Tuesday, June 26, 2012

Xuân Hạ Thu Đông.. rồi lại Xuân

Bửa hổm, thấy nhà chị Đậu, Mikki Hến và Dã Quỳ bàn về phim Xuân Hạ Thu Đông.. Mình cũng xí xọn vô coi phim Đại Hàn. Coi xong phim. Bật ngửa.

Phim XHTĐ này của đạo diễn Kim Ki Duk nhuốm màu sắc Phật giáo. Rõ ràng là phim giới hạn người xem. Cho dù là những người có chút kiến thức về Phật giáo, coi xong phim cũng ngờ ngợ là không biết mình hiểu phim đã đúng chưa? Huống chi những người nào không phải là tín đồ, hoặc không có chút hiểu biết mô tê gì về tôn giáo này thì coi như chịu chết. Chưa kể, điện ảnh có ngôn ngữ riêng của nó, những người không rành rẽ nghệ thuật thứ bảy như mình và nhiều người khác, có thể mù tịt về những ý đồ nghệ thuật của đạo diễn họ Kim. Đoán mò. Những hình ảnh đầy ẩn dụ trong phim của Kim. Cách nhìn về Phật giáo theo ngôn ngữ điện ảnh của riêng Kim. Kim làm phim. Duk hiểu.

Còn người xem thì tự suy diễn theo cách hiểu của mình.

Chùa nằm trong rừng, lọt thỏm giữa hồ. Đạo và Đời cách nhau bằng minh họa cái cánh cửa của hai bờ Thiện Ác. Chốn Đạo thì đẹp lung linh còn chốn Đời phải lo mà ngầm hiểu là xấu và ác nên đưa lên phim làm chi? Rách việc.

Mùa Xuân là sự khởi đầu. Vạn vật sinh sôi theo mùa xuân nên mọi chuyện theo mùa xuân mà tìm đến. Bài học đầu tiên là tự mình giải thoát. Cái gì mình kỷ bất dục không mong muốn thì đừng thi ư nhân mà đem đến cho người. Phòng ốc trong chùa không có vách ngăn có thể hiểu đó là giới luật trong Phật giáo. Giữa khuya nửa đêm, chú tiểu cứ băng ngang tường vô hình để phạm giới, tư cách nhà tu lén lút thập thò nên Kim Ki Duk cho chú bò lổm ngổm.

Mùa Hạ là mùa của yêu đương, thấy nước dâng lênh láng như tình. Chú tiểu và cô gái, một nam một nữ trốn sư thầy tha hồ lội trong mùa lênh láng. Yêu từ trong chùa, yêu ra ngoài rừng. Tình yêu đem lại cho con người cảm giác bồng bềnh nên cảnh xập xình trên thuyền đưa vào thêm cho lãng mạn. Yêu quá hóa khờ, quên trước quên sau. Sắc dục làm cho con người quờ quạng nên khi đi yêu về đệ tử quên cột thuyền làm cho thầy phải nhắc.

Mùa Thu. Buồn. Lá vàng rơi. Đạo của thầy con vẫn mang theo nhưng mùi Đời hấp dẫn con hơn. Bài kinh Bát nhã khắc trên sân chùa như trút được nỗi uất ức và khai mở con đường tìm ra chân lý của sự giải thoát. Mùa Thu. Cảnh đẹp đến nao lòng. Trò ly biệt. Thầy cô đơn. Mọi ràng buộc đều đến hồi phải đoạn ly. Con vật thân cậy, chú mèo gần gũi iêu thương của thầy cũng ra đi. Chùa trôi. Thầy siêu thoát vào cõi Niết bàn. Chỉ có linh hồn, hoặc tinh thần đạo Pháp của Thầy là vẫn phảng phất trong hình tượng con rắn lột da trường sinh bất tử. Nhạc buồn não ruột.

Phải nói rằng, trong hệ thống giáo lý của Phật giáo, dưới cái nhìn góc độ triết học thì Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh là luận thuyết nói về tánh Không. Để thấu đạt hết những tầng ý nghĩa của luận thuyết này không phải là điều đơn giản. Kim Ki Duk đã dũng cảm trình bày, chú giải luận thuyết này theo cách hiểu của riêng ông, thông qua thứ ngôn ngữ đầy ẩn dụ của điện ảnh. Vì vậy, phim này làm nhức đầu người xem. Khi xem phim cần kẹp thêm "Kim Từ điển" bên mình để có thể trả lời những câu hỏi tại sao? Cái đó là ý gì? Vừa xem phim vừa lò dò tìm hiểu.

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức theo kinh Bát nhã chính là ngũ uẩn. Tạo nên bản ngã con người. Một khi quán chiếu ngũ uẩn giai không. Thì mọi khổ ách đều không nghĩa lý. Không nghĩa lý thì sẽ vô sở đắc tức là không muốn chiếm dụng. Không sở hữu chiếm dụng thì sẽ không bị mắc kẹt hoặc vô quái ngại. Tâm không bị mắc kẹt thì sẽ không sợ hãi. Không sợ hãi thì dễ dàng xa chốn đảo điên. Mục đích là tìm về chốn Niết bàn. Đó là cảnh giới của chư Phật, Bồ tát.
Bát nhã chính là trí tuệ siêu việt thấu thị tánh Không. Trí tuệ của sự biện thông vô phân biệt chính là Bát nhã.

Mùa Đông, khắc nghiệt cả nghĩa đen lẫn bóng, cả ngoài đời cũng như ở trong phim. Toàn bộ những gì Kim Ki Duk muốn giải quyết đều dồn vào cái tội nghiệp mùa Đông này. Đây là đoạn phim dài nhất, và nhiều hình ảnh ẩn dụ mà người xem luôn có nhiều câu hỏi. Tôi cố tìm một kiến giải nào về đoạn kinh Bát nhã nhưng đành bất lực. Mùa Đông, thấy nhà sư chủ yếu luyện công mà ít thấy luyện kinh. Có thể bí kíp, kinh sách chỉ là phương tiện chứng thành giác ngộ. Đưa Phật lên đỉnh núi thì phải cần sức khỏe. Trường đoạn kéo đá lê thê này không biết ý của đạo diễn họ Kim muốn nói đến điểm gì?

Rồi lại mùa Xuân. Con tạo lại xoay vần. Cảnh sắc lại tươi mới và thêm phần đẹp đẽ. Phật ngồi đó, an nhiên tự tại. Trong khi người đời vẫn tiếp tục chơi trò chơi Thiện Ác trong chốn vô minh.

Coi phim này xong cứ lẩn quẩn trong đầu sắc sắc không không. Kim Ki Duk có làm phim hay không có làm phim? Ai hiểu được thì đạt thấu tầng Bát nhã.

Bản phim uncut gồm 12 phần trên youtube: 

9 comments:

  1. Cũng may DQ có đọc chút sách vở về Phật Pháp và biết chút xíu tiếng Hán nên khi xem phim này thì biết được thêm đôi chút.

    Nhưng đúng như anh Gác nói. Cách hiểu của mỗi ng` xem sẽ mỗi khác, tuỳ theo cảm nhận của mỗi ng` mà héng :) :)

    Hôm nọ tán dóc bên nhà chị Ba & nhà mẹ Hến đủ rồi, giờ chỉ đọc cảm nhận của anh thêm thôi nha! :))

    ReplyDelete
  2. Kim Ki Dk được biết đến với những phim cũ hơn nhưng có lẽ với phim XHTĐRLX này thì ông nổi tiếng hơn nhiều.

    ---
    phim của ông nói chung em đã coi gần hết và em thích! phim anh đề cập Kim làm khi ông đã có tiếng tăm trong giới rồi.

    em thích con người có cách hiểu riêng của mình, diễn tả cách hiểu đó bằng cả trí lực và tuệ lực của mình trong từng thơi điểm khác nhau. Trải nghiệm sinh động đó em tin sẽ không ngừng tiến bộ.

    Kim Ki Duk dùng ngôn ngữ của hình ảnh để thay mình diễn đạt, điều đó với em thật tuyệt vời.

    thay vì cố rao giảng những lời kinh kệ như vẹt hay bò nhai lại thì dùng ngôn ngữ điện ảnh quả thật đi vào lòng nhân loại hơn, touch hơn, chậm hơn, khều cái nội tâm của người khác dễ hơn.

    phim này có 1 bài hát traditional do 1 ca sĩ nữ lớp trước, có giọng khàn và cao hát rất hay, rất xúc động!

    ReplyDelete
  3. :) cách hiểu của anh thiệt là thích với em.

    phim của bác Kim em thích cũng nhiều, nhưng thích nhất chắc là 3-Iron, rồi tới The Isle.

    chuyện thích một bộ phim hay nhiều thứ khác đều tuỳ vào kinh nghiệm sống, kiến thức, tính cách của mỗi người. nhưng cố gắng đừng áp đặt mặc định của mình về chúng. em mới tranh cãi với một người đồng nghiệp về thiên kiến của họ khi nhận xét về một chương trình múa. họ không thừa nhận mình mặc định, cứ khăng khăng không phải. đúng - sai đều tương đối, cũng chẳng nên ép ai phải hiểu giống mình (biên đạo múa càng không ép uổng) nhưng những người làm nghề chuyên đưa ra nhận xét mà hổng kiến thức hoặc dùng định kiến cá nhân để rao giảng thì thật...

    ReplyDelete
  4. ôi thôi rồi, thế là chàng bắt đầu... từ bi bất ngờ rồi :)

    ReplyDelete
  5. @DQ: Ừa. Anh viết cho vui thôi mà. Biết cả tiếng Hán nữa ha? hay quá vậy. :)

    @Guy: Anh chưa coi nhiều phim của ông này.
    Mỗi loại ngôn ngữ có khả năng biểu đạt đặc biệt. Ngôn ngữ văn bản là cổ xưa nhất nhưng cho đến nay cũng vẫn phải dùng. Hoặc ví dụ như, coi phim này xong thì dùng lời để viết ra vậy. :))

    @Imagine: Thanks. Để rảnh rảnh tìm coi mấy phim kia. :)

    @aH: Từ bi đâu có ăn thua gì. Sắp sửa mần thơ nữa. Hahaha..

    ReplyDelete
  6. cuốn film này hay và có nhiếu chất lý của Phật Pháp. Thêm phần cảnh nhìn đẹp quá, cảnh vậy không biết tu nổi không? heheh

    ReplyDelete
  7. anh Gác nha, ngôn ngữ cổ xưa nhất là ngôn ngữ cơ thể nha! ;) anh coi phim xong rồi anh dùng nghệ thuật vô ngôn để diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình thì ngon lành cành đào luôn.

    ReplyDelete
  8. @Tuấn: Cảnh đẹp như vậy thì xách máy đi chụp ha. :)

    @Imagine: Oh, bậc thầy về nghệ thuật vô ngôn trong ngành nghề của bạn là Charlie Chaplin đó.

    ReplyDelete
  9. em hoàn toàn đồng ý. ;) đỉnh cao của âm nhạc cũng là nhạc giao hưởng mừ. ;)

    ReplyDelete