Wednesday, April 13, 2011

Chơi vơi

Tối hôm Chủ nhật, lặn lội xuống UCI coi phim Chơi vơi, được trình chiếu trong tuần lễ VIFF. Bỏ công đi ăn giỗ, nhưng hoàn toàn không lỗ bữa cày. Một phim đáng coi.

Khán phòng hôm đó không còn chỗ trống. Chắc là có nhiều người coi vé free như mình(?). Bất ngờ.
Không có đạo diễn hay đoàn làm phim đến. Thế là về sớm. Không có phần Q&A nhưng lên xe thì mọi người (5 tên) cũng có lời qua tiếng lại về Chơi vơi.

Đây là phim thuộc về thể loại cảm giác. Ngay cái tựa cũng đã nói lên cái gì rồi. Kiếm tìm cái gì khác trong phim này là điều không thể. Nên xem đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa cảm giác chơi vơi lên phim ra sao.

Chơi vơi là một bộ phim không có cốt truyện, kịch bản của Chơi vơi (tác giả Phan Đăng Di) hoàn toàn không có mục đích kể câu chuyện với kiểu dẫn chuyện có mở đầu, có cao trào, gút thắt, nút mở... mà ta thường thấy. Chơi vơi chỉ là một lát cắt phản ánh đời sống xoay quanh 4 nhân vật chính, họ gặp phải tình trạng bế tắc, không lối thoát trong không gian đô thị chật hẹp mà bối cảnh chính là Hà nội.

Duyên, Cầm, Hải, Thổ. Tên gọi của 4 nhân vật- vốn được thể hiện trong phim nhiều nhất, theo tôi nghĩ, đều có ý nghĩa riêng theo chủ đích của tác giả kịch bản.

Duyên, có mối liên hệ với hầu hết các nhân vật khác trong phim. Duyên là vợ của Hải, là bạn của Cầm, là người đến với Thổ, gặp gỡ được cô bạn tình của Thổ, là người biết câu chuyện của ông bà nội. Sự gặp gỡ xảy ra tưởng như là tình cờ nhưng thực ra đó là một sự sắp đặt có "tính nhân duyên" đúng như tên gọi của chính nhân vật. Duyên tồn tại lơ lửng trong phim. Cô lấy Hải sau khi chỉ quen Hải được 3 tháng. Duyên lạc lõng trong mối quan hệ gia đình, không tìm thấy sự hòa điệu nên cô thường tìm đến Cầm. Rồi đánh đu thân phận của mình trong vòng tay của Thổ.

Cầm, nhà văn sống trong khung cảnh xa rời hiện thực. Luôn luôn có tâm trạng bế tắc, bất cần đời sống bên ngoài. Sự tồn tại của nhân vật này có thể là vô nghĩa với hiện thực, nhưng lại mang tính thiết yếu vì Cầm tạo nên những cung bậc, sắc âm trong mối liên hệ giữa Duyên và các nhân vật khác. Hờ hững với cuộc sống bên ngoài, mặc dù là đầu mối của những sợi dây quan hệ, nhưng chính Cầm lại không tìm được lối thoát ngoài việc vùi mình trong những trang viết đờ đẫn ở một không gian bó hẹp và u tối của căn nhà với mẹ cô.

Hải, vô tư hồn nhiên như nước mặc dù anh không còn là trẻ con. Hải chơi vơi vì xa sự chăm sóc của mẹ, dù đã lập gia đình. Anh lái taxi đi đón vợ, chở mái ấm gia đình của mình như công việc thường ngày anh vẫn làm là đưa và đón khách. Mở đầu bộ phim là cảnh Hải đưa vợ mới cưới vể tổ ấm mới của mình, và kết thúc bộ phim là Hải chờ đón Duyên, và Duyên vẫn ngồi phía sau như vị khách đi taxi với cảm giác chơi vơi trong thành phố lạ.


Thổ, một nhân vật được xây dựng có vẻ bí hiểm, một kẻ cơ hội được tồn tại rất phù hợp và cần thiết cho những người như Duyên, như Cầm hoặc cô tình nhân đã theo đuổi y trong sáu năm. Thổ là cơ hội tìm thấy sự thỏa mãn của Duyên, là nơi nhận những lá thư không hề được đọc của Cầm, là nơi bám víu không tương lai của một tình yêu không đáp trả. Thổ chính là bạn đồng hành của cảm giác chơi vơi, cần nơi bấu víu của phụ nữ.

Chơi vơi không chỉ là cảm giác riêng có ở bốn nhân vật có tên gọi trong phim, mà là một trạng thái chung của xã hội đối với những cư dân đang sống bị dồn nén trong một không gian đô thị bức bối, của một Hà nội chật hẹp mà trong phim mô tả. Người ta sống, ăn ở, chung đụng với trạng thái không có lối thoát đó xem như là sinh hoạt bình thường. Không mảy may tìm cách giải thoát tình trạng dật dờ đó. Mà ngược lại, chấp nhận sự hiện diện của chơi vơi như là một giải pháp tối ưu để không thấy cảm giác đó đang tồn tại.
Bà mẹ của Hải với đôi mắt thờ ơ nhìn con trai và bạn bè say bí tỉ trong tiệc rượu. Một đôi lời dặn dò qua loa làm hành trang cho cuộc hôn nhân của con mình.
Bà nội của Duyên vẫn nhẫn nhục săn sóc ông chồng già, bà thản nhiên không buồn không biết khi Duyên hỏi về những mối tình vụng trộm của ông khi thời trai trẻ.
Ông bố mê chọi gà, đứa bé gái mê tắm bồn, tay cờ bạc, hoặc mẹ của Cầm... tất cả vẫn miệt mài hít thở cái chông chênh, chơi vơi một cách thản nhiên như công việc mà họ vẫn làm thường ngày không có gì thay đổi.

Phim Chơi vơi là một lát cắt ngang, còn tui viết bài này như chẻ trái cau ra làm sáu. Mỗi người coi phim đều có cách nhận xét của riêng mình. Tốt nhất, hãy chọn cho mình một miếng cau, têm một tí vôi vào lá trầu, rồi nhâm nhi độ nồng cay của vôi, của trầu, của miếng cau Chơi vơi tùy theo khẩu vị.

6 comments:

  1. Tui lỡ một lần dứt hết cả quả cau, ông ơi!
    Bây giờ không phải chỉ chơi vơi mà chới với luôn rồi!
    Đây là bài viết về Chơi Vơi hay nhất trong đống bài hôm bữa giờ tui đọc đó.

    ReplyDelete
  2. @Cô giáo: Thank you!
    Viết là viết vậy, chứ lỡ ông Di, ông Chuyên đọc được rồi bảo: Phim của tôi đâu có như vậy đâu, thì kể như bị hớ. Nhưng mà kệ. Hehehe..

    ReplyDelete
  3. một tác phẩm đã ra đời, tức đã vượt khỏi sự kiểm soát của tác giả. Cảm thụ là quyền độc giả, quyền của người xem. Người ta chỉ có quyền đưa ý kiến "tôi nghĩ về phim này là như thế này," chứ không ai được nói "phải hiểu về phim này như thế này này" :))

    ReplyDelete
  4. Quởn tình vô đây đọc để kiếm coi chủ nhà có sơ hở cái gì cho tui 'cười' lại cái. Đụng vài này thì không 'cười' mà phải khen. Bình hay quá Gác ạ. Có điều cũng không định sẽ coi film, vì coi xong sợ film không như lời bình. Gác có cái nhìn nhận mỗi nhân vật rất Gác. ;) Thích cái câu này 'Phim Chơi vơi là một lát cắt ngang, còn tui viết bài này như chẻ trái cau ra làm sáu.' - thích thì thích vậy, nhưng vẫn théc méc tại sao lại làm sáu? mà không phải làm bốn hay làm tám? Tui théc méc vậy thôi. Thích thì trả lời không thích thì không trả lời cũng không sao.

    ReplyDelete
  5. @ChịBa: Cái này thuộc về thói quen thôi. Hehe..
    Vì hồi xưa hay phụ bà già chẻ cau, têm trầu mỗi khi nhà có phương việc: Cau bổ 6 là vừa miếng cau, lại gọn, và đẹp nữa. Cau bổ 8 thì quá nhỏ, sợ khách người ta chê: nhà này tiết kiệm miếng cau quá đáng! Cau bổ ra làm tư thì quá lớn, mấy mệ nhai trệu quai hàm, hơn nữa miếng cau bự quá thì phí cau. Cau mô mà chịu cho nổi. Haha..

    Khi viết bài này, vì có dùng đến từ lát cắt ngang, và kéo luôn cái từ chẻ dọc. Và do vậy mà nhớ đến đến cái thói quen (tốt và đẹp) này. Hehehe.. Có rứa thui.

    ReplyDelete
  6. Lúc đọc tui cũng nghĩ y vậy. Vì hồi đó thấy ngoại bổ cau ra làm 6 chớ hổng bao giờ 4 hay 8 với cùng lý do Gác nói. Chỉ muốn confirm với tác với tác giả. Cảm ơn trả lời còn bonus cái cười.

    ReplyDelete