bolinao 52” còn là biểu tượng của sự mệt mỏi của thế giới khi liên tục phải cưu mang người Việt Nam tỵ nạn. Một vị hạm trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, chỉ huy chiến hạm USS Dubuque, đã bị đưa ra tòa án quân sự vì ông chỉ lệnh cho cung cấp đồ ăn và nước chứ không vớt những người tỵ nạn trên chiếc thuyền này - mặc dù vị hạm trưởng không hề nhận được phép vớt họ. Một kết quả bi thảm đã xảy ra. Lương thực cứu trợ đã hết, tàu bị ngập nước và đang chìm dần dần... những thuyền nhân đã bò đến bờ vực địa ngục của sự tuyệt vọng. Họ đã phạm phải một điều cấm kị kinh hãi khi phải tìm kiếm nguồn sống từ những miếng thịt của đồng loại. Vụ án “Bolinao 52” đã làm chấn động thế giới!

Không ai có thể lý giải được cuộc đời mình khi chính số phận của mình cũng không do chính mình định đoạt. Ðược sống, được cứu vớt, được cưu mang hay bị xua đuổi thậm chí phải bỏ cuộc. Chị Tùng cứ lặp lại câu nói “Mỗi người đều có số phận của nó” với một tâm trạng khắc khoải, như mong tìm lại một chút bình yên. Người sống, hay người đã chết đều mong muốn có một chút cảm thông. Sự cảm thông được đặt lên trên số phận.

Dân tộc Việt Nam ẩn chứa nhiều tiềm năng, trong đó tiềm năng giá trị nhất chính là sự chịu đựng khổ nhục và lụy phiền. Không chỉ riêng 52 con người trên chiếc tàu kia, mà còn rất nhiều thuyền nhân khác, đã sống sót và chấp nhận sự phiền lụy trong nỗi niềm câm lặng. Chị Trịnh Thanh Tùng, người sống sót, khi về thăm lại vùng đất ân nhân đã được những đàn bà người Phi trên đảo Bolinao gọi là “super woman”. Và với đạo diễn Ðức Nguyễn, chị Tùng thực sự là “super woman”, khi chị mạnh dạn nhận lời kể lại câu chuyện của chuyến hải hành đầy kinh hoàng đó.

Mang nỗi oan khuất của những người đồng hành xấu số, sự phẫn hận và thù ghét những trái tim của ý chí lạnh lùng... đã làm cho chị phiền lụy và đau khổ trong suốt 17 năm trời. Chị Tùng mặc dù đã ở bến bờ tự do, nhưng trong tâm khảm vẫn bị ràng buộc bởi những ám ảnh bi thương của chuyến tàu định mệnh.

Sự gặp gỡ giữa chị và người lính thủy trên chiến hạm USS Dubuque đã giải trừ nỗi phiền muộn, trăn trở hiểu lầm đến từ hai phía. Ðạo diễn Ðức Nguyễn đã cho họ gặp nhau, hàn gắn, để làm thanh thản và rửa lành những vết thương lòng sâu thẳm. Chị nói với người lính Mỹ: “It's OK now, I hope you don't feel bad like before.” Cả hai người đều khóc. Bolinao 52 đã làm cho người ta khóc. Khóc bởi vì họ là những con người.

Trong mỗi con người chúng ta, khi rơi vào tình trạng tuyệt vọng và phải chịu nhận lãnh thảm họa thì ý chí sống bỗng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 52 con người sống sót trên chiếc thuyền đã có một sự chọn lựa đúng. Họ cần phải tát nước, họ cần phải ăn, vì họ cần phải sống.

Ðạo diễn Ðức Nguyễn đã không khai thác sự kiện Bolinao 52 như người ta đã khai thác trên khía cạnh rùng rợn, dã man gây chấn động. Ðức Nguyễn nói: “Tôi không muốn gợi lại sự hãi hùng mà là xoa dịu nỗi đau cho những người còn sống.”

Chị Trịnh Thanh Tùng tìm về lại Bolinao, tìm lại quá khứ để cảm tạ những ân nhân. Chị tìm về lại Bolinao cũng để nhằm xoa dịu những nỗi đau của những người bạn đồng hành xấu số và quan trọng hơn là cho chính bản thân chị. Chị gặp lại người lính xưa kia để hai bên xóa bỏ những mặc cảm hiểu lầm. Người sống tìm được sự cảm thông thì hy vọng người xấu số cũng ngậm cười nơi chín suối.

“Bolinao 52” là cuốn phim tài liệu không phê phán, tố cáo hay đòi quy trách nhiệm lên ai. Cuốn phim chỉ kể lại toàn bộ một chuyến hải hành của những thuyền nhân Việt Nam, với mong muốn tìm sự cảm thông đến từ nhiều phía.

Xem toàn bộ phim ở dưới đây. Chịu khó bỏ qua âm thanh bực bội khoảng 70 giây đầu tiên. Bắt đầu từ phút thứ 1:10

6 comments:

  1. Sao không ghi tên tác giả bài báo?

    ReplyDelete
  2. @Cô giáo: :) Nó bảo, thôi. Thắp nén nhang tưởng niệm thì cần gì ghi tên.

    ReplyDelete
  3. Đứa nào nói thôi, đứa đó bao Denny's :)

    ReplyDelete
  4. this is a very good review. a very touchy and sensitive topic that a lot of Boat people never never want to talk about.

    ReplyDelete
  5. Hom nay Thu moi doc bai bao cua Gac va coi phim. Trai tim minh nghen ngao vi bao nhieu cam xuc lan lon: thong cam, thuong xot va biet on...
    Day se la mot bo phim Thu muon nhung dua con minh (sinh ra va lon len tren dat Mi)se xem.

    Cam on Gac!
    Thu

    ReplyDelete
  6. Hi chị Thu, cám ơn chị đã ghé, và có ý kiến chia sẻ ở entry này.

    Chúc chị vui.

    ReplyDelete