Friday, June 24, 2011

D-day, ngày giải cứu thế giới

 Tháng Sáu, D- day, 1944. Ngày mà lịch sử thế giới ghi nhận khi quân viễn chinh Mỹ đặt chân lên Châu Âu để thực hiện một sứ mạng cao cả và vĩ đại. Để ghi nhớ về sự kiện này, lục lại bài viết dài đã được đăng trên yxine về một bộ phim yêu thích Saving Private Ryan. Đây là một trong những bộ phim có thể xem đi xem lại hoài không chán. Và có thể bắt đầu bất kỳ ở đoạn nào cũng có thể xem được hết. 
Bài cảm nhận về phim này tôi viết khá dài, bởi theo lối kể chuyện phim tường thuật kiểu con nít, theo trí nhớ như mọi đứa trẻ khác khi được người lớn dắt đi coi xi-nê, về nhà nhớ hết thảy mọi chi tiết, điểm lại các nhân vật và hôm sau kể ra cho bạn bè nghe vậy đó. 

Saving Private Ryan - Giải cứu Danh dự

Chiến tranh, đó là điều kinh khủng. Đó là cái không đáng có, nhưng nó đã tồn tại và đang hiện diện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Cho dù bạn đang ở đâu, một khi có sự xuất hiện của các phương tiện nghe - nhìn, chỉ cần lật một trang báo, bật một chương trình TV, hoặc đang theo dõi một mẩu tin ngắn trên sóng radio... thì những tin tức nóng bỏng về chiến sự ở Iraq, những hình ảnh về cuộc tàn sát đẫm máu ở Rwanda, sự thù hận dai dẳng giữa hai bờ của dãy Gaza... tất cả đều được đề cập. Những cảnh tượng về bom rơi, đạn bay, máu đổ... đã ám ảnh và trở thành quen thuộc trong đời sống thường nhật của con người.
Mỗi cuộc chiến đều có những lý lẽ riêng của nó, nhưng thật kinh khủng khi chiến tranh trở thành lẽ sống của một số người, một thế lực, hoặc một số quốc gia nào đó!

Trong mỗi chúng ta, có thể hoặc chưa trải nghiệm qua bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, nhưng tuy vậy, vẫn có những cảm thức khác nhau về chiến tranh thông qua sự hiểu biết của bản thân mình về lịch sử, qua những kênh thông tin, qua những phương tiện, hình thức khác nhau mà chúng ta vẫn tiếp xúc hàng ngày... và từ đó hình thành trong mỗi người một cách nhìn, một lối nhận định về những cuộc chiến đã từng xảy ra, đang hiện diện, hoặc hình dung số phận chiến tranh trong tương lai ở một nơi nào đó... Với tôi, tôi suy nghĩ đến một cuộc chiến trong quá khứ - chiến tranh thế giới lần thứ hai, thông qua một tác phẩm điện ảnh: Giải cứu Binh nhì Ryan.

Tại nghĩa trang tưởng niệm các quân nhân Mỹ chết trận nằm trên bờ biển Normandy nước Pháp. Một cựu chiến binh già đang bước những bước chân chầm chậm như lùi về quá khứ. Ở đó, ông đã trải qua những giây phút kinh hoàng của đời mình, ông đã nghe, tận mắt chứng kiến và tham gia vào một cuộc chiến giành giật giữa sự sống và cái chết. Ở đó, ông đã hiểu được thế nào là tình đồng đội, thấy được những nghĩa cử anh hùng, cảm nhận được cái lớn lao của sự sống... và vượt lên trên tất cả là ông đã thấu hiểu giá trị và ý nghĩa cao quý của từ: Danh dự.

(Hình: Google)

Tháng Sáu, năm 1944: Đại uý John H. Miller đang cùng đồng đội chuẩn bị một cuộc đổ bộ vào nước Pháp tại một bờ biển có tên Omaha. Không ai trong số họ có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra. Có kẻ làm như bình thản nhai chewing-gum, có người thì thầm ôm hôn tượng Chúa trên thánh giá, và Miller với tay lấy bi-dong cố hớp lấy một ngụm nước không phải vì cái khát... tất cả mọi động tác nhằm che dấu sự căng thẳng lộ rõ trên từng nét mặt. Tiếng ì ì của động cơ lẫn hoà với âm thanh sóng biển. Tất cả im lặng đón chờ. Thời điểm đã đến. Mệnh lệnh lạnh lùng truyền đi từ Miller, và Horvath ân cần truyền đạt cho đồng đội như một lần nhắc nhở cuối cùng. Cánh cửa được hạ xuống. Bụp. Một loạt đạn cắm vào. Một, hai, ba thân người bật ngửa ra sau. Đạn ở đâu đó trên bờ như xối xả tuôn vào cái cánh cửa hẹp của chiếc xà lan. Tiếp tục thêm mấy thân người vật xuống. Tiếng chỉ huy ra lệnh: hãy thoát ra hai bên. Ào ào, bõm bõm, không nghe tiếng đạn xé. Ục, ục, máu! Không còn nghe tiếng rít của đạn, nhưng lại thấy hình ảnh đường bay xuyên thẳng của những viên đạn vô tình. Máu loãng tan ra. Âm thanh như bị ứ lại. Ngợp thở quá, trồi đầu lên. Đạn vẫn bay vù vù. Ngụp xuống, với đạp vào cái gì đó dưới chân để tiến vào bờ. Tiếng đạn vẫn rít và va đập vào những thanh kim loại, bật keeng ra nghe chát chúa. Hỗn loạn. Tiếng la ó, tiếng kêu rên. Xác chết. Ầm! một quả đạn pháo rơi bên cạnh. Ù đặc! Thấy một thằng nào đó thét lên: [Chúng ta phải làm cái quái gì bây giờ!] Không nghe gì hết! Tất cả như ứ lại! Phải cố gắng tiến vào bờ cát trước mặt. Một tên lơ ngơ, loay hoay tìm lượm một một cánh tay. Không nên để mất gì hết! Cố gắng kéo cái xác của một thằng vào bờ. Ầm! Vẫn cứ kéo. Mất nửa thân người, thôi đành vứt lại. Có tiếng la kêu Mama nghe thảm thiết quá! Hãy đội nón vào. Máu tràn ngập, không cần biết. Phải cố lết để tiến vào bờ cát trước mặt. Một thằng nào đó bị đổ ruột, máu hoà lẫn với nước biển và cát. Kinh quá! Tiếng rên rỉ nài nỉ của kẻ bị thương, tiếng chưởi rủa, la hét của thằng quân y bất lực không cầm được máu cho người đồng đội. Moc-phin! Mocphin! Nó đi rồi. Đạn vẫn bay sàn sạt, rát cả mặt...

Thật khó mà mô tả cái đoạn phim đầy hình ảnh khốc liệt dài 25 phút bằng ngôn ngữ viết. Mọi người sẽ trách mắng tôi rằng đã làm một công việc ngu ngốc. Tôi biết điều đó, và xin hãy thông cảm khi tôi đã liều lĩnh cố thử làm ngược lại những gì mình đã chứng kiến nhưng không thể.
Ngôn ngữ viết không theo kịp những gì đã diễn ra trên màn ảnh. Không biết kịch bản về trường đoạn này được viết như thế nào, nhưng bản thân tôi nghĩ đây là một cảnh phim hoàn toàn không theo kịch bản. Steven Spielberg đã làm theo cách của ông.
Tất cả dường như là một sự mô tả chân thực quá khốc liệt! Tiếng la hét hoảng loạn, tiếng đạn rít liên hồi, âm thanh ì ầm của sóng biển, tiếng đạn pháo nổ, tiếng rì rầm của một câu kinh đọc vội, tiếng đạn bay vút, bay chéo kèm với những hình ảnh con người đổ vật xuống... Đó là một địa ngục.
Mọi chi tiết, những cảnh quay, đã cuốn hút, và thuyết phục người xem tin rằng những điều trên màn ảnh xảy ra là có thể. Một miếng kính, một con dao, một mẩu chewingum nhai dở, những bóng người ào ào vụt lên phía trước, những thân người ngã vật xuống một cách tức tưởi...tất cả đều được hoá giải trên màn ảnh mà người xem chấp nhận hết.

(Hình: Google)

Phải nói rằng, khi xem những bộ phim có những cảnh quay thuộc dạng "bom tấn" của Hollywood, nhiều người trong chúng ta thường trầm trồ và thán phục và vẫn còn tỉnh táo bật ra hai từ: Quá đã! Nhưng với cảnh quay trận đánh mở màn trong phim Giải cứu binh nhì Ryan, tôi nghĩ rằng người xem bị cuốn hút, bị kéo theo bởi những hình ảnh đã làm cho chúng ta căng thẳng. Nó làm cho bạn không còn kịp suy nghĩ gì hết. Tất cả đều như căng ra và bị dán chặt vào màn ảnh. Không một lời trầm trồ!
Có thể số lượng thuốc nổ, số lượng đạn trong phim này so với những phim của các đạo diễn khác là không bằng. Nhưng Steven Spielberg đã làm nên một trường đoạn phim quá khốc liệt vì chân thực, hoành tráng vì ấn tượng. Những cảnh quay "vô tiền khoáng hậu".

Hình ảnh Miller bị ù đặc, điếc ngớ giữa chiến trường làm tôi liên tưởng đến câu nói của ai đó cho rằng: im lặng là đỉnh cao của âm thanh. Anh đã vượt quá cái ngưỡng của sự hứng chịu những âm thanh náo loạn. Kết thúc trận đánh, người anh như đờ ra khi hờ hững nhìn Caparzo đùa giỡn với Mellish về con dao chiến lợi phẩm lấy được từ một xác lính của quân Đức. Quang cảnh yên tĩnh quá! Anh buột miệng nói với Horvath, như chính anh là người có lỗi giữa sự ngổn ngang, náo loạn, kinh hoàng mà anh và đồng đội vừa mới trải qua.
Bạn đã có khi nào rơi vào cảm giác hụt hẫng, hối tiếc như vừa mất đi một cái gì đó sau một biến cố tình cảm hay sự kiện nào đó chưa? Nếu có thì sẽ dễ dàng thông hiểu cho Miller nhiều hơn. Là một chỉ huy phụ trách một đơn vị trong đợt đổ bộ, anh đã tỉnh táo chỉ huy và cùng đồng đội đưa trận đánh đến thành công, nhưng anh cũng đã từng có những giây phút hoảng loạn. Anh vừa mới bước ra từ cái thế giới kinh hoàng đó. Tôi không biết vào lúc đó Miller và Horvath nghĩ gì, nhưng tôi tin rằng trong lòng họ đang có nhiều toang hoác và trống rỗng. Trống rỗng đến lạ thường.

Sự kiện lực lượng quân Mỹ đổ bộ vào bờ biển vùng Normandy đã đi vào bộ sử biên niên về chiến tranh của thế giới. Khi xem phim, chúng ta có một chút liên hệ về lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ hai, sẽ hiểu thêm về sự kiện được tái hiện và diễn ra trên màn ảnh có tầm quan trọng như thế nào. Vào thời điểm năm 1944, nước Pháp đã bị chiếm đóng hoàn toàn bởi quân Đức, toàn bộ Đông Âu cũng đang rên xiết dưới gót giày của quân phát xít. Thành trì nước Nga Sô-viết đang bị chọc thủng từng ngày...Hiểm hoạ phát xít đang ngày càng lan tràn từ nước Đức ở Tây Âu, liên minh với nước Ý xuống phía Nam Châu Âu, vùng Địa Trung Hải, mở rộng dần qua Đông Âu và phối hợp với nước Nhật ở Châu Á. Thế giới đang chuẩn bị xoá sổ.

Vào thời điểm đó, bốn bề, ba mặt đều có mặt quân phát xít. Phải mở một mặt trận mới ở phía Tây để nhằm phân tán và suy giảm lực lượng đối phương. Cần có một lực lượng ở bờ Tây để giải vây nhằm cứu vãn tình hình và tạo cơ hội phản công từ những tuyến phòng thủ còn lại ở bờ Đông xa xôi của nước Nga. Vì vậy, lực lượng quân viễn chinh Mỹ trong đó có đơn vị của Miller đang mang một trọng trách nặng nề: Đổ bộ vào nước Pháp để giải vây và cứu vãn thế giới!

Khi viết đến đây, tôi lại nhớ đến một sự kiện cũng quan trọng không kém đã được đưa lên màn bạc và tạo nên một trong những sự kiện xôn xao dân ghiền xi-nê VN trong thập niên 80. Cuộc họp thượng đỉnh của ba nhà lãnh đạo cao cấp phe đồng minh (Anh-Nga-Mỹ) bàn tình hình chống lại quân phát xít. Sự kiện đó xảy ra tại một địa điểm và có thời gian như tên gọi của bộ phim: Teheran 43. Một chi tiết khá thú vị mà tôi muốn kể cho các bạn rằng, vào thời gian đó khán giả VN (chủ yếu là dân miền Nam) đổ xô đi xem phim không phải vì sự kiện đặc biệt đó, mà vì có sự xuất hiện của nam tài tử nổi tiếng của phương Tây - Alain Delon. Người ta ùn ùn kéo nhau đến rạp để được xem lại hình ảnh thần tượng màn bạc của mình sau một thời gian dài vắng mặt, vì nền ĐA bao cấp và đóng cửa bởi xung đột chiến tranh lạnh và ý thức hệ.

Quay lại phim Giải cứu binh nhì: Đại uý Miller, Thượng sỹ Horvath, những người lính binh nhì dưới quyền của anh và nhiều người lính khác nữa trong quân đội viễn chinh Mỹ có mặt tại bờ biển Normandy hôm đó...Tất cả họ đến để làm một việc nhân đạo và cao cả: giải cứu cho những số phận, giải cứu danh dự của những con người đang bị giày xéo dưới gót giày của quân phát xít. Để hoàn thành nghĩa vụ đó, tất cả họ đã trải qua 25 phút kinh hoàng. Steven Spielberg đã đẩy tất cả họ đến bờ của địa ngục chiến tranh và thế rồi họ đã thành công. Họ đã phải trả một cái giá kinh khủng và đánh đổi những sự mất mát đến tận cùng để có được một khoảnh khắc yên tĩnh đến lạ thường bên bờ biển.

Hình ảnh Horvath vốc lấy nắm đất bỏ vào một hộp nhỏ được ghi tên nước Pháp đặt bên cạnh nước Ý, châu Phi... làm cho tôi liên tưởng đến số phận trôi nổi của một kẻ lữ hành thời chiến. Một hình ảnh đẹp, trân trọng và đáng ghi nhớ trong cuộc đời người lính. Có biết bao vùng đất mà người lính đã đi qua? Những vốc đất nhỏ nhoi trong mỗi chiếc hộp, đã đánh đổi biết bao nhiêu máu và nước mắt của những con người vừa ngã xuống. Cuộc đời họ không có gì ngoài những mảnh đất mà họ đã đến, chiến đấu rồi từ biệt ra đi. Những vốc đất mang theo bên mình, đó là những kỷ niệm vô giá. Những kỷ niệm đầy tự hào, những chiến công đầy lòng danh dự.

Cuộc đời người lính là một chuỗi dài thực thi nhiệm vụ. Có những công việc to lớn, cao cả cần họ ra tay và cũng có những công việc nhỏ nhoi, chán chường họ phải nhiệt tình tham dự. Tất cả đó là nhiệm vụ mà người lính phải hoàn thành. Miller và những đồng đội của anh đã bước đầu thành công với cuộc đổ bộ giải vây, lẽ ra họ tiếp tục thực thi nốt phần việc đầy tự hào, nhiều trọng trách trên một mặt trận mới mà họ là những người chủ nhân vừa mới mở. Tất cả đều dẹp lại hết, họ phải rẽ qua một hướng khác. Một mệnh lệnh mới được giao phó: Giải cứu một anh binh nhì nào đó tên Ryan, đang bị mắc kẹt ở một thị trấn, một ngôi làng xó xỉnh nào đó trong lòng nước Pháp. Vậy là họ lên đường.

Không ào ạt, không ồn ào, không hoành tráng. Cuộc kiếm tìm của họ vẫn chầm chậm trôi qua, tất cả tưởng như là một cuộc dạo chơi cho đến một ngày mưa tầm tã, ngày mà họ chứng kiến người đồng đội vui tính và có lòng yêu trẻ con tên là Adrian Caparzo ngã xuống vì một viên đạn bắn tỉa. Bực tức bởi vì một sự thiếu cẩn trọng không đáng trả giá cho một hy sinh, tất cả họ ý thức rằng hiểm nguy đang rình rập. Chào vĩnh biệt Caparzo, lá thư chiến thắng ở Normandy sẽ được đồng đội gửi về cho cha anh ở New York!

(Hình: Google)

Cặm cụi ngồi chép lại lá thư dính đầy máu của Caparzo, Irwin Wade, một người lính quân y xông xáo nhưng kiệm lời, đầy nhiệt tình nhưng lại có nhiều suy nghĩ tinh tế. Chiến tranh là một điều gì đó bất khả kháng đối với anh, Wade tỏ thái độ bất đồng khi đồng đội đang vô tư đùa giỡn với những tấm thẻ bài, nơi khắc ghi những sinh mệnh con người đã đổ máu mà anh chứng kiến qua mỗi lần xung trận. Irwin Wade, những gì anh nghe được qua những lời tâm sự của đồng đội tại ngôi nhà thờ đổ nát của buổi tối mưa hôm đó, đã mãi mãi theo anh nằm lại trên triền đồi ở một miền xa lạ nào đó ở nước Pháp xa xôi. Một loạt đạn oan nghiệt đã cắm phập vào người anh. Đồng đội, bạn bè của Wade đã lặng câm tiễn đưa anh trong nỗi lòng đau đớn.

Cuộc kiếm tìm tưởng như rơi vào đường tuyệt vọng. Nhầm lẫn lại nhầm lẫn và bế tắc. Mặt trận ngày một mở rộng dần. Đã là lính ai cũng háo hức chờ ngày xung trận. Vậy mà đơn vị của Miller vẫn lầm lũi bước đi. Anh muốn kết thúc cái nhiệm vụ chết tiệt này để sớm quay về đơn vị cũ. Vì chán ngán và cảm thấy vô vọng, một người lính từng trải như Miller lại chấp nhận một giải pháp dễ dãi, cầu may. Tìm kiếm hy vọng của mình giữa một đống thẻ bài. Mong một cái chết từ Ryan để báo cáo với cấp trên là anh đã hoàn thành nhiệm vụ. FUBAR! (Fucked Up Beyond All Recognition)

Không thể như vậy được! Vậy thì tìm Ryan ở đâu? Có ai biết Ryan ở đâu không? FUBAR! Anh lại la hét gọi tên Ryan giữa chốn ba quân, đặt lại hy vọng kiếm tìm ở những nơi vẫn còn sự sống. Ramelle, Ramelle, Ryan ở Minnesota hay ở Iowa? Những địa danh  đó với anh đã trở thành quan trọng.  Và kế tiếp những chuỗi ngày vô vị trôi qua, cho đến khi chứng kiến cái chết của Wade, nhóm quân mỏng manh của anh chỉ còn lại 6 người, sự rạn nứt đã dần đưa sự kiếm tìm đến bờ phá sản.
Có sự sống nào mà không đáng quý? Có tình cảm bà mẹ nào mà không trân trọng? Nhưng để có được không phải là điều đơn giản. Vậy tại sao phải tiếp tục sự đánh đổi???

Là một con người sống phải có lòng nhân, là một quân nhân thì nghĩa vụ phải làm tròn, là một thầy giáo nên mọi suy nghĩ đều hướng về điều tốt đẹp để sao cho lòng thanh thản... tất cả đã oằn xéo trong con người Miller và vắt kiệt anh rơi những giọt nước mắt nặng lòng. Miller, Horvath, Reiben... Hãy tiếp tục đứng lên hoàn thành nhiệm vụ vì danh dự.

Chắc hẳn có người xem phim đã khắt khe chỉ trích Steven Spielberg và nhóm làm phim đã đẩy câu chuyện theo xu hướng phô trương chủ nghĩa anh hùng, một phong cách thường thấy của Hollywood. Tại sao lại vì một anh Ryan vớ vẩn nào đó mà đẩy đưa số phận 8 con người buộc phải xông pha và hy sinh? Tất cả đều chết để vì một Ryan còn sống?... Các nhà làm phim Hollywood đã dựa vào tư liệu của một câu chuyện có thật, đồng thời căn cứ vào lịch sử một lá thư của Tổng thống Abraham Lincoln viết cho một bà mẹ có 5 người con chết trận thời nội chiến Bắc - Nam. Vậy là câu chuyện được họ làm cho thăng hoa. Và cái cách họ thêm thắt, dẫn dắt câu chuyện vào một tình huống thuyết phục và giải quyết rất hợp lý mà chúng ta dễ dàng chấp nhận. Phải cứu lấy Ryan, cứu lấy niềm hy vọng cuối cùng của một bà mẹ, và trên tất cả là danh dự của một quốc gia không thể đứng ngoài cuộc chiến.

Bản chất của chiến tranh là mất mát. Nhưng liệu chúng ta có nên nhân danh sự mất mát để đẩy tâm hồn của một bà mẹ đến tận cùng của bến bờ đau khổ? Vẫn biết rằng vết thương sẽ lành, nỗi đau sẽ nguôi ngoai. Nhưng một khi ý thức được sự cần thiết của việc bảo vệ niềm hy vọng cuối cùng, thì hãy hành động để niềm tin không rơi vào tàn lụi.

Miller và đồng đội của anh đã không chỉ bước ra từ sự kinh hoàng để cứu vãn thế giới tại bờ biển Normady, mà anh và cùng nhóm nhỏ 8 người kia đã vượt qua chính mình,để cứu lấy niềm hy vọng và ý nghĩa của chiến tranh mà họ là những người tham dự. Đến đây, bạn có thể nhìn câu chuyện ở góc độ nào cũng hợp lý. Cứu thế giới thoát khỏi hiểm hoạ phát xít, cứu lấy sinh mệnh của một con người, cũng là cứu lấy danh dự của bản thân mình, giữ lửa hy vọng cho một bà mẹ có nhiều mất mát ...Từ một anh lính binh nhì, mạng sống Ryan đã trở nên quý giá. Đó có thể là lý do tại sao Miller đã không thể để Ryan-binh-nhì rời nửa bước trong trận đánh sống còn bên bờ sông Merderet của thị trấn Ramelle.

(Hình: Google)

Toán quân biệt kích cùng Miller gặp được Ryan và những tưởng câu chuyện đi vào ngã ngũ. Họ có nhiệm vụ tìm anh và bảo toàn tính mạng đưa anh về nơi an toàn. Nhưng Ryan lại có nhiệm vụ của riêng mình khi bản thân anh cũng là một người lính. Tình huống phim đã rẽ chúng ta qua một chiều hướng khác. Im lặng nghe tin chẳng lành, rồi anh từ khước mọi mệnh lệnh từ Miller vì Ramelle đang cần anh có mặt.
Trong chiến tranh, chuyện phá đường, đánh sập cầu là điều bất khả kháng. Bởi vì đó là dấu hiệu của sự tháo chạy, cho dù được biện minh là rút lui. Chiếc cầu trên sông Merderet là biểu tượng của lòng danh dự mà Ryan và đồng đội của anh đã gìn giữ bấy lâu nay. Không đơn giản đành đoạn bỏ đi, khi ở đây cũng có tình anh em đồng đội. Miller, Horvath, Reiben và những đồng đội khác của anh như hiểu được tình hình, họ cảm thông với Ryan. Bởi làm lính chiến thì cần biết sống chết ở nơi đâu là mang nhiều ý nghĩa. Vậy là họ trở thành anh em cùng bên nhau chiến đấu.

Cái Đẹp cứu rỗi thế giới, hình như Dostoievski đã nói những lời đó trong tác phẩm của ông và tôi nghĩ rằng điều đó cũng là chân lý. Hình ảnh Urpham cùng đồng đội say sưa bên ca khúc "Tu es partout và C'etait une histoire d'amour" chính là những giây phút Đẹp hiếm hoi mà người lính quên đi chính mình là những kẻ sát nhân. Reiben, Ryan vui vẻ cùng đồng đội chuyện trò. Họ ôn lại những kỷ niệm đẹp ở quê hương đang chờ họ....
Trong chiến tranh, khoảnh khắc đáng nhớ nhất là sự yên tĩnh trước và sau trận đánh. Họ đã từng trải qua giây phút yên tĩnh bên bờ biển, khoảng lặng ám ảnh trong đêm mưa dưới nhà thờ, và bây giờ là giây phút bình yên trong thị trấn đổ nát Ramelle, cùng giọng hát lanh lảnh vút cao của Edith Piaf... Tất cả dường như bất động. Yên tĩnh đến lạnh lùng. Như báo hiệu một điều gì bất ổn.

Mỗi một trận đánh có một lối thể hiện khác nhau. Trận chiến tại Ramelle hôm nay quả là không cân sức.Từ tháp chuông trên đỉnh chót vót nhà thờ, anh lính sùng đạo Jackson ra hiệu báo tin về sự xuất hiện của quân thù như rung hồi chuông chiều báo tử. Một viên đạn, một lời kinh, tay thiện xạ bắn tỉa Jackson luôn là một cánh tay lợi hại của Miller trong mỗi lần tham chiến. Hình ảnh Jackson bắn đến từng viên đạn cuối cùng, và cuối cùng trở về với cát bụi cùng cái gác chuông nhà thờ đổ sập. Mỗi viên đạn của Jackson như chấm dứt một điều đến từ địa ngục, để cho anh và bạn bè anh thấy được nhau ở chốn thiên đường.

Trong toán quân biệt kích đi tìm Ryan của Miller, mỗi một anh lính đều có một số phận riêng, và đặc biệt hơn là mỗi người đều có riêng một phong cách. Mellish, một anh binh nhì người Do Thái, rất hoà đồng và gần gũi với mọi người. Được phân công chiến đấu với Urpham, anh cũng tận tình giúp đỡ người đồng đội chưa có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, anh là bạn thân của Caparzo - người tặng anh con dao khi hai người đang sát cánh bên nhau nơi bờ biển. Nhưng oái ăm thay, chính con dao chiến lợi phẩm oan nghiệt đó, đã kết liễu đời anh bởi một tên lính Đức căm ghét "Juden".

Tôi không biết mọi người nghĩ sao về anh lính Urpham, nhưng tôi lại có thiện cảm với nhân vật - mà bộ phim muốn đưa vào với nhiều ngụ ý. Chỉ xuất hiện thoáng qua trong trận đánh ở bờ biển Omaha, phần còn lại của phim thì nhân vật này như là một sợi dây xuyên suốt. Chiến tranh thế giới thứ hai đã tác động đến những nước tham gia hoặc không tham gia, và cũng kéo theo mọi người lao vào điều kinh khủng. Nếu như cuộc chiến này không xảy ra, thì những chàng trai như anh lính Urpham, đang ôm mộng trời xanh đâu đó trong giảng đường đại học.
Và bản chất chiến tranh luôn bị lợi dụng, cào bằng, thì sự xuất hiện những người lính như Urpham là điều cần thiết. Anh ngăn cản mọi người đừng quá cuồng điên khát máu, mà tỉnh trí nhìn vào cuộc chiến ở mỗi góc độ đúng sai. Anh an ủi khi đứa trẻ hoảng loạn, anh thân thiện với kẻ hàng binh, anh đau đớn kêu gọi Miller, mong hàn gắn những gì đang rạn nứt. Mỗi một hành động, hình ảnh của Urpham là một góc nhìn rất lạ khi ta nhìn vào cuộc chiến.

Có lẽ mọi người sẽ không đồng ý cùng tôi, và giận dữ không chấp nhận sự yếu đuối, hèn hạ đến vô lý trước hình ảnh co quắp và đầy sợ hãi của Urpham dưới chân cầu thang trong tiếng gào thét vật vã của Mellish bị đâm chết bởi tên lính Đức.

Urpham, anh hoàn toàn không phải là người lính! Anh là một phần hiện thân của cái Đẹp yếu đuối, anh là một phần tỉnh táo của lòng nhân, anh là sự vô lý mà chiến tranh đã đẩy con người vào đó.Và trên hết, anh là một giá trị về lòng danh dự khi không chấp nhận sự đê hèn của một kẻ tù binh phản bội.
Người ta bắn giết nhau, tàn sát nhau vì điều gì anh không biết. Còn với Urpham, cầm súng lên là tỉnh táo bắn vào cái mà anh cảm thấy không cần. Suốt cả chiều dài bộ phim, rất nhiều đạn được bắn ra từ nhiều người của hai bên bờ đối nghịch. Có những viên đạn vô tình, nên có những cái chết cũng rất vô tình. Có những loạt đạn hữu ý và cái chết trở nên anh hùng. Riêng viên đạn tỉnh táo của Urpham, như minh chứng cho sự tham gia cuộc chiến của anh và đồng đội của anh là không hoàn toàn vô nghĩa.

Trận đánh mở màn bên bờ biển tàn sát và khốc liệt biết bao nhiêu thì trận đánh bảo vệ chiếc cầu bên dòng sông Merderet ở Ramelle làm chúng ta thêm hồi hộp và căng thẳng. Duy trì sức kháng cự, bảo vệ được chiếc cầu, và hơn hết là bảo vệ tính mạng anh lính Ryan với một lực lượng quá mỏng quả là một vấn đề nan giải. Cũng tại trận đánh này, Steven Spielberg có cơ hội mô tả những chân dung còn lại của một đội quân quả cảm. Hình ảnh Mike Horvath tả xung hữu đột, chủ động ở mọi ngóc ngách tại các điểm phục kích, sử dụng đủ mọi loại vũ khí, và cuối cùng bực tức ném chiếc nón sắt còn lại trong tay mình vào phía quân thù, trước khi bị một loạt đạn bắn vào lưng. Mike căm hận ngã xuống khi hành trình những vốc đất của anh từ nay chấm dứt. Vĩnh biệt người lính dũng cảm, vĩnh biệt người bạn trung thành. Vĩnh biệt anh, Thượng sỹ Mike Horvath!

Không hoảng loạn như trận đánh ban đầu, không lo lắng như trên đoạn đường đi tìm Ryan bị rơi vào những lần phục kích. Ở trận đánh này, Đại uý John H. Miller trầm tĩnh đến lạ thường. Chủ động đánh lạc hướng giải vây cho đồng đội, phụ trách một vị trí xung yếu để bảo vệ chiếc cầu, anh cùng người đồng đội Reiben và anh lính Ryan, tất cả họ phải bảo vệ vị trí quan trọng này và hy vọng đến phút giây chiến thắng. Định mệnh đã giao cho anh trọng trách là bảo vệ danh dự. Cho đến lúc tưởng như hết khả năng chống trả, căng thẳng và kinh hoàng nhất khi thấy Mike ngã xuống, chứng kiến những mất mát mà anh và những đồng đội đã trải qua... trong trạng thái ù đặc và gần như tuyệt vọng, Miller cố với lấy cái bộ phận điều khiển để nhấn mìn hòng đánh sập chiếc cầu, "the Alamo" tuyến phòng thủ cuối cùng. Những viên đạn oan nghiệt của kẻ bại trận đã kết liễu đời anh. Miller ngã xuống và vẫn kịp nở nụ cười chiến thắng.
Chào từ biệt Đại uý John H. Miller, Ryan vẫn an toàn, chiếc cầu được bảo vệ, danh dự của người lính vẫn được giữ nguyên, lá thư chiến thắng của Caparzo thấm đầy máu dưới nét chữ của Wade đang còn ấm trong ngực anh, sẽ được Richard Reiben tiếp tục làm nhiệm vụ đưa anh lính Binh nhì Ryan cùng lá thư về nhà như một món quà chiến thắng.

Người lính trẻ Binh nhì Ryan bên chiếc cầu danh dự tại dòng sông Merderet của thị trấn Ramelle năm xưa nay cùng với gia đình 3 thế hệ quay lại bên bờ biển Normandy để thăm lại và tưởng nhớ những người ngã xuống. Những gì Đại uý Miller nhắn nhủ trước lúc hy sinh đã cho họ có cuộc sống của hôm nay. Các anh là những thiên thần. Họ đến đây xin trả nợ các anh, những người lính chiến đấu vì lòng danh dự.

Giải cứu Binh nhì Ryan, giải cứu Danh dự, giải cứu Niềm tin... cho dù mọi người xem phim và có những lời bình phẩm dưới góc độ khác nhau thế nào, nhưng tôi tin trong chúng ta có một suy nghĩ chung rằng: đây là một bộ phim về chiến tranh thực sự mang nhiều ý nghĩa.

15 comments:

  1. Nhắc bộ phim Saving Private Ryan làm nhớ hồi đi học ĐH, DQ cũng phải viết 1 bài bình luận về bộ phim này á. Giờ thì không nhớ rõ mình đã từng viết gì trong bài, chỉ nhớ là bài đó được gửi qua bên Hội Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ thôi. :) :)

    Phim này đúng là 1 phim về chiến tranh mang nhiều ý nghĩa thực sự cho Danh Dự, Tổ Quốc và Trách Nhiệm !!!

    ---
    Cám ơn bài viết này nha anh GX!

    ReplyDelete
  2. Bác Gác này:
    Tui bị 'warning' là bài viết dài rồi, mà vẫn đâm đầu vô đọc, phải ba bận tui mới đọc hết bài. Công nhận Bác Gác lựn phin đọc đã thiệt.

    Mà cái câu này tui không hiểu hết ý

    'Những cảnh quay "vô tiền khoáng hậu".'

    Bác Gác giải thích dùm tui nhen. Cảm ơn.

    ReplyDelete
  3. Báo nào mà chịu đăng bài bình luận phim dài dữ vậy trời :))

    ReplyDelete
  4. phim này N coi hơn chục lần . Beo coi cũng 5,6 lần mà mình chưa có coi nha. Thấy máu nhiều quá nên chưa coi đó.

    ReplyDelete
  5. Gác Xép đã coi qua phim "The longest day" chưa?

    ReplyDelete
  6. @DQ: Không có chi. :)

    @ChịBa: Người đọc thì đã, người viết thì mệt. Hehehe..

    @Cô giáo: Biết là ko báo nào đăng nên thôi ko quăng lên báo.

    @Mợ Lún: Coi đi, có đĩa gốc ở nhà mà không coi, tính mò lên yu túp há?

    @TrangVu: Cám ơn đã ghé. Chưa coi phim đó. TrangVu đề nghị vậy chắc là phim hay rồi. Bữa nào sẽ lùng về coi. Thanx.

    ReplyDelete
  7. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  8. - Gác Xép đừng khách sáo....
    - Nên xem lắm đó.
    - Nhân tiện, Gác Xép có biết những cái cọc thép (ở hình thứ 2 và thứ 4) người ta cắm trên bãi biển để làm gì không?

    ReplyDelete
  9. to GX: tối qua mới mò coi rồi nha. Hay.Xúc động nha. một chín một 10 với Full metal jacket. Ưà, băng gốc. N beo va Xeo lai mò vô coi chung thim lần nữa. Té ra con Xèo cũng coi rồi. Công nhận vưà coi vưà cảm nhận được luôn nha.

    to Trang Vu: mí cái cọc đó để stop tanks và war ship đap lên bờ í. Giống như Trần H Đaọ ngày xưa stop tụi quân Nguyên í.

    ReplyDelete
  10. "Thật khó mà mô tả cái đoạn phim đầy hình ảnh khốc liệt dài 25 phút bằng ngôn ngữ viết. Mọi người sẽ trách mắng tôi rằng đã làm một công việc ngu ngốc".

    Hên ,chứ không chắc còn hơn bi dài ra khúc nữa hả

    ReplyDelete
  11. Lún:
    Quánh nhau ác liệt vậy, máu me vậy mà cho con xèo coi luôn. Bà này đầu độc dâu tui quá nhen. Netflix có không? Tui về tui hi sinh một bữa tối coi thử coi ra sao.

    ReplyDelete
  12. @Lún: Cảm ơn đã trả lời giúp. Những cái cọc chắn (beach barrier) để chống sự đổ bộ của xe tăng từ các xà lan lớn.
    Hỏi Beo và BX khoái chú lính nào trong phim?

    @Chị BaĐậu: Coi đi, coi đi. Mặc dù phim rated R nhưng cũng nên để cho Ngô và Bí coi. Dặn dò trước là có cảnh violence để tránh hoảng sợ. Tụi nhỏ coi để hiểu biết thêm về lịch sử thế giới, về sự khủng khiếp của chiến tranh, về ý nghĩa của hòa bình... Có thể xem phim này giống như một phần tư liệu về WW2.

    Nhớ hỏi đánh giá cảm nhận sau khi coi phim. Vô hội xem phim gia đình có bình loạn chí chóe cho nó vui. Hihihi..

    ReplyDelete
  13. to Đậu: tụi nó coi lén với ông già nó từ hồi nào mình có biết đâu. Mình strict mấy vụ R movies lắm đó. Nhưng có vài film giá trị cũng nên cho tụi nó coi ( ko thì nó coi lén cũng như không , thà có mình ngồi đó chống nạnh chỉ huy ). Lún

    ReplyDelete
  14. Gác:
    Lại xúi bậy nữa. Con Bí mà coi film này, chắc nó mất ngủ nguyên tuần á. Nó là chúa sợ chết không nhớ à. Nên thôi, chắc mình lén coi mình ên. Check rồi, netflix có mà phải order, không có watch instant được. Mà mình thì không có kiên nhẫn chờ. Nên chắc mơi chạy ra red box coi có không mướn về coi luôn.

    Lún:
    Ừa, Đậu cũng strict mấy cái vụ này. PG-13 mà còn phải coi chung mới đặn. hic hic, mình chắc là mẹ mìn.

    ReplyDelete
  15. @Chị Ba: Vậy thì rủ em Ngô thử có đồng ý coi không? Không cho Bí coi mơi mốt nó complain ráng chịu.

    Dont strict quá mấy mẹ mìn. Đời cơ bản là ..cần dễ dãi chút, cho nó thoáng và mát cái đi... Hihihi

    ReplyDelete