Thursday, June 16, 2011

Ba tôi (1)

Đọc bài viết Bố bên nhà chị Ba Đậu. Ngồi thừ người ra. Nhớ ông Ba của mình quá chừng. Cũng nhờ vậy mới biết rằng: Father Day đang đến. Trước đây ở VN, không có ngày của Cha. Qua sống bên này, thấy mọi người nhắc nhở nhau khi sắp đến tuần lễ có ngày Father Day. Nhưng tôi không có cơ hội để nói những lời yêu thương cho Ba tôi nghe được nữa rồi. Tôi không có được ân sủng làm những điều đẹp nhất để dành cho Ba tôi nữa.Tiếc quá!

Ba tôi mất cách đây 3 năm, giữa một ngày mưa lạnh mùa Đông ở Huế. Khi cơm nước buổi trưa xong, Ba tôi mở đĩa phim về kinh thuyết pháp gì đó cho Mẹ tôi cùng mấy Dì bà con trong xóm ngồi xem. Ông giới thiệu: Hay lắm! Sau đó ông đi nằm vì cảm thấy không khỏe trong người. Ngoài trời, Huế mưa dầm dề. Lạnh. Từ giấc ngủ chiều muộn màng đó. Ba tôi đã không dậy được nữa. Bên này lúc đó khoảng 2 giờ sáng của đêm Chủ nhật, chuông điện thoại rung lên. Nghe tiếng được tiếng mất của đứa cháu gái ở bên kia dàn dụa: "Cậu ơi, cậu ơi.. ông Ngoại đi ngủ, rồi không dậy nữa rồi cậu ơi. Ông Ngoại bỏ tụi con mà đi rồi... Tôi thảng thốt bật dậy. Lạnh sống lưng. Ngồi câm lặng suốt trong đêm mà nước mắt cứ trào. Tôi đã khóc vì tiếc thương Ba tôi trong nỗi niềm của ân hận.

Hồi chiều tối, lúc khoảng 9 giờ. Tính gọi về cho Ba, nhưng nghĩ lại. Thôi. Để sáng mai trên đường lái xe đi làm rồi hẵng gọi. Và kể từ cái ngày Chủ nhật oan nghiệt đó, tôi đã không còn cơ hội nghe được giọng nói của Ba tôi nữa. Tôi là kẻ thật đáng giận.

Khi bắt đầu cuộc sống ở xứ này. Mọi dự định sẽ làm cho Ba tôi vui mãi mãi ở lại trong dự tính và không bao giờ được thực hiện. Tôi chưa kể gì nhiều về cuộc sống ở bên này cho Ba tôi nghe. Tôi đã lần lữa không tâm sự hay kịp chia sẻ những niềm vui tôi có được thì Ba tôi đã đi rồi. Tôi đã hẹn với Ba tôi trong ngày gặp mặt. Tôi đã trễ hẹn và mãi mãi là đứa con trễ hẹn.

Một người bạn đã từng nói với tôi rằng: Khi ông ba mất thì con trai là những thằng ân hận nhất. Tôi đã nghiệm ra cho chính bản thân mình. Và điều đó khiến lòng tôi ray rứt mãi.

Ba tôi là thợ may. Trước 1975, ở Đà Nẵng, ông đứng thợ chính thức cho bà chủ tiệm may hiệu Kim Thoa. Ông đứng lớp phụ trách giảng dạy cắt may cho cơ sở của bà Đại Lượng. Học trò của ông có cả hàng trăm người. Khi chạy tản cư, ông đã bỏ lại nhà cửa, tài sản cho người ở lại. Tôi đã chứng kiến ánh mắt tuyệt vọng của Ba tôi khi đứng nhìn ông chủ ghe cắt đứt sợi dây neo ác nghiệt để cướp đi toàn bộ của cải, hành lý, tư trang của toàn bộ gia đình khi tính vào tử thủ ở Saigon.
Sau 1975 quay lại Đà Nẵng thì tất cả đã sang trang, và hàng xóm là những người dường như nhìn nhau xa lạ. Dắt díu vợ con về Huế.  Từ một thị dân, Ba tôi đã phải vác cuốc lên vỡ đất khai hoang trồng sắn, trồng khoai ở Bastogne, Bình Điền, Hương Mai... Dẹp cây kim, cuộn chỉ, Ba tôi nhận luôn cả mảng ruộng trên đồng An Cựu để trồng rau muống.
Với một gia đình đông con đến 8 miệng ăn. Ba tôi đã không từ chối bất kỳ một điều kiện gì để kiếm gạo phụ giúp Mẹ tôi chạy ăn từng bữa.
Và cũng vì kiếp sống mưu sinh. Ba tôi lưu lạc vào tận xứ người ở miệt Bạc Liêu, đạp chiếc máy may cọc cạnh để hàng tháng gửi tiền cho Mẹ tôi. Nhưng cuộc sống hào phóng của miền Nam cũng không giữ chân được Ba tôi, ông lại quành trở ra vì vợ vì con vì ông Nội  và vì quê hương bản quán.
 

Thời cuộc tuy đã thay đổi, đời sống có những khó khăn, chật vật hơn nhưng Ba tôi vẫn cố gắng duy trì nếp sống của một thị dân. Cứ mỗi cuối tuần, Ba tôi lại đưa anh chị em chúng tôi, những đứa còn nhỏ, đến rạp xi-nê để thỏa trí tưởng tượng của mình trong thế giới điện ảnh. Được coi xi-nê, được ăn chè ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Rồi được biết thế giới bên ngoài còn có chuyện cổ tích Grim, có ông thần thời gian ngồi quay mãi chiếc bánh xe. Đứng mút cây cà-rem  mà mơ ước mình có Con ngỗng vàng, hoặc Ba hạt dẻ nhiệm màu như cô bé lọ lem trong phim truyện...

Thế giới vẫn còn có nhiều màu sắc đã hình thành trong tôi. Niềm đam mê phim ảnh của tôi đã bắt đầu từ đó!


Ba tôi là một người hiền từ. Hầu như tôi chưa bao giờ thấy ông la mắng vợ con bao giờ cả. Sống gửi rể ở làng Ngoại, ông đã chiếm trọn cảm tình của bà con từ làng trên xóm dưới. Ngày Ba tôi mất, nhiều người đến thăm đông lắm. Có nhiều người sống ở làng kế bên cũng tìm ghé qua, thắp cho ông một cây nhang, vái hai lạy thay cho lời từ giã. Đến lúc đó, anh chị em trong nhà mới thấy được ý nghĩa trọn vẹn qua cuộc sống của Ba tôi.

Là một người cha hiền từ, Ba tôi luôn tôn trọng ý kiến cá nhân của anh chị em tôi theo từng người một.Bà chị đầu lập gia đình với anh bộ đội phục viên ông cũng không cấm cản. Ông anh thứ nhì chống lệnh điều động công tác ở vùng sâu Ba tôi cũng chỉ nói những lời khích lệ, động viên. Ông anh thứ ba bán cái sản nghiệp của Ba là chiếc máy may hiệu Singer để tìm cách vượt biên, ông cũng chỉ đứng lặng mỉm cười. Thằng tôi là một đứa con cứng đầu, học hành dở dang, làm theo ý thích của mình, tự động rút toàn bộ hồ sơ xin chuyển trường, Ba chỉ hỏi một câu: Sao vậy con, rồi ông cầm bút lên ký giấy...

13 comments:

  1. Gác - Thanks for sharing! Very touching story.

    ReplyDelete
  2. Cảm động quá anh Thanh.

    ReplyDelete
  3. Tuổi thơ có đèn sáng, có phim ảnh, có cà rem, thương cái nếp thị dân của thời khốn khó

    ReplyDelete
  4. môt nén nhang cho Ba nha chú Gác. Mình chưa bao giờ có một tình cảm nào nồng nàn như vậy cho Ba. Bữa nay sang nhà ...thương ké vậy thôi.

    ReplyDelete
  5. Viết dở dang đến đó rồi ngồi khóc... Người đọc cũng khóc theo...
    Vẫn còn nhớ cái ngày cả đám gom tiền phụ anh Thanh mua vé máy bay về đám tang bác. Vậy mà đã hơn 3 năm...

    ReplyDelete
  6. hic. Dang nho my Dad lai doc bai nay. Khong biet noi sao. Co the cuoc song la khong co ket thuc...

    ReplyDelete
  7. Có 1 người chung cảnh với tui!

    ReplyDelete
  8. ba anh Thanh có nhiều điểm giống ông ngoại mình, bữa nào kể cho nghe! :)

    ReplyDelete
  9. @All: Rất cảm ơn mọi người đã chia xẻ.

    @Cô giáo: Cảm ơn cái tình cảm của bạn bè và những người quen biết dành cho. Không thể quên cái nghĩa cử đẹp đó! Thank you!

    ReplyDelete
  10. cam dong va nhth Hue qua Th oi, khi nao co dip cung ve Hue, dan Dn ve nha Th choi voi..

    ReplyDelete
  11. Chị Dng cùng anh K. và mấy đứa nhỏ hè này về Huế thăm đi. Từ thành phố đi xe lên làng cũng gần. Hoặc có thể thuê đò chạy ngược dòng sông Hương, gặp bãi cát bồi phía bên trái, tấp vô. Đi như vậy cũng hay. Hihihi..

    ReplyDelete
  12. thich di ve lang minh hoac ve lang ban minh, moi gap nhung nguoi quen(cua minh hoac cua ban), moi co nhung quen biet, nhung than thiet chan tinh, tu nhien di ngo ngo den 1 lang la.. lac long & vo duyen lam..;)/ Nguyet Bieu nghe hoai nhung chua bao gio Dng len toi, ko xa, ko gan, nhung chua co co hoi..

    ReplyDelete