Sau khi hỏi han, tính gác phôn thì nghe giọng bà chị nói với Mạ là sẽ ghé chợ mua chuối và bông để cho Mạ cúng kiếng gì đó. Hỏi thêm, nhà có kỵ gì? Mạ nói: Kỵ giỗ ở nhà thì không. Nhưng cúng 23 tháng Năm.
23 tháng Năm. Tính theo lịch âm. Ngày thất thủ kinh đô. Ngày mà Vua cùng quan và dân thường tan tác chạy loạn trong mịt mùng khói lửa khi Pháp đánh úp kinh thành Huế năm Ất Dậu, 1885. Hàng ngàn người chết trận, chết bờ, chết bụi. Một ngày não nùng. Và người Huế, theo hàng năm, lại âm thầm thương xót bày bàn thờ ra đường, ra ngõ để cúng, để tưởng nhớ, để tiếc, để thương cho những vong hồn oan khiên.
Huế có nhiều địa danh đẹp được gọi tên một cách mỹ miều như Kim Long Vỹ Dạ, Hương Trà... Nhưng cũng có địa danh khi gọi lên thì gợi cho người ta sự sợ hãi và ám ảnh như Ngã tư Âm hồn, Chín hầm, Khe Suối máu... Ngay tại trong kinh thành Huế có một cái miếu gọi là miếu Âm hồn. Nghe đâu là một ngôi mộ chung chôn nhiều người tử trận, dân gian lập nên miếu thờ này và thường xuyên đến cúng viếng, lễ bái để bày tỏ lòng tiếc thương đến với hương linh của những oan hồn sĩ tử.
![]() |
Lễ cúng tại Miếu Âm hồn (Hình: Google) |
Cúng 23 tháng Năm trong quan niệm của những người Huế dân gian là lễ cúng đơn giản nhưng hết sức lòng thành. Ngoài bình bông, nải chuối, giấy tiền, áo binh vàng bạc, thì trên mâm cúng có cơm vắt, muối mè, khoai lang, sắn hấp, bắp trái, đậu luộc.. nói chung là cúng đồ khô để cho tiện, gọn nhẹ để "người ta" xách đi. Và đặc biệt là nấu nhiều nước chè để cúng cho người chaỵ loạn thỏa cơn khát trong cái nắng của tháng Năm. Hoặc bên cạnh có đốt đống lửa to để sưởi ấm cho những linh hồn chết lạnh vì sông nước.
Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần ở nhà có cúng, có kỵ là mừng. Cuộc sống tuy chật vật, khó khăn, nhưng không riêng gì gia đình tôi, mà trong tâm thức của người Huế nói chung thì cứ đến tháng Năm vẫn nhớ đến ngày kinh đô thất thủ. Ở nhà tôi, cúng 23 tháng Năm thì cây nhà lá vườn, có gì cúng đó. Ngoài những vật phẩm kể trên thì vườn nhà có trái mít, trái thơm cũng đem ra chia sẻ với kẻ khuất mặt khuất mày.
Văn hóa cúng bái của người Huế thường được xem là lễ nghi rườm rà, nhưng lại rất đơn giản bởi sự thành tâm và tùy gia cảnh của những người dương thế.
![]() |
Sửa soạn bàn cúng trước cửa nhà (Hình: Google) |
Văn hóa Huế ngoài những mặt nổi có vẻ sang trọng, đài các được tôn vinh làm di sản thế giới, hoặc văn hóa phi vật thể của chốn cung đình... thì văn hóa tâm linh là phần nền tảng làm nên cái đặc sắc của văn hóa Huế. Ai đến Huế cũng có chung nhận xét rằng: đất chi mà buồn da diết. Âm âm u u đến não lòng. Bởi Huế là vùng đất gắn chặt với nhiều biến cố lịch sử của sự chết chóc, phân tán, chia ly...
Mạo muội điểm lại lịch sử để thấy đất Thuận Hóa ngày nay có được, là kết quả nỗi niềm ly biệt của Huyền Trân Công chúa.
Ở khu vực kế cận vùng quê tôi sống có di tích Thành Lồi. Mô đất cao chồm hổm như ngáng chân người đi, đã trở thành một vết sẹo lồi của người Hời từ một vết thương đã bị người Việt của thời đại nhà Trần cứa đứt. Người Hời đã để lại mảnh đất của họ và chấp nhận ra đi vì thua mẹo đắp thành của người Đại Việt.
Trong lịch sử cận và hiện đại Việt Nam, thì Huế là một nơi của chốn đao binh mang nhiều vết cắt. Vua Hàm Nghi cùng quan cận thần Tôn Thất Thuyết bỏ thành quách để lên rừng viết Chiếu Cần Vương. Phật giáo Huế cũng tan tác bởi biến cố 1963. Tết Mậu thân 1968 thì Huế mang một "vành khăn sô" ly biệt. Đến năm 1975 thì người Huế chạy, chạy và chỉ có chạy.. đó là thời điểm mà người Huế dáo dác và í ới kéo nhau chạy tứ bề, chạy tan tác khắp nơi...
Cửa Thuận An là nơi quân Pháp nã phát pháo đầu tiên báo điềm dữ cho ngày kinh đô thất thủ, và cũng từ địa danh này xác người la liệt nằm trên cửa biển, và Huế như được xem là nơi đã mở đầu cho một cuộc tháo chạy chưa từng có trong lịch sử hiện đại của VN.
Vậy cho nên không phải ngẫu nhiên mà Huế có nhiều am thờ, đình chùa, miếu mạo, và người Huế cứ mãi lo về chuyện tâm linh cúng bái, nhớ về người đã khuất để hương khói suốt tháng, quanh năm.
Huế nặng tâm linh bởi Huế lắm điêu linh. Đã qua hơn một trăm năm nay, và hy vọng hai trăm và nhiều trăm năm sau, vẫn còn người Huế nhớ về ngày kinh đô thất thủ.