Wednesday, July 20, 2011

Tên của con gái Huế

Hôm bữa người bạn mời đến nhà. Gặp bạn của bạn, rồi giới thiệu: Đây là Diệu Chi, đây là anh Sơn, gia đình ở bên Úc qua chơi... Nghe giới thiệu tên, nghĩ thầm trong bụng: wow! Lâu lắm mới nghe lại cái tên gọi đầy tính nữ Huế như cái tên này.

Nhớ lại hồi đi học, tên các nữ sinh thường được đặt theo như Mai Lan Cúc Trúc, Hạ Đào Phượng Thu... toàn là tên đẹp. Đặc biệt, với người Huế thường dùng thêm chữ lót như Kim, hoặc Diệu để đặt tên cho con gái. Ví dụ như Kim Hoa, Kim Chi, Kim Ngọc, Kim Phượng, Kim Hồng.. Còn Diệu thì có Diệu Thu, Diệu Minh, Diệu Hiền, Diệu Chi, Diệu Thiện...
Không hiểu vì lý do gì mà các bậc phụ huynh ở Huế thường chọn chữ lót đệm như vậy để đặt tên cho con gái. Cũng có thể là vì Huế có hai địa danh nổi tiếng là vùng Kim Long có nhiều gái mỹ miều, và chùa Diệu Đế danh tiếng của riêng xứ Huế (?)

Làm một phép thử so sánh thì chữ lót Kim khá phổ biến, và ở bất cứ vùng nào cũng đều có người có tên mang chữ lót là Kim. Không riêng gì Huế. Nhưng với Diệu, thì tôi nghĩ rằng, chỉ có riêng xứ Huế  mới làm nổi bật cái nét độc đáo của đất kinh kỳ riêng có mà thôi.
Chọn đại một cái tên gọi nào, đặt bên cạnh chữ Diệu thì sẽ thấy cái nét nhẹ nhàng thanh thoát ở cái danh xưng đó. Thử nhé: Diệu Hương, Diệu Quyên, Diệu Hồng... hoặc hãy gọi tên một người là Diệu Đức, Diệu Nam... Vẫn có nét bay bổng và thấy nhẹ tơn ở cái tên gọi.
Thiệt là diệu kỳ, và hết sức dịu dàng khi bất kỳ tên gọi nào được đứng bên cạnh nàng Diệu.

Với người Huế, khi nghe đến hai chữ tôn thất thì hiểu ngay đây là dòng dõi liên quan đến ông vua, bà chúa. Hậu duệ nhiều đời, nhiều hệ của chúa Nguyễn xứ Đàng trong. Và họ chính là Nguyễn Phước (Phúc). Nhưng theo thời gian, hai chữ tôn thất này cũng trở thành họ một cách ngon lành. Vậy, Tôn Thất hay Nguyễn Phước đều có chung là một.

Bên cạnh đó, vua Minh Mạng còn đặt thêm bài thơ : Đế hệ thi  và 10 bài Phiên hệ thi để phân biệt giòng dõi trực tiếp liên quan đến Vua Gia Long. Đây là một sự phân biệt khá phức tạp không chỉ riêng về những người có gốc gác để có thể làm Vương theo huyết thống, mà còn là một sự rắc rối nhức đầu về mặt hành chánh khi khai tên họ giữa cha và con cái. Họ của cha không giống với họ của con. Họ của ông Nội thì hoàn toàn khác với cháu. 20 mươi chữ của bài Đế hệ thi là như vầy: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh, Bảo Qui  Định Long Tường, Hiền Năng Kham Kế Thuật,  Thế Thụy Quốc Gia Xương

Ngoài ra, Huế nổi tiếng với những họ như: Thân Trọng, Hà Thúc, Nguyễn Khoa và Hồ Đắc.. là những giòng họ vốn rạng danh về khoa bảng. Nên dân gian Huế có câu: Họ Thân không nhà, họ Hà không dân với ngụ ý những người thuộc họ này thuộc danh gia vọng tộc.

Nhưng đó là Huế hoàng gia, Huế của vua quan. Với người Huế thường dân thì lối đặt tên chỉ cần chữ lót Diệu là bất kỳ tên gọi nào cũng thấy mềm như bún.

Nếu ra đường gặp ai có tên lót là Diệu như thế này, thử mon men đến hỏi: Nì, o nớ, o có phải là người có gốc gác liên quan đến Huế?
Dạ phải.
Nghe thiệt là diệu vợi phải không hè?

11 comments:

  1. Mình không phải Diệu cũng chả phải Kim. Nhưng cứ vô còm ủng hộ chủ nhà. Hahaha. Vậy đi nhé.

    ReplyDelete
  2. Bà ngoại tui là Huế và cũng là Nguyễn Khoa Diệu... đó nha!
    Nì, mai mốt viết bài tui lấy tên Diệu Dàng nghe có diệu dợi không hè?

    ReplyDelete
  3. Tui nghĩ hình như chữ Diệu là do ảnh hưởng Phật giáo :) Thế hệ của tui được cha mẹ theo phong trào đặt tên 4 chữ, dài thòng lòng. Và thường được ghép thêm họ mẹ.

    ReplyDelete
  4. còn chữ Tịnh nữa, tên Tịnh hoặc là lót chữ Tịnh.

    chắc mình đổi tên Diệu Hến, nghe được không mọi người. :D

    ReplyDelete
  5. phải công nhận Huế có nhiều tên đẹp mà hiền, mà cũng lãng mạn. Tên người rồi tên hoa nữa nha. Nhớ hoài một loại cỏ kêu là cỏ tình nhân. Rồi chè thì chè ngự. Nghe hay hay, rất là Huế nha. vụ Công Tằng, Bảo Công Bảo Thái, hehehe, Huế nhiều dòng quan, mà quan thì nhiều vợ. Cuôí cùng hình như hết 90 % dân Huế có dính liú tới dòng quan dòng vua rồi.

    Chú Gác có biết tới dòng họ Nguyễn Duy không ?

    Lún

    ReplyDelete
  6. Tui cũng nghĩ như DH, vì thấy phần lớn các bà, các chị đi chùa thường lấy pháp danh có chữ lót là Diệu.
    Còn Nguyễn Đăng thì sao hở anh?

    ReplyDelete
  7. Đậu có ông Dượng người Huế - Dượng là Vĩnh Ty, còn con trai là Bảo Trực, con gái là Huyền Tôn Nữ..

    Còn có nhỏ bạn thân, ba nó là Bảo Minh, con trai thì Nguyễn Phúc Quý xxxx, còn con gái thì Huyền Tôn Nữ ...

    Đúng như Gác nói, đọc cái tên không thấy liên hệ gì nếu không hiểu rõ xuất sứ. Mấy tên này qua Mỹ thì chắc là gặp rắc rối trong quan hệ gia đình đây???

    ReplyDelete
  8. em đi Huế 2 lần, có lên chùa Thiên Mụ, đứng ở cổng dưới cái tháp nhìn xuống sông Hương đẹp rụng rời. Có dòng sông vậy người Huế không lãng mạn mới lạ.

    ReplyDelete
  9. Đọc bài này của anh GX, lại sực nhớ lại bài này:

    http://daquydalatian.blogspot.com/2010/11/ve-cach-at-ten-em-cua-dong-ho-nguyen.html

    Tui hông có gốc gác Huế chi hết mà tên đệm cũng có chữ "Kim" là sheo ta ?? ....khà khà khà .....(hay thấy soang bắt quàng làm họ đỡ dzậy héng).

    Nhắc đến gia phả, tên họ, làm ngứa tay, muốn viết về gia phả nhà này quá lun (mà sợ viết xong, sẽ có ng` đến đòi nợ thì khổ mạng ....ha ha ha)

    ReplyDelete
  10. Tên mình đặc biệt nha... Diệu Khanh

    ReplyDelete
  11. Người Huế có cái tật xấu, là đặt tên con trai theo nghĩa chữ Hán, bất kể là có thể nghe như tên con gái. Có một ông Bảo đặt tên con là Quý Hương.

    ReplyDelete