Thursday, April 14, 2011

Ông Nội

Hôm nay, ở VN là ngày kỵ của ông Nội. Nếu còn sống, bây giờ ông thọ 102 tuổi. Ký ức, kỷ niệm về ông Nội có lẽ không nhiều, ngoài bà chị đầu và ông anh trai lớn - cháu đích tôn của ông. Hơn nữa, tuổi thơ tôi lớn lên trong điều kiện gia đình ba mẹ tôi không cùng sống chung với gia đình ông bà Nội. Và ông mất cũng đã lâu, nên những gì nhớ được về ông Nội cũng nhòa. Nhớ ra gì thì kể nấy. Và chuyện về ông Nội thường là do ba tôi kể lại.
Ông Nội tôi làm nghề thợ may. Có cửa tiệm lớn ở Morin, thành phố Huế. Không biết ông có tay nghề giỏi như thế nào, nhưng khách hàng của ông Nội lúc bấy giờ là những ông khách Tây, bà đầm, hoặc giới thượng lưu quan quyền của Huế thời Pháp.

Ông chuyên về đồ Tây, áo Veste, và đặc biệt khéo léo trong việc thiết kế và may áo đầm dạ hội cho các bà. Ba tôi kể, có lần, trong một trường hợp ngặt nghèo gì đó, có một bà đầm cần một bộ cánh đẹp để cùng chồng đi dự tiệc của một quan lớn. Bà đã tìm đến tiệm may ở Morin. Ông Nội đã cùng tốp thợ học nghề của ông thiết kế một chiếc áo dạ hội với một bông hoa lớn được may bằng tay trước sự chứng kiến và thán phục của bà đầm khách hàng, vừa nóng ruột ngồi chờ, vừa mặc thử và lấy áo trong thời gian có mấy tiếng đồng hồ. Sau lần đó, khách hàng quen biết của ông Nội không chỉ các quan Tây mà đặc biệt thường lui tới cửa tiệm là các bà vợ của các ngài quan lớn. Nhờ vậy, mà ba tôi đến tuổi đăng lính, chỉ làm lính kiểng, đóng ở đồn Mang Cá, gần nhà. Và sau này có giấy miễn dịch dài hạn luôn.

Có lẽ, vì thường giao du với giới thượng lưu, nên ông Nội cũng có cuộc sống phong lưu và đào hoa không kém. Ông đã từng làm bầu gánh hát, giao cửa tiệm lại cho thợ và ba tôi coi ngó để ông rong ruỗi theo gánh hát vào Quy Nhơn, Nha Trang, hoặc ra tận Hải Phòng. Vì vậy, gia đình tôi có đến 2 Bà Nội. Ba tôi, và có một chú nữa thuộc con bà lớn. Riêng bà Nội nhì (gia đình chính của ông Nội sau này, kể từ ngày gác kiếm) với ông tôi có thêm hai chú và mấy bà o (= bà cô).

Ba tôi cũng theo nghề của ông Nội. Sau khi lấy vợ, ba tôi ra riêng và dọn vào Đà Nẵng để sinh sống và hành nghề để không đụng hàng với ông Nội. Hơn nữa, cũng để giải thoát cái kiếp làm dâu của mẹ tôi với bà Nội nhì. Và vì ở xa, nên đây cũng là lý do mà mấy anh chị em lứa sau của chúng tôi không có nhiều ký ức về ông Nội, ngoại trừ bà chị, ông anh mà tôi đã nói ở trên. Hai người này thường được đưa về thăm ông bà Nội mỗi khi có dịp giỗ, Tết hoặc nghỉ hè.

Mặc dù không có nhiều dịp được ở bên ông Nội, hoặc không có nhiều kỷ niệm với ông, nhưng với anh chị em chúng tôi - và chắc chắn với nhiều người khác cũng vậy - hình ảnh ông Nội là một điều gì đó đầy kính yêu, rất mực quý trọng. Ông Nội là khuôn mẫu linh thiêng luôn được thương nhớ và tột bực tôn thờ.

Nói thì nói vậy, dù cách xa mấy, không ít thì nhiều thì chúng tôi cũng có thời gian gần gũi được bên ông. Năm 1975, sau mấy tháng loạn lạc, gia đình chúng tôi lúc đó đang tản cư ở Sài gòn đã quyết định dọn thẳng về Huế, vì ba mẹ tôi nghĩ đến quê hương bản quán, nghĩ đến ông Nội, muốn ở gần ông để có dịp gần gũi thăm viếng và chăm sóc ông.

Tất nhiên, ba mẹ tôi vẫn phải ở riêng. Gia đình tôi sống ở trên làng (quê Ngoại) và mấy anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ mới được biết và gần ông Nội mỗi khi có dịp từ trên làng được về chơi phố.

Thời cuộc thay đổi nên cuộc sống cũng thay đổi. Morin không còn, tây đầm cũng không còn, giới thượng lưu cũng lo chạy gạo từng bữa ăn... vậy là ông Nội cũng rút lui về kiếm thuê một chỗ may gần nhà. Ngày ngày mở cửa tiệm, tối về đóng cửa tiệm. Thời trang quần ống túm, áo tay cánh tràn lan, vải vóc kiếm đâu ra mà may áo đầm, áo veste?

Kể cũng lạ, nghĩ lại, thời buổi nào phụ nữ cũng là giới se sua "quần là áo lượt". Ông Nội tôi từ chuyên may đồ đầm chuyển qua may đồ bà ba, áo cụt, áo dài, thậm chí sáng tạo kiểu áo đồ tàu, có nút thắt nhiều kiểu dáng, được làm và kết bằng tay rất là nổi tiếng. Khách hàng của ông Nội là các bà tiểu thương ở chợ Đông Ba. Rồi ông nhận học trò qua nhiều thế hệ, dạy may nhiều kiểu dáng áo bà ba, áo tàu.


Mỗi khi được ghé tiệm của ông vào những lúc rảnh rang, tiệm vắng khách hoặc không có gì làm, tôi được phép lấy cây thước may bằng gỗ để múa may, và chơi đánh kiếm. Tiệm may của ông Nội là một thế giới của màu sắc trong mắt trẻ thơ tôi. Vải vóc, phấn kẻ, chỉ màu... những suốt chỉ bằng gỗ không còn dùng. Ông cho tôi để làm chiếc xe càng đẩy mà tụi bạn nhìn vào tôi ganh tị.
Có lẽ, điều tôi thích nhất là được ông nhờ xâu chỉ. (tức là luồn sợi chỉ qua cây kim may). Với những đứa cháu như chúng tôi, được ông Nội nhờ là một nỗi tự hào, làm được việc gì cho ông là một niềm hãnh diện.

Còn nhớ có những lần buổi chiều xế xế, ông già đẩy xe bán cao lâu, phở gõ đi ngang. Vậy là tối hôm đó hai ông cháu tôi về nhà, nhìn nồi cơm độn sắn hoặc rế khoai mà lắc đầu nguầy nguậy đòi đi ngủ sớm.

Tuổi già, mắt yếu và bị bệnh lãng trí. Từ cửa tiệm thuê ông Nội chuyển về may ở nhà. Sau lần mổ cườm mắt thì ông giao hẳn sự nghiệp may vá cho chú út. Càng về già, bệnh của ông càng nặng. Có những hôm ông đi tận đẩu tận đâu, người nhà nháo nhào đi tìm nhưng cuối cùng có anh xích lô chở ông về vì "biết Ôn là người quen, thấy ôn đi lòng dòng bên rạp Hưng Đạo". Người nhà hỏi Ôn: "Đi mô mà qua tận bên nớ? Ôn tỉnh queo trả lời: Tao đi coi hát!"

Hồi xưa, có lẽ không có nhiều bia rượu, nên rất ít khi thấy ông uống. Sau này khi bệnh lãng trí nặng thêm, ông Nội đâm ra ghiền thuốc lá. Con cháu đứa nào đến thăm ông, ông gật gật vì không còn nhớ gì nhiều, ông chỉ hỏi khỏe không rồi hỏi xin thuốc lá.

Ông mất nhẹ nhàng như chính cuộc đời phong lưu của ông vậy. Đám tang của ông có khăn đỏ, khăn vàng.

Ông Nội sống phong lưu và thác linh thiêng, Cầu mong ông phù hộ cho con cháu có cuộc sống sung túc, phong lưu, bay nhảy như đời ông vậy đó!

4 comments:

  1. Cuối cùng hay nhất là câu "ông Nội sống phong lưu và thác linh thiêng, Cầu mong ông phù hộ cho con không bao giờ phải trả tiền Dennys cho cái đám chết tiệt kia"
    :))

    ReplyDelete
  2. hey, mà cái chữ "triễn hạn" chỗ profile của ông có nghĩa là cái chi vậy?

    ReplyDelete
  3. @Cô giáo: Muốn hiểu từ này thì hỏi anh HN để có thể biết chỗ nào thì nghe giải thích từ "triễn hạn".

    ReplyDelete
  4. Giờ mới biết đồn Mang cá ở đâu nha. Hèn gì ngó Thanh cũng phong lưu. Hehe triễn hạn là trễ hẹn phải không? :)

    ReplyDelete